Long Châu

Nhiễm giun lươn và những điều cần biết

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Giun lươn được xem là loại ký sinh trùng có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể người và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Triệu chứng nhiễm giun lươn không rõ ràng và đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, hãy cùng Long Châu theo dõi bài viết sau để hiểu rõ và nắm chắc kiến thức liên quan về bệnh giun lươn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm giun lươn là gì?

Nhiễm giun lươn (bệnh giun lươn) là bệnh nhiễm trùng do giun lươn Strongyloides stercoralis gây ra.

Giun lươn đực dài 0,7 – 1 mm, chiều ngang 40 – 50 µm, cong như lưỡi câu. Giun lươn cái dài 2 mm, chiều ngang 34 – 40 µm, âm môn ở khoảng 1/3 sau thân. Tử cung chứa 5 – 9 trứng. Trứng có kích thước 50 – 70 µm x 30 – 40 µm, có ấu trùng ngay sau khi đẻ và nở ấu trùng ngay trong ruột.

Giun lươn có chu kỳ sống tự do ở ngoại cảnh. Giun đực ở ngoại cảnh dài 0,7 – 1 mm, giun cái ở ngoại cảnh dài 1 – 1,7 mm, chiều ngang 50 – 75 µm, trứng có kích thước 70 x 50 µm, ấu trùng nở ngay trong tử cung.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm giun lươn

Giun lươn được xem là một tác nhân cơ hội. Phần lớn các trường hợp nhiễm đều có triệu chứng nhẹ hoặc không đáng kể. Đôi khi, bệnh do giun lươn lại hết sức trầm trọng, đặc biệt đối với những người suy giảm miễn dịch hoặc điều trị corticoid dài ngày. Bệnh được chia thành 2 dạng chính:

Bệnh giun lươn mạn tính, không biến chứng: Gặp ở cá thể bình thường, không suy giảm miễn dịch. Đa số bệnh nhân không triệu chứng, nếu có, cũng không đáng kể, biểu hiện thường khu trú ở da và đường tiêu hóa.

Biểu hiện ở da:

  • Đường ngoằn ngoèo ở da: Thường ngang thắt lưng và quanh hậu môn, do ấu trùng di chuyển.
  • Mề đay không đặc hiệu.
  • Bầm máu da: Xuất hiện rải rác ở các chi, thân mình, kích thước khoảng 3 – 4 cm. Thường các triệu chứng không đơn lẻ, thường kèm theo sốt, buồn nôn và nôn, nhức đầu.

Biểu hiện ở đường tiêu hóa: Thường gặp ở bệnh giun lươn mạn tính, biểu hiện: Đau bụng, tiêu chảy, giảm cân.

Ngoài ra, còn có thể gặp những biểu hiện đa dạng khác như bệnh lý ở phổi (ho, viêm phổi, hình ảnh thâm nhiễm trên X–quang phổi), khớp (viêm đa khớp), đau cơ.

Bệnh giun lươn nặng, có biến chứng: Thường gặp ở cá thể suy giảm miễn dịch.

  • Nhiễm nặng có thể gây hội chứng giống Sprue: Phân có mỡ, mất đạm qua bệnh đường ruột, thiếu albumin máu và phù toàn thân.

  • Phổi: Viêm phổi, sốt, ho, khó thở, khò khè, áp xe phổi.

  • Thần kinh trung ương: Viêm màng não, áp xe não, nhức đầu, nôn từng cơn.

  • Nhiễm trùng huyết: Sự di chuyển của ấu trùng từ lòng ruột vào mạch máu mang theo các vi khuẩn vào dòng máu và gây nhiễm trùng huyết cùng với sốc nhiễm trùng.

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm giun lươn

Trường hợp nhiễm giun lươn nhẹ thường không gây ra biến chứng. Nhưng nếu nhiễm giun lươn nặng, biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra: Tắc ruột, viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm giun lươn

Nguyên nhân gây bệnh giun lươn là do Strongyloides stercoralis ký sinh trong cơ thể người gây nên.

Chu kỳ phát triển của giun lươn Strongyloides stercoralis gồm chu kỳ ký sinh và chu kỳ tự do.

Chu kỳ ký sinh: Giun lươn ký sinh trong niêm mạc ruột. Giun đực và giun cái giao hợp, đẻ trứng, nở ấu trùng ngay trong ruột rồi đào thải ra ngoài theo phân, ấu trùng giun lươn nhiễm vào người qua đường da, vào máu, qua tim, phổi, lên khí quản, tới hầu, sang thực quản, xuống ruột để phát triển thành giun trưởng thành và ký sinh tại đó.

Chu kỳ tự do: Ấu trùng giun lươn phát triển thành giun trưởng thành ở môi trường, giun đực và giun cái giao hợp, đẻ ấu trùng và tiếp tục chu kỳ mới, chúng dinh dưỡng bằng vi khuẩn và chất hữu cơ trong đất.

  • Ấu trùng giun lươn nở trong lòng ruột;
  • Giun lươn trưởng thành sống tự do;
  • Giun lươn cái đẻ trứng;
  • Trứng nở ấu trùng;
  • Ấu trùng mập;
  • Ấu trùng hình chỉ chui qua da;
  • Ấu trùng theo máu lên tim, phổi, họng, xuống ruột nở ra giun lươn trưởng thành;
  • Giun lươn cái ở ruột non;
  • Trứng giun lươn;
  • Ấu trùng giun lươn gây tự nhiễm cho người.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nhiễm giun lươn

Nhiễm giun lươn có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào, đặc biệt những người dân sống ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tuy nhiên, dựa vào con đường và chu kỳ lây nhiễm bệnh, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao:

  • Người sống ở những khu vực nghèo, lạc hậu.

  • Người sống ở vùng nông thôn, miền núi.

  • Người làm nông nghiệp, chăn nuôi trồng trọt.

  • Trẻ em, nhất là trẻ sống ở khu vực kém phát triển.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhiễm giun lươn

Có rất nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ nhiễm giun lươn, như:

  • Khí hậu nóng ẩm của Việt Nam là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của giun lươn.

  • Thói quen sinh sống của những người dân cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiễm giun lươn tỷ lệ cao: Đi chân đất, không vệ sinh tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc môi trường bẩn, sau khi đi vệ sinh,…

  • Trẻ em có nguy cơ nhiễm giun lươn cao hơn người lớn.

  • Tập quán ăn rau sống, sử dụng phân tươi chăm bón cho cây trồng và rau củ, ao cá dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm giun lươn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm giun lươn

Chẩn đoán lâm sàng: Không có ý nghĩa chẩn đoán xác định vì triệu chứng không điển hình: Tiêu chảy kéo dài, đau bụng,…

Chẩn đoán cận lâm sàng:

  • Chẩn đoán trực tiếp tìm ký sinh trùng: Giun thường tìm thấy trong phân, đôi khi thấy trong dịch khác của cơ thể hay trong mô.

  • Xét nghiệm phân tìm ấu trùng giun lươn.

  • Miễn dịch học.

Phương pháp điều trị nhiễm giun lươn

Thuốc điều trị:

  • Nhóm Benzimidazol: Mebendazol, albendazol.

  • Nhóm Mintezol: Thiabendazol.

Phác đồ điều trị:

  • Thiabendazol 25 mg/kg/ngày x 07 ngày.

  • Mebendazol 500 mg/ngày x 7 – 10 ngày.

  • Albendazol 400 mg/ngày x 7 – 10 ngày.

Chống chỉ định: Nhóm Benzimidazol không sử dụng cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu, người đang bị bệnh cấp tính, người có tiền sử mẫn cảm với thuốc hoặc suy gan, suy thận (sử dụng thuốc sự hướng dẫn của bác sĩ).

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của nhiễm giun lươn

Thói quen sinh hoạt:

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ.

  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe.

  • Vệ sinh cá nhân (đi giày, dép, bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất), môi trường sạch sẽ và thường xuyên.

  • Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn được nấu chín, nước uống đun sôi để nguội.

Phương pháp phòng ngừa nhiễm giun lươn

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tẩy giun định kỳ.

  • Vệ sinh cá nhân (đi giày, dép, bảo hộ lao động khi tiếp xúc với đất), vệ sinh môi trường sạch sẽ, thường xuyên, xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh.

  • Giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của việc rửa tay, sử dụng phương tiện bảo hộ và thói quen tốt để nâng cao sức khỏe.

  • Rửa tay bằng xà phòng trước trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc môi trường hoặc vật dụng bẩn.

  • Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn được nấu chín, nước uống đun sôi để nguội.

  • Tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trên các phương tiện truyền thông, giáo dục sức khỏe.

  • Quan tâm và ưu tiên phòng chống giun lươn cho trẻ em và phụ nữ tuổi sinh sản tại vùng có tỷ lệ nhiễm giun lươn cao.

  • Khi có dấu hiệu bị nhiễm giun, cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra.

Nguồn tham khảo
  1. PGS. TS Nguyễn Văn Đề (2013), Ký sinh trùng trong lâm sàng, Đại học Y Hà Nội, Nhà xuất bản Y học Hà Nội.
  2. Bộ môn Ký sinh – Vi nấm học (2013), Ký sinh trùng Y học, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
  3. https://www.msdmanuals.com/home/infections/parasitic-infections-nematodes-roundworms/strongyloidiasis

Các bệnh liên quan

  1. Nhiễm Herpes simplex

  2. Sùi mào gà

  3. Sán não

  4. Trùng roi sinh dục nữ

  5. Thủy đậu

  6. Bệnh do nhiễm leishmania

  7. Sốt không rõ nguyên nhân

  8. Ký sinh trùng

  9. Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

  10. Cúm gà (H5N1)