Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau dây thần kinh thiệt hầu: Triệu chứng và phương pháp điều trị

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau dây thần kinh thiệt hầu là một hội chứng đau hiếm gặp của dây thần kinh thiệt hầu. Tình trạng này được đặc trưng bởi cơn đau nhói trong cổ họng hoặc ở lưỡi, hoặc ở tai kéo dài vài giây đến vài phút. Nguyên nhân bệnh hiện nay chưa được hiểu rõ tuy nhiên người ta nhận thấy bệnh thường gây ra do mạch máu chèn ép kích thích dây thần kinh này gây đau và hay gặp ở những người trên 40 tuổi. Thuốc giảm đau và/hoặc phẫu thuật là phương pháp điều trị hiện nay của bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đau dây thần kinh thiệt hầu là gì?

Dây thần kinh thiệt hầu là dây thần kinh thứ 9 trong mười hai dây thần kinh sọ. Tương tự các dây thần kinh sọ khác, dây thần kinh thiệt hầu có hai dây tương ứng với hai bên não. Thần kinh thiệt hầu chi phối vận động của các cơ vùng hầu và cảm giác của ⅓ sau lưỡi.

Đau dây thần kinh thiệt hầu là bệnh hiếm gặp đặc trưng bởi các cơn đau nhói như điện giật hay dao đâm ở những nơi dây thần kinh thiệt hầu chi phối như lưỡi, tai, phía sau cổ họng và amidan. Các cơn đau có thể xảy ra vài phút sau đó hết hẳn trong nhiều ngày. Tuy nhiên, lâu dài các cơn đau này sẽ diễn ra thường xuyên hơn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau dây thần kinh thiệt hầu

Đau dây thần kinh thiệt hầu có nguy cơ bị chẩn đoán nhầm thành bệnh đau dây thần kinh sinh ba do triệu chứng của chúng khá giống nhau. Và trong một trường hợp hiếm gặp, đau dây thần kinh thiệt hầu và đau dây thần kinh sinh ba có thể xảy ra đồng thời với nhau.

Tuy nhiên, bệnh lý này có triệu chứng đau điển hình là đau một bên họng (một số ít có thể xuất hiện cả hai bên họng), từng đợt, thời gian kéo dài có thể vài phút đến vài ngày hoặc vài tuần, cảm giác được mô tả như nhói, dao đâm, điện giật. Cơn đau xuất hiện đột ngột không báo trước hoặc được kích hoạt khi bạn ho, nói chuyện, ngáp, cười, hoặc nhai và nuốt. Đau ở nơi dây thần kinh thiệt hầu phân bố như góc hàm, tai, hố hạnh nhân và phía trong lưỡi.

Các cơn đau này sẽ tái phát từng đợt rồi thuyên giảm trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Ban đầu bạn sẽ chỉ xuất hiện các cơn đầu thời gian ngắn, cường độ nhẹ và có thời gian hết bệnh. Nhưng sau này khi bệnh tiến triển sẽ gây ra những cơn đau kéo dài hơn và thường xuyên hơn.

Bạn có thể có những triệu chứng bất thường ở tim có nguy cơ đe dọa tính mạng, do dây thần kinh thiệt hầu có liên quan đến dây thần kinh phế vị gần đó như mạch chậm, tụt huyết áp đột ngột, ngất, co giật.

Tác động của đau dây thần kinh thiệt hầu đối với sức khỏe

  • Người bệnh đau dây thần kinh thiệt hầu có xu hướng sụt cân do cơn đau dữ dội khi nhai và nuốt khiến người bệnh khó khăn trong việc ăn uống.
  • Cơn đau thường xuất hiện chủ yếu vào ban ngày, tuy nhiên vẫn có thể xuất hiện vào ban đêm khiến người bệnh thức giấc giữa đêm.
LIỆT THẦN KINH THIỆT HẦU 1.jpg
Sụt cân là tác động thường gặp ở người mắc bệnh

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh đau dây thần kinh thiệt hầu

Ngất và rối loạn nhịp tim: Khi dây thần kinh thiệt hầu bị kích thích cấp tính sẽ tác động đến dây thần kinh phế vị khiến nhịp tim chậm, hạ huyết áp và rối loạn nhịp tim. Những thay đổi cấp đột ngột này sẽ làm giảm tưới máu não gây tình trạng co giật và ngất. Dấu hiệu của thiếu oxy não gồm cử động co giật chân tay, mắt trợn, cử động mím môi bất thường.

Các biến chứng tim mạch xảy ra trong cơn đau hoặc ngay sau khi cơn đau thuyên giảm. Các biến chứng này sẽ được kiểm soát bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có triệu chứng đau có đặc điểm như đã mô tả ở trên, hãy đi khám bác sĩ bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được khám và chẩn đoán chính xác bệnh. Hoặc nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng như ngất, nhịp tim chậm, hạ huyết áp, co giật, hãy gọi cấp cứu hay đến bệnh viện ngay lập tức. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đau dây thần kinh thiệt hầu

Nguyên nhân gây ra đau dây thần kinh thiệt hầu được chia thành hai nhóm gồm nguyên phát và thứ phát. Đau dây thần kinh thiệt hầu nguyên phát hay còn gọi là đau dây thần kinh thiệt hầu vô căn.

Các nguyên nhân đau dây thần kinh thiệt hầu thứ phát:

  • Chèn ép mạch máu: Là nguyên nhân phổ biến nhất;
  • Bệnh mất myelin như đa xơ cứng;
  • Các bệnh tự miễn và viêm nhiễm như bệnh Sjogren;
  • Nhiễm trùng trong miệng và quanh amidan;
  • Tổn thương choán chỗ trong sọ như u tủy hoặc u xuất phát từ góc cầu tiểu não;
  • Những dị dạng ở hố sau và cột sống cổ;
  • Hội chứng Eagle hay đau mỏm trâm: Khi mỏm trâm dài hơn 25 mm hoặc dây chằng mỏm trâm bị vôi hóa có thể gây chèn ép dây thần kinh thiệt hầu.
  • Ung thư não, ung thư hầu họng gồm ung thư biểu mô của lưỡi và u lành tính như u thần kinh ngoại biên lành tính. 
LIỆT THẦN KINH THIỆT HẦU 4.jpg
Vôi hóa mỏm trâm

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải đau dây thần kinh thiệt hầu?

Cả nam và nữ đều có thể mắc bệnh đau dây thần kinh thiệt hầu và tỷ lệ xuất hiện tăng theo tuổi. Bệnh thường khởi phát ở độ tuổi từ 21 đến 75. Thường gặp nhất là ở độ tuổi trung niên do người ta nhận thấy quá trình lão hóa khiến mạch máu và thần kinh dễ bị tổn thương và vôi hóa.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau dây thần kinh thiệt hầu

  • Độ tuổi trung niên, người trên 40 tuổi.
  • Người mắc các bệnh tự miễn và viêm nhiễm.
  • Nhiễm trùng amidan.
  • Mắc ung thư vùng hầu họng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau dây thần kinh thiệt hầu

Hiện nay để chẩn đoán bệnh đau thần kinh thiệt hầu sẽ dựa vào triệu chứng của bạn và đáp ứng tất cả tiêu chí trong tiêu chuẩn chẩn đoán của ICHD-3. Các tiêu chí để chẩn đoán bệnh gồm:

  • Các cơn đau kịch phát và tái phát ở 1 bên theo sự phân bố của dây thần kinh thiệt hầu.
  • Cơn đau có đặc điểm: Thời gian kéo dài từ vài giây đến 2 phút; cường độ đau dữ dội; cảm giác đau như điện giật, dao đâm; cơn đau tăng lên hoặc nặng hơn khi ho, ngáp, nuốt hoặc nói chuyện.
  • Đau không do nguyên nhân khác.

Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, khám vùng đau và các vùng liên quan. Khi khám vùng đau của người bệnh thường không phát hiện bất thường về cảm giác khi chạm vào nhẹ hay cảm giác châm chích. Khám tai mũi họng là cũng cần thiết trên người bệnh.

Xét nghiệm máu

Các xét nghiệm được chỉ định gồm công thức máu toàn bộ, các xét nghiệm sinh hóa và tốc độ máu lắng, kháng thể kháng nhân để loại trừ nguyên nhân viêm nhiễm, bệnh lý ác tính, hoặc viêm động mạch thái dương.

Hình ảnh học

Hình ảnh học được chỉ định nhằm xác định nguyên nhân tiềm ẩn gây chèn ép dây thần kinh thiệt hầu. Một số cận lâm sàng hình ảnh học có thể được chỉ định:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): Chụp CT-scan không hiển thị hình ảnh trực tiếp của dây thần kinh nhưng có thể xác định được mỏm trâm dài hoặc vôi hóa.
  • X-quang: Mỏm trâm dài và bị vôi hóa cũng có thể thấy được trên hình ảnh X-quang cột sống cổ nghiêng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chèn ép thần kinh mạch máu được nhìn rõ nhất trên MRI. Ngoài ra, MRI còn cho thấy tổn thương mất myelin, các khối u ở hố sau hoặc bất kỳ dị dạng mạch máu.
  • Chụp mạch máu cộng hưởng từ (MRA): Đây là cận lâm sàng hình ảnh ít được sử dụng. Tuy nhiên MRA có thể giúp đánh giá xem mạch máu có bị chèn ép tại chỗ rễ thần kinh đi ngang hay không.
LIỆT THẦN KINH THIỆT HẦU 7.jpg
MRI là hình ảnh học thường được chỉ định

Khác

Các biến chứng như ngất, mạch chậm, tụt huyết áp cần được đánh giá thêm về tim bằng điện tim ECG và theo dõi holter.

Phương pháp điều trị đau dây thần kinh thiệt hầu

Thuốc

Điều trị giảm đau dây thần kinh thiệt hầu thường được chọn là thuốc giảm đau thần kinh hoặc thuốc chống động kinh. Bệnh đa số đáp ứng tốt với thuốc, như gabapentin, pregabalin hoặc carbamazepine. Liều thuốc được sử dụng từ thấp và tăng dần theo khả năng dung nạp của người bệnh, cũng như tác dụng phụ của thuốc lên mỗi người bệnh.

Các tác dụng phụ của thuốc gồm buồn nôn, mất thăng bằng, buồn ngủ, nổi mẩn đỏ da. Do bệnh thường tái phát rồi thuyên giảm, liều thấp có thể được sử dụng để điều trị duy trì. Có thể kết hợp hai hoặc nhiều loại thuốc với cơ chế tác động khác nhau nhằm giảm đau tốt hơn và hạn chế tác dụng phụ của thuốc.

Chăm sóc hỗ trợ

Chườm lạnh hoặc chườm nóng, vật lý trị liệu là những lựa chọn có thể dùng hỗ trợ cho điều trị.

Phẫu thuật

Đây là phương pháp điều trị giảm đau vĩnh viễn. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ có thể đề xuất phương pháp phẫu thuật phù hợp. Phương pháp giải áp vi mạch là phương pháp phẫu thuật được sử dụng để điều trị tình trạng chèn mạch máu lên dây thần kinh rộng rãi nhất hiện nay. 

Ngoài ra, còn có thể phẫu thuật cắt bỏ riêng dây thần kinh thiệt hầu hoặc cắt bỏ nhánh của dây phế vị.

Nếu người bệnh bị đau dây thần kinh vô căn và thất bại với điều trị bằng thuốc, phẫu thuật phong bế hạch bằng năng lượng sóng cao tần và phẫu thuật cắt bỏ trực tiếp dây thần kinh là phương pháp được đề ra. Cắt bỏ mỏm trâm cùng bên tổn thương là lựa chọn điều trị cho hội chứng Eagle.

Các phương pháp điều trị khác như cắt amidan, cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh,... là những phương pháp điều trị nguyên nhân bệnh.

LIỆT THẦN KINH THIỆT HẦU 6.jpg
Phẫu thuật giải chèn ép mạch máu thần kinh

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau dây thần kinh thiệt hầu

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong sinh hoạt và điều trị;
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh vùng đau;
  • Theo dõi sức khỏe của bạn liên tục;
  • Giữ tinh thần lạc quan.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết;
  • Ưu tiên ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa;
  • Ăn uống cẩn thận, nếu đau khi nuốt bạn có thể chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, tránh bỏ bữa;
  • Hạn chế các thực phẩm dầu mỡ, thức ăn nhanh hay đồ chế biến sẵn.

Phương pháp phòng ngừa đau dây thần kinh thiệt hầu hiệu quả

Hiện nay, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra bệnh còn chưa được hiểu rõ. Do đó việc phòng ngừa bệnh còn khó khăn. 

Các cách phòng ngừa có thể áp dụng hiện nay là theo dõi sát triệu chứng bệnh, các bệnh lý có thể gây ra bệnh như ung thư, viêm nhiễm. Khám tổng quát thường xuyên nhằm phát hiện bất thường tiềm ẩn của cơ thể.

Nguồn tham khảo
  1. Glossopharyngeal Neuralgia: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK541041/
  2. Glossopharyngeal Nerve: What to Know: https://www.webmd.com/brain/glossopharyngeal-nerve-what-to-know
  3. Glossopharyngeal neuralgia (throat pain): https://mayfieldclinic.com/pe-glossopharyngeal.html
  4. Glossopharyngeal Neuralgia: https://www.msdmanuals.com/home/brain,-spinal-cord,-and-nerve-disorders/cranial-nerve-disorders/glossopharyngeal-neuralgia
  5. Glossopharyngeal Neuralgia: https://www.msdmanuals.com/professional/neurologic-disorders/neuro-ophthalmologic-and-cranial-nerve-disorders/glossopharyngeal-neuralgia 

Các bệnh liên quan

  1. Hội chứng ống cổ tay

  2. Ấu dâm

  3. Thoái hóa tiểu não

  4. Rối loạn dây thần kinh trụ

  5. Bệnh Pompe

  6. Rối loạn lo âu

  7. Hội chứng Tourette

  8. Chứng mất ngôn ngữ

  9. Mất trí nhớ

  10. Dị cảm