Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Vì sao bạn nằm xuống bị chóng mặt?

Ngày 13/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khi thay đổi từ tư thế đứng hoặc ngồi sang tư thế nằm khiến bạn có cảm giác choáng váng, chóng mặt thường gây lo lắng và ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, bởi vấn đề này đôi khi có thể là dấu hiệu của một hoặc nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân vì sao bạn nằm xuống bị chóng mặt?

Tình trạng "nằm xuống bị chóng mặt" thường xảy ra khi đầu của bạn thay đổi vị trí đột ngột. Chóng mặt trong tư thế nằm có thể là một triệu chứng của nhiều tình trạng khác nhau, bao gồm các vấn đề về hệ thống tiền đình, thiếu máu não, căng thẳng, mất ngủ hoặc sự suy nhược cơ thể. Trong một số trường hợp, chóng mặt khi nằm xuống có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng như bệnh Ménière hoặc các vấn đề về sức khỏe của hệ thống thần kinh.

Nằm xuống bị chóng mặt là gì?

Chóng mặt là một tình trạng mất thăng bằng khiến bạn có cảm giác bản thân hoặc môi trường xung quanh đang quay cuồng, choáng váng, lảo đảo và có nguy cơ té ngã. Cảm giác chóng mặt có thể chỉ kéo dài trong vài chục giây, nhưng tác động của nó có thể kéo dài đến nhiều phút sau đó, gây ra sự lo lắng và mệt mỏi cho người bệnh.

vi-sao-ban-nam-xuong-bi-chong-mat 1.jpg
Chóng mặt là một tình trạng mất thăng bằng

Những triệu chứng chóng mặt thường gặp, chẳng hạn như cảm giác choáng váng khi đứng dậy quá nhanh, đột ngột nằm xuống hoặc do thiếu nước, thường khiến người bệnh cảm thấy cần phải ngồi hoặc nằm xuống một thời gian để lấy lại sự ổn định.

Nằm xuống bị chóng mặt có thể là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau gây ra.

Vì sao bạn nằm xuống bị chóng mặt?

Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) là nguyên nhân chủ yếu khiến cho tình trạng nằm xuống gặp chóng mặt.

Trong thực tế, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính là một dạng rối loạn tiền đình, một hệ thống nhỏ trong tai giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì thăng bằng của cơ thể. Tai trong chứa các tinh thể canxi, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ tiền đình, giúp cảm nhận trọng lực và duy trì sự cân bằng.

Tuy nhiên, trong trường hợp chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, các tinh thể canxi này có thể tách khỏi tai trong và di chuyển đến ống bán khuyên. Khi tinh thể canxi tích tụ đủ nhiều, nó có thể cản trở khả năng cảm nhận chuyển động của đầu. Điều này gây ra một tình trạng phát hiện sai lệch của não, cho rằng đầu đang chuyển động mặc dù thực tế không có. Kết quả là, người bệnh có thể trải qua cảm giác chóng mặt.

Triệu chứng của chóng mặt tư thế kịch phát lành tính thường bao gồm cảm giác chóng mặt, buồn nôn, ói mửa và mất thăng bằng. Một triệu chứng khác thường đi kèm là rung giật của nhãn cầu, tức là chuyển động không kiểm soát của mắt.

vi-sao-ban-nam-xuong-bi-chong-mat 2.jpg
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính bao gồm cảm giác chóng mặt, buồn nôn

Ngoài BPPV, còn có một số bệnh lý khác có thể gây ra tình trạng nằm xuống bị chóng mặt, bao gồm:

  • Đau nửa đầu Migraine;
  • Bệnh Ménière;
  • Viêm mê đạo tai;
  • Lưu lượng máu giảm đột ngột;
  • Viêm dây thần kinh tiền đình;
  • U não, có chấn thương sọ não;
  • Cảm cúm, cảm lạnh;
  • Suy tim;
  • Xơ vữa động mạch;
  • Loãng xương.

Nguyên nhân của tình trạng nằm xuống gặp chóng mặt có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố, từ bệnh lý đến tình trạng sức khỏe tổng thể. Thiếu máu não, stress, mất ngủ, suy nhược cơ thể, say nắng hoặc say rượu, bia cũng có thể là nguyên nhân.

Các hoạt động như chấn thương đầu nhẹ, đạp xe trên địa hình gồ ghề, hoạt động aerobic cường độ cao và viêm tai trong có thể làm tăng nguy cơ mắc tình trạng này. Ngoài ra, việc giữ đầu ở cùng một vị trí trong thời gian dài, như khi ngồi lâu trên ghế nha sĩ hoặc nằm trên giường bệnh, cũng có thể gây ra chóng mặt tư thế kịch phát lành tính.

Cách điều trị tình trạng nằm xuống bị chóng mặt

Để điều trị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính thường thực hiện vật lí trị liệu. Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ thực hiện các động tác chuyển động đầu nhằm dẫn các tinh thể canxi ra khỏi ống bán khuyên và đưa chúng trở lại vị trí ban đầu.

vi-sao-ban-nam-xuong-bi-chong-mat 3.jpg
Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ thực hiện các động tác chuyển động đầu

Trong trường hợp bạn gặp phải chóng mặt khi nằm xuống do bệnh chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, thường không cần sử dụng thuốc đặc hiệu vì hầu hết các trường hợp sẽ tự khỏi sau vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, nếu bệnh không tự khỏi, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị như tái định vị sỏi tai, sử dụng thuốc, tập các bài tập tiền đình hoặc các thủ thuật phóng thích thạch nhĩ (như thủ thuật Semont, thủ thuật Epley, Semont cải tiến, hoặc bài tập Brandt – Daroff) để giúp bạn vượt qua tình trạng này.

Sau khi điều trị trong vòng 1 - 2 ngày, có thể bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi hoặc mất thăng bằng. Tuy nhiên, đừng lo lắng, các triệu chứng này thường sẽ nhanh chóng giảm đi và bạn chỉ cần nghỉ ngơi đủ để phục hồi. Nếu sau điều trị bạn vẫn cảm thấy chóng mặt khi nằm xuống, hoặc triệu chứng không giảm đi, hãy liên hệ với bác sĩ để được tái khám và điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp.

Biện pháp phòng ngừa tình trạng nằm xuống bị chóng mặt

Nếu bạn thường xuyên gặp phải tình trạng chóng mặt khi nằm, dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn ổn định và giảm thiểu tình trạng này:

  • Chế độ nghỉ ngơi: Hãy đảm bảo bạn có đủ giấc ngủ đầy đủ và sâu giấc. Massage chân hoặc ngâm chân trong nước ấm trước khi đi ngủ có thể giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ sâu hơn.
vi-sao-ban-nam-xuong-bi-chong-mat 4.jpg
Hãy đảm bảo bạn có đủ giấc ngủ đầy đủ và sâu giấc
  • Thận trọng khi thay đổi tư thế: Khi tỉnh giấc giữa đêm và cần nằm xuống, hãy làm điều này thật nhẹ nhàng và chậm rãi.
  • Nằm im trong lúc chóng mặt: Khi bị chóng mặt khi nằm xuống, hãy nằm yên và không cử động trong khoảng 5 - 10 phút để cơn chóng mặt qua đi.
  • Giảm áp lực và thư giãn: Hãy cố gắng giảm áp lực trong công việc và cuộc sống bằng cách thực hiện các hoạt động thư giãn như xem phim, nghe nhạc, hoặc thực hiện các hoạt động sáng tạo như vẽ tranh hay cắm hoa.
  • Bổ sung chế độ dinh dưỡng: Xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bao gồm việc bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là vitamin C và vitamin B6.
  • Hạn chế các chất kích thích: Tránh sử dụng quá nhiều rượu, bia, cà phê và đồ ngọt, vì chúng có thể làm tăng cảm giác chóng mặt.
  • Vận động thường xuyên: Thực hiện các hoạt động vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập gym hoặc yoga khoảng 20 - 30 phút mỗi ngày để cải thiện sức khỏe và tinh thần.
  • Theo dõi và thông báo với bác sĩ: Quan sát các triệu chứng và tần suất của cơn chóng mặt khi nằm và thông báo cho bác sĩ để đưa ra đánh giá và điều trị phù hợp.

Tuy chóng mặt tư thế kịch phát lành tính chỉ gây ra các cơn chóng mặt ngắn và đột ngột, nhưng nếu người bệnh thường xuyên gặp phải tình trạng này, đặc biệt là khi nó đi kèm với các triệu chứng thần kinh như tê, khó nói và mất khả năng phối hợp tay chân có thể là biểu hiện của bệnh lý nghiêm trọng.

Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã có lời giải đáp cho thắc mắc vì sao bạn nằm xuống bị chóng mặt? Khi tình trạng nằm xuống bị chóng mặt của bạn xảy ra thường xuyên và kéo dài, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng xảy ra.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Ngô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin