Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Cúm A/H9

Cúm A/H9 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 13/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Virus cúm A/H9 là virus cúm gia cầm gây bệnh ở khu vực Châu Á, Trung Đông, một số vùng ở Bắc và Trung Phi, gây thiệt hại đáng kể cho kinh tế chăn nuôi gia cầm. Trong đó một số chủng cúm A/H9 có liên quan đến các đợt bệnh hô hấp nhẹ lây từ động vật sang người. Đáng chú ý là vào ngày 9 tháng 4 năm 2024, ca mắc cúm A/H9 (H9N2) ở người đầu tiên tại Việt Nam đã được báo cáo.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Cúm A/H9 là gì?

Cúm là bệnh mắc phải do virus cúm gây nên. Có tổng cộng bốn loại virus cúm là A, B, C và D. Trong đó, các loại chim gồm mòng biển, nhạn biển, chim biển hay các loại như vịt, ngỗng, thiên nga được coi là ổ chứa bệnh chính của virus cúm gia cầm A.

Các virus cúm gia cầm A hiếm khi lây nhiễm sang người, tuy nhiên, có 5 loại cúm gia cầm A được biết là có thể gây nhiễm trùng ở người gồm H5, H6, H7, H9 và H10.

Trong đó, virus cúm A/H9 là nhóm virus gây bệnh ở khu vực châu Á, Trung Đông và một số vùng ở Châu Phi, gây thiệt hại đáng kể cho ngành chăn nuôi gia cầm. Một số chủng virus cúm A H9N2 còn có liên quan đến các đợt bệnh lây từ động vật sang người. Và với mối đe dọa do virus cúm A/H9 gây ra với sức khỏe gia cầm và con người, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã coi cúm A/H9 là mối lo ngại về đại dịch.

Đáng chú ý hơn, tại Việt Nam đã ghi nhận và báo cáo ca mắc cúm A/H9 đầu tiên trên người vào ngày 9 tháng 4 năm 2024.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Cúm A/H9

Các triệu chứng của cúm A/H9 cũng tương tự như triệu chứng của mắc cúm A, bao gồm:

Cúm A/H9 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Nhiễm cúm A/H9 với triệu chứng chủ yếu là viêm đường hô hấp trên

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Cúm A/H9

Nhiễm virus cúm A/H9 lẻ tẻ đã được báo cáo, với người mắc bệnh chủ yếu là các triệu chứng viêm đường hô hấp trên nhẹ. Tuy nhiên, một số ít trường hợp nhiễm trùng cúm A/H9 dẫn đến tử vong cũng đã được báo cáo.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi và nghĩ rằng mình bị cúm, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Đặc biệt khi các triệu chứng của bạn không cải thiện sau 7 đến 10 ngày, hoặc bạn có các bệnh lý nền hay đang mang thai. Đồng thời, bạn cũng cần đến phòng cấp cứu hoặc tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu có các biểu hiện bệnh nặng như:

  • Sốt cao;
  • Khó thở;
  • Không đi tiểu hoặc tiểu rất ít;
  • Đau ngực hoặc đau bụng;
  • Chóng mặt;
  • Lú lẫn;
  • Đau cơ nặng hoặc yếu cơ;
  • Co giật;
  • Tím da hoặc niêm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Cúm A/H9

Có tổng cộng 9 phân nhóm virus cúm A/H9 đã được biết, bao gồm A(H9N1), A(H9N2), A(H9N3), A(H9N4), A(H9N5), A(H9N6), A(H9N7), A(H9N8) và A(H9N9). Tất cả các virus cúm A/H9 được xác định trên toàn thế giới ở động vật đều là virus cúm gia cầm có khả năng lây bệnh thấp (LPAI).

Trong đó, nhiễm virus cúm A(H9N2) lẻ tẻ được báo cáo ở người, với các tình trạng nhiễm trùng hô hấp nhẹ. Tính đến nay, trên toàn cầu có tổng cộng 99 ca bệnh cúm A(H9N2) ở người và có 2 trường hợp tử vong đã được báo cáo.

Cúm A/H9 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Nhiễm virus cúm A(H9N2) từ động vật (như gia cầm) là nguyên nhân dẫn đến cúm A/H9

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Cúm A/H9?

Ai cũng có khả năng mắc phải cúm A/H9, tuy nhiên, báo cáo cho thấy trẻ em <8 tuổi là đối tượng thường xuyên bị ảnh hưởng nhất. Bên cạnh đó, các báo cáo cho thấy, nguy cơ mắc phải cúm A/H9 ở người là tương đương giữa nam và nữ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Cúm A/H9

Hầu hết các trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm A(H9N2) ở người đều ghi nhận phơi nhiễm thông qua:

  • Tiếp xúc với gia cầm bị bệnh;
  • Tiếp xúc môi trường bị ô nhiễm (ví dụ như các bề mặt có dính phân gia cầm).

Bằng chứng dịch tễ học hiện tại cho thấy, cúm A/H9 không lây từ người sang người. Do đó, ở các đối tượng mắc cúm A/H9 không ghi nhận tiếp xúc với gia cầm, có thể bị nhiễm bệnh từ các động vật khác mang virus.

Các chuyên gia còn cho rằng, một số yếu tố nguy cơ có thể liên quan như giai đoạn chuyển mùa, sự thay đổi của thời tiết có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các chủng virus cúm.

Cúm A/H9 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Tiếp xúc với gia cầm bị bệnh là yếu tố nguy cơ dẫn đến mắc cúm A/H9

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm Cúm A/H9

Một số xét nghiệm có sẵn để có thể phát hiện virus cúm trong các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp. Phổ biến nhất là xét nghiệm chẩn đoán cúm nhanh (RIDT). Xét nghiệm này có thể cho kết quả trong vòng khoảng 10 đến 15 phút, tuy nhiên có thể không chính xác như các xét nghiệm cúm khác. Một xét nghiệm khác là xét nghiệm phân tử nhanh, xét nghiệm này sẽ cho kết quả sau 15 đến 20 phút và chính xác hơn RIDT.

Tuy nhiên, để xác định chính xác mắc cúm A/H9, xét nghiệm trong phòng thí nghiệm chuyên ngành cần được thực hiện, bao gồm phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (RT-PCR), nuôi cấy virus và miễn dịch huỳnh quang.

Điều trị Cúm A/H9

Tương tự như khi mắc các bệnh cúm nói chung, người bệnh có triệu chứng nặng cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Các điều trị hiện tại có thể bao gồm thuốc kháng virus, điều trị triệu chứng hỗ trợ như bù nước và điện giải, hạ sốt. Bằng chứng về một loại thuốc kháng virus có thể giúp cải thiện tiên lượng trong một số trường hợp, đặc biệt là thuốc ức chế neuraminidase (oseltamivir, zanamivir).

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của Cúm A/H9

Chế độ sinh hoạt:

Một số thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của nhiễm virus cúm nói chung, ở những người có triệu chứng nhẹ bao gồm:

  • Nghỉ ngơi;
  • Uống đủ nước;
  • Ở tại nhà hoặc tuân thủ theo các điều kiện cách ly để tránh lây nhiễm;
  • Sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng theo hướng dẫn của bác sĩ;
  • Tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu triệu chứng nặng hơn hoặc không thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể theo hướng dẫn từ chuyên gia y tế.

Phòng ngừa Cúm A/H9

Đặc hiệu

Hiện tại chưa có vaccine đặc hiệu phòng bệnh cúm A/H9.

Không đặc hiệu

Để tự bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm cúm từ gia cầm sang người, Bộ Y tế đưa ra những khuyến cáo sau:

  • Tránh ăn gia cầm và sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Nên đảm bảo rằng gia cầm được nấu chín kỹ và nước uống được đun sôi trước khi tiêu thụ.
  • Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh cá nhân.
  • Hạn chế tiếp xúc, giết mổ và tiêu thụ các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
  • Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, không được tự ý giết mổ và sử dụng. Thay vào đó, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
  • Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm cần tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy.
  • Nếu tiếp xúc với gia cầm sống hoặc khu vực buôn bán gia cầm sống, khuyến khích đeo khẩu trang và sau đó rửa tay bằng xà phòng.
  • Khi có biểu hiện giống cúm như sốt, ho, đau ngực và khó thở, cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Những biện pháp trên giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh cúm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Cúm A/H9 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh cá nhân là một trong những biện pháp ngăn ngừa nhiễm cúm A/H9

Các câu hỏi thường gặp về Cúm A/H9

Cúm A/H9 có lây nhiễm từ người sang người không?

Cho đến nay, các bằng chứng dịch tễ cho thấy mắc cúm A/H9 ở người là do lây nhiễm từ động vật. Không có bằng chứng cho thấy cúm A/H9 có thể lây từ người sang người.

Tôi có thể bị mắc cúm A/H9 hay không?

Trước đây, mắc cúm A/H9 đã được báo cáo ở các nước thuộc khu vực châu Á, Trung Đông và một số vùng thuộc châu Phi. Và đáng chú ý hơn, ca mắc cúm A/H9 ở người đầu tiên tại Việt Nam đã được ghi nhận vào tháng 4 năm 2024. Do đó, bạn hoàn toàn có khả năng bị nhiễm bệnh, hãy tuân thủ theo các hướng dẫn phòng bệnh của Bộ Y tế để có thể tránh mắc cúm A/H9.

Có vaccine để phòng ngừa cúm A/H9 không?

Hiện tại chưa có vaccine đặc hiệu để phòng ngừa cúm A/H9 ở người. Việc phòng ngừa chủ yếu là tránh tiếp xúc với các khu vực nguy cơ cao như chợ, trang trai động vật hoặc gia cầm, hay các bề mặt bị ô nhiễm bởi phân gia cầm. Nên vệ sinh tay bằng cách rửa thường xuyên hoặc sử dụng chất sát khuẩn tay có cồn.

Cúm A/H9 có thể điều trị hay không?

Cho đến hiện nay, chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu cho cúm A/H9. Các liệu pháp điều trị bao gồm theo dõi, điều trị triệu chứng. Bên cạnh đó, bằng chứng về các thuốc chống virus cúm có thể giúp cải thiện tiên lượng ở một số trường hợp.

Mắc cúm A/H9 có nguy hiểm hay không?

Hiện tại, đã có 99 trường hợp báo cáo về việc nhiễm virus cúm A/H9, trong đó hầu hết những người mắc bệnh chỉ có các triệu chứng nhẹ về viêm đường hô hấp trên. Tuy nhiên, cũng đã có một số trường hợp nhiễm trùng virus cúm A/H9 dẫn đến tử vong đã được ghi nhận, tổng cộng là 2 trong số 99 trường hợp.

Nguồn tham khảo
  1. Types of Influenza Viruses: https://www.cdc.gov/flu/about/viruses/types.htm
  2. H9 Influenza Viruses: An Emerging Challenge: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7263090/
  3. Flu (Influenza): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4335-influenza-flu
  4. Avian Influenza A(H9N2) - Viet Nam: https://www.who.int/emergencies/disease-outbreak-news/item/2024-DON514
  5. Influenza (Seasonal): https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/influenza-(seasonal)

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin

Các bệnh liên quan