Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ứng dụng bơm surfactant điều trị bệnh màng trong cho trẻ sơ sinh

Ngày 23/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Không đủ surfactant tiên phát là một trong những nguyên nhân dẫn bệnh màng trong gây suy hô hấp ở trẻ. Biện pháp bơm surfactant hiện tại đang được ưu tiên sử dụng vì ít xâm lấn đến trẻ. Hãy cùng Long Châu tìm hiểu về căn bệnh màng trong cũng như là nguyên nhân của bệnh, bên cạnh đó chia sẻ về những điều cần biết khi bơm surfactant, tác dụng phụ của liệu pháp bơm surfactant thông qua bài viết này.

Không khó để bắt gặp bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh. Đây là hội chứng không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể sẽ để lại hậu quả khó lường. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguyên căn của bệnh màng trong cũng như là phương pháp bơm surfactant tiên tiến hiện nay.

Tổng quan về bệnh màng trong

Bệnh màng trong (HMD), còn gọi là hội chứng suy hô hấp (RDS), là tình trạng khiến trẻ cần thêm oxy và hỗ trợ thở. Đây là một trong những vấn đề thường gặp nhất ở trẻ sinh non. Đặc biệt, trẻ càng sinh non thì nguy cơ mắc bệnh này càng cao và càng nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời bệnh màng trong có thể là một trong những nguyên nhân lấy đi tính mạng của trẻ em sinh non nhiều nhất. HMD thường nặng hơn trong 48 đến 72 giờ đầu và sau đó cải thiện khi điều trị. Và hơn 90% trẻ sơ sinh mắc bệnh HMD đều có thể sống sót.

Ứng dụng bơm surfactant điều trị bệnh màng trong cho trẻ sơ sinh 2
Bệnh màng trong dễ dàng thấy ở trẻ sinh non

Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh màng trong ở trẻ sinh non

HMD xảy ra khi trong phổi không có đủ chất hoạt động bề mặt hay còn có tên gọi khác là chất surfactant. Surfactant được tạo ra bởi các tế bào trong đường thở và bao gồm phospholipid và protein, công dụng là sẽ làm giảm sức căng bề mặt và duy trì tính ổn định của phế nang, tránh gây xẹp phế nang nhỏ ở cuối khi thở ra. Nó bắt đầu được sản xuất ở thai nhi vào khoảng tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ và được tìm thấy trong nước ối từ tuần thứ 28 đến 32. Khi thai được khoảng 35 tuần, hầu hết trẻ sơ sinh đã phát triển đủ lượng surfactant.

Có hai trường hợp thiếu surfactant, bao gồm:

  • Trường hợp thiếu surfactant tiên phát: Trẻ sinh thiếu tháng, trẻ sinh mổ.
  • Trường hợp thiếu surfactant thứ phát: Khi surfactant bị bất hoạt tại phổi bởi sự mất protein, hít phân su hoặc nhiễm trùng, đôi khi cũng có thể do người mẹ bị tiểu đường.
Ứng dụng bơm surfactant điều trị bệnh màng trong cho trẻ sơ sinh 3
Trẻ sinh non nên phổi chưa phát triển đầy đủ là nguyên nhân gây suy hô hấp sau khi trẻ ra đời

Bơm surfactant có thể được gọi là một trong những biện pháp hiệu quả tốt để điều trị bệnh màng trong cho trẻ thời nay. Cung cấp thêm surfactant là biện pháp thường được dùng cho các trẻ em sinh thiếu tháng bị chứng suy hô hấp. Nhiều năm trước, việc bơm surfactant qua nội khí quản kết hợp với thở máy. Những năm gần đây, khi y học đã có những tiến bộ, việc dùng bơm surfactant trị chứng suy hô hấp sơ sinh đã được sử dụng phổ biến bởi vì ít xâm lấn cũng như ít gây tổn thương đến trẻ.

Những điều cần có trước khi thực hiện bơm surfactant

Phương tiện thực hiện

  • Thiết bị hỗ trợ hô hấp như máy thở, CPAP.
  • Huyết áp và nhịp tim, máy phân tích khí máu, Xquang tại giường phải được theo dõi chặt chẽ.
  • Hệ thống hút dẫn lưu tràn khí màng phổi.
  • Thuốc.

Nguyên tắc tiến hành

  • Khử khuẩn và trang bị các dụng cụ, quần áo vô khuẩn.
  • Đặt nội khí quản (NKQ) để hút sạch đàm nhớt qua NKQ và kiểm tra vị trí ống NKQ đã đặt đúng vị trí hay chưa.
  • Tính liều surfactant: Liều surfactant được tính dựa trên cân nặng với 100 - 200 mg/kg/đợt điều trị.
  • Lọ thuốc cần được làm ấm bằng lòng bàn tay trong 8 phút hoặc để ở nhiệt độ trong phòng 20 phút. Tuyệt đối không làm ấm bằng các phương pháp nhân tạo.
  • Đo chiều dài và phải cắt ngắn ống thông dạ dày bằng chiều dài ống NKQ 1cm.
  • Đặt cổ của trẻ ở tư thế trung gian, nằm ngửa, đầu bằng.
  • Giữ thẳng ống NKQ.
  • Ống tiêm gắn thông dạ dày phải được luồng vào ống NKQ. Tốc độ bơm thuốc nhanh và rút khoảng 5ml khí bơm nhanh để đẩy hết thuốc trong thông dạ dày vào khí quản. Nếu sử dụng lượng thuốc > 3ml, chia làm 2 lần bơm thuốc.
  • Theo dõi các chỉ số SpO2, mạch đập và huyết áp khi tiêm thuốc.
  • Sau khi bơm surfactant cần bóp bóng 3 - 5 phút để thuốc phân tán đều được hai bên phổi.
  • Cho bệnh nhân kết nối với máy thở.
  • Các thông số máy thở phải được điều chỉnh cho phù hợp.

Tác dụng phụ của Surfactant

  • Gây giảm oxy máu và chậm nhịp tim trong khi bơm thuốc do tắc nghẽn đường thở cấp sau khi bơm surfactant.
  • Tràn khí màng phổi: Gây trào ngược surfactant từ khí quản lên vùng hầu bởi vì chỉ một bên phổi nhận được thuốc do đó phải mở dẫn lưu màng phổi tối thiểu hút khí liên tục hoặc chọc hút qua da.
  • Hạ huyết áp: Vì của ống động mạch lớn bị giảm thể tích và chức năng cơ tim giảm.
  • Xuất huyết phổi.
Ứng dụng bơm surfactant điều trị bệnh màng trong cho trẻ sơ sinh 4
Tràn khí màng phổi là một trong những tác dụng phụ mà trẻ sinh non có thể gặp khi bơm surfactant

Liệu pháp bơm surfactant đòi hỏi kỹ thuật y tế cao. Do đó, trường hợp cần thực hiện bơm surfactant nên đến cơ sở y tế uy tín có kinh nghiệm dày dặn cũng như tay nghề cao về lĩnh vực này. Theo dõi trẻ sau khi bơm surfactant là một việc hết sức quan trọng để kịp thời xử lý cách tác dụng không mong muốn xảy ra.  Ngoài ra, bệnh màng trong ở trẻ em sinh non có thể được dự phòng trước nếu thai kỳ được theo dõi tốt. Trường hợp thai phụ có tiền sử sinh non, hoặc các biểu hiện bất thường cần được theo dõi chặt chẽ hơn trong suốt thai kỳ để có thể điều trị kịp thời và dự phòng được tình trạng suy hô hấp cho trẻ sơ sinh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Sinh mổsinh non