Trẻ em ăn lươn có tốt không? Một số lưu ý khi cho trẻ ăn lươn
Ngày 20/06/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Lươn được nhiều người chế biến thành các món ăn ngon và thường dành cho người bị ốm, trẻ em hay người đang mang thai. Vậy trẻ em ăn lươn có tốt không? Ăn sao cho khoa học? Tất cả sẽ được bật mí ở bài viết dưới.
Lươn thực tế là loại cá thích sống trong ao, mương, ruộng lúa và được người Việt yêu thích. Điển hình là món cháo lươn được các mẹ bỉm truyền tai nhau nên bổ sung cho con để bé lớn nhanh. Vậy thực tế trẻ em ăn lươn có tốt không? Ăn như thế nào và có lưu ý gì khi ăn? Phụ huynh nên lưu tâm và dành thời gian để đọc bài viết sau.
Dinh dưỡng trong thịt lươn
Lươn có hình hài khá giống với loài rắn và chúng thường có thói quen chui xuống bùn. Vậy nên có thể thấy loại lươn đồng khá phổ biến ở vùng nông thôn và ngược lại tại thành phố sẽ dễ dàng mua được lươn nuôi. Dưới góc nhìn y học, lươn có hàm lượng protein cao gần như bằng thịt bò.
Đặc biệt trong thịt lươn giàu khoáng chất và vitamin như sắt, canxi, phốt pho, vitamin A, vitamin B. Vậy nên những ai có vấn đề về xương khớp, thiếu máu thì lươn chính là thực phẩm đáng để bổ sung trong chế độ ăn uống hằng ngày. Ngoài ra thịt lươn chứa ít chất béo bão hoà, giàu Omega 3, Omega 6 nên ăn chúng thường xuyên sẽ tốt cho tim mạch hay làn da.
Trước khi tìm hiểu trẻ em ăn lươn có tốt không, ta cùng tìm hiểu về góc nhìn của y học cổ truyền về loại thực phẩm này. Trong Đông Y, lương y đánh giá thịt lươn có vị ngọt, mang tính ấm, từ đó có tác dụng bồi bổ khí huyết. Đặc biệt nếu chị em quan tâm đến cách chăm da, tóc theo phương pháp Đông Y, ăn lươn kết hợp các loại nguyên liệu như kỷ tử, táo đỏ, gừng thực sự là cách làm đẹp từ bên trong bền vững.
Vậy có thể khẳng định nếu biết cách bổ sung lươn vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày một cách khoa học thì chúng là “thần dược” cho hệ miễn dịch và sức khoẻ tổng thể. Không riêng gì người ốm, trẻ em hay người già, đối tượng nào cũng nên ăn lươn bởi đây là loại thịt giàu dinh dưỡng.
Trẻ em ăn lươn có tốt không?
Với 100 gam thịt lươn nạp vào mỗi ngày đồng nghĩa với việc bạn được cung cấp khoảng 12 gam protein, 25 gam chất béo, 280 calo cùng nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Việc trẻ ăn lươn được khuyến khích bởi đây là thực phẩm giúp cải thiện cơ bắp, xây dựng các tế máu trong cơ thể. Trong những năm đầu của trẻ, từ 1 đến 5 tuổi, trẻ ăn lươn thường xuyên giúp bé phát triển xương khớp, sở hữu đôi mắt tinh anh và hỗ trợ tăng sức đề kháng.
Vậy rõ ràng ăn lươn rất tốt nếu bạn biết bổ sung cho bé một lượng phù hợp. Không nên “mù quáng” cho trẻ ăn nhiều lươn chỉ vì nghe đây là thực phẩm dinh dưỡng, chế độ phù hợp nhất là mỗi tuần cho bé ăn 2 lần cháo lươn.
Đặc biệt bởi lươn sống trong môi trường bùn lầy nên phải chế biến chúng thật cẩn thận để hạn chế nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Một mẹo chế biến lươn phụ huynh nên nắm là dùng thêm muối và dấm để sơ chế lươn sạch sẽ hơn. Cần lọc bỏ phần xương và ruột lươn bằng cách luộc chín chúng. Nếu bé ăn được nghệ, hãy thêm gia vị này vào để chế biến lươn thêm thơm ngon.
Những lưu ý khi ăn lươn
Sau khi giải đáp thắc mắc trẻ em ăn lươn có tốt không, ta cùng tìm hiểu về những lưu ý khi ăn loại thịt này: Đầu tiên huyết lươn có độc tuy nhiên may mắn thay loại độc này có thể bị phân huỷ bởi nhiệt độ cao. Vậy cần lưu ý nấu chín chúng và sơ chế sạch sẽ nhất. Hậu quả của việc ăn nhầm máu lươn là chúng kích thích niêm mạc miệng, đường tiêu hoá cũng như làm hệ thần kinh bị tổn thương, đặc biệt là khi ăn lươn sống.
Trong quá trình mua lươn, bạn tuyệt đối không mua lươn đã chết và bị ươn. Bản chất thịt lươn giàu protein và khi lươn chết thì hợp chất Histidine sẽ bị nhiễm khuẩn, chuyển chúng thành chất độc Histamine gây dị ứng miễn dịch cho con người.
Như đã đề cập, không chỉ trẻ em ăn lươn tốt mà người trưởng thành vẫn có thể ăn thực phẩm này, đặc biệt là lúc cơ thể đang gặp vấn đề về hệ miễn dịch. Nhưng không phải ai cũng phù hợp để ăn thịt lươn. Cụ thể là nhóm người sau:
Người mắc bệnh gout: Lươn giàu đạm nên thực phẩm này nằm trong danh sách đen của bệnh nhân bởi chúng sẽ khiến các cơn đau nặng nề hơn.
Người mỡ máu cao: Tuy thịt lươn ít chất béo xấu nhưng người Việt có xu hướng chế biến lươn hấp dẫn với nhiều gia vị, dầu mỡ. Người mỡ máu cao không nên ăn dạng thực phẩm này mà nên ưu tiên chế biến lươn bằng cách hấp, luộc, nấu cháo.
Ngoài ra trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn cháo lươn. Tác dụng của lươn với trẻ nhỏ là tốt nhưng vẫn chứa nguy cơ tiềm ẩn. Bởi ký sinh trùng có trong lươn là điều mà chúng ta không thể kiểm soát và không nhận ra bằng mắt thường. Tốt nhất chỉ cho bé ăn cháo lươn khi hệ tiêu hoá ổn định, không hề bị dị ứng khi ăn thịt. Với bé lần đầu ăn lươn thì có thể cho bé ăn số lượng ít trước để xem bé có biểu hiện gì bất thường không.
Trên đây là những chia sẻ về trẻ em ăn lươn có tốt không. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn hiểu hơn về loại thịt này và biết cách ăn cho khoa học để đảm bảo cơ thể hấp thu tốt chất dinh dưỡng.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.