Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Trẻ bị nheo mắt: Dấu hiệu bất thường cha mẹ cần cảnh giác

Ngày 31/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nháy mắt, nheo mắt ở trẻ nhỏ tưởng chừng là hành động hoàn toàn bình thường nhưng chúng cũng có thể là dấu hiệu bất thường về thị lực. Vậy tình trạng này báo hiệu điều gì và làm thế nào để nhận biết nó?

Đối với nhiều trẻ, nheo mắt giúp dễ dàng nhìn thấy các vật ở xa hoặc gần so với tầm mắt. Tuy nhiên, đây là hành động cảnh báo các vấn đề về mắt cần được kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt.

Phân biệt hành động nheo mắt bình thường và bất thường ở trẻ

Nheo mắt là biểu hiện bình thường của cơ thể nhưng trong nhiều trường hợp, nó cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang bị tổn thương ở mắt mà cha mẹ không nhận ra.

tre-bi-nheo-mat-dau-hieu-bat-thuong-cha-me-can-canh-giac 1.jpeg
Nheo mắt ở trẻ nhỏ là biểu hiện bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu bất thường về thị lực

Trẻ nheo mắt do phản xạ bình thường

Giống như người lớn, trẻ em cũng có phản xạ nheo mắt khi muốn nhìn rõ hơn một vật ở quá xa hoặc quá gần. Hành động này làm thay đổi hình dạng của mắt, giúp hình ảnh của vật di chuyển chính xác vào các tế bào hình nón trong võng mạc. Nhờ vậy, mắt trẻ có thể nhìn rõ các vật hơn.

Ngoài ra, nheo mắt cũng có thể là sự trêu đùa của trẻ hoặc bắt chước hành động của người lớn.

Tất cả những nguyên nhân gây nheo mắt ở trẻ nêu trên đều không có gì đáng lo ngại nếu chỉ là tần suất bình thường, các bậc phụ huynh có thể yên tâm nhé.

Bệnh lý về mắt cũng là nguyên nhân gây tình trạng nheo mắt ở trẻ

Ngược lại với những nguyên nhân trên, nheo mắt ở trẻ báo hiệu sự bất thường khi trẻ có xu hướng nheo mắt thường xuyên và liên tục khi nhìn vào một vật thể nào đó, ngay cả những vật thể trong phạm vi bình thường. Đặc biệt nếu con bạn bị nheo mắt kèm theo các triệu chứng sau: Trẻ thường xuyên đưa tay dụi mắt, chớp mắt liên tục hơn 12 lần/phút hoặc trẻ có xu hướng kéo đồ vật lại gần để nhìn rõ…

Tất cả những dấu hiệu trên chính là cảnh báo về vấn đề về thị lực ở trẻ.

Các vấn đề về thị lực đằng sau biểu hiện nheo mắt ở trẻ em

Các chuyên gia về mắt cho biết nheo mắt ở trẻ em có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh về mắt. Dưới đây là một số bệnh thường gặp cha mẹ cần lưu ý:

Tật khúc xạ

Trẻ thường nheo mắt, chớp mắt có thể do các tật khúc xạ như viễn thị, cận thị, loạn thị… Lúc này thị lực của mắt kém hoặc mắt phải làm việc quá tải, cần tiết nước mắt hoặc cần co thắt cơ mi để nhìn rõ hơn thì trẻ sẽ nheo mắt lại. Ngoài ra, tật khúc xạ còn có thể khiến trẻ gặp khó khăn trong việc nhìn rõ nên trẻ thường phải nheo mắt và di chuyển lại gần các vật thể để nhìn rõ hơn.

tre-bi-nheo-mat-dau-hieu-bat-thuong-cha-me-can-canh-giac 2.png
Trẻ thường nheo mắt, chớp mắt có thể do các tật khúc xạ

Viêm kết mạc

Trẻ bị viêm kết mạc thường nheo mắt, dụi mắt vì cảm thấy ngứa hoặc có vật gì đó dính vào mắt. Hành động này trẻ thường lặp đi lặp lại nhiều lần cũng là do bị viêm gây ngứa, khô mắt, mắt nhìn mờ.

Mắt lác

Trẻ bị mắt lác thường không nhìn thẳng mà nhìn theo nhiều hướng khác nhau. Mắt lác xảy ra khi có sự mất cân bằng trong sự phối hợp giữa các cơ vận nhãn. Những trẻ nheo mắt liên tục có nguy cơ bị lác thường là trẻ mắc bệnh khúc xạ, nhược thị, sinh non, não úng thủy hoặc có tiền sử gia đình bị mắt lác…

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ nheo mắt liên tục?

Ngoài sự phát triển về tinh thần và thể chất, quá trình hình thành thị giác cũng đóng vai trò rất quan trọng, bởi trong những năm đầu đời, 80% việc học của trẻ được thực hiện thông qua quan sát. Nếu cha mẹ không phát hiện ra tật nheo mắt thường xuyên là dấu hiệu của bệnh lý càng sớm càng tốt thì sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng để điều trị thị lực cho trẻ, từ đó ảnh hưởng đến tương lai của con.

Trẻ bị cận thị khi đi học khó nhìn ở khoảng cách xa, trẻ viễn thị khó nhìn gần, trẻ loạn thị hoặc nhược thị khó nhận biết chính xác hình dạng đồ vật hoặc phối hợp tay mắt kém.

Bản thân trẻ em còn rất nhỏ, khi nheo mắt hay mắt có bất thường gì, trẻ không thể bày tỏ rõ ràng tình trạng của mình với cha mẹ và không thể biết thế nào là mờ hay rõ. Vì vậy, việc theo dõi trẻ để phát hiện các vấn đề về mắt phụ thuộc phần lớn vào người chăm sóc trẻ hàng ngày là cha mẹ.

Nếu chưa biết thường xuyên nheo mắt là bệnh gì mà thấy hiện tượng này ở trẻ thì cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được bác sĩ khám, chẩn đoán chính xác bệnh về mắt và có biện pháp khắc phục kịp thời. Nếu chủ quan để tình trạng này kéo dài, trẻ dễ mắc tật khúc xạ, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập hàng ngày.

tre-bi-nheo-mat-dau-hieu-bat-thuong-cha-me-can-canh-giac 3.jpg
Cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế chuyên khoa mắt để khám khi trẻ thường xuyên nheo mắt

Để ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của tật khúc xạ ở mắt trẻ, cha mẹ cũng nên:

  • Đảm bảo phòng học của con bạn có đủ ánh sáng. Ánh sáng cần được phân bổ đều và cường độ không gây lóa mắt.
  • Trẻ nên đọc tài liệu, sách có chất liệu không quá bóng để tránh bị lóa mắt, chữ in cần rõ ràng.
  • Nếu con bạn bị cận thị, hãy nói chuyện với giáo viên để con bạn được ưu tiên ngồi gần bảng.
  • Cha mẹ cần tránh để mắt trẻ làm việc liên tục nhiều giờ liền. Khi trẻ học bài, mỗi giờ nên cho mắt nghỉ ngơi 5 đến 10 phút bằng cách nhìn đi ra xa hoặc nhắm mắt lại.
  • Trẻ không nên nhìn màn hình máy tính quá nhiều hoặc đọc sách trong bóng tối.
  • Cần duy trì khoảng cách thích hợp giữa mắt trẻ và sách khoảng 30 đến 40 cm.
  • Ngày nghỉ nên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc thể thao để mắt có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi.
  • Bổ sung cho trẻ vitamin E, C, B, A định kỳ.
  • Trẻ cần ngủ đủ giấc để mắt có thời gian nghỉ ngơi.
  • Xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều rau củ quả, bổ sung vitamin A, ăn cá hồi, cá ngừ và dầu thực vật để tăng cường bổ sung omega-3 tốt cho mắt và trí não…
  • Nếu trẻ mắc tật khúc xạ, cha mẹ nên cho trẻ đi khám định kỳ để theo dõi và ngăn ngừa các bất thường về mắt.
tre-bi-nheo-mat-dau-hieu-bat-thuong-cha-me-can-canh-giac.jpg
Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A giúp tăng cường sức khỏe đôi mắt của trẻ

Hy vọng những chia sẻ trên đây về nheo mắt liên tục là dấu hiệu bệnh gì có thể là thông tin tham khảo hữu ích cho các bậc phụ huynh khi chăm sóc con mình. Các bác sĩ nhãn khoa cũng khuyến cáo, từ 3 đến 6 tuổi, bất kể trẻ có dấu hiệu bất thường về mắt hay không, cha mẹ nên cho trẻ khám sàng lọc các bệnh về mắt để phát hiện sớm và điều trị sớm hoặc tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ trước khi đến trường.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm