Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Vỏ khoai lang có tác dụng gì? Ăn khoai lang có nên bỏ vỏ không?

Ngày 27/09/2024
Kích thước chữ

Khoai lang không chỉ nổi tiếng với hương vị thơm ngon mà còn mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn về việc có nên ăn vỏ khoai lang hay không. Cùng tìm hiểu vỏ khoai lang có tác dụng gì qua bài viết dưới đây.

Chúng ta thường gọt bỏ vỏ khoai lang và vứt đi mà không hề biết rằng vỏ khoai lang một nguồn dinh dưỡng đáng kể. Vỏ khoai lang chứa nhiều chất xơ và vitamin, khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Cùng tìm hiểu về những lợi ích của vỏ khoai lang qua bài viết dưới đây.

Dinh dưỡng có trong vỏ khoai lang

Vỏ khoai lang chứa nhiều chất dinh dưỡng, theo nghiên cứu, một củ khoai lang cỡ trung bình (146g) với vỏ cung cấp khoảng 130 calories, 3g protein, cùng các vitamin A, C và khoáng chất kali.

Hàm lượng chất xơ trong khoai lang chủ yếu tập trung ở phần vỏ. Việc loại bỏ vỏ sẽ dẫn đến giảm đáng kể lượng chất xơ có trong củ khoai lang.

Vỏ khoai lang có tác dụng gì? Ăn khoai lang có nên bỏ vỏ không? 1
Vỏ khoai lang chứa nhiều chất dinh dưỡng

Nghiên cứu chỉ ra rằng hàm lượng chất chống oxy hóa tập trung chủ yếu ở phần vỏ và ngay bên dưới vỏ của khoai lang. Do đó, việc tiêu thụ vỏ khoai lang có thể gia tăng lượng chất chống oxy hóa cung cấp cho cơ thể, từ đó hỗ trợ cải thiện sức khỏe tổng thể. Theo một bài viết từ Healthline (Healthline Media, Inc. là một trang web và nhà cung cấp thông tin y tế của Mỹ có trụ sở tại San Francisco, California), việc giữ lại vỏ khoai lang trong chế độ ăn uống là một cách hiệu quả để tận dụng tối đa các lợi ích dinh dưỡng mà thực phẩm này mang lại.

Ăn vỏ khoai lang có an toàn không?

Nhiều người thường bỏ vỏ khi ăn khoai lang vì cho rằng nó không sạch sẽ hoặc không có giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn khác. Ăn vỏ khoai lang không chỉ an toàn mà còn rất tốt cho sức khỏe. 

Trước khi ăn vỏ khoai lang, bạn cần lưu ý một số điều sau: Hãy chọn những củ khoai lang tươi ngon, vỏ sáng bóng và không bị dập nát. Sau đó, rửa sạch vỏ bằng nước sạch và bàn chải để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn và hóa chất. Để đảm bảo an toàn và dễ tiêu hóa, bạn nên nấu chín vỏ khoai lang trước khi ăn. Nếu vỏ khoai lang có vết thâm, mốc hoặc bị hư hỏng thì không nên ăn.

Vỏ khoai lang có tác dụng gì? Ăn khoai lang có nên bỏ vỏ không? 2
Ăn khoai lang có nên bỏ vỏ không?

Vỏ khoai lang có tác dụng gì?

Vỏ khoai lang là phần thường bị bỏ qua nhưng lại chứa nhiều dưỡng chất và tác dụng tốt cho sức khỏe. Dưới đây là một số lợi ích chính của vỏ khoai lang:

Giàu chất xơ

Hàm lượng chất xơ trong khoai lang chủ yếu tập trung ở phần vỏ. Khi bỏ vỏ, bạn sẽ làm giảm đáng kể lượng chất xơ cung cấp cho cơ thể. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Food Science, vỏ khoai lang là nguồn dồi dào chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan. Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong ruột, từ đó duy trì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Hơn nữa, chất xơ còn giúp kiểm soát lượng đường trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Theo khuyến nghị của Hướng dẫn chế độ ăn uống 2020-2025 của Mỹ, phụ nữ nên tiêu thụ ít nhất 25g chất xơ mỗi ngày, trong khi nam giới nên đạt 31g. Một củ khoai lang nướng vừa có thể cung cấp khoảng 5g chất xơ, khiến nó trở thành một trong những thực phẩm giàu chất xơ nhất.

Chống oxy hóa và ngăn ngừa lão hóa

Vỏ khoai lang chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa như quercetin và anthocyanin, được biết đến với khả năng ngăn ngừa tổn thương tế bào do gốc tự do. Các chất chống oxy hóa này không chỉ giúp làm chậm quá trình lão hóa mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Sự tích tụ tổn thương do oxy hóa trong cơ thể có thể dẫn đến các bệnh như Alzheimer và Parkinson.

Ngoài ra, các chất chống oxy hóa cũng có khả năng làm giảm oxy hóa cholesterol trong máu, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Kiểm soát cân nặng

Nghiên cứu tại Đại học Kyoto, Nhật Bản đã chỉ ra rằng vỏ khoai lang có khả năng giảm cảm giác đói và kéo dài thời gian no. Điều này rất hữu ích trong việc kiểm soát cân nặng, ngăn ngừa tình trạng béo phì và các vấn đề sức khỏe liên quan đến thừa cân.

Tốt cho sức khỏe tim mạch

Theo một nghiên cứu tại Đại học Purdue, Mỹ, vỏ khoai lang chứa các hợp chất có khả năng làm giảm mức cholesterol xấu trong máu. Việc giảm cholesterol không chỉ tốt cho tim mà còn giúp ngăn ngừa các bệnh nghiêm trọng như đau thắt ngực và đột quỵ.

Vỏ khoai lang có tác dụng gì? Ăn khoai lang có nên bỏ vỏ không? 3
Vỏ khoai lang chứa các hợp chất có khả năng làm giảm mức cholesterol xấu trong máu

Chống ung thư

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí The Journal of Agricultural and Food Chemistry cho thấy anthocyanin có trong vỏ khoai lang có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Các nghiên cứu trên động vật cũng ghi nhận rằng việc tiêu thụ vỏ khoai lang có thể làm giảm nguy cơ mắc các loại ung thư.

Mặc dù vỏ khoai lang mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng, bạn cần chú ý đến chất lượng của củ khoai lang trước khi ăn. Những củ khoai có đốm đen, nốt ong châm, hoặc vết cháy khi nướng cần được loại bỏ vỏ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Vỏ khoai lang thực sự là một nguồn dinh dưỡng quý giá mà bạn không nên bỏ qua. Việc ăn khoai lang cả vỏ không chỉ giúp tăng cường giá trị dinh dưỡng mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể, từ hệ tiêu hóa đến tim mạch và khả năng chống lại bệnh tật. Hãy bổ sung khoai lang vào chế độ ăn uống hàng ngày của bạn để tận hưởng những lợi ích tuyệt vời từ loại củ này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin