Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Áp xe lòng bàn tay: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Áp xe lòng bàn tay là một tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng ở bàn tay, thường biểu hiện dưới dạng một túi mủ bên dưới da. Đây là một bệnh lý dễ nhận biết, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng phức tạp như tàn phế, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Áp xe lòng bàn tay là gì?

Áp xe được tạo thành qua hai giai đoạn, gồm giai đoạn viêm lan tỏa và giai đoạn tụ mủ. Áp xe được cấu tạo gồm hai phần là:

  • Phần vách: Gồm ba lớp. Lớp trong tiếp xúc với dịch mủ, cấu tạo từ mạng lưới fibrin. Lớp giữa là tổ chức mô liên kết với nhiều mạch máu tân tạo. Lớp ngoài là tổ chức xơ giúp phân lập mô nhiễm trùng và mô lành.
  • Phần bọng mủ: Tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh mà dịch mủ có thể có màu khác nhau. Ví dụ màu vàng đặc như kem sữa là áp xe do tụ cầu, mủ loãng có pha thanh dịch là áp xe do liên cầu, mủ xám bẩn có mùi thối là áp xe do vi khuẩn kị khí.

Áp xe là sự tích tụ mủ có dạng túi, có thể hình thành tại bất kỳ vị trí nào trong cơ thể, đặc biệt là mô mềm. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ huy động các tế bào bạch cầu, đại thực bào đến nơi tổn thương chống lại các tác nhân này, hình thành các túi mủ. Thành phần trong dịch áp xe bao gồm tế bào bạch cầu sống và chết, vi khuẩn, mô chết và một số thành phần khác.

Áp xe lòng bàn tay là sự hình thành của túi mủ ở lòng bàn tay, thường là kết quả của nhiễm trùng vi khuẩn tại lòng bàn tay. Tình trạng này thường phát triển từ các vết thương nhỏ hoặc nhiễm trùng da không được điều trị hoặc điều trị trễ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của áp xe lòng bàn tay

Áp xe lòng bàn tay là một loại áp xe dưới da khá dễ nhận biết. Một số đặc điểm điển hình của một khối áp xe lòng bàn tay bao gồm:

  • Vị trí áp xe sưng tấy, nổi gồ lên bề mặt da lòng bàn tay, màu đỏ;
  • Cảm giác nóng rát tại vị trí áp xe;
  • Vùng da ở đỉnh ổ áp xe căng và mỏng;
  • Dịch mủ của áp xe có màu vàng hoặc trắng;
  • Ấn vào thấy mềm và nóng;
  • Đau nhức dữ dội ở lòng bàn tay;
  • Mệt mỏi;
  • Có thể có sốt và ớn lạnh;
  • Giảm khả năng vận động hoặc sử dụng bàn tay do đau.

Biến chứng có thể gặp khi mắc áp xe lòng bàn tay

Áp xe lòng bàn tay nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng sau:

  • Lan rộng nhiễm trùng sang các khu vực lân cận;
  • Tổn thương cấu trúc xương và mô mềm trong lòng bàn tay;
  • Phát triển thành viêm xương;
  • Hạn chế chức năng vận động của bàn tay hoặc tàn tật;
  • Nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, thậm chí tử vong.
Áp xe lòng bàn tay: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 4
Vỡ ổ áp xe lòng bàn tay nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có một khối áp xe ở lòng bàn tay và có những triệu chứng bên dưới, hãy đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm:

  • Sốt và lạnh run;
  • Khối áp xe đỏ và sưng tấy;
  • Cơn đau tăng lên;
  • Áp xe tái phát.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến áp xe lòng bàn tay

Áp xe được hình thành do nhiễm vi khuẩn. Loại vi khuẩn gây ra hầu hết các trường hợp áp xe là Staphylococcus. Khi vi khuẩn xâm nhập vào da và mô mềm, hệ thống miễn dịch sẽ huy động các tế bào bạch cầu để chống lại vi khuẩn, từ đó hình thành nên các ổ áp xe.

Virus, ký sinh trùng và nấm là các tác nhân hiếm gặp đối với các trường hợp áp xe lòng bàn tay.

Vi khuẩn có thể xâm nhập vào da lòng bàn tay qua các ngõ sau:

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập qua vết cắt, trầy xước hoặc vết thương hở.
  • Phát triển từ nhiễm trùng da như nhọt hoặc mụn nhọt.
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn lan từ các bộ phận lân cận khác.
  • Các tình trạng viêm mạn tính tại lòng bàn tay.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải áp xe lòng bàn tay?

Một số đối tượng bên dưới có nguy cơ cao bị áp xe lòng bàn tay:

  • Người nông dân;
  • Người có vết thương hở tại lòng bàn tay;
  • Người thừa cân béo phì;
  • Người bệnh đái tháo đường;
  • Người sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da gây giảm miễn dịch cục bộ, chẳng hạn như corticosteroid bôi;
  • Người nhiễm HIV.
Áp xe lòng bàn tay: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 5
Bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc áp xe lòng bàn tay

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải áp xe lòng bàn tay

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc áp xe lòng bàn tay:

  • Suy giảm miễn dịch;
  • Thường xuyên tiếp xúc bàn tay với đất cát, nước bẩn,...
  • Điều kiện sống vệ sinh kém;
  • Vết thương ở lòng bàn tay lâu lành;
  • Có các dị vật trong mô mềm lòng bàn tay như dằm gỗ, mảnh vụn thủy tinh, chỉ khâu,...

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán áp xe lòng bàn tay

Áp xe lòng bàn tay là một bệnh có thể được chẩn đoán hoàn toàn dựa trên lâm sàng. Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử, các yếu tố nguy cơ, khám tổng quát và khám tại vị trí lòng bàn tay. Ngoài ra, bác sĩ có thể lấy mủ từ ổ áp xe để làm xét nghiệm phân tích.

Một số cận lâm sàng được bác sĩ đề nghị thực hiện khi tình trạng áp xe lòng bàn tay phức tạp, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Theo dõi tình trạng viêm nhiễm khi có tăng bạch cầu.
  • Cấy mủ áp xe và làm kháng sinh đồ: Xác định loại vi khuẩn gây bệnh và kháng sinh điều trị phù hợp.
  • Siêu âm: Quan sát kích thước và sự thâm nhiễm của ổ áp xe đến các cơ quan lân cận.

Phương pháp điều trị áp xe lòng bàn tay hiệu quả

Người bệnh không nên tự rạch hoặc làm vỡ ổ áp xe tại nhà vì vết thương có thể nặng hơn và vi khuẩn có thể dễ dàng lây lan sang các vùng da lành khác.

Thuốc giảm đau thông thường

Các thuốc giảm đau thông thường có thể được bác sĩ kê toa cho bạn khi cơn đau từ áp xe lòng bàn tay khiến bạn khó chịu và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Các loại thuốc thường được chỉ định như paracetamol, aspirin,...

Thuốc kháng sinh

Đối với những ổ áp xe sâu, kích thước lớn, thâm nhiễm lan rộng, bác sĩ sẽ tiến hành cho các loại thuốc kháng sinh dựa trên kháng sinh đồ. Lưu ý rằng khi sử dụng kháng sinh, bạn cần uống đủ liều trình và liều lượng thuốc để quá trình điều trị được hiệu quả nhất.

Rạch, dẫn lưu ổ áp xe

Đối với các ổ áp xe nặng, bác sĩ sẽ tiến hành hút dịch mủ bằng cách rạch dẫn lưu. Quá trình thực hiện thủ thuật này được đảm bảo vô khuẩn nghiêm ngặt. Sau khi dẫn lưu mủ, vết thương sẽ được rửa sạch với nước muối sinh lý.

Trong quá trình phục hồi vết thương, người bệnh nên chườm ấm tại vị trí đó để dịch còn lại trong vết thương được thoát ra và giúp ngăn áp xe tái phát.

Áp xe lòng bàn tay: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 6
Rạch và dẫn lưu ổ áp xe lòng bàn tay

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của áp xe lòng bàn tay

Chế độ sinh hoạt:

  • Tăng cường vệ sinh cá nhân, đặc biệt tại khu vực áp xe.
  • Thay băng vết thương hàng ngày sau khi rạch dẫn lưu ổ áp xe tại cơ sở y tế.
  • Hạn chế sờ chạm vào vết thương, tránh để vết thương tiếp xúc với nước.
  • Tuân thủ chiến lược điều trị của bác sĩ.
  • Tái khám nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong quá trình điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Tránh các loại thực phẩm tăng hoạt tính viêm như đồ chiên, xào, cay, nóng.
  • Uống đủ 1,5 đến 2 lít nước lọc mỗi ngày.
  • Bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein có trong thịt, cá, hải sản, trứng, sữa giúp vết thương sau khi điều trị nhanh hồi phục.

Phương pháp phòng ngừa áp xe lòng bàn tay hiệu quả

Để phòng ngừa áp xe lòng bàn tay, bạn cần thực hiện một số thói quen như sau:

  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với môi trường bẩn.
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân.
  • Tránh dùng chung các thiết bị và vật dụng cá nhân chung để hạn chế lây nhiễm bệnh từ người khác.
  • Bỏ khăn giấy, khăn lau, băng gạc dính máu và chất tiết đúng nơi quy định.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Không hút thuốc lá.
  • Không tự xử trí các vết thương phức tạp tại nhà.
Áp xe lòng bàn tay: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 7
Rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa nhiễm khuẩn

Các câu hỏi thường gặp về áp xe lòng bàn tay

Tại sao mủ của áp xe lòng bàn tay có màu vàng?

Mủ là sản phẩm được tạo ra sau quá trình hoạt động chống lại vi khuẩn của hệ thống miễn dịch. Thành phần của mủ bao gồm tế bào bạch cầu sống hoặc chết, vi khuẩn, tế bào mô, protein... Mủ màu vàng thường do xác bạch cầu đa nhân trung tính và xác tụ cầu vàng Staphylococcus aureus.

Áp xe lòng bàn tay có nguy hiểm không?

Áp xe lòng bàn tay là một bệnh lý dễ nhận biết và điều trị. Tuy nhiên, người bệnh cần được bác sĩ chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ để không dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm xương, tàn tật, nhiễm trùng huyết.

Áp xe da lòng bàn tay có lây nhiễm không?

Dịch áp xe chứa nhiều vi khuẩn, nó có thể lây lan từ người này sang người khác khi ổ áp xe bị rách và vỡ mủ ra ngoài. Người tiếp xúc với dịch mủ ấy nếu có các vết thương hở trên da thì nguy cơ nhiễm vi khuẩn khá cao.

Áp xe da lòng bàn tay có tự khỏi không?

Đối với những áp xe rất nhỏ hoặc áp xe nông gần bề mặt da có thể tự khỏi. Bạn có thể chườm ấm tại vị trí áp xe giúp dịch mủ dẫn lưu tốt hơn.

Tôi có thể tự chăm sóc áp xe da lòng bàn tay như thế nào?

Bạn có thể tự chăm sóc vết thương bằng cách giữ gìn vệ sinh vết thương và vùng da xung quanh, thay băng và rửa vết thương theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh sờ chạm vào vết thương.

Nguồn tham khảo
  1. Abscess: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22876-abscess
  2. Palm Abscess: https://www.msdmanuals.com/professional/musculoskeletal-and-connective-tissue-disorders/hand-disorders/palm-abscess
  3. Palm abscess: https://radiopaedia.org/cases/palm-abscess
  4. Hand Abscess: https://www.msdmanuals.com/home/bone,-joint,-and-muscle-disorders/hand-disorders/hand-abscess
  5. Hand Infection: https://www.assh.org/handcare/condition/hand-infection

Các bệnh liên quan

  1. Cảm lạnh

  2. Viêm não dạng u hạt do amip

  3. Nhiễm trùng

  4. Bệnh viêm màng não do Haemophilus

  5. Bệnh Lyme

  6. Nhiễm ký sinh trùng

  7. Lao cột sống

  8. Nhiễm giun lươn

  9. Bệnh virus Nipah

  10. Viêm họng, viêm miệng, viêm tim do virus Coxsackie