Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh Rubeon: Thường gây giảm tiểu cầu và bạch cầu

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh rubeon là bệnh lây nhiễm do togavirus gây ra. Bệnh lây lan ở mức độ trung bình. Sau khi khỏi bệnh sẽ tạo được miễn dịch bền vững. Điều nguy hiểm của bệnh rubeon là gây tổn thương cho bào thai khi còn đang nằm trong tử cung, làm nhiễm bệnh bẩm sinh và quái thai.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh rubeon là gì?

Bệnh rubeon là bệnh nhiễm virus cấp tính, khởi đầu bằng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu, viêm mũi xuất tiết nhẹ và viêm kết mạc. Tiếp theo đó, sưng hạch bạch huyết ở tai, chẩm, cổ rồi phát ban khoảng 5 – 10 ngày. Phát ban trên mặt rồi lan ra toàn thân, gần giống như bệnh sốt tinh hồng nhiệt hay ban sởi. Nhưng cũng có 50% trường hợp mắc rubeon không phát ban. Bệnh thường gây giảm tiểu cầu và bạch cầu. Thể bán lâm sàng của rubeon chiếm tỷ lệ cao ở người lớn lẫn trẻ em.

Bệnh có thể lây nhiễm từ 1 tuần trước khi phát ban tới 15 ngày tiếp theo sau đó. Trong rubeon, triệu chứng viêm khớp khá nổi trội, nhưng dấu hiệu của bệnh lại rất khó để chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác do virus gây nên như tăng bạch cầu đơn nhân, nhiễm khuẩn, nhiễm virus coxsackie, nhiễm echo virus.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rubeon

Rubeon lây nhiễm qua đường hô hấp và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Sau khi nhiễm, thời kỳ ủ bệnh khoảng 14 – 21 ngày (trung bình tầm 16 ngày). Triệu chứng bao gồm sốt, mệt mỏi, sổ mũi, sưng viêm hạch dưới chẩm, thường xuất hiện trước khi phát ban 1 tuần.

Đối với người lớn, khoảng 25% xảy ra viêm đa khớp, đa số là ở nữ giới trẻ tuổi. Triệu chứng thường xảy ra trong khoảng 7 ngày, có khi kéo dài đến vài tuần. Thường hay bị nổi hạch to ở sau tai và sau cổ vào khoảng 5 – 10 ngày trước khi phát ban. Phát ban dát sẩn mọc từ mặt xuống dưới thân mình và lan sang chân tay, kéo dài 3 ngày. Hồng ban thường ở họng hay vòm miệng, đôi khi là ban sát sẩn màu hồng và mịn xuất hiện trên mặt, cơ thể và tay chân, xuất hiện rong 2 – 3 ngày sẽ hết, mỗi ngày nổi một vùng. Cũng có nhiều trường hợp rubeon không phát ban. 

Trẻ từ 1 tuổi trở lên thường bị sởi, khởi phát trong 2 – 3 ngày kèm các triệu chứng sốt đột ngột ≥ 38oC, chảy nước mắt, chảy nước mũi, ho, tiêu chảy,… Khi bệnh đang diễn tiến, thường sốt cao, sốt li bì, mệt mỏi, xuất hiện ban sởi mọc dày và mịn ở sau tai, mặt, cổ, lan xuống cơ thể và tay chân trong vòng 1 – 2 ngày. Bệnh thường thuyên giảm khi đã hết sốt, ban sẽ lặn dần theo thứ tự mọc ban đầu, để lại các vết thâm trên da.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh rubeon

Bệnh rubeon gây biến chứng đau khớp, nhất là đối với phụ nữ, và biến chứng viêm não ở người lớn. 

Phơi nhiễm khi đang mang thai: Việc xác định tìm kháng thể rubeon trong thời kỳ đầu mang thai là rất quan trọng vì nhiễm virus này trong 3 tháng đầu thai kỳ dẫn tới khoảng 80% trẻ sinh ra bị rubeon bẩm sinh. Nếu phụ nữ có thai tiếp xúc với người bị rubeon, cần phải xét nghiệm tìm kháng thể rubeon dựa vào phản ứng trung gian ức chế ngưng kết hồng cầu, nếu kết quả âm tính, tiếp tục theo dõi lâm sàng và huyết thanh. 

Rubeon bẩm sinh: Trẻ mắc rubeon bẩm sinh thường có các biểu hiện như đục thủy tinh thể sớm, glaucoma, mắt nhỏ, chậm phát triển tâm thần vận động, giảm thính lực, bệnh tim bẩm sinh, phát ban dạng dát sẩn và to cơ quan. Trẻ bị rubeon bẩm sinh thường dễ gặp biến chứng nặng như mù mắt, tổn thương phổi, bại não,.. Chẩn đoán dựa trên phân lập virus, xét nghiệm đặc hiệu với kháng thể IgM.

Bệnh não ở người lớn: Một số ít người bệnh bị viêm não sau khi nhiễm virus từ 1 - 6 ngày sau phát ban tuy nhiên không phải luôn phân lập được virus. Tỷ lệ tử vong vào khoảng 20%, nhưng nếu bệnh được chữa khỏi thường không để lại di chứng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh rubeon

Tác nhân gây bệnh là virus Rubella, giống Rubivirus, họ Togaviridae. Virus này chỉ tồn tại và nhân lên trong tế bào cơ thể. Sức đề kháng của Rubella rất yếu (như virus sởi), dễ mất tính lây nhiễm do ánh sáng, nhiệt độ và thuốc sát khuẩn. Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, khi tiếp xúc với chất tiết đường mũi họng của người bệnh, thời kỳ lây truyền là khoảng 1 tuần trước khi phát ban và 4 ngày sau đó.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh rubeon?

  • Phụ nữ có thai;

  • Trẻ sơ sinh;

  • Nữ giới trước độ tuổi có kinh nguyệt.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh rubeon

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rubeon, bao gồm:

  • Sống trong môi trường khép kín, ít ánh sáng;

  • Khí hậu lạnh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh rubeon

Chẩn đoán xác định cần dựa vào phân lập virus hay phản ứng huyết thanh học.

Tại các vùng ở dịch, bệnh nhân có các triệu chứng trên có thể nghi ngờ mắc bệnh, nhưng cần xét nghiệm để xác định chẩn đoán.

Các dấu hiệu cho thấy cần phải xét nghiệm bao gồm giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu (giảm bạch cầu xảy ra sớm và tiếp theo là tăng tương bào). Phân lập được virus bằng các xét nghiệm ức chế ngưng kết hồng cầu, phản ứng kháng thể huỳnh quang và xét nghiệm huyết thanh miễn dịch. Chẩn đoán xác định dựa trên nồng độ kháng thể tăng ≥ 4 lần so với bình thường.

Phương pháp điều trị bệnh rubeon hiệu quả

  • Nghỉ ngơi;

  • Dùng thuốc nâng thể trạng (vitamin);

  • Điều trị triệu chứng.

Hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị rubeon. Điều trị chủ yếu là cho người bệnh nghỉ ngơi, uống các thuốc nâng cao thể trạng như vitamin nhằm tăng sức đề kháng.

Có thể dùng acetaminophen để giảm các triệu chứng của bệnh rubeon. Giảm tiểu cầu và viêm não dạng nhẹ, không đe dọa tới tính mạng thì chỉ cần tập trung điều trị triệu chứng. Điều trị các dị tật nếu có.

Bệnh rubeon thường nhẹ và ít khi kéo dài 3 – 4 ngày, nhưng nếu mắc rubeon bẩm sinh thì trẻ thường có tỷ lệ tử vong cao hay để lại các di chứng dị tật bẩm sinh và tồn tại vĩnh viễn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh rubeon

Chế độ sinh hoạt:

  • Mặc ấm;

  • Cần nghỉ ngơi đầy đủ;

  • Dọn dẹp nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, đầy đủ ánh sáng;

  • Vệ sinh sạch sẽ mắt, mũi họng và răng miệng.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng;

  • Bổ sung vitamin.

Phương pháp phòng ngừa bệnh rubeon

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tiêm vaccine rubeon sống, giảm độc lực để gây miễn dịch chủ động cho tất cả trẻ em, nữ giới chưa tới tuổi có kinh nguyệt;

  • Phụ nữ trong độ tuổi mang thai hay dự định có thai cũng nên đi tiêm vaccine ngừa bệnh (nếu đã mang thai thì không được tiêm vaccine rubeon). Vaccine tạo miễn dịch trong thời gian rất dài trong nhiều năm sau đó;

  • Vệ sinh nhà ở sạch sẽ;

  • Cẩn thận cách ly và phòng ngừa vì bệnh dễ lây qua đường hô hấp.

Nguồn tham khảo
  1.  Bệnh viện Bạch Mai: http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/y-hoc-thuong-thuc-menuleft-32/691-benh-rubeon-co-dang-so-691.html 

  2. Cục Y Tế dự phòng, Bộ Y Tế: https://vncdc.gov.vn/benh-ru-be-on-nd14518.html 

  3. Sức khỏe đời sống: https://suckhoedoisong.vn/benh-rubeon-co-dang-so-16932431.htm 

  4. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn: http://cdc.backan.gov.vn/cac-benh-lay-nhiem-khac/benh-rubella-va-phong-ngua-cac-di-tat-bam-sinh-do-rubella-gay-nen-72263

Các bệnh liên quan

  1. Lao hệ tiết niệu-sinh dục

  2. Lao kê

  3. Bệnh hột xoài

  4. Viêm màng não lympho bào

  5. Nhiễm giun lươn

  6. Nhiễm Shigella

  7. Nhiễm Leptospira

  8. Sán não

  9. Nhiễm Echinococcus

  10. Nhiễm Escherichia coli