Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm dây thần kinh số 5: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

Ngày 16/10/2024
Kích thước chữ

Viêm dây thần kinh sinh ba hay viêm dây thần kinh số 5 gây ra cảm giác đau nhức nghiêm trọng trên mặt. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột nhưng có thể lặp lại nhiều lần trong ngày và ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.

Viêm dây thần kinh số 5 là bệnh lý thường gặp ở những người lớn hơn 50 tuổi và phụ nữ mắc phải nhiều hơn nam giới. Bệnh này thường dễ bị chẩn đoán nhầm dẫn đến chậm trễ trong quá trình điều trị. Trong bài viết sau đây, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu cụ thể về các triệu chứng và cách chữa trị hiệu quả bệnh lý này nhé.

Tổng quan về dây thần kinh số 5

Dây thần kinh số 5 là một trong những dây thần kinh sọ não lớn nhất và quan trọng của hệ thần kinh, hay còn được gọi là dây thần kinh sinh ba. Nó đảm nhiệm chức năng chi phối cảm giác trên mặt và một phần khả năng vận động như cử động cơ mặt và nhai. Dây thần kinh này gồm 3 nhánh chính:

  • Nhánh V1 (mắt): Chi phối cảm giác cho vùng trán, mắt và mũi.
  • Nhánh V2 (hàm trên): Chi phối cảm giác ở vùng má, mũi và hàm trên.
  • Nhánh V3 (hàm dưới): Chi phối cảm giác và vận động ở vùng hàm dưới, cằm và một phần của lưỡi.

Khi dây thần kinh sinh ba bị viêm hoặc tổn thương, các tín hiệu đau liên tục được gửi đến não, dẫn đến cảm giác đau đớn dữ dội trên mặt. Đau có thể xuất hiện tự nhiên hoặc do kích thích vào vị trí nhạy cảm trên mặt. Phần lớn các trường hợp chỉ đau một bên mặt, trong khi tỷ lệ đau cả hai bên chiếm khoảng 3 - 6%. Đau ở cả hai bên thường không xảy ra ngay từ đầu mà sau một thời gian đau một bên mới xuất hiện cơn đau ở phía còn lại.

Viêm dây thần kinh số 5: Triệu chứng và cách điều trị 1
Cơn đau trong viêm dây thần kinh số 5 thường xuất hiện đột ngột và dữ dội

Nguyên nhân gây viêm dây thần kinh sinh ba

Một số nguyên nhân dẫn đến bệnh lý dây thần kinh này như:

  • Dây thần kinh bị chèn ép: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, xuất phát từ việc mạch máu trong não ép chặt lên dây thần kinh này. Sự chèn ép này làm hư hại lớp bảo vệ xung quanh dây thần kinh, dẫn đến việc truyền tín hiệu đau bị rối loạn và não tiếp nhận tín hiệu sai lệch.
  • Vấn đề về cấu trúc não: Các bệnh lý như u não, u mạch máu hoặc những khối u khác có thể gây áp lực lên dây thần kinh sinh ba, dẫn đến viêm hoặc tổn thương.
  • Bệnh thần kinh: Bệnh đa xơ cứng (gây tổn thương lớp bảo vệ myelin quanh dây thần kinh) hoặc bệnh thoái hóa thần kinh có thể khiến dây thần kinh sinh ba bị viêm hoặc tổn thương.
  • Nhiễm trùng: Một số nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm virus Herpes, có thể trực tiếp tấn công dây thần kinh số 5, gây viêm và tổn thương.
  • Chấn thương: Các tai nạn vùng mặt, phẫu thuật hoặc các thủ thuật y khoa liên quan đến vùng hàm mặt cũng có khả năng gây tổn thương dây thần kinh số 5, dẫn đến các cơn đau.
Viêm dây thần kinh số 5: Triệu chứng và cách điều trị 2
Virus Herpes có khả năng gây nhiễm trùng dây thần kinh số 5

Dấu hiệu viêm dây thần kinh số 5

Triệu chứng của viêm dây thần kinh số 5 thường rõ rệt và điển hình. Cơn đau có thể bắt đầu đột ngột và kéo dài từ vài giây đến vài phút. Các đặc điểm chính bao gồm:

  • Cảm giác đau nhói, như bị giật điện: Cơn đau thường được mô tả như cảm giác giật điện hoặc bị đâm bằng dao. Đau có thể bùng phát bất ngờ khi người bệnh chạm vào mặt, nói chuyện, nhai hoặc thậm chí chỉ rửa mặt.
  • Đau khu trú ở một bên mặt: Phần lớn các trường hợp viêm dây thần kinh số 5 chỉ ảnh hưởng đến một bên của khuôn mặt, thường ở trán, má, hàm hoặc cằm. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, cả hai bên mặt đều bị ảnh hưởng.
  • Cơn đau gia tăng khi có kích thích: Những hoạt động đơn giản như nói, nhai thức ăn, cười hoặc thậm chí gió nhẹ thổi qua mặt cũng có thể kích hoạt cơn đau dữ dội.
  • Cơn đau tái diễn theo chu kỳ: Đau thường xuất hiện thành từng đợt kéo dài vài tuần hoặc vài tháng. Sau đó, bệnh nhân có thể trải qua giai đoạn không có triệu chứng nhưng đau có thể quay lại và trở nên nặng hơn.
Viêm dây thần kinh số 5: Triệu chứng và cách điều trị 3
Người bệnh thường đau nửa bên mặt

Mặc dù biểu hiện viêm dây thần kinh số 5 không đe dọa đến tính mạng nhưng nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh. Nhiều người mắc phải tình trạng suy nhược cơ thể, trầm cảm và ngại giao tiếp do cơn đau kéo dài gây cản trở các hoạt động hàng ngày cũng như công việc. Viêm dây thần kinh sinh ba là một bệnh lý khá phổ biến và hiện nay có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả. Nếu bệnh được phát hiện sớm, tỷ lệ khỏi bệnh sẽ rất cao. 

Tuy nhiên, nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh có thể tiến triển và dẫn đến các biến chứng, làm giảm hiệu quả điều trị và dễ tái phát. Dù vậy, việc điều trị vẫn có thể giúp giảm viêm và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác viêm dây thần kinh số 5, bác sĩ sẽ xem xét lịch sử bệnh lý, biểu hiện viêm dây thần kinh số 5 trên lâm sàng và tiến hành một số kiểm tra chuyên sâu:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Giúp xác định các nguyên nhân nén ép dây thần kinh, chẳng hạn như u não hoặc mạch máu bất thường, đồng thời kiểm tra tình trạng viêm hay tổn thương.
  • Kiểm tra phản xạ thần kinh: Bác sĩ có thể thực hiện các bài kiểm tra phản xạ thần kinh để đánh giá chức năng của dây thần kinh số 5, từ đó giúp xác định mức độ tổn thương.

Phương pháp điều trị

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các biểu hiện viêm dây thần kinh số 5, việc điều trị có thể bao gồm các biện pháp từ điều trị nội khoa đến phẫu thuật.

Thuốc điều trị

Phần lớn người bệnh khi được phát hiện sớm trong giai đoạn đầu, thường phản ứng tốt với điều trị bằng thuốc. Các loại thuốc thường được sử dụng để giảm đau hoặc ngăn chặn tín hiệu đau truyền lên não bao gồm thuốc chống co giật, thuốc giãn cơ và botox tiêm…

  • Thuốc chống co giật: Carbamazepine và các thuốc chống co giật khác có thể giúp giảm cơn đau do viêm dây thần kinh sinh ba.
  • Thuốc giãn cơ: Baclofen là một loại thuốc giãn cơ thường được kê đơn để giảm triệu chứng co cứng cơ.
  • Thuốc giảm đau mạnh: Trường hợp đau nặng có thể cần dùng đến thuốc giảm đau opioids.

Tuy nhiên, tương tự như nhiều tình trạng đau có nguồn gốc từ thần kinh, đau dây thần kinh số 5 không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau thông thường và cũng không hiệu quả với morphine. Vì vậy, có đến khoảng 75% trường hợp nặng không còn giảm đau sau khi sử dụng thuốc, khi đó bác sĩ sẽ phải xem xét đến việc can thiệp bằng phẫu thuật.

Viêm dây thần kinh số 5: Triệu chứng và cách điều trị 4
Phần lớn người bệnh thường phản ứng tốt với điều trị bằng thuốc

Can thiệp phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị bằng thuốc không hiệu quả, một số biện pháp phẫu thuật có thể được xem xét:

  • Phẫu thuật vi phẫu mạch máu: Đây là phương pháp phẫu thuật nhằm loại bỏ áp lực từ các mạch máu đè lên dây thần kinh sinh ba.
  • Tiêm botox: Một số nghiên cứu cho thấy tiêm botox có thể giúp giảm đau ở những bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
  • Phẫu thuật cắt bỏ dây thần kinh: Đây là phương pháp cắt đứt một phần dây thần kinh sinh ba để ngăn chặn cơn đau.

Viêm dây thần kinh sinh ba không phải lúc nào cũng có thể phòng ngừa, đặc biệt nếu do các nguyên nhân cấu trúc hoặc bệnh lý thần kinh. Tuy nhiên, việc duy trì lối sống lành mạnh, tránh các chấn thương vùng đầu mặt và kiểm soát tốt các bệnh lý nền như đa xơ cứng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Đây là một tình trạng đau đớn và khó chịu nhưng điều trị hiệu quả giúp kiểm soát biểu hiện viêm dây thần kinh số 5 và cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ biến chứng và giúp người bệnh sống thoải mái hơn. 

Hy vọng bài viết đã giúp độc giả có cái nhìn khái quát về bệnh lý dây thần kinh mặt này. Hãy theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm các bài viết bổ ích về phòng và chữa bệnh nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin