Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Xét nghiệm sán lá gan và những điều bạn cần biết

Ngày 30/09/2023
Kích thước chữ

Người mắc bệnh sán lá gan thường không có biểu hiện cụ thể nên việc xét nghiệm sán lá gan khi nghi ngờ mắc bệnh là cơ sở quan trọng trong việc điều trị. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh sán lá gan, các loại xét nghiệm và cách điều trị bệnh.

Xét nghiệm sán lá gan giúp phát hiện bệnh để điều trị kịp thời. Mỗi loại xét nghiệm sẽ có ưu và nhược điểm riêng, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của sán lá gan và nhiều yếu tố khác. Trước khi tìm hiểu về các loại xét nghiệm, chúng ta cùng tìm hiểu về bệnh sán lá gan là gì, nguyên nhân và các triệu chứng thường gặp.

Triệu chứng mắc bệnh sán lá gan

Triệu chứng mắc bệnh sán lá gan có thể xuất hiện từ vài ngày, vài tuần, vài tháng hoặc vài năm tùy vào tình trạng nhiễm bệnh, khả năng đáp ứng của cơ thể, số lượng nhiễm sán,... Vì vậy, nếu bạn có các triệu chứng sau đây và nghi nhiễm sán thì cần đến cơ sở y tế để xét nghiệm sán lá gan:

  • Đau bụng: Người nhiễm sán lá gan lớn thường bị đau vùng hạ sườn phải, gan to dần và đau bụng thường là dấu hiệu nhiễm sán lá gan nhỏ.
  • Sốt: Người bệnh có thể bị sốt do cơ thể sản sinh kháng thể kháng sán là gan. Tuy nhiên, triệu chứng này có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
  • Buồn nôn: Sán trưởng thành và sinh sản trong cơ thể làm vật chủ bị nhiễm trùng.
  • Nôn mửa: Do sán di chuyển và ký sinh trong đường ống mật làm mật bị tắt và có thể gây quặn bụng.
  • Tiêu chảy: Tiêu chảy do trứng sán dính vào thành ruột. Tuy nhiên, sán có thể sống trong cơ thể người trong nhiều năm nhưng lại không có dấu hiệu này.
  • Sụt cân: Do cơ thể giảm cảm giác thèm ăn và giảm hấp thu dinh dưỡng.

Tuy nhiên, một số người bệnh không hề có các dấu hiệu trên mặc dù ai cũng có khả năng nhiễm bệnh khi ăn phải ấu trùng sán. Triệu chứng có thể xuất hiện ở bất cứ giai đoạn nào và triệu chứng phổ biến nhất là tắc và viêm túi mật. Vì vậy, chỉ có các xét nghiệm sán lá gan mới giúp bạn biết được chính xác mình có mắc bệnh hay không

Xét nghiệm sán lá gan và những điều bạn cần biết 2
Đau vùng hạ sườn phải và triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh sán lá gan

Các loại xét nghiệm sán lá gan

Khi có các triệu chứng của bệnh sán lá gan có thể thực hiện các xét nghiệm sau đây để chẩn đoán bệnh chính xác nhất:

  • Xét nghiệm phân trứng: Tìm trứng sán trong phân, dịch tá tràng; chi phí thấp, dễ thực hiện nhưng kết quả không quá chính xác.
  • Xét nghiệm sinh hóa máu: Phát hiện bạch cầu ái toan tăng vọt, chỉ ra sự nhiễm sán lá gan.
  • Hút dịch tá tràng và dịch mật: Kiểm tra trứng sán có trong dịch tá tràng.
  • Xét nghiệm ELISA: Xác định nồng độ kháng thể IgE và IgG, chính xác và nhanh chóng.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Ảnh chụp chiếu gan, nội soi mật tụy ngược dòng, CT, MRI để xác định tổn thương gan, ống mật.

Xét nghiệm phân trứng

Loại xét nghiệm sán lá gan này có thể tìm thấy trứng sán trong dịch tá tràng và trong phân. Xét nghiệm phân trứng thường là cơ sở để xác định bệnh vì đơn giản và chi phí thấp. Tuy nhiên, việc tìm ra trứng sán hay không còn phụ thuộc nhiều vào tình trạng bệnh, chu kỳ sinh trưởng của sán, bảo quản phân,... nên thường cho kết quả không quá chính xác.

Thực tế, trứng sán thường được phát hiện trong phân kể từ 3 - 4 tháng sau khi ăn phải ấu trùng. Đối với sán lá gan lớn, con người chỉ là vật chủ ngẫu nhiên nên sán có thể không phát triển được như trong cơ thể gia súc. Sán còn có thể ký sinh ở nhiều nơi khác trong cơ thể nên việc tìm thấy trứng sán trong phân rất khó khăn.

Xét nghiệm sinh hóa máu

Xét nghiệm sinh hóa máu giúp xác định người bệnh có mắc sán lá gan hay không bằng cách phát hiện số lượng bạch cầu tăng vọt. Trong giai đoạn ấu trùng xâm nhập vào cơ thể, lượng bạch cầu ái toan tăng cao từ 1 - 3% khi cơ thể bình thường đến trên 80% so với lúc bị nhiễm sán lá gan.

Hút dịch tá tràng và dịch mật

Người ta xét nghiệm sán lá gan bằng cách kiểm tra trứng sán có trong dịch tá tràng. Loại xét nghiệm này thường được thực hiện khi kết quả xét nghiệm kỹ thuật ELISA và siêu âm không thống nhất.

Xét nghiệm kỹ thuật ELISA

Xét nghiệm sán lá gan với kỹ thuật ELISA giúp xác định nồng độ hai loại kháng thể IgE và IgG do cơ thể tiết ra khi bị nhiễm bệnh. Nếu nồng độ hai loại kháng thể này tăng cao, bệnh nhân dương tính với sán lá gan. Kết quả của loại xét nghiệm này có độ chính xác cao và nhanh chóng, có thể phát hiện sớm sán lá gan ngay trong giai đoạn xâm nhập.

Xét nghiệm sán lá gan và những điều bạn cần biết 3
Xét nghiệm sán lá gan bằng kỹ thuật ELISA cho kết quả chính xác và nhanh chóng

Chẩn đoán hình ảnh

Bác sĩ dựa vào ảnh chụp chiếu gan để xác định mức độ tổn thương của gan và ống mật. Một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường gặp như nội soi mật tụy ngược dòng, chụp đường mật, chụp CT, chụp MRI và siêu âm. Một số trường hợp các bác sĩ cũng có thể nội soi dạ dày để xét nghiệm sán lá gan.

Cách điều trị sán lá gan

Sau khi xác định nhiễm bệnh bằng các xét nghiệm sán lá gan kể trên, người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc đặc hiệu tùy vào loại sán lá gan và mức độ tổn thương.

Đối với người nhiễm sán lá gan nhỏ, người ta dùng thuốc Praziquantel 600mg liều 75mg/kg cho các trường hợp nhẹ và điều trị liên tiếp 1 - 2 ngày đối với trường hợp nặng. Người nhiễm sán lá gan lớn sẽ được điều trị bằng thuốc Triclabendazole 250mg liều 10mg/kg uống một lần duy nhất.

Nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả, người bệnh có thể được điều trị bằng biện pháp phẫu thuật khi có áp xe tại gan có kích thước lớn hơn 5cm. Ngoài ra, bệnh cũng chống chỉ định điều trị đối với phụ nữ đang mang thai, người bị suy tim, bệnh cấp tính, suy thận, suy gan, bệnh tâm thần,...

Nguyên nhân mắc bệnh sán lá gan

Trâu, bò, cừu, dê,... là vật chủ chính của sán lá gan lớn, con người là vật chủ ngẫu nhiên và ốc là vật chủ trung gian. Trong khi đó, vật chủ chính của sán lá gan nhỏ là con người và các loại động vật nhỏ, ốc là vật chủ trung gian.

Sau khi rời khỏi cơ thể vật chủ, trứng sán gặp nước trở thành ấu trùng và ký sinh trong cơ thể ốc hoặc bơi tự do trong nước. Con người vô tình ăn phải ấu trùng sán từ rau sống thủy sinh, đồ ăn tái sống và uống nước lã. Sán sau khi vào ruột non sẽ di chuyển lên gan, ăn các tế bào gan và di chuyển vào ống mật. Sán trưởng thành đẻ trứng trong đường mật, trứng theo ruột ra ngoài và tiếp tục vòng đời sán lá gan.

Xét nghiệm sán lá gan và những điều bạn cần biết 1
Vòng đời sống của sán lá gan nhỏ

Nguy cơ mắc sán lá gan

Người thường xuyên ăn rau sống, đồ ăn tái sống và uống nước chưa được đun sôi đều có nguy cơ mắc bệnh sán lá gan. Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt thiếu vệ sinh, phóng uế bừa bãi, xả thải vào nguồn nước,... đều là điều kiện để sán sinh sôi và ký sinh vào cơ thể người.

Xét nghiệm sán lá gan và những điều bạn cần biết 4
Người có thói quen ăn sống có nguy cơ cao nhiễm sán lá gan

Cách phòng tránh bệnh sán lá gan hiệu quả

Do đó, cách phòng tránh bệnh tốt nhất là nâng cao hiểu biết về bệnh sán lá gan; duy trì thói quen ăn chín uống chín rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn; không tiếp xúc với phân người và phân động vật; không phóng uế, xả chất thải, dùng phân tưới rau; tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng.

Nếu nghi ngờ bị nhiễm bệnh, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm sán lá gan và điều trị bệnh hiệu quả. Bên cạnh đó, việc duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ và tẩy giun định kỳ là cách tốt nhất để phòng chống bệnh.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin