Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Thần kinh - Tinh thần/
  4. Loạn dưỡng bạch cầu dị sắc

Loạn dưỡng bạch cầu dị sắc là gì? Những vấn đề cần biết về loạn dưỡng bạch cầu dị sắc

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin

Loạn dưỡng bạch cầu dị sắc là một bệnh lý liên quan đến rối loạn di truyền hiếm gặp, xảy ra do sự thiếu hụt enzym chuyển hóa dẫn đến sự tích tụ của các chất béo bất thường trong cơ thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đặc biệt đến hệ thống thần kinh trung ương cũng như hệ thần kinh ngoại biên và nhiều cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Bệnh liên quan đến di truyền và ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung loạn dưỡng bạch cầu dị sắc

Loạn dưỡng bạch cầu dị sắc là gì?

Loạn dưỡng bạch cầu dị sắc có tên tiếng anh là Metachromatic leukodystrophy (MLD) hay Sulfatide lipidosis. Bệnh loạn dưỡng bạch cầu dị sắc là một rối loạn di truyền đặc trưng bởi sự tích tụ một chất béo có tên gọi là sulfatide trong tế bào. Trong bệnh lý MLD, sự thiếu hụt enzym ARSA (arylsulfatase A) dẫn đến sự tích tụ của sulfatide trong cơ thể. Sulfatide được biết là một loại lipid quan trọng được tìm thấy trong màng tế bào thần kinh và là một phần quan trọng liên quan việc hình thành cấu trúc của chúng.

Sự tích tụ này đặc biệt ảnh hưởng đến các tế bào trong hệ thần kinh do nó có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất myelin - thành phần giữ vai trò dẫn truyền tín hiệu điện và bảo vệ dây thần kinh. Các tế bào thần kinh được bao phủ bởi myelin tạo thành một mô gọi là chất trắng. Sự tích tụ sulfatide trong các tế bào sản xuất myelin gây ra sự phá hủy dần dần chất trắng (loạn dưỡng bạch cầu) trong toàn bộ hệ thần kinh, bao gồm cả hệ thần kinh trung ương (trong não và tủy sống) và hệ thần kinh ngoại biên (các dây thần kinh nối não, tủy sống với các cơ và tế bào cảm giác và âm thanh).

Sự tích tụ của sulfatide dẫn đến sự phá hủy màng tế bào thần kinh gây ra tổn thương thần kinh và biểu hiện các triệu chứng như suy giảm chức năng thần kinh suy giảm trí tuệ. Triệu chứng thường bắt đầu phát triển ở tuổi nhỏ, tiến triển nhanh, gây ra suy giảm nhanh chóng chất lượng cuộc sống và giảm tuổi thọ.

Triệu chứng loạn dưỡng bạch cầu dị sắc

Những triệu chứng của loạn dưỡng bạch cầu dị sắc

Ở những người mắc chứng loạn dưỡng bạch cầu dị sắc, tổn thương chất trắng gây ra sự suy giảm dần dần các chức năng trí tuệ và kỹ năng vận động chẳng hạn như khả năng đi lại. Những triệu chứng có thể xuất hiện ở bệnh nhân mắc bệnh này gồm:

  • ở một số bộ phận trên cơ thể;
  • Tính tình dễ cáu gắt;
  • Suy giảm chức năng tâm thần, gặp ảo giác, mất kiểm soát hành vi;
  • Mất kiểm soát cơ bắp;
  • Giảm trương lực cơ;
  • Rối loạn dáng đi;
  • Chứng khó nói và chứng khó nuốt;
  • Té ngã thường xuyên;
  • Tiểu tiện không tự chủ;
  • Tầm nhìn bị xáo trộn.

Cuối cùng, họ mất nhận thức về môi trường xung quanh.

Tác động của loạn dưỡng bạch cầu dị sắc đến sức khỏe

Khoảng 50 đến 60% số người mắc chứng rối loạn này thường xuất hiện vào năm thứ hai của cuộc đời gọi là dạng trẻ sơ sinh muộn. Trẻ em bị ảnh hưởng sẽ mất khả năng nói, trở nên yếu ớt và gặp các vấn đề về đi lại (rối loạn dáng đi). Khi tình trạng rối loạn trở nên trầm trọng hơn, trương lực cơ thường giảm trước tiên, sau đó tăng đến mức cứng nhắc. Những người mắc chứng loạn dưỡng bạch cầu dị sắc ở dạng muộn ở trẻ sơ sinh thường không thể sống sót qua thời thơ ấu.

Khoảng 20 - 30% số người mắc chứng loạn dưỡng bạch cầu dị sắc khởi phát xảy ra ở độ tuổi từ 4 đến tuổi thiếu niên. Ở dạng thiếu niên này, dấu hiệu đầu tiên của chứng rối loạn có thể là các vấn đề về hành vi và ngày càng khó khăn trong việc học ở trường. Sự tiến triển của rối loạn chậm hơn so với ở dạng trẻ sơ sinh muộn và những người bị ảnh hưởng có thể sống sót trong khoảng 20 năm sau khi chẩn đoán.

Dạng loạn dưỡng bạch cầu dị sắc ở người trưởng thành ảnh hưởng đến khoảng 15 - 20% số người mắc chứng rối loạn này. Ở dạng này, các triệu chứng đầu tiên xuất hiện ở tuổi thiếu niên hoặc muộn hơn. Thông thường họ có các vấn đề về hành vi như rối loạn sử dụng rượu, lạm dụng ma túy hoặc những khó khăn ở trường học hoặc nơi làm việc là những triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Người bị ảnh hưởng có thể gặp các triệu chứng tâm thần như ảo tưởng hoặc ảo giác. Những người mắc chứng loạn dưỡng bạch cầu dị sắc ở dạng trưởng thành có thể sống sót từ 20 đến 30 năm sau khi được chẩn đoán. Trong thời gian này có thể có một số thời kỳ tương đối ổn định và các thời kỳ khác lại suy giảm nhanh hơn.

Loạn dưỡng bạch cầu dị sắc là gì? Những vấn đề cần biết về Loạn dưỡng bạch cầu dị sắc1.jpg
Loạn dưỡng bạch cầu dị sắc có thể được phát hiện ở mọi lứa tuổi

Biến chứng có thể gặp khi mắc loạn dưỡng bạch cầu dị sắc

Vì là bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thần kinh, do đó nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người mắc bệnh sẽ dần mất đi các chức năng liên quan đến phần chi phối của hệ thần kinh bị tổn thương như rối loạn ý thức, rối loạn tâm thần, mất chức năng vận động rơi vào tình trạng yếu liệt cơ, rối loạn cảm giác, rối loạn chức năng các giác quan, người bệnh không thể thực hiện các chức năng sinh hoạt cơ bản như mất kiểm soát tiểu tiện hay không thể tự chăm sóc bản thân và giảm tuổi thọ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp các bác sĩ khi xuất hiện các vấn đề về chức năng thần kinh như mất chức năng vận động, mất cảm giác ở tứ chi, tiểu không tự chủ, co giật, tê liệt, không thể nói, mù và mất thính lực.

Nguyên nhân loạn dưỡng bạch cầu dị sắc

Nguyên nhân dẫn đến loạn dưỡng bạch cầu dị sắc

Đột biến ở gen ARSA hoặc PSAP dẫn đến giảm khả năng phân hủy sulfatide dẫn đến sự tích tụ các chất này trong tế bào. Lượng sunfat dư thừa sẽ gây độc cho hệ thần kinh. Sự tích tụ dần dần phá hủy các tế bào sản xuất myelin dẫn đến suy giảm chức năng hệ thần kinh xảy ra trong bệnh loạn dưỡng bạch cầu dị sắc. Trong một số trường hợp, những người có hoạt tính arylsulfatase A rất thấp không có triệu chứng loạn dưỡng bạch cầu dị sắc. Tình trạng này được gọi là thiếu hụt pseudoarylsulfatase.

Hầu hết những người mắc chứng loạn dưỡng bạch cầu dị sắc đều có đột biến gen ARSA - gen này mã hóa cho enzyme ary 3-sulfatase tạo ra enzyme arylsulfatase A. Enzyme này nằm trong các cấu trúc tế bào gọi là lysosome - trung tâm tái chế của tế bào. Trong lysosome, arylsulfatase A giúp phân hủy sulfatide.

Một số người mắc chứng loạn dưỡng bạch cầu dị sắc có đột biến gen PSAP. Gen này cung cấp các hướng dẫn để tạo ra một loại protein được chia nhỏ thành các protein nhỏ hơn nhằm hỗ trợ các enzym phân hủy các chất béo khác nhau. Một trong những protein nhỏ hơn này được gọi là saposin B - protein này hoạt động với cùng với arylsulfatase A để phân hủy sulfatide.

loan-duong-bach-cau-di-sac-s1.jpg
Đột biến ở gen là nguyên nhân dẫn đến loạn dưỡng bạch cầu dị sắc
Chia sẻ:
Nguồn tham khảo
  1. Metachromatic leukodystrophy: https://medlineplus.gov/genetics/condition/metachromatic-leukodystrophy/
  2. Metachromatic Leukodystrophy: Diagnosis, Modeling, and Treatment Approaches: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7606900/
  3. Inherited metabolic disorders: prenatal diagnosis of lysosomal storage disorders: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26223439/
  4. Metachromatic Leukodystrophy: A Scoring System for Brain MR Imaging Observations: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7051299/
  5. Sphingolipid activator protein 1 deficiency: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/gtr/conditions/C0268262/?_ga=2.10795508.119893632.1716117700-1501088954.1716117699
Chủ đề:Di truyềngen

Hỏi đáp (0 bình luận)