Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Xét nghiệm GGT là gì? Các biện pháp phòng ngừa chỉ số GGT tăng cao

Ngày 18/10/2022
Kích thước chữ

Gan có nhiệm vụ tạo ra protein và đào thải độc tố cho cơ thể. Gan cũng sản xuất mật và giúp cơ thể tiêu hóa chất béo. GGT là một loại men gan có trong tất cả các tế bào của gan và một số bộ phận khác. Chỉ số GGT cao cảnh báo những nguy hiểm đối với sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết ý nghĩa của chỉ số GGT và xét nghiệm GGT cho biết điều gì.

Chỉ số GGT được sử dụng để đánh giá rối loạn về gan và mật. Nếu chỉ số này tăng lên có nghĩa là gan có vấn đề. Vậy chỉ số xét nghiệm GGT cao bao nhiêu thì nguy hiểm? Bạn có thể tìm câu trả lời trong bài viết sau. 

Xét nghiệm ggt là gì?

GGT là một trong 3 loại men gan quan trọng trong cơ thể. GGT không chỉ có ở gan mà còn có ở thận, lá lách, tuyến tụy, ruột non,… GGT (gamma-glutamyl transferase) là một trong những loại men đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán tình trạng ứ mật trong gan. Chỉ số GGT có giá trị hơn các enzym khác vì rất nhạy cảm với những thay đổi của tình trạng ứ mật trong gan.

Hoạt động của GGT gia tăng trong một số tình trạng bệnh lý của gan như viêm gan mãn tính, tổn thương gan do rượu, viêm gan siêu vi, ung thư gan di căn. 

Ngoài ra xét nghiệm GGT có vai trò quan trọng trong việc xác định nguyên nhân làm tăng ALP. Bình thường, cả ALP và GGT đều tăng khi bị bệnh ống mật và bệnh gan. Nếu trường hợp, những người có mức GGT bình thường nhưng tăng ALP phần lớn là do bệnh về xương. 

Xét nghiệm GGT là gì? Các biện pháp phòng ngừa chỉ số GGT tăng cao 1 Xét nghiệm GGT là gì? Xét nghiệm chỉ số men gan có vượt ngưỡng an toàn hay không

Chỉ số GGT bao nhiêu là nguy hiểm?

Chỉ số GGT được xem là bình thường nếu nằm trong khoảng dưới 60 UI/L. Ở phụ nữ, tỷ lệ này là 11 đến 50 UI/L, ở nam giới nằm trong khoảng 7 đến 32 UI/L. Có 3 mức độ tăng GGT để đánh giá tình trạng như sau:

  • Mức độ nhẹ: Tăng cao gấp 1 đến 2 lần. 
  • Mức độ trung bình: Tăng cao 2 đến 5 lần.
  • Mức độ nghiêm trọng: Tăng hơn 5 lần.

Mức GGT tăng cao ở những người uống rượu. Mức độ cao hơn khi nghiện rượu mãn tính. Xét nghiệm GGT cũng được sử dụng để sàng lọc những người lạm dụng rượu cấp tính hoặc mãn tính. 

Xét nghiệm GGT được chỉ định bởi các bác sĩ khi họ nghi ngờ bệnh nhân bị tổn thương gan hoặc bệnh nhân nghiện rượu. Trường hợp người bệnh có cảm giác đau tức vùng bụng dưới hoặc có các biểu hiện như chán ăn, buồn nôn, nổi mẩn, vàng da, vàng mắt, chướng bụng,… thì cũng được chỉ định làm xét nghiệm GGT.

Men gan tăng cao thường không có triệu chứng nên người bệnh ít để ý hoặc bỏ qua. Nhưng nếu không được kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hại cho sức khỏe như: 

  • Giảm tuổi thọ: Men gan cao làm tăng tỷ lệ tử vong. 
  • Tăng nguy cơ xơ gan, ung thư gan: Men gan tăng cao bất thường do tế bào gan chết đi, cơ thể tự động kích hoạt tăng sinh tế bào gan mới làm tăng nguy cơ đột biến tự phát ở gan dẫn đến xơ gan, ung thư gan

Nguyên nhân khiến chỉ số GGT tăng cao

Biết các nguyên nhân dẫn đến GGT cao có thể giúp bạn tránh nguy cơ tổn thương gan. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người bị men gan cao. Các trường hợp làm GGT tăng cao như:

  • Vàng da ứ mật.
  • Viêm gan cấp tính.
  • Ung thư gan hoặc khối u gan.
  • Xơ gan, mô gan chết.
  • Sử dụng thuốc hại cho gan như phenytoin, phenobarbital.
  • Uống bia rượu trong thời gian dài.
  • Nghỉ ngơi không đầy đủ, suy giảm chức năng gan. 
  • Chế độ dinh dưỡng không hợp lý.
  • Bệnh tiểu đường, gan nhiễm mỡ, bệnh tuyến tụy.
  • Thiếu máu đến gan.
  • Men gan AST, ALT, GGT tăng trong các trường hợp sốt rét, bệnh đường mật, viêm gan tự miễn, bệnh tự miễn ruột non,...

Lưu ý: Trước khi làm xét nghiệm GGT, bệnh nhân không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, không dùng rượu bia, thuốc lá hay các chất kích thích trong vòng 24 giờ vì có thể làm tăng nồng độ GGT trong máu, ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán.

Xét nghiệm GGT là gì? Các biện pháp phòng ngừa chỉ số GGT tăng cao 2 Uống quá nhiều bia rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tăng men gan

Cách kiểm soát chỉ số GGT tăng cao

Đừng lo lắng nếu bạn biết gan của mình có chỉ số GGT cao. Vì y học hiện nay rất phát triển và đây là bệnh có thể chữa khỏi. Bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để xác định rõ nguyên nhân và làm theo hướng dẫn để kiểm soát tình trạng này. Để giữ chỉ số GGT ở mức an toàn, sau khi xét nghiệm GGT bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả để đưa ra lời khuyên tốt nhất cho bạn: 

  • Đầu tiên, bạn nên đi xét nghiệm viêm gan, đặc biệt là viêm gan B và C. Đặc biệt trong trường hợp bị viêm gan B dương tính, cần phải làm thêm các xét nghiệm HbeAg, HBsAb, AntiHBeAg,... Ngoài ra bạn có thể xét nghiệm thêm định lượng DNA của virus. 
  • Viêm gan do rượu, cần bỏ rượu bia và đồ uống có cồn. 
  • Nếu viêm gan do viêm tắc đường mật thì cần cải thiện nguyên nhân.
  • Nên đi khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ chuyên khoa theo dõi và đánh giá. 
  • Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là gan nơi thường xuyên đào thải độc tố. Một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh sẽ hạn chế áp lực cho gan nhưng chế độ ăn uống nhiều bia rượu lại sẽ khiến chức năng gan bị giảm sút.
  • Gan có khả năng giải độc cơ thể với chất độc mạnh như hóa chất, chất độc trong thức ăn tích tụ lâu ngày. Nhưng điều này khiến gan rất mệt mỏi và chỉ số GGT cũng sẽ tăng lên. 
  • Không nên tự ý mua thuốc nam, thuốc đông y theo kiểu truyền miệng để chữa bệnh. Những bài thuốc không được khoa học chứng minh sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nguy hại, làm nặng thêm các bệnh về gan hoặc trở thành bệnh nan y. 
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng kéo dài.
Xét nghiệm GGT là gì? Các biện pháp phòng ngừa chỉ số GGT tăng cao 3 Nếu biết gan của mình có chỉ số GGT cao nên chú ý chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, đặc biệt hạn chế uống rượ bia

Tóm lại, thông qua bài viết trên có thể giúp bạn hiểu phần nào về chỉ số GGT, xét nghiệm GGT là gì, chỉ số bao nhiêu là nguy hiểm và cách kiểm soát tình trạng này. Hãy chú ý và thường xuyên kiểm tra chỉ số GGT khi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị, ngăn ngừa gan suy yếu. 

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm