Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Vì sao cần phải tiêm phòng uốn ván sau chấn thương?

Ngày 30/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiều người khi bị chấn thương, đặc biệt là bị trầy xước hoặc rách da nhẹ thường chủ quan, không coi trọng việc điều trị vết thương. Tuy nhiên trên thực tế, đây lại là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh uốn ván gây nguy hiểm. Cùng tìm hiểu lí do vì sao cần phải tiêm phòng uốn ván sau chấn thương và cần phải tiêm sau chấn thương bao lâu để phòng tránh bệnh uốn ván nhé!

Sau khi gặp chấn thương, người bị thương cần hết sức bình tĩnh để xử lý vết thương đúng cách, hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn gây hại. Sau đó, người bị thương cần nhanh chóng tiêm phòng uốn ván. Tuy nhiên, nhiều người thường xem nhẹ hay thậm chí là bỏ qua bước này, khiến cơ thể bị mắc uốn ván gây nguy hiểm đến tính mạng. Vậy vì sao cần phải tiêm phòng uốn ván sau chấn thương? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

Bệnh uốn ván là gì?

Uốn ván là bệnh cấp tính với tỷ lệ tử vong cao, do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván, có tên khoa học là Clostridium tetani gây ra. Loại trực khuẩn này thường phát triển tại vị trí những vết thương với điều kiện yếm khí, nó sẽ giải phóng ngoại độc tố vào dòng máu để đi khắp cơ thể. Ngoại độc tố này sẽ tấn công vào các bản vận động thần kinh - cơ khiến cho người bệnh bị co cứng cơ và xuất hiện các cơ co giật trên nền co cứng đó. Các cơn co giật sẽ xuất hiện khi có kích thích, tuy nhiên cũng có trường hợp nó sẽ xuất hiện một cách tự nhiên.

vi-sao-can-phai-tiem-phong-uon-van-sau-khi-chan-thuong 1.jpg
Sau khi bị chấn thương, người bệnh cần tiêm phòng vaccine để ngăn ngừa vi khuẩn uốn ván gây hại

Tuỳ vào mức độ nhiễm độc, vị trí và điều kiện yếm khí tại vết thương mà người bệnh sẽ có những triệu chứng lâm sàng khu trú như uốn ván thể đầu, co giật một chi hay triệu chứng toàn thể hay còn gọi là uốn ván toàn thể. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 4 - 21 ngày, trung bình rơi vào khoảng 7 - 10 ngày.

Triệu chứng của bệnh uốn ván

Những triệu chứng của bệnh thường bắt đầu xuất hiện trong khoảng một tuần sau khi nhiễm trùng. Một số triệu chứng điển hình của bệnh như: Đau đầu, khó nuốt, bồn chồn, khó chịu, đau họng, cứng bắp thịt, bắt đầu từ xương hàm lan đến cổ, cánh tay, chân hoặc bụng, đổ mồ hôi, sốt, hay bị đánh trống ngực, huyết áp cao hoặc thấp bất thường, co thắt ở cơ mặt. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh uốn ván sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng như rối loạn thần kinh thực vật, suy hô hấp, ngừng tim và thậm chí là tử vong.

Khả năng gây tử vong của uốn ván tuỳ thuộc vào điều kiện hồi sức cấp cứu, thời gian điều trị sớm hay muộn… Thông thường, tỷ lệ chất của bệnh uốn ván khá cao, khoảng 10 - 80%. Để điều trị bệnh cần kết hợp cắt xẻ vết thương để loại bỏ điều kiện yếm khí của vi khuẩn, sử dụng kháng sinh có hiệu lực cao để tiêu diệt vi khuẩn, sử dụng liệu pháp huyết thanh, chống co giật và hồi sức cho người bệnh.

Những tác động mà vi khuẩn uốn ván gây ra hết sức nguy hiểm, chính vì thế khi cơ thể bị chấn thương hoặc có vết thương hở, hãy chủ động và nhanh chóng tiêm phòng vaccine uốn ván để phòng ngừa những những biến cố không mong muốn xảy ra.

Vì sao cần phải tiêm phòng uốn ván sau chấn thương?

Nhiều người vẫn chưa hiểu được mức độ nguy hiểm của vi khuẩn uốn ván cũng như tầm quan trọng của việc tiêm ngừa vaccine uốn ván sau khi bị chấn thương. Họ thắc mắc rằng vì sao cần phải tiêm phòng uốn ván sau khi chấn thương? 

Theo các chuyên gia, những vết thương hở như trầy xước hoặc rách hở da sẽ là môi trường thuận lợi để vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể, sau đó chúng giải phóng ngoại độc tố vào máu và gây bệnh. Chính vì thế, việc tiêm phòng uốn ván sau khi bị chấn thương là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân bạn.

vi-sao-can-phai-tiem-phong-uon-van-sau-khi-chan-thuong 2.jpg
Ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván tấn công vào thần kinh - cơ của người bệnh gây co giật, co cứng

Vaccine được lấy từ huyết thanh của người được chọn và cô đặc kháng thể kháng uốn ván, sau đó sẽ được pha loãng 16% và đóng gói. Ngoài ra cũng có dạng Globulin miễn dịch uốn ván từ huyết tương người để tiêm tĩnh mạch. Sau khi tiêm phòng, có thể sẽ xuất hiện một số phản ứng tại chỗ như quần đỏ, sưng nhẹ chỗ tiêm và bị sốt nhẹ. Các triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất và sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Sau khi bị chấn thương, người bệnh thường sẽ được chỉ định tiêm phòng với liệu 250 IU. Tuy nhiên, nếu đã qua 24h kể từ khi bị chấn thương thì liều tiêm phòng của người bệnh sẽ được tăng lên là 500 IU để đảm bảo hiệu lực phòng bệnh. Vaccine uốn ván thường được chỉ định tiêm cùng lúc nhưng trên một tay khác với liều tiêm Globulin miễn dịch uốn ván.

Các loại chấn thương có nguy cơ cao nhiễm uốn ván, cần được tiêm phòng vaccine càng sớm càng tốt, bao gồm:

  • Gãy xương hở do tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động;
  • Vết cắn hoặc cào của động vật;
  • Dẫm phải đinh sắt bị rỉ hoặc bị gai đâm, cành cây đâm;
  • Vết thương bị nhiễm đất, bụi bẩn, phân động vật, dằm gỗ;

Ngoài ra, những vết thương như bỏng, trầy xước nhẹ, vết thương hở không sâu không nhiễm trùng nhưng vẫn có nguy cơ nhiễm trùng vẫn nên được xử lý đúng cách và tiêm phòng sớm để ngăn ngừa vi khuẩn uốn ván.

vi-sao-can-phai-tiem-phong-uon-van-sau-khi-chan-thuong 3.jpg
Sau khi dẫm phải đinh hoặc gai hoặc cành cây cần nhanh chóng tiêm phòng vaccine ngừa uốn ván

Cách xử lý vết thương để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn

Sau khi bị chấn thương, việc sơ cứu vết thương hở là điều cần thiết, dù cho vết thương có nhỏ hay lớn. Đầu tiên hãy rửa ngay dưới vòi nước sạch chảy liên tục để loại bỏ bụi bẩn có trên miệng vết thương. Nếu vết thương có chảy máu, dính nhiều bùn đất, vết thương nông, có thể dùng oxy già để sát khuẩn, đẩy bụi bẩn ra ngoài và nhanh chóng cầm máu cho người bị thương. Sau đó, rửa lại vết thương bằng dung dịch sát khuẩn rồi lau khô. Băng bó vết thương cẩn thận và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra vết thương và tiêm phòng uốn ván càng sớm càng tốt.

Với những vết thương lớn, bị dị vật đâm sâu, tuyệt đối không cố gắng di chuyển hoặc rút dị vật ra. Hãy dùng băng y tế cố định vết thương và dị vật rồi đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được xử trí đúng cách. 

Trong trường hợp vết thương có dấu hiệu bị sưng tấy, phù nề, đỏ vùng da quanh vết thương, có dịch nhầy, mùi khó chịu, vết thương lâu lành… hãy đưa người bệnh đến bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt, tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc điều trị bằng mẹo dân gian nếu không muốn tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, nguy hiểm đến tính mạng.

vi-sao-can-phai-tiem-phong-uon-van-sau-khi-chan-thuong 4.jpg
Tiêm phòng uốn ván là biện pháp tốt nhất để phòng chống vi khuẩn uốn ván xâm nhập và gây bệnh

Việc sơ cấp cứu đúng cách giúp làm chậm sự phát triển của các vi khuẩn đến 4 giờ. Và tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh uốn ván hiệu quả nhất. Ngoài ra, bất kỳ ai cũng cần có ý thức cao bảo vệ bản thân, tránh xô xát gây chấn thương, hạn chế tiếp xúc với chó mèo hay những loài động vật hoang dã chưa được tiêm phòng đầy đủ. Cần cẩn trọng và luôn mang dép để tránh việc đạp phải đinh sắt rỉ, gai nhọn hoặc cành cây đâm vào chân.

Bài viết trên đã giúp bạn đọc giải thích câu hỏi vì sao cần phải tiêm phòng uốn ván sau chấn thương. Việc tiêm phòng uốn ván ngay sau khi bị thương hở hoặc đạp phải đinh là điều rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe người bệnh, giúp ngăn ngừa bị nhiễm uốn ván và những biến chứng nguy hiểm mà bệnh gây ra.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm