Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Xét nghiệm FT4 là gì? Khi nào cần thực hiện?

Ngày 12/11/2023
Kích thước chữ

Xét nghiệm FT4 được sử dụng để đánh giá chức năng của tuyến giáp và chẩn đoán các tình trạng bệnh lý có thể xảy ra. Tuyến giáp tạo ra các hormone quan trọng gọi là T3 và T4, giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất của tế bào. Một số tình trạng bệnh lý có thể khiến tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoặc quá ít các hormone tuyến giáp, điều này có thể dẫn đến một số triệu chứng.

Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về xét nghiệm FT4, mục đích và ý nghĩa của xét nghiệm này. Đồng thời nhận thức về các yếu tố nguy cơ, triệu chứng của bệnh lý tuyến giáp cũng như việc thăm khám sức khỏe định kỳ để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Xét nghiệm FT4 là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình con bướm nằm ở đáy cổ họng, tạo ra các hormone kiểm soát cách cơ thể sử dụng năng lượng. Có một số hormone quan trọng đối với chức năng của tuyến giáp, bao gồm:

  • Hormone TSH (hormonee kích thích tuyến giáp), được sản xuất bởi tuyến yên;
  • Hormone triiodothyronine (T3), được sản xuất bởi tuyến giáp;
  • Hormone thyroxine (T4), được sản xuất bởi tuyến giáp.

Xét nghiệm FT4 còn được gọi là xét nghiệm thyroxine tự do, đo lượng thyroxine tự do trong máu. Thyroxine (T4) là một trong những hormone chính được sản xuất bởi tuyến giáp của bạn. Khi T4 được tạo ra, một số sẽ liên kết với protein, trong khi phần còn lại lưu thông tự do, gọi là FT4. FT4 là dạng hoạt động của hormone thyroxine, đi vào các mô khi cần thiết. Những hormone này ảnh hưởng đến cân nặng, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, sức mạnh cơ bắp và thậm chí cả tâm trạng của bạn. Ở trẻ em, hormone tuyến giáp cũng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng.

Xét nghiệm FT4 là gì? Khi nào cần thực hiện? 1
Xét nghiệm FT4 nhằm đo lượng thyroxine tự do trong máu

Khi nào cần thực hiện xét nghiệm FT4?

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm FT4 nếu bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh tuyến giáp, chẳng hạn như sụt cân, nhịp tim nhanh và đổ mồ hôi liên quan đến cường giáp (khi tuyến giáp của bạn sản xuất quá nhiều hormone). Xét nghiệm FT4 cũng có thể được thực hiện nếu bạn tăng cân, cảm thấy lạnh hoặc có cảm giác mệt mỏi nói chung có thể liên quan đến chứng suy giáp (khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone).

Ngay cả khi bạn không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh tuyến giáp, bác sĩ có thể muốn tiến hành xét nghiệm FT4 nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp. Xét nghiệm FT4 được coi là xét nghiệm chính xác nhất để đánh giá T4, trái ngược với xét nghiệm T4 tổng thể.

Xét nghiệm này cũng được sử dụng để theo dõi những người đang được điều trị các vấn đề về tuyến giáp.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm FT4, nếu có:

  • Suy tuyến yên - khi tuyến yên không sản xuất đủ lượng hormone, bao gồm cả hormone kích thích tuyến giáp;
  • Khối u hoặc nốt sần ở tuyến giáp;
  • Tuyến giáp to hoặc không đều;
  • Vấn đề rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn tình dục, khó thụ thai.

Bên cạnh đó, một số xét nghiệm tương tự được sử dụng để đánh giá chức năng tuyến giáp như xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và xét nghiệm triiodothyronine (T3). TSH là hormone được sản xuất bởi tuyến yên, thông báo cho tuyến giáp về lượng hormone T4 và T3 cần sản xuất trong cơ thể.

Xét nghiệm T3 cũng có thể được thực hiện cùng với xét nghiệm FT4 để giúp đưa ra chẩn đoán, bởi xét nghiệm FT4 cùng với T3 có thể hữu ích trong việc xác định bệnh cường giáp.

Xét nghiệm FT4 là gì? Khi nào cần thực hiện? 2
Xét nghiệm FT4 cần được thực hiện khi bạn tăng cân, có cảm giác mệt mỏi

Ý nghĩa của giá trị FT4 trong bệnh tuyến giáp

Giá trị bình thường

Ngưỡng bình thường của giá trị FT4 thường là 0.9 - 2.3 nanogram mỗi deciliter (ng/dL), hoặc 12 - 30 picomole mỗi lít (pmol/L). Khoảng giá trị bình thường có thể khác nhau giữa các phòng thí nghiệm khác nhau do sử dụng các phép đo khác nhau hoặc có thể thử nghiệm các mẫu thử khác nhau.

Khoảng giới hạn bình thường dựa trên dân số lớn, vì vậy nếu giá trị FT4 của một cá nhân nằm trong ngưỡng bình thường thì không có nghĩa họ hoàn toàn khỏe mạnh.  Bạn có thể đang có các triệu chứng của cường giáp hoặc suy giáp mặc dù nồng độ FT4 của bạn ở mức bình thường. Xét nghiệm TSH có thể được bổ sung để xác định xem các triệu chứng của bạn có liên quan đến bệnh tuyến giáp hay không.

Giá trị bất thường

Để hiểu đầy đủ kết quả của xét nghiệm FT4, có thể cần có kết quả của các xét nghiệm hormone tuyến giáp khác, chẳng hạn như TSH hoặc T3.

Kết quả xét nghiệm cũng có thể bị ảnh hưởng bởi việc mang thai, nồng độ estrogen, các vấn đề về gan, các bệnh nghiêm trọng hơn trên toàn cơ thể và những thay đổi di truyền về protein liên kết với T4.

Mức FT4 cao hơn bình thường có thể là do các tình trạng liên quan đến tuyến giáp hoạt động quá mức, bao gồm:

  • Bệnh Graves;
  • Dùng quá nhiều thuốc hormone tuyến giáp;
  • Viêm tuyến giáp;
  • Bướu giáp độc hoặc các nốt tuyến giáp độc hại;
  • Một số khối u ở tinh hoàn hoặc buồng trứng (hiếm);
  • Làm xét nghiệm hình ảnh y tế sử dụng thuốc phản quang có chứa iốt;
  • Ăn nhiều thực phẩm có chứa iốt (rất hiếm và chỉ khi có vấn đề về tuyến giáp).

Mức T4 thấp hơn bình thường có thể là do:

  • Suy giáp (bao gồm bệnh Hashimoto và các rối loạn khác liên quan đến tuyến giáp hoạt động kém);
  • Bệnh cấp tính nặng;
  • Suy dinh dưỡng hoặc nhịn ăn;
  • Sử dụng một số loại thuốc.
Xét nghiệm FT4 là gì? Khi nào cần thực hiện? 3
Mức FT4 cao hơn bình thường có thể là do các tình trạng liên quan đến tuyến giáp hoạt động quá mức

Những đối tượng dễ mắc các bệnh về tuyến giáp

Bệnh tuyến giáp là nguyên nhân phổ biến gây mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Tuyến giáp có thể tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp (cường giáp) hoặc quá ít hormone tuyến giáp (suy giáp).

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh cường giáp hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức là rối loạn tự miễn dịch được gọi là bệnh Graves.

Bệnh Graves xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào tuyến giáp. Tổn thương tuyến giáp khiến tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp.

Các vấn đề về tuyến yên và một số loại thuốc (ví dụ: thuốc iốt, amiodarone và interferon) cũng có thể dẫn đến cường giáp.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh tuyến giáp bao gồm:

  • Nữ;
  • Trên 60 tuổi;
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc sinh con trong vòng 6 tháng gần đây;
  • Mắc bệnh tự miễn (chẳng hạn như bệnh tiểu đường loại 1);
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp hoặc bệnh tự miễn;
  • Tiền sử cá nhân có vấn đề về tuyến giáp, như bướu cổ (tuyến giáp lớn bất thường) hoặc đã từng phẫu thuật tuyến giáp;
  • Tiêu thụ một lượng đáng kể iốt thông qua thực phẩm hoặc thuốc.
Xét nghiệm FT4 là gì? Khi nào cần thực hiện? 4
Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn nam giới

Như vậy, xét nghiệm FT4 nhằm đo lượng thyroxine tự do có trong máu để đánh giá chức năng tuyến giáp và chẩn đoán các tình trạng bệnh lý về tuyến giáp. Bệnh tuyến giáp nói chung không thể phòng ngừa được, nhưng nhận thức về các yếu tố nguy cơ và triệu chứng cũng như việc thăm khám bác sĩ thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng nếu bạn bị rối loạn tuyến giáp.

Xem thêm: Xét nghiệm AST là gì? Mục đích của xét nghiệm AST

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin