Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thoái hoá khớp ngón tay: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thoái hoá khớp có thể xuất hiện ở các khớp của bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Các ngón tay và bàn tay thường bị ảnh hưởng gây ra những hạn chế trong hoạt động hàng ngày mà đòi hỏi các động tác tinh vi của ngón tay. Các phương pháp điều trị có thể làm giảm cơn đau và giúp bạn có thể vận động khớp nhiều hơn để tiếp tục thực hiện các công việc hàng ngày một cách dễ dàng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Thoái hoá khớp ngón tay là gì?

Thoái hóa khớp ngón tay là tình trạng xương dưới sụn ngón tay bị tổn thương, mài mòn và viêm, dẫn đến mất sụn, gây cứng khớp, suy giảm khả năng vận động, gây ra các cơn đau nhức. Khi bị thoái hóa nặng, hai đầu xương sẽ va vào nhau, sự hình thành gai xương gây biến dạng khớp. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của thoái hoá khớp ngón tay

Thoái hoá khớp ngón tay thường ảnh hưởng nhất đến các khớp bên ngoài của ngón tay (khớp liên đốt xa) và khớp giữa của ngón tay (khớp liên đốt gần). Nó cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp gần bàn tay nhất (khớp bàn ngón).

Các triệu chứng phổ biến nhất của thoái hoá khớp ngón tay bao gồm:

  • Đau ở các ngón tay;
  • Cứng khớp;
  • Giảm lực cầm nắm hoặc chức năng của bàn tay;
  • Hạn chế biên độ vận động của các ngón tay;
  • Gai xương;
  • Ngón tay cong vẹo.

Một triệu chứng kinh điển của thoái hóa khớp nặng ở ngón tay là sự phát triển của các gai xương trên khớp bị bệnh. Những gai xương này trông giống như cục xương nhô lên trên ngón tay và thường vô hại. Các gai xương hình thành trên các khớp liên đốt xa được gọi là hạt Heberden. Những nốt hình thành ở khớp liên đốt gần của ngón tay được gọi là hạt Bourchard.

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng này càng trở nên rõ rệt hơn. Ở giai đoạn cuối của bệnh, các ngón tay có thể thay đổi hình dạng hoàn toàn và trông cong queo. Đôi khi, các hạt vô hại hoặc u nang hình thành trên các ngón tay. Những nang này hình thành khi khớp tạo ra quá nhiều dịch. U nang không giống như gai xương.

Thoái hoá khớp ngón tay là gì? Nguyên nhân nhân gây bệnh, chẩn đoán và điều trị 4
Thoái hoá khớp ngón tay ở giai đoạn muộn có thể gây biến dạng khớp nghiêm trọng

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán. Điều trị thoái hoá khớp ngón tay sớm sẽ giúp giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến thoái hoá khớp ngón tay

Thoái hóa khớp là một bệnh do viêm và mòn sụn, là thành phần chính của khớp. Thoái hoá khớp có thể xuất hiện mà không có lý do rõ ràng hoặc do phản ứng với chấn thương ở khớp.

Các nguyên nhân gây thoái hóa khớp ngón tay bao gồm:

  • Thoái hoá khớp ngón tay nguyên phát: Với loại thoái hoá khớp này, sụn bị mòn dần và thường bị viêm mà không rõ nguyên nhân cụ thể.
  • Thoái hoá khớp ngón tay thứ phát: Tổn thương khớp như bong gân hoặc rách, có thể gây viêm và tổn thương sụn. Các khớp cũng có thể bị lệch khi chúng lành sau chấn thương.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải thoái hoá khớp ngón tay?

Những đối tượng có nguy cơ cao bị thoái hoá khớp ngón tay là: Người có chấn thương, nhiễm trùng hoặc rối loạn chuyển hóa trước đó như bệnh Haemochromatosis di truyền.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thoái hoá khớp ngón tay

Mặc dù khó có thể xác định nguyên nhân gây thoái hóa khớp nguyên phát ở ngón tay, nhưng có một số yếu tố nguy cơ sau:

  • Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được: Tuổi, giới tính nữ, sau mãn kinh và di truyền, trong đó tiền căn gia đình mắc bệnh và người da trắng có liên quan đến tỷ lệ thoái hoá khớp cao hơn so với người da đen hoặc người phương Đông.
  • Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi: Bao gồm nghề nghiệp và uống rượu bia.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thoái hoá khớp ngón tay

Chẩn đoán thoái hóa khớp ngón tay dựa trên tiền căn, bệnh sử, thăm khám sức khỏe và chụp X-quang hoặc xét nghiệm máu nếu cần.

  • Bệnh sử: Bác sĩ của bạn sẽ muốn biết liệu bạn có các triệu chứng đau khác, các vấn đề về thể chất khác hoặc nếu bạn gặp phải bất kỳ chấn thương nào trước đó có thể gây ra tình trạng này.
  • Khám sức khỏe: Bác sĩ sẽ đánh giá biên độ vận động của các khớp ngón tay bị ảnh hưởng và kiểm tra xem có bất kỳ tư thế nào gây ra hoặc làm bạn đau tăng hay không. Sự xuất hiện của các hạt Bouchard hoặc Heberden cũng có thể giúp chẩn đoán thoái hoá khớp ngón tay.
  • Hình ảnh học: Có thể cần chụp X-quang nếu bác sĩ nghĩ rằng bạn có thể bị tổn thương khớp. X-quang cũng hữu ích khi bạn cần điều trị nâng cao, chẳng hạn như phẫu thuật.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu thường không giúp chẩn đoán thoái hoá khớp, nhưng bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm công thức máu và sinh hoá máu nếu bạn có dấu hiệu của tình trạng viêm nhiễm hoặc tự miễn như viêm khớp dạng thấp.
Thoái hoá khớp ngón tay là gì? Nguyên nhân nhân gây bệnh, chẩn đoán và điều trị 5
Bác sĩ thăm khám khớp ngón tay

Phương pháp điều trị thoái hoá khớp ngón tay hiệu quả

Thông thường, thoái hoá khớp không thể đảo ngược diễn tiến của bệnh, nhưng việc điều trị có thể giúp ngăn ngừa tình trạng xấu đi. Cơn đau có thể được kiểm soát bằng cách điều trị, cải thiện khả năng vận động và chức năng khớp của bạn. Điều trị có thể bao gồm vật lý trị liệu, thay đổi lối sống, thuốc hoặc phẫu thuật, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bạn và mức độ điều trị mà bạn có thể chịu đựng được.

Bác sĩ có thể đề nghị một hoặc nhiều phương pháp sau đây:

  • Thuốc chống viêm như aspirin hoặc NSAIDs.
  • Tiêm nội khớp cortisone.
  • Vật lý trị liệu bao gồm các bài tập vận động và tăng cường sức mạnh.
  • Trị liệu nghề nghiệp: Bạn có thể thấy hữu ích khi thử nẹp hoặc mang găng tay hỗ trợ, cũng như các dụng cụ dễ cầm, được chế tạo đặc biệt cho những người bị thoái hoá khớp ngón tay và các vấn đề về cầm nắm khác.
  • Thuốc bôi tại chỗ, chẳng hạn như Capsaicin, Icy Hot, Bengay,…
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thoái hoá khớp ngón tay

Chế độ sinh hoạt:

  • Vận động và tập thể dục: Đặt lịch trình tập thể dục nhẹ nhàng và thường xuyên để duy trì độ linh hoạt của các khớp. Bạn có thể tham gia vào các hoạt động như yoga, tập đi bộ, tập thể dục dưới nước, hay các bài tập khớp tay đơn giản. Tuy nhiên, hãy tránh các hoạt động có tải trọng lớn hoặc gây căng thẳng mạnh cho ngón tay.
  • Điều chỉnh môi trường làm việc: Đảm bảo môi trường làm việc thoải mái và hỗ trợ cho ngón tay. Sử dụng các công cụ hỗ trợ như bàn phím mềm, chuột có đệm, hoặc dụng cụ cầm nắm dễ dàng để giảm căng thẳng và áp lực lên ngón tay.
  • Chăm sóc đúng cách: Đảm bảo tạo điều kiện chăm sóc tốt cho ngón tay bằng cách giữ cho chúng sạch sẽ, sử dụng các bộ phận hỗ trợ như dụng cụ cắt móng tay dễ sử dụng, đảm bảo duy trì độ ẩm cho da xung quanh.
  • Sử dụng dụng cụ hỗ trợ: Các dụng cụ hỗ trợ như băng ép, đai hỗ trợ hoặc dụng cụ cầm nắm có thể giúp giảm áp lực và hỗ trợ cho ngón tay khi thực hiện các hoạt động hàng ngày.
  • Điều chỉnh hoạt động hàng ngày: Tìm cách điều chỉnh hoạt động hàng ngày để giảm áp lực lên ngón tay. Ví dụ, sử dụng công cụ hỗ trợ khi nắm đồ vật, chuyển sang phương pháp nấu ăn dễ dàng hơn, hay chia nhỏ các nhiệm vụ để giảm tải lực lên ngón tay.

Lưu ý rằng chế độ sinh hoạt phù hợp có thể thay đổi tùy theo từng trường hợp cụ thể. Hãy thảo luận với chuyên gia y tế để nhận được lời khuyên và hướng dẫn cụ thể cho trường hợp của bạn.

Thoái hoá khớp ngón tay là gì? Nguyên nhân nhân gây bệnh, chẩn đoán và điều trị 6
Tập thể dục dưới nước giúp hỗ trợ điều trị thoái hoá khớp ngón tay

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ ăn giàu canxi: Canxi là một chất quan trọng để duy trì sức khỏe xương và khớp. Bạn nên bổ sung canxi từ các nguồn như sữa và sản phẩm sữa không béo, cá hồi, hạt chia, hạt óc chó, rau xanh, đậu nành và các sản phẩm từ đậu.
  • Tăng cường hợp chất chống viêm: Thực phẩm giàu chất chống viêm có thể giúp giảm viêm và đau trong khớp. Bạn nên tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm như hạt chia, hạt lanh, quả mọng, hoa quả và rau xanh tươi.
  • Bổ sung omega-3: Omega-3 có tính chất chống viêm và có thể hỗ trợ sức khỏe khớp. Các nguồn giàu omega-3 bao gồm cá mỡ như cá hồi, cá thu, hạt lanh và hạt chia.
  • Giảm tiêu thụ chất béo bão hòa: Chất béo bão hòa có thể làm tăng viêm và gây tổn hại cho sức khỏe khớp. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm như đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn, mỡ động vật, kem, bơ,...
  • Bổ sung vitamin D: Vitamin D giúp cung cấp canxi cho xương và hỗ trợ sức khỏe khớp. Ngoài việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, bạn có thể bổ sung vitamin D từ thực phẩm như cá, trứng, nấm, sữa tăng cường vitamin D và các loại thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D.
  • Duy trì cân nặng lành mạnh: Duy trì cân nặng lành mạnh có thể giảm áp lực lên các khớp ngón tay và giảm triệu chứng thoái hoá khớp. Hãy ăn một chế độ ăn cân đối và tập thể dục thường xuyên để duy trì cân nặng ổn định.
  • Uống đủ nước: Nước là một thành phần quan trọng để duy trì sự mềm mại và bôi trơn cho các khớp. Hãy đảm bảo uống đủ nước trong một ngày.

Lưu ý: Chế độ dinh dưỡng phù hợp có thể thay đổi tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được lời khuyên và hướng dẫn cụ thể cho trường hợp của bạn.

Thoái hoá khớp ngón tay là gì? Nguyên nhân nhân gây bệnh, chẩn đoán và điều trị 7
Thực phẩm giàu chất chống viêm có thể giúp giảm viêm và đau khớp

Phương pháp phòng ngừa thoái hoá khớp ngón tay hiệu quả

Các phương pháp phòng ngừa có thể có hiệu quả trong việc làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của thoái hoá khớp. Bảo vệ bàn tay của bạn khỏi bị thương chắc chắn là một biện pháp ​​​​hay. Nếu bạn làm công việc đòi hỏi cử động tay lặp đi lặp lại hoặc nếu bạn chơi các môn thể thao có nguy cơ gây thương tích ở tay, bạn có thể thử đeo găng tay bảo vệ hoặc tối ưu hóa vị trí của mình sao cho bảo vệ khỏi chấn thương.

Nguồn tham khảo
  1. Finger osteoarthritis – symptoms, diagnosis and treatment: https://www.jointacademy.com/us/en/facts/specific-joints/finger-osteoarthritis/
  2. An Overview of Finger Osteoarthritis: https://www.verywellhealth.com/finger-osteoarthritis-what-you-need-to-know-2552017
  3. Osteoarthritis of the fingers: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10855746/
  4. Osteoarthritis of the Hand: https://www.msdmanuals.com/home/bone,-joint,-and-muscle-disorders/hand-disorders/osteoarthritis-of-the-hand
  5. Hand Arthritis: Symptoms, Treatment, and More: https://www.healthline.com/health/osteoarthritis/osteoarthritis-hand

Các bệnh liên quan

  1. Viêm khớp vai

  2. U tủy sống

  3. Xương thủy tinh

  4. Viêm khớp liên cầu

  5. Rách sụn chêm khớp gối

  6. Viêm đa rễ dây thần kinh

  7. Cứng khớp

  8. Viêm đa cơ

  9. Loãng xương ở nam

  10. Vôi hóa sụn khớp