Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau dây thần kinh tam thoa là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau dây thần kinh tam thoa (đau dây thần kinh sinh ba) thường xảy ra dữ dội, kịch phát ở mặt do rối loạn dây thần kinh sọ V. Chẩn đoán dựa vào những triệu chứng lâm sàng. Điều trị bệnh bằng carbamazepine hoặc gabapentin; đôi khi cần phải phẫu thuật.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đau dây thần kinh tam thoa là gì? 

Dây thần kinh tam thoa (dây thần kinh sinh ba) hay còn gọi là dây thần kinh sọ não V là một trong những dây thần kinh chính trên vùng mặt. Dây thần kinh này dẫn truyền cảm giác đau và cảm giác sờ chạm ở vùng mặt, miệng, răng đến trung ương thần kinh (não). Ngoài ra, dây thần kinh tam thoa còn chi phối việc tiết nước mắt, nước bọt và điều khiển cơ hàm nhai.

Đau dây thần kinh tam thoa thường khởi phát đột ngột, dữ dội nhưng chỉ ảnh hưởng đến một bên mặt; đặc biệt nghiêm trọng ở nhánh thứ hai (V2) và nhánh thứ 3 (V3), xảy ra ở vùng quanh hàm và má. Cơn đau ít gặp phải ở xung quanh mắt và trên trán.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Đau dây thần kinh tam thoa

Đau do đau dây thần kinh sinh ba lan dọc theo đường phân bố của 3 nhánh dây thần kinh (V1, V2 và V3), thường là ở hàm trên và khu trú một bên mặt. 

Cơn đau khởi phát đột ngột thường vào buổi sáng, gây cảm giác buốt như dao đâm hay điện giật; kéo dài vài giây đến 2 phút, nhưng lặp lại thường xuyên, khoảng 100 lần/ngày. 

Cơn đau khởi phát từ vùng bị kích thích trên khuôn mặt như do nhai thức ăn, đánh răng hoặc mỉm cười; tăng lên khi bị sờ nắn.

Có thể kèm theo các triệu chứng của bệnh lý gây đau dây thần kinh nhưng không có dấu hiệu loạn cảm.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Đau dây thần kinh tam thoa

Dị cảm và mất cảm giác các vùng do dây thần kinh V chi phối (trên mặt).

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Đau dây thần kinh tam thoa

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh tam thoa chưa được xác định rõ ràng. Một số trường hợp có thể do:

  • Chèn ép dây thần kinh tam thoa do dị dạng/ phình động mạch nội sọ như động mạch tiểu não dưới trước, động mạch đáy ngoài; khối u…

  • Rối loạn khử myelin nguyên phát trong bệnh xơ cứng rải rác.

  • Dây thần kinh tam thoa xâm nhập vào vùng rễ thần kinh V ở thân não hoặc hạch Gasser trong bệnh Sarcoidosis, Carcinoma…

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Đau dây thần kinh tam thoa?

Mọi đối tượng đều có nguy cơ bị đau dây thần kinh tam thoa.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Đau dây thần kinh tam thoa

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Đau dây thần kinh tam thoa, bao gồm:

  • Đang hoặc đã từng mắc bệnh đa xơ cứng.

  • Tuổi cao (đau dây thần kinh tam thoa hiếm gặp ở những người dưới 40 tuổi);

  • Tiền sử gia đình có thành viên từng mắc bệnh này;

  • Nữ giới.

  • Chấn thương vùng mặt hoặc phẫu thuật răng miệng.

  • Tăng huyết áp.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Đau dây thần kinh tam thoa

Lâm sàng

Chẩn đoán xác định dựa trên các triệu chứng lâm sàng. 

Khám thần kinh cho kết quả bình thường. Tình trạng thiếu hụt thần kinh (thường là mất cảm giác trên mặt) gợi ý rằng cơn đau do nguyên nhân khác như khối u, đột quỵ, mảng xơ cứng nhiều, dị dạng mạch máu, các tổn thương khác chèn ép dây thần kinh sinh ba hoặc phá vỡ đường dẫn thân não. 

Cận lâm sàng

Chụp X quang thường quy: Phát hiện khối u chèn ép dây thần kinh tam thoa.

Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phát hiện u chèn ép dây thần kinh tam thoa hoặc u thần kinh dây VIII.

Chẩn đoán phân biệt với cơn đau do các bệnh lý

Đau thần kinh sau khi nhiễm Herpes: Dựa trên tiền sử nhiễm Herpes.

Đau đầu từng chuỗi (Cluster Headache): Đau một bên mặt kèm theo chảy nước mắt, nước mũi, vã mồ hôi...

Đau co giật nửa mặt (Hemifacial Spasm): Do dây thần kinh số VII bị kích thích. Đau kèm co giật cơ một bên mặt nhưng không dữ dội như đau dây thần kinh tam thoa.

Đau nửa đầu kịch phát mãn tính (hội chứng Sjaastad): Cơn đau kéo dài hơn (khoảng 5 – 8 phút) và đáp ứng với thuốc indomethacine.

Viêm xoang và đau răng: Đau kèm chảy nước mắt, sốt, đau đầu tư thế, răng nhạy cảm…

Phương pháp điều trị Đau dây thần kinh tam thoa hiệu quả

Nội khoa

Thuốc chống co giật thường được chỉ định trong điều trị đau dây thần kinh tam thoa:

Carbamazepine:

Thường có hiệu quả trong thời gian dài. 

Khởi đầu với liều 100 mg uống 2 lần/ngày, tăng 100 - 200 mg/ngày cho đến khi cơn đau được kiểm soát

Liều duy trì: 200mg uống 3 hoặc 4 lần/ngày, liều tối đa hàng ngày 1200 mg.

Nếu carbamazepine không hiệu quả hoặc có tác dụng phụ, có thể thay thế bằngmột trong các loại thuốc uống sau:

Oxcarbazepine:

150 - 300 mg x 2 lần/ngày.

Baclofen:

5 mg x 3 lần/ngày, sau đó tăng 5 mg x 3 lần/ngày mỗi 3 ngày nếu cần, liều tối đa 80 mg/ngày (ví dụ: 20 mg x 4 lần/ngày)

Lamotrigine:

25 mg/ngày x 1 lần/ngày trong 2 tuần, sau đó tăng lên 50 mg x 1 lần/ngày trong 2 tuần tiếp theo, sau đó tăng thêm 50 mg mỗi 2 tuần khi cần thiết. Liều tối đa 400 mg/ngày (200 mg x 2 lần/ngày).

Gabapentin:

300 mg x1 lần/ngày vào ngày 1; 300 mg x 2 lần/ngày vào ngày 2; 300 mg x 3 lần/ngày vào ngày 3, sau đó tăng liều khi cần thiết lên 1200 mg x 3 lần/ngày.

Phenytoin:

100 - 200 mg x 2 lần/ngày (bắt đầu với 100 mg x 2 lần/ngày, sau đó tăng dần khi cần thiết).

Amitriptylin:

25 - 150 mg uống trước khi đi ngủ (bắt đầu với 25 mg, sau đó tăng dần 25 mg mỗi tuần nếu cần).

Ngoại khoa

Điều trị nguyên nhân

Nếu bệnh nhân bị đay dây thần kinh tam thoa do khối u chèn ép, cần thực hiện phẫu thuật để loại bỏ u.

Điều trị triệu chứng

Khi điều trị nội khoa thất bại và không xác định được nguyên nhân gây đau, tuỳ từng trường hợp mà có thể chỉ định một trong những phương pháp phẫu thuật sau:

  • Phá huỷ rễ dây thần kinh số V (phá huỷ một phần hoặc toàn bộ dây) bằng phương pháp xuyên da (dùng glycerol, bóng áp lực hoặc nhiệt đông) hoặc phương pháp cắt rễ thần kinh.

  • Phá huỷ thần kinh ngoại vi V: Bằng các tiêm alcohol hoặc phẫu thuật cắt dây thần kinh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Đau dây thần kinh tam thoa

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan, tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị.

  • Một số thuốc uống điều trị đau dây thần kinh có thể gây buồn ngủ nên bệnh nhân cần thận trọng khi làm những công việc đòi hỏi sự tập trung cao như vận hành máy móc hoặc lái xe.

  • Súc miệng, rửa mặt bằng nước ấm.

  • Đánh răng nhẹ nhàng bằng bàn chải mềm.

  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân từng gây khởi phát cơn đau.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn thức ăn lỏng hoặc mềm, không quá nóng hoặc quá lạnh.

  • Hạn chế các loại thực phẩm có thể gây kích hoạt cơn đau như chứa caffeine, trái cây họ cam quýt (có vị chua)…

Phương pháp phòng ngừa Đau dây thần kinh tam thoa hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Khám sức khoẻ định kỳ hoặc khi có những cơn đau bất thường trên vùng mặt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/
  2. http://benhviendktinhquangninh.vn/phac-do-dieu-tri-rang-ham-mat/dau-day-than-kinh-v.1843.html
  3. https://stanfordhealthcare.org/medical-conditions/brain-and-nerves/trigeminal-neuralgia/prevention.html