Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Trẻ bị sún răng, ba mẹ nên làm gì?

Ngày 10/09/2024
Kích thước chữ

Trẻ bị sún răng là tình trạng phổ biến ở trẻ trong giai đoạn 1 đến 3 tuổi. Tình trạng này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn khiến trẻ gặp khó khăn, bất tiện trong ăn uống hàng ngày. Vậy ba mẹ nên làm gì khi trẻ bị sún răng?

Răng sữa là răng trẻ em hoặc răng nguyên thủy xuất hiện khi trẻ từ khoảng 6 tháng trở lên. Thông thường, trẻ sẽ có tổng cộng 20 chiếc răng sữa. Đến khi trẻ khoảng 6 tuổi, những chiếc răng trưởng thành sẽ dần xuất hiện thay thế cho răng sữa và trở thành răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp trẻ bị sâu răng, sún răng sữa ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai và gây ra một số vấn đề sức khỏe răng miệng. Trong đó, trẻ bị sún răng là tình trạng khá phổ biến hiện nay.

Dấu hiệu và nguyên nhân trẻ bị sún răng

Răng sữa có cấu tạo tương tự răng trưởng thành với lớp vỏ cứng bên ngoài, men răng và ngà răng. Tuy nhiên, lớp men và ngà răng sữa tương đối mỏng, mức độ canxi hóa thấp và khá nhạy cảm nên rất dễ bị tổn thương và sâu răng. Tình trạng men răng bị tổn thương sẽ khiến răng của trẻ dần bị mủn và tiêu đi, đây chính là hiện tượng sún răng ở trẻ em.

Trẻ bị sún răng, ba mẹ nên làm gì? 1
Sún răng gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng chức năng ăn nhai

Sún răng thường gặp ở trẻ từ 1 đến 3 tuổi. Mặc dù không gây đau nhức như sâu răng nhưng phần bị sún răng thường có diện tích rộng và có khả năng lan truyền nhanh chóng sang các răng khác nếu không được xử trí đúng cách. Đặc biệt, sún răng thường xảy ra ở răng cửa ảnh hưởng tới chức năng nhai nuốt và giao tiếp của trẻ.

Ba mẹ có thể nhận diện trẻ bị sún răng qua các dấu hiệu như:

  • Răng bị mủn, ố vàng, xỉn màu;
  • Bề mặt răng dần đổi màu theo thời gian;
  • Lớp men răng bị ăn mòn làm lộ lớp ngà răng;
  • Trẻ cảm thấy đau nhức khi ăn;
  • Thế tích răng mòn dần và ngày càng nhỏ lại đến tận chân răng.

Trẻ bị sún răng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, xác định rõ nguyên nhân khiến trẻ bị sún răng sẽ giúp việc xử trí hiệu quả hơn. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng sún răng ở trẻ:

  • Trẻ bị thiểu sản men răng do sinh non, thiếu canxi, lạm dụng kháng sinh, ăn nhiều thực phẩm phá hủy men răng.
  • Trong thời gian mang thai, người mẹ dùng thuốc kháng sinh ảnh hưởng đến độ cứng và chất lượng men răng của thai nhi.
  • Trẻ bị bệnh vàng da sơ sinh.
  • Chế độ dinh dưỡng thiếu canxi và flour.
  • Trẻ thường xuyên ăn những bánh kẹo, đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều đường, đồ uống có ga, đồ uống có màu, uống sữa vào ban đêm nhưng không vệ sinh răng miệng sạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây sâu răng.
  • Chăm sóc răng miệng cho trẻ không đúng cách.
Trẻ bị sún răng, ba mẹ nên làm gì? 2
Trẻ ăn nhiều đồ ngọt có nguy cơ bị sún răng cao

Trẻ bị sún răng có nguy hiểm không?

Nhiều ba mẹ cho răng trẻ bị sún răng là tình trạng bình thường không có gì đáng lo. Tuy nhiên, tình trạng sún răng nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, điển hình như:

  • Ảnh hưởng đến khả năng ăn uống, phát âm: Răng bị sún nặng khiến trẻ gặp khó khăn khi nhai, thậm chí gây đau nhức khi ăn. Bên cạnh đó, sún răng còn ảnh hưởng đến khả năng phát âm của trẻ.
  • Ảnh hưởng đến thẩm mỹ: Trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ khi cưới nói, thậm chí bị chọc ghẹo tạo nên tâm lý e ngại khi giao tiếp. Ngoài ra, những chiếc răng sữa chính là nền tảng cho răng vĩnh viễn. Nếu răng sữa bị sún, răng vĩnh viễn mọc lên có thể bị lệch, lộn xộn rất mất thẩm mỹ và tốn kém khi thực hiện chỉnh nha.
  • Nguy cơ mắc bệnh lý răng miệng: Trẻ bị sún răng có nguy cơ bị sâu răng cao hơn nhiều khi trưởng thành. Ngoài ra, tình trạng sún răng có thể biến chứng áp xe, nhiễm trùng rất nguy hiểm.

Ba mẹ nên làm gì khi trẻ bị sún răng?

Xử trí tại nhà

Khi phát hiện trẻ bị sún răng sữa ở mức độ nhẹ, ba mẹ nên vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng cách bằng bàn chải lông mềm và kem đánh răng có flour (với trẻ trên 2 tuổi) ít nhất 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Sau khi đánh răng, hãy dùng nước muối sinh lý để súc miệng nhằm làm sạch khoang miệng và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây sâu răng, sún răng.

Trẻ bị sún răng, ba mẹ nên làm gì? 3
Đánh răng đúng cách và sử dụng nước muối sinh lý mỗi ngày giúp ngăn chặn sún răng tiến triển

Bên cạnh đó, ba mẹ cần tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi và flour tốt cho hàm răng của trẻ như cá biển, trứng, sữa tươi, gan động vật,... Đặc biệt, nên hạn chế các loại thực phẩm không tốt như nước ngọt, bánh kẹo, đồ uống có ga,... Các thói quen xấu như uống sữa ban đêm, cắn vật cứng cũng cần được loại bỏ.

Cho trẻ đi khám và can thiệp nha khoa

Bên cạnh việc áp dụng biện pháp xử trí tại nhà, ba mẹ cần cho trẻ đi khám để bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng sún răng hiện tại. Từ đó bác sĩ sẽ tư vấn cách xử trí phù hợp nhất. Một số giải pháp can thiệp nha khoa khi trẻ bị sún răng như trám răng, nhổ bỏ răng sữa

Tóm lại, trẻ bị sún răng là tình trạng phổ biến nhưng hoàn toàn có thể xử trí triệt để nếu được xử trí đúng cách. Chính vì thế, ba mẹ cần chú ý chăm sóc và theo dõi sức khỏe răng miệng của trẻ, đồng thời nên đưa trẻ khám nha khoa định kỳ 3 - 6 tháng/lần. Việc này sẽ giúp sớm bác sĩ phát hiện bệnh lý răng miệng ở trẻ, tránh ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn khi trưởng thành.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin