Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

U tuyến giáp lành tính có nên mổ không? Phương pháp khác giúp xử trí khối u

Ngày 20/07/2023
Kích thước chữ

Một trong những biện pháp điều trị u tuyến giáp đó là phẫu thuật tuyến giáp. Tuy nhiên, người bị u tuyến giáp lành tính có nên mổ không? Nhiều người quan tâm về phương pháp khác ngoài phẫu thuật. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu cách xử trí hiệu quả khối u nhé!

Trong nhiều trường hợp, đặc biệt với khối u tuyến giáp lớn, gây ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của người bệnh thì phẫu thuật được coi là biện pháp tối ưu. Vậy u tuyến giáp lành tính có nên mổ không? Hiện nay, có rất nhiều phương pháp mới hiện đại hơn giúp xử trí khối u mà không cần mổ. Điều này cũng giúp người bệnh tránh được nhiều rủi ro hậu phẫu như nhiễm trùng, chảy máu vết mổ hoặc mắc suy giáp sau phẫu thuật.

U tuyến giáp lành tính là gì?

U tuyến giáp lành tính, hay còn gọi là thyroid adenoma, là một khối u tuyến giáp không lan rộng sang vùng lân cận, từ đó ít gây hại đến sức khỏe. Khối u giáp thường xuất phát từ tế bào của tuyến, có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai thùy tuyến giáp.

Điều đáng lưu ý là u tuyến giáp lành tính thường nhỏ, không gây ra triệu chứng, bởi vậy mà khó chẩn đoán, thường được phát hiện vô tình trong quá trình thăm dò hình ảnh kiểm tra tuyến giáp. Tuy nhiên, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng bất thường như:

  • Cảm giác nặng, đau vùng cổ: Khi u giáp tăng kích thước, nó có thể chèn ép lên các cơ quan cùng dây thần kinh trong vùng cổ, gây ra cảm giác đau nhức, không thoải mái.
  • Khó nuốt: Khi u lớn hơn sẽ gây khó khăn khi nuốt thức ăn, nước uống.
  • Thay đổi âm giọng: U tuyến giáp lớn có thể tạo áp lực lên dây thanh quản, gây ra thay đổi âm giọng như thanh âm trầm hơn hay bị khàn.

Để chẩn đoán u tuyến giáp lành tính, các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm tuyến giáp, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được sử dụng. Nếu cần, bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm chức năng tuyến giáp để kiểm tra sự ảnh hưởng của khối u đến hoạt động tuyến giáp.

Vậy u tuyến giáp lành tính có nên mổ không? Điều trị khối u lành tính thường là theo dõi định kỳ. Nếu khối u không gây ra triệu chứng, không phát triển nhanh chóng thì có thể không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, nếu u tuyến giáp lớn, gây khó chịu cho người bệnh, bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật để loại bỏ khối u.

U tuyến giáp lành tính có nên mổ không? Phương pháp khác giúp xử trí khối u 1
Khó nuốt là biểu hiện của khối u tuyến giáp

U tuyến giáp lành tính có nên mổ không?

Câu hỏi u tuyến giáp lành tính có nên mổ không là một quyết định cần được đưa ra dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm kích thước, triệu chứng cũng như tính chất của u tuyến giáp, kết hợp với kết quả kiểm tra chức năng giáp, ý kiến ​​của bác sĩ chuyên khoa. Dưới đây là một số yếu tố cần xem xét, cụ thể:

  • Kích thước khối u: Nếu u tuyến giáp lành tính nhỏ, không gây ra triệu chứng khó chịu hoặc chèn ép lên các cơ và cấu trúc xung quanh, việc mổ có thể không cần thiết. Tuy nhiên, nếu u lớn, gây ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, nuốt, thay đổi giọng nói, việc mổ có thể được xem xét.
  • Kiểm tra chức năng giáp: Kiểm tra chức năng tuyến giáp bằng cách đo lượng hormone trong máu có thể cung cấp thông tin về tính chất của u tuyến giáp. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy tình trạng chức năng không ổn định, có biểu hiện suy giảm chức năng, việc mổ có thể được chỉ định để điều chỉnh tình trạng này.
  • Đánh giá nguy cơ ác tính: Một số u tuyến giáp lành tính có khả năng phát triển tiềm ẩn thành ung thư tuyến giáp trong tương lai. Trong những trường hợp này, việc mổ có thể được xem như một biện pháp phòng ngừa bệnh lý ác tính đe dọa người bệnh.

Quan trọng nhất, quyết định u tuyến giáp lành tính có cần mổ không phải được đưa ra dựa trên chỉ định, đánh giá của bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ đánh giá kỹ lưỡng tình trạng của u tuyến giáp, triệu chứng và chức năng giáp, lắng nghe ý kiến ​​của bệnh nhân trước khi đưa ra quyết định phù hợp.

U tuyến giáp lành tính có nên mổ không? Phương pháp khác giúp xử trí khối u 2
U tuyến giáp lành tính có nên mổ không phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Nguy cơ sau phẫu thuật u tuyến giáp

Phẫu thuật u tuyến giáp lành tính là phương pháp điều trị khá phổ biến, thường an toàn nếu được thực hiện bởi chuyên gia. Tuy nhiên, như bất kỳ quá trình phẫu thuật nào, có những nguy cơ và biến chứng có thể xảy ra. Dưới đây là một số rủi ro mà người bệnh có thể gặp phải sau phẫu thuật tuyến giáp, bao gồm:

  • Rối loạn chức năng giáp: Phẫu thuật u tuyến giáp có thể gây suy giảm hoặc tăng chức năng tuyến giáp. Mổ u tuyến giáp lành tính, đặc biệt là khi gỡ bỏ một khối u lớn thì cắt tuyến giáp có thể làm giảm chức năng tiết hormone, dẫn đến tình trạng suy giáp (hypothyroidism). Đối với những người đã có tình trạng chức năng giáp không ổn định trước phẫu thuật, việc cân nhắc và theo dõi chặt chẽ sau phẫu thuật rất cần thiết.
  • Chấn thương dây thần kinh lân cận: Trong quá trình phẫu thuật, người bệnh có nguy tổn thương dây thần kinh lân cận u tuyến giáp, gây ra các triệu chứng như giọng nói khàn, suy giảm cảm giác hoặc rối loạn vận động dây thần kinh.
  • Chảy máu: Chảy máu sau phẫu thuật u tuyến giáp là một nguy cơ có thể xảy ra. Bởi vậy, bệnh nhân cần được theo dõi cẩn thận các chỉ số sinh tồn, đặc biệt là mạch, huyết áp sau mổ.
  • Nhiễm trùng: Một nguy cơ khác sau phẫu thuật u tuyến giáp lành tính là nhiễm trùng. Mặc dù các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng được thực hiện trong quá trình phẫu thuật, nhưng nếu nhiễm trùng xảy ra, nó có thể gây ra viêm nhiễm, tiến triển các biến chứng liên quan.

Mặc dù có những nguy cơ này, phẫu thuật u tuyến giáp lành tính thường được thực hiện an toàn, đem lại lợi ích điều trị cho đa số bệnh nhân. Trước khi quyết định phẫu thuật, bác sĩ sẽ đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố rủi ro, đồng thời thảo luận với bệnh nhân để đưa ra quyết định phù hợp.

U tuyến giáp lành tính có nên mổ không? Phương pháp khác giúp xử trí khối u 3
Suy giáp là tình trạng thường gặp sau phẫu thuật tuyến giáp

Phương pháp điều trị u tuyến giáp lành tính khác

Ngoài thắc mắc rằng u tuyến giáp lành tính có nên mổ không thì nhiều người cũng quan tâm về các biện pháp chữa trị khác. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị khác được sử dụng để quản lý, kiểm soát khối u lành tính. Dưới đây là một số biện pháp chữa trị phổ biến, bao gồm:

  • Quan sát, theo dõi: Trong một số trường hợp, khi u tuyến giáp lành tính không gây triệu chứng, có kích thước nhỏ, bác sĩ có thể quyết định quan sát, theo dõi thay vì điều trị ngay lập tức. Bác sĩ sẽ theo dõi kích thước và chức năng của u tuyến giáp thông qua siêu âm, xét nghiệm máu để đảm bảo không có vấn đề bất thường hoặc triệu chứng mới xuất hiện.
  • Đốt khối u bằng sóng cao tần: Kỹ thuật được sử dụng là dùng dòng điện xoay chiều tần số cao tiêu diệt khối u. Bác sĩ chỉ cần dùng kim chọc rất nhỏ tại vị trí khối u, bởi vậy mà nguy cơ biến chứng rất thấp so với phương pháp mổ.

Bởi vậy, nếu bạn có băn khoăn u tuyến giáp lành tính có phải mổ không thì câu trả lời còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Quyết định về phương pháp điều trị u tuyến giáp lành tính nên được đưa ra dựa trên sự đánh giá kỹ lưỡng của bác sĩ chuyên khoa.

Mục tiêu điều trị là kiểm soát kích thước khối u, chức năng của tuyến giáp, giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Nhà thuốc Long Châu xin giải đáp thắc mắc về câu hỏi “U tuyến giáp lành tính có nên mổ không?”. Với bài viết về u tuyến giáp lành tính bao gồm rủi ro hậu phẫu cũng như phương pháp khác giúp điều trị u tuyến giáp, mong quý độc giả đã có được câu trả lời cho bản thân. Hãy tiếp tục đón xem những bài viết với nhiều chủ đề sức khỏe đa dạng của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Xem thêm:

U tuyến giáp lành tính có chuyển thành ác tính không?

U tuyến giáp lành tính kiêng ăn gì?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin