Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Vì sao mặt nổi mẩn đỏ không ngứa? Cách xử lý như thế nào?

Ngày 31/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mặt nổi mẩn đỏ không ngứa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Có những trường hợp không đáng lo ngại nhưng cũng có những trường hợp có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về sức khỏe mà bạn tuyệt đối không nên chủ quan.

Thông thường, khi da nổi mẩn đỏ sẽ kèm theo biểu hiện ngứa ngáy. Tuy nhiên cũng có trường hợp mặt nổi mẩn đỏ không ngứa khiến nhiều người hoang mang không biết có nguy hiểm hay không. Bài viết sau sẽ lý giải nguyên nhân gây ra tình trạng này cũng như giúp bạn tìm ra cách điều trị phù hợp.

Nguyên nhân khiến mặt nổi mẩn đỏ không ngứa

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng da nổi mẩn đỏ nhưng không ngứa, trong đó có một số nguyên nhân phổ biến sau.

Mao mạch bị giãn

Khi bị giãn mao mạch, các mạch máu dưới da sẽ giãn ra giống như hình mạng nhện li ti, bề mặt da xuất hiện mụn đỏ và có màu thẫm hơn so với da bình thường. Tình trạng này thường xuất hiện ở các vùng da dễ bị tổn thương như mũi, má, thái dương, chân,...

Vì sao mặt nổi mẩn đỏ không ngứa, cách xử lý như thế nào? 1
Khi da bị giãn mao mạch có thể xuất hiện tình trạng nổi mẩn đỏ

Do các rối loạn da

Rối loạn sức khỏe da cũng là nguyên nhân khiến cả người lớn và trẻ em xuất hiện những đốm đỏ không ngứa. Các vấn đề thường gặp ở người lớn là cháy nắng, mụn trứng cá, nhọt, hồng ban nút,... Da nổi đốm đỏ không ngứa ở trẻ em có thể do các rối loạn da như phát ban do virus, dị ứng nổi ban đỏ, ban đỏ do bệnh tim hồng nhiệt,...

Nhiễm trùng

Mặt nổi mẩn đỏ không ngứa cũng có thể do da bị nhiễm trùng, đặc biệt là hắc lào và mắc bệnh zona thần kinh. Hắc lào là tình trạng da xuất hiện các ban hình tròn, phần rìa ngoài đỏ. Bệnh giời leo hay zona thần kinh là hiện tượng các vết phồng rộp hình thành ở một bên mặt hoặc cơ thể.

Nhiễm siêu vi

Biểu hiện khi nhiễm siêu virus đó là sốt cao trên 39 độ C, mệt mỏi và xuất hiện các vết mẩn đỏ không ngứa. Tuy nhiên, tình trạng này có thể tự hết sau 7 - 10 ngày khi virus được đẩy lùi.

Bị ung thư da

Ở giai đoạn đầu, bệnh ung thư da cũng có triệu chứng nổi đốm đỏ trên da nhưng không ngứa, có những hiện tượng như dấu hiệu bị dị ứng. Khi bệnh càng tiến triển thì vết ban đỏ sẽ lan ra toàn thân và ngày càng dày hơn. Đây là một bệnh lý nguy hiểm cần được phát hiện và điều trị sớm vì vừa ảnh hưởng đến thẩm mỹ vừa có tác động xấu đến sức khỏe.

Vì sao mặt nổi mẩn đỏ không ngứa, cách xử lý như thế nào? 3
Ung thư da gây nguy hiểm cực lớn đối với sức khỏe cơ thể

Nổi mẩn đỏ không ngứa trên da có nguy hiểm không?

Tình trạng nổi mẩn đỏ không ngứa sẽ có những tác động đến sức khỏe khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra, không phải trường hợp nào cũng là nguy hiểm. Mặc dù vậy, đây vẫn là một triệu chứng cần quan tâm và tìm cách điều trị vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh, cụ thể:

  • Gây ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ làn da, khiến cho người bệnh trở nên tự ti trong giao tiếp.
  • Trong một số trường hợp, khi nốt mẩn đỏ bị vỡ sẽ gây ra viêm loét, sau đó có thể để lại sẹo xấu trên da.
  • Nếu nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý bên trong cơ thể như u máu hay ung thư da thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời và phù hợp.
Vì sao mặt nổi mẩn đỏ không ngứa, cách xử lý như thế nào? 4
Mặt nổi mẩn đỏ không ngứa gây ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ của khuôn mặt

Cách xử trí khi phát hiện da nổi đốm đỏ không ngứa

Muốn khắc phục hiệu quả hiện tượng mặt nổi mẩn đỏ không ngứa, trước hết cần phải xác định được nguyên nhân gây ra nó. Bản thân người bệnh không thể tự xác định chính xác được vì sao mình gặp phải tình trạng này, cho nên cần phải thăm khám bác sĩ để có phương án xử trí chính xác. Đặc biệt, cần phải đi khám ngay nếu vết mẩn đỏ ngày càng nhiều không có dấu hiệu giảm, kèm theo viêm, loét, sốt, mệt mỏi,...

Khi đã tìm ra được căn nguyên gây nổi mẩn đỏ, tùy vào từng trường hợp sẽ có hướng xử trí khác nhau, ví dụ như:

  • Nếu nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý ngoài da thì cách khắc phục tương đối đơn giản. Thông thường, bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc bôi đặc trị để kiểm soát ngăn cho tổn thương nặng hơn cũng như cải thiện tình trạng hiệu quả. Vấn đề chỉ trở nên nghiêm trọng hơn nếu phát sinh phản ứng viêm, tuy nhiên nếu thăm khám kịp thời và thực hiện đúng phác đồ của bác sĩ thì điều này sẽ được ngăn chặn.
  • Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc uống chống virus với trường hợp mắc zona thần kinh vì đây là phát ban do virus.
  • Trường hợp bị viêm mao mạch dị ứng, vì chưa có thuốc đặc trị nên phương pháp điều trị chủ yếu nhằm mục đích kiểm soát diễn tiến bệnh, khắc phục triệu chứng để hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng. Một số loại thuốc được chỉ định có thể là thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc Corticoid, thuốc ức chế miễn dịch,...

Như vậy, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện tượng mặt nổi mẩn đỏ không ngứa. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn không nên chủ quan nhưng cũng không cần phải quá lo lắng mà hãy đi khám bác sĩ da liễu để được tư vấn và tìm cách điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm