Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh Freiberg là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh Freiberg

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh Freiberg hay còn gọi là hoại tử vô mạch ở xương bàn ngón chân thứ hai, bệnh gây dẹt và xẹp đầu khớp của xương bàn ngón chân thứ hai, dẫn đến thoái hóa và tiến triển thành viêm khớp. Bệnh Freiberg là một bệnh lý ít gặp, là bệnh thoái hóa sụn phổ biến thứ tư. Bài viết này nhằm cung cấp thông tin về triệu chứng, nguyên nhân, điều trị, cách phòng ngừa bệnh Freiberg.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh Freiberg là gì?

Bệnh Freiberg là một dạng hoại tử vô mạch ở xương bàn chân. Nó được mô tả lần đầu tiên vào năm 1914 bởi bác sĩ Alfred Freiberg, ông đã báo cáo sáu trường hợp phụ nữ trẻ có dáng đi khập khiễng và khó chịu khu trú ở xương bàn ngón chân thứ hai. 

Tất cả sáu người bệnh đều có kết quả chụp X-quang tương tự nhau, cho thấy bề mặt khớp của đầu xương bàn ngón thứ hai bị xẹp. Trong đó có ba người cho thấy các cơ quanh khớp lỏng lẻo. Trong số sáu phụ nữ, có bốn người trẻ hơn 18 tuổi.

Bởi vì Freiberg tin rằng nguyên nhân rất có thể là do chấn thương nên ông đã sử dụng thuật ngữ “gãy xương” (Freiberg Infraction). Ông ấy đã giả thuyết rằng tình trạng này phần nào là do chiều dài quá dài của xương bàn ngón chân thứ hai, khi đứng cạnh với xương bàn ngón chân thứ nhất (ngón cái), điều này dẫn đến quá tải cho xương bàn ngón chân thứ hai và sự tổn thương của khớp sau đó.

Kể từ mô tả lần đầu của Freiberg, nhiều nhà khoa học đã quan tâm về tình trạng không phổ biến này, từ đó được gọi là bệnh Freiberg. Mặc dù bệnh Freiberg được mô tả lần đầu cách đây hơn một thế kỷ nhưng nguyên nhân và cách điều trị vẫn còn gây tranh cãi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Freiberg

Người bệnh sẽ bị đau và sưng khu trú ở vùng đầu xương bàn ngón chân thứ 2 (ngón chân cạnh bên ngón cái). Người bệnh sẽ cảm giác như đang đi trên một vật cứng như hòn đá. Các triệu chứng thường diễn ra từ từ, không có biến chứng cấp tính cụ thể. Các triệu chứng tăng nặng hơn khi đi bộ, đặc biệt là khi đi chân trần hoặc đi giày cao gót.

Ngón chân bị ảnh hưởng có thể bị sưng, đặc biệt là khớp bàn ngón chân. Ngón chân có thể bị nhô lên (gập mặt lưng). Trong giai đoạn mạn tính hoặc tiến triển hơn, có thể xuất hiện tình trạng lệch trục ngón chân, chẳng hạn như ngón chân hình búa hoặc biến dạng bắt chéo ngón chân. Phạm vi chuyển động ở khớp bàn ngón chân bị giảm và có thể nghe thấy tiếng kêu lạo xạo khi di chuyển nó.

Bệnh Freiberg là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh Freiberg 4
Bệnh Freiberg giai đoạn muộn có thể xuất hiện tình trạng lệch trục ngón nhân

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Freiberg

Các biến chứng bao gồm bệnh tiến triển thành viêm khớp nặng kèm theo đau nhiều và phạm vi chuyển động hạn chế.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào nêu trên xảy ra với bàn chân của bạn, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để được thăm khám và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm bệnh Freiberg sẽ giúp giảm triệu chứng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Freiberg

Bệnh Freiberg là bệnh thoái hóa sụn ảnh hưởng đến đầu xương bàn ngón chân. Thoái hoá sụn là một nhóm các rối loạn do tổn thương ở đầu xương làm thay đổi quá trình cốt hóa trong sụn và tạo ra sự bất thường ở bề mặt khớp. 

Có hai cách giải thích phổ biến nhất cho bệnh Freiberg, bao gồm nguyên nhân chấn thương và tổn thương mạch máu, nhưng nhiều nhà khoa học tin rằng nguyên nhân thực sự là do nhiều yếu tố. Các rối loạn hệ thống khác có liên quan đến sự phát triển của bệnh Freiberg, bao gồm đái tháo đường, bệnh lupus ban đỏ hệ thống và tình trạng tăng đông máu.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh Freiberg?

Bệnh Freiberg là bệnh thoái hóa sụn duy nhất phổ biến hơn ở nữ giới với tỷ lệ 5:1 so với nam giới. Độ tuổi mắc bệnh cao nhất là từ 11 đến 17 tuổi nhưng có thể ảnh hưởng đến phụ nữ ở độ tuổi 70.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh Freiberg

Có một số yếu tố nguy cơ toàn thân được xác định đối với bệnh Freiberg, bao gồm:

Nhưng các nghiên cứu liên quan đến những yếu tố này còn ít.

Bệnh Freiberg là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh Freiberg 5
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống là yếu tố nguy cơ của bệnh Freiberg

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh Freiberg

Đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng mà bạn gặp phải, tiền căn mắc bệnh của bạn. Sau đó bác sĩ sẽ thăm khám thực thể, xem biên độ vận động của khớp (ROM), tình trạng sưng, nóng, đỏ và đau. 

Trong giai đoạn đầu của bệnh, dấu hiệu đau nhức khớp bàn ngón chân có thể là dấu hiệu duy nhất. Ở giai đoạn sau, có thể xuất hiện tiếng lạo xạo khi chuyển động khớp hoặc biến dạng khớp. Có thể nhìn thấy mô sẹo trên bề mặt lòng bàn chân của đầu xương bàn ngón chân bị ảnh hưởng.

Phương pháp điều trị bệnh Freiberg hiệu quả

Ban đầu, điều trị nội khoa bảo tồn sẽ được cố gắng với mục tiêu làm giảm các triệu chứng và giảm thiểu biến dạng đầu xương để hạn chế sự tiến triển thành viêm khớp bất kể mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Điều trị ban đầu bao gồm điều chỉnh tư thế hoạt động, khả năng chịu trọng lượng (sử dụng đế giày cứng hoặc bó bột), điều chỉnh cách mang giày và thuốc chống viêm đường uống.

Có nhiều phương pháp phẫu thuật được đề xuất để điều trị bệnh Freiberg khi các biện pháp điều trị nội khoa tối đa không thành công. Có rất ít sự đồng thuận giữa các bác sĩ phẫu thuật về việc nên thực hiện phương pháp phẫu thuật nào. 

Trong đánh giá của Carmont và cộng sự, các lựa chọn phẫu thuật được chia thành hai loại, hoặc thay đổi sinh lý và cơ chế sinh học bất thường hoặc khôi phục sự đồng đều của khớp/di chứng viêm khớp gặp phải ở giai đoạn sau của bệnh.

  • Những phương pháp nhằm mục đích thay đổi sinh lý bất thường bao gồm giải nén và phẫu thuật cắt bỏ xương để điều chỉnh.
  • Những phương pháp nhằm mục đích khôi phục lại sự đồng nhất của khớp bao gồm cắt bỏ mô, cắt bỏ xương, ghép xương và tạo hình khớp

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh Freiberg

Chế độ sinh hoạt:

Người bệnh Freiberg có thể tham khảo một số chế độ sinh hoạt sau đây để hỗ trợ quá trình điều trị và giảm triệu chứng:

  • Nghỉ ngơi và giảm tải trọng: Để giảm áp lực lên bàn chân bị ảnh hưởng, nên tránh các hoạt động có tải trọng cao như chạy bộ, nhảy, hoặc các hoạt động thể thao có tác động lớn lên bàn chân. Nghỉ ngơi đủ để cho bàn chân hồi phục và giảm thiểu việc tải trọng lên vùng bị tổn thương.
  • Sử dụng giày hỗ trợ: Chọn giày có đệm tốt và hỗ trợ chân, đặc biệt là phần trước của giày. Giày có đế cứng và có kích cỡ vừa vặn.
  • Thực hiện các bài tập tập trung vào cơ bắp chân: Tập trung vào tăng cường cơ bắp hai chân có thể giúp giảm áp lực lên bàn chân bị tổn thương. Bài tập như nâng chân, kéo dây giãn cơ chân, kháng lực có thể được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu.
  • Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ chuyên khoa: Luôn lưu ý và tuân thủ theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để điều trị và quản lý bệnh Freiberg một cách hiệu quả.
Bệnh Freiberg là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh Freiberg 6
Người bệnh Freiberg nên tránh mang giày cao gót

Chế độ dinh dưỡng:

Dinh dưỡng chính là một phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi cho người bệnh Freiberg. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh Freiberg:

  • Tăng cường bổ sung canxi và vitamin D: Canxi là một thành phần quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển và duy trì xương khỏe mạnh. Cần đảm bảo lượng canxi đủ trong chế độ ăn hàng ngày thông qua các nguồn như sữa và sản phẩm từ sữa không béo, cá, hạt và rau xanh. Vitamin D cũng rất quan trọng để giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, có thể cân nhắc bổ sung vitamin D theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tăng cường protein: Protein cung cấp nguyên liệu cần thiết để tái tạo và phục hồi tế bào, bao gồm cả xương và mô cơ. Các nguồn protein bao gồm thịt, cá, trứng, đậu, hạt, đậu nành và các sản phẩm từ sữa.
  • Cân nhắc giảm tiêu thụ chất béo bão hòa và cholesterol: Chất béo bão hòa và cholesterol cao có thể gây viêm và tác động tiêu cực đến sức khỏe xương. Hạn chế tiêu thụ thực phẩm như mỡ động vật, thịt đỏ nhiều mỡ, thực phẩm chế biến sẵn có nhiều dầu mỡ và gia vị ngọt.
  • Tăng cường tiêu thụ chất xơ và vitamin C: Chất xơ có thể giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa, duy trì cân nặng và hỗ trợ sức khỏe xương. Các nguồn chất xơ bao gồm rau xanh, quả và ngũ cốc nguyên hạt. Vitamin C có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự hình thành và duy trì mô liên kết, bao gồm cả xương. Các nguồn vitamin C bao gồm cam, chanh, quả kiwi, dứa, và các loại rau củ.
  • Uống đủ nước: Dưỡng ẩm cơ thể bằng cách uống đủ nước có thể giúp duy trì sự linh hoạt và chức năng của các khớp.

Ngoài ra, luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được hướng dẫn cụ thể và phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

Phương pháp phòng ngừa bệnh Freiberg hiệu quả

Bạn không thể làm gì để ngăn ngừa bệnh Freiberg.

Nếu bạn bị đau, sưng ở bàn chân, điều quan trọng nhất cần làm là tìm kiếm sự chăm sóc y tế để xác định nguyên nhân gây ra cơn đau của bạn, nếu bạn được bác sĩ chẩn đoán là do bệnh Freiberg và ở giai đoạn đầu, bạn sẽ cần phải trải qua liệu pháp bảo tồn để hỗ trợ chữa lành và phục hồi để hạn chế sự tiến triển thành viêm khớp ở khớp bị ảnh hưởng.

Bệnh Freiberg là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh Freiberg 7
Nên đến gặp bác sĩ sớm khi bàn chân của bạn bị đau và sưng
Nguồn tham khảo
  1. Carter KR, Chambers AR, Dreyer MA. Freiberg Infraction. [Updated 2022 Nov 30]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537308/
  2. Freiberg Disease: https://www.msdmanuals.com/professional/musculoskeletal-and-connective-tissue-disorders/foot-and-ankle-disorders/freiberg-disease
  3. Freiberg disease: https://radiopaedia.org/articles/freiberg-disease
  4. Freiberg's infraction: diagnosis and treatment: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24319044/
  5. Freiberg Disease (Infraction): https://emedicine.medscape.com/article/1236085-overview?form=fpf

Các bệnh liên quan

  1. Rối loạn dây thần kinh trụ

  2. Viêm bao hoạt dịch

  3. Giãn tĩnh mạch chi dưới

  4. Phong

  5. Viêm khớp mạn tính

  6. Viêm khớp mắt cá chân

  7. Đau ngón tay

  8. Viêm cột sống dính khớp

  9. Viêm khớp ngón tay

  10. Đứt dây chằng