Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bướu giáp keo: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bướu giáp keo là tình trạng phì đại của tuyến giáp. Đây là 1 bệnh lý tuyến giáp phổ biến. Bướu giáp keo là bệnh lý hầu như không gây ung thư và thường không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, bạn vẫn nên khám sức khỏe định kỳ để theo dõi diễn tiến của bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bướu giáp keo là gì?

Tuyến giáp là một tuyến hình con bướm nằm ở giữa cổ, gồm có hai thùy trái và phải, được nối với nhau ở eo giáp. Tuyến giáp hoạt động như một tuyến nội tiết và chịu trách nhiệm sản xuất hormone tuyến giáp và calcitonin, do đó góp phần điều hòa quá trình trao đổi chất, tăng trưởng và nồng độ các chất điện giải như canxi trong máu.

Bướu giáp keo là tình trạng tuyến giáp phì đại mà không kèm theo rối loạn chức năng tuyến giáp. Các bướu giáp keo thường chứa đầy chất lỏng bên trong. Mặc dù chúng có thể phát triển lớn và có thể có nhiều bướu phì đại, nhưng chúng sẽ không lan ra ngoài tuyến giáp. Bướu giáp keo hiếm khi phát triển thành ung thư, nhưng không phải hoàn toàn không thể. Nếu bướu ngày càng tăng kích thước hoặc bạn có các yếu tố nguy cơ ung thư, có thể cần xét nghiệm thêm về bệnh ung thư.

Theo thống kê từ các báo cáo ở Hoa Kỳ, khoảng 60% người lớn có bướu giáp keo. Hình ảnh siêu âm cho thấy 20% đến 76% người trưởng thành có bướu giáp keo mà không biểu hiện triệu chứng. Bướu giáp keo ít phổ biến ở trẻ em.

Chẩn đoán và điều trị bướu giáp keo tuy không khó khăn cho bác sĩ nhưng điều quan trọng nhất là phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh và loại trừ các bệnh ác tính tại tuyến giáp.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bướu giáp keo

Hầu hết bướu giáp keo thường nhỏ và không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, nếu bạn có nhiều bướu hoặc bướu phì đại quá lớn, bạn có thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường. Trong một số ít trường hợp, các bướu có thể phát triển đủ lớn để gây ra các triệu chứng như sau:

  • Khó nuốt hoặc khó thở;
  • Khàn tiếng hoặc thay đổi giọng nói;
  • Đau ở phía trước cổ;
  • Khối u sưng to ở trước cổ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn nhận thấy một khối u trên tuyến giáp, điều quan trọng là phải gặp ngay bác sĩ. Mặc dù phần lớn các bướu giáp keo là lành tính và không gây ra các triệu chứng nặng nề, nhưng điều quan trọng là phải đánh giá bướu đó có nguy cơ phát triển thành ung thư hay không.

Nếu bạn đã được chẩn đoán có bướu giáp keo, bạn sẽ cần gặp bác sĩ thường xuyên để họ có thể theo dõi bướu giáp xem có bất kỳ thay đổi bất thường nào không.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bướu giáp keo

Bướu giáp keo có thể do những nguyên nhân sau:

  • Thiếu iốt;
  • U tuyến yên tăng tiết TSH;
  • Một số loại thuốc (Lithium, Amiodarone, Phenylbutazone, Sulfanilamide);
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh lý tuyến giáp. 
Bướu giáp keo: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 4
Tiền sử gia đình mắc bệnh lý tuyến giáp có thể là nguyên nhân khiến bạn bị bướu giáp keo

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bướu giáp keo

Những đối tượng có nguy cơ mắc bướu giáp keo bao gồm:

  • Phụ nữ;
  • Tuổi trên 30;
  • Mãn kinh;
  • Mang thai;
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh lý tuyến giáp;
  • Mắc bệnh lý tự miễn;
  • Khu vực thiếu iốt;
  • Suy dinh dưỡng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bướu giáp keo

Các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bướu giáp keo bao gồm:

Bướu giáp keo: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 5
Uống nhiều rượu bia là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bướu giáp keo

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bướu giáp keo

Bác sĩ có thể yêu cầu bất kỳ xét nghiệm nào sau đây để giúp chẩn đoán và đánh giá bướu giáp:

  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: Xét nghiệm này kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp trong máu của bạn. Nồng độ hormone thường ở mức bình thường ngay cả khi bạn có bướu giáp, nhưng chúng có thể bất thường trong một số trường hợp và có thể là dấu hiệu của bệnh tuyến giáp.
  • Siêu âm tuyến giáp: Đây là xét nghiệm hình ảnh sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của tuyến giáp. Nó có thể xác định xem bướu giáp là rắn hay lỏng. (Nguy cơ ung thư cao hơn ở các bướu rắn). Xét nghiệm này cũng kiểm tra sự phát triển của các bướu và giúp tìm ra những bướu khó sờ thấy. Ngoài ra, các bác sĩ đôi khi sử dụng siêu âm để giúp hướng dẫn vị trí đặt kim trong quá trình sinh thiết.
  • Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNAB): Với xét nghiệm này, bác sĩ sử dụng một cây kim rất mỏng để lấy mẫu tế bào từ một hoặc nhiều nhân tuyến giáp. Sau đó, họ gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để đánh giá. Hầu hết các bướu giáp keo đều không phải ung thư.
  • Xạ hình tuyến giáp: Trong xét nghiệm này, bạn uống một lượng nhỏ iốt phóng xạ. Điều này sẽ cung cấp thêm thông tin về các bướu giáp giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, xét nghiệm này không phải xét nghiệm thường quy và chỉ chỉnh định trong một vào trường hợp đặc biệt.
Bướu giáp keo: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 6
Siêu âm tuyến giáp có thể xác định xem bướu giáp là rắn hay lỏng

Phương pháp điều trị bướu giáp keo

Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Không điều trị/theo dõi định kỳ: Nếu các bướu không phải là ung thư, bác sĩ quyết định rằng bạn không cần điều trị vào lúc này. Bạn sẽ gặp bác sĩ thường xuyên mỗi 6 tháng để họ có thể kiểm tra mọi thay đổi trong các bướu giáp.
  • Iốt phóng xạ: Bác sĩ có thể sử dụng iốt phóng xạ để điều trị các bướu giáp keo có kèm tình trạng cường giáp nặng. Tuyến giáp của bạn hấp thụ iốt phóng xạ, làm cho các nhân giáp co lại và chết đi .
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ các bướu giáp là phương pháp điều trị tốt nhất cho các bướu giáp gây ung thư, gây ra các triệu chứng tắc nghẽn như khó thở, khó nuốt hoặc bướu quá lớn ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bướu giáp keo

Chế độ sinh hoạt:

  • Uống nhiều nước ít nhất 2 lít nước/ngày.
  • Bỏ rượu bia, thuốc lá.
  • Duy trì cân nặng bình thường.
  • Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng và liên hệ ngay với bác sĩ nếu các triệu chứng nặng hơn hoặc xuất hiện triệu chứng mới.
  • Quản lý căng thẳng.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Hãy hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng thêm bất kỳ loại thuốc điều trị hoặc thực phẩm chức năng nào.

Chế độ dinh dưỡng:

Hằng ngày, bạn nên bổ sung khoảng 150 microgam muối iốt tương đương với ½ muỗng cà phê để ngăn ngừa phát triển bướu giáp.

Ngoài ra có một số thực phẩm được các nhà khoa học khuyến cáo là có thể làm nặng hơn tình trạng bướu giáp, vì thực phẩm này có thể làm giảm sự hấp thu hormon tuyến giáp T4 và dẫn đến suy giảm chức năng tuyến giáp. Các thực phẩm cần tránh hoặc ăn với số lượng ít bao gồm: Súp lơ, bông cải xanh, mù tạt xanh, củ sắn, đậu lima, khoai lang, đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành, trà xanh.

Hãy liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn phù hợp với tình trạng hiện tại của bạn.

Phương pháp phòng ngừa bướu giáp keo hiệu quả

Bướu giáp keo do thiếu iốt là loại bướu giáp duy nhất bạn có thể phòng ngừa. Áp dụng một chế độ ăn bao gồm cá, sữa và một lượng muối iốt vừa đủ sẽ ngăn ngừa loại bướu giáp này. Ngoài ra, bạn có thể cố gắng giảm nguy cơ phát triển bướu giáp keo bằng cách hạn chế các yếu tố nguy cơ như duy trì cân nặng lý tưởng và hãy cố gắng bỏ thuốc lá.

Bướu giáp keo: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 7
Áp dụng chế độ ăn bổ sung iốt đều ngăn ngừa bướu giáp keo do thiếu iốt
Nguồn tham khảo
  1. A Review of the Pathology, Diagnosis and Management of Colloid Goitre: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7572169/
  2. Colloid nodule (thyroid): https://radiopaedia.org/articles/colloid-nodule-thyroid-1
  3. Goiter: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12625-goiter
  4. Goiter: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/goiter/diagnosis-treatment/drc-20351834
  5. Thyroid Nodules: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/13121-thyroid-nodule

Các bệnh liên quan

  1. Hội chứng tăng tiết ADH không thích hợp

  2. Gút

  3. Bướu giáp nhân thùy phải

  4. Hội chứng Abercrombie

  5. Vú to ở nam giới

  6. Bệnh Pellagra

  7. Cường Aldosterone

  8. Cổ trướng

  9. Hạ kali máu

  10. Bệnh to các viễn cực