Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Gai khớp gối: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị gai khớp gối

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Gai xương là những mảnh xương nhỏ phát triển nhô trên bề mặt của các xương. Chúng có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể như vai, cột sống, ngón chân, gót chân, cũng như đầu gối. Thay đổi lối sống lành mạnh có thể trì hoãn các triệu chứng như đau, cứng khớp và hạn chế vận động. Thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật cũng có thể giúp ích. Cùng tìm hiểu về gai khớp gối và cách điều trị nhé!

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Gai khớp gối là gì?

Gai khớp gối (gai xương ở đầu gối) là sự phát triển quá mức của xương ở khớp khi có sự gia tăng áp lực giữa các xương do thiếu sụn.

Gai xương ở đầu gối có thể gây đau và hạn chế khả năng vận động của khớp, điều này có thể gây khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày như đi bộ, ngồi xổm, cúi người và lên xuống cầu thang. Gai xương cũng có thể dẫn đến mất cân bằng cơ ở bắp chân.

Nếu không có đủ sụn xung quanh khớp gối, xương ở đầu gối sẽ bị kích thích và viêm do áp lực và ma sát của khớp tăng lên trong quá trình di chuyển và chịu trọng lượng của cơ thể khi hoạt động.

Các tế bào xương phản ứng với sự gia tăng áp lực bằng cách tạo ra nhiều xương phát triển hơn để cố gắng bảo vệ khớp, hình thành các gai xương có thể thay đổi hình dạng của khớp và hạn chế khả năng vận động.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của gai khớp gối

Gai khớp gối thường không có triệu chứng. Bạn có thể không biết mình mắc bệnh cho đến khi chụp X-quang đầu gối.

Gai xương có thể gây ra các triệu chứng khi chúng gây áp lực lên các dây thần kinh gần khu vực đó, hạn chế cử động và cọ xát vào các xương hoặc mô xung quanh.

Các triệu chứng của gai xương ở đầu gối bao gồm:

  • Khớp gối gồ ghề hoặc có điểm nhô lên;
  • Tê và yếu hai chân;
  • Đau đầu gối;
  • Giảm biên độ vận động khớp gối;
  • Cứng khớp;
  • Viêm gân.
Gai khớp gối là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị gai khớp gối 4
Triệu chứng cứng khớp có thể gặp ở những người bị gai khớp gối

Biến chứng có thể gặp khi mắc gai khớp gối

Nếu không được điều trị, thoái hóa khớp gối có thể gây ra nhiều vấn đề. Khi bệnh tiến triển, việc đứng và đi lại trở nên khó khăn hơn.

Người bị thoái hóa khớp gối và có gai xương thường bị đau khi thực hiện các hoạt động như các động tác phải cúi, đứng.

Vì chúng gây ra rất nhiều khó chịu nên mọi người thường tránh gây đau thêm cho khớp gối bệnh bằng cách tăng áp lực lên những nơi khác trong cơ thể (ví dụ khi đau gối bên phải bạn sẽ có xu hướng đứng trụ về bên chân trái). Khi làm điều này, lâu dần các cơ hỗ trợ của hông và đùi bắt đầu hao mòn (teo) và yếu, làm hạn chế khả năng giữ thăng bằng và ổn định của chân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào ở trên, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám. Bác sĩ sẽ chẩn đoán vấn đề và xác định xem đó có phải là gai xương hay không.

Vì gai xương thường không có triệu chứng nên người bệnh thường chỉ phát hiện ra mình mắc bệnh khi chụp phim X-quang.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến gai khớp gối

Nguyên nhân phổ biến nhất gây mất sụn ở khớp gối dẫn đến gai xương là thoái hoá khớp gối, bệnh ảnh hưởng đến hơn 45% người Mỹ.

Mất sụn ở khớp gối cũng có thể xảy ra sau chấn thương đầu gối, bao gồm cả đứt dây chằng chéo trước, rách sụn chêm và trật xương bánh chè. Những chấn thương này làm tăng nguy cơ tổn thương sụn và thoái hóa khớp gối trong tương lai.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải gai khớp gối?

Bất cứ ai sử dụng khớp quá mức, như vận động viên, quân nhân và những người làm công việc đòi hỏi hoạt động thể chất đều có nguy cơ mắc bệnh thoái hoá khớp cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải gai khớp gối

Lão hóa là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với sự xuất hiện của gai xương. Theo thời gian, tất cả các khớp của bạn đều bị hao mòn một phần. Nguy cơ của bạn cũng cao hơn nếu bạn sinh ra với các vấn đề về cấu trúc, chẳng hạn như chứng vẹo cột sống, chân vòng kiềng. Tư thế sinh hoạt xấu cũng có thể khiến bạn có nguy cơ bị gai xương cao hơn.

Một số yếu tố di truyền như khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn nếu bạn có cha hoặc mẹ bị gai xương.

Gai khớp gối là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị gai khớp gối 6
Các dị tật về cấu trúc là một trong những yếu tố nguy cơ của gai khớp gối

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán gai khớp gối

Gai xương có thể được chẩn đoán qua hình ảnh bằng chụp phim X-quang, bác sĩ có thể nhìn thấy sự phát triển của gai xương xung quanh khớp gối.

Bác sĩ cũng sẽ thăm khám gối của bạn để xem biên độ vận động của nó, hỏi về các triệu chứng và tiền căn mắc bệnh của bạn. Bác sĩ cũng có thể đề nghị thêm các hình ảnh học khác như chụp CT-scan (cắt lớp vi tính) hoặc MRI (cộng hưởng từ) để xem có dây chằng hay gân nào bị tổn thương ở vùng gối không.

Chẩn đoán sớm thoái hóa khớp gối và gai xương nào hình thành từ đó là rất quan trọng để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển cũng như tổn thương thêm sụn và khớp.

Phương pháp điều trị gai khớp gối hiệu quả

Nếu bạn bị gai xương mà không có triệu chứng, bạn không cần phải điều trị bằng thuốc. Hãy đến khám bác sĩ nếu bạn bị đau khớp, cứng khớp, cử động hạn chế hoặc tê yếu.

Một số biện pháp khắc phục tại nhà và thay đổi lối sống giúp giảm bớt các triệu chứng như:

  • Chườm nước đá để giảm sưng;
  • Thuốc giảm đau chẳng hạn như acetaminophen hoặc NSAIDS như ibuprofen;
  • Nghỉ ngơi;
  • Mang giày hỗ trợ hoặc miếng lót giày khi cần thiết;
  • Giảm cân để giảm tải trọng cho khớp và xương.

Nếu những biện pháp đó không giúp bạn cải thiện triệu chứng, bác sĩ có thể kê đơn:

  • Vật lý trị liệu: Các bài tập và giãn cơ có thể giảm đau, cải thiện biên độ vận động và tăng cường sức cơ quanh khớp.
  • Thuốc giảm đau theo toa: Nếu thuốc giảm đau trên không hiệu quả, bác sĩ có thể kê toa một thuốc khác mạnh hơn hoặc tiêm cortisone.
  • Phẫu thuật: Nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục dai dẳng, có thể phẫu thuật để loại bỏ các gai xương.
Gai khớp gối là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị gai khớp gối 7
Các bài tập vật lý trị liệu giúp cải thiện triệu chứng của gai khớp gối

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của gai khớp gối

Chế độ sinh hoạt:

Đau đầu gối liên tục và tàn tật do gai khớp gối gây ra do thoái hóa khớp và mất sụn có thể gây khó chịu, nhưng có nhiều cách có thể giúp bạn kiểm soát cơn đau.

Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh để giảm viêm và giảm tải trọng lên khớp có thể giúp kiểm soát các triệu chứng dễ dàng hơn và ngăn ngừa tổn thương xương và sụn nặng hơn.

Dưới đây là một số thay đổi lối sống mà bạn có thể thực hiện:

  • Ngủ đủ giấc, ít nhất bảy đến tám tiếng mỗi đêm.
  • Duy trì cân nặng hỗ trợ sức khỏe của bạn.
  • Uống nhiều nước.
  • Tìm cách quản lý sự căng thẳng.
  • Cho khớp gối của bạn nghỉ ngơi để giảm đau và viêm.
  • Hạn chế các hoạt động có tác động mạnh và lặp đi lặp lại gây tổn thương cho khớp gối, chẳng hạn như chạy và nhảy.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh gai khớp gối có thể giúp giảm triệu chứng và hỗ trợ quá trình phục hồi. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ ăn cho người bị gai khớp gối:

  • Giảm cân nếu cần thiết: Nếu bạn có thừa cân hoặc béo phì, giảm cân có thể giảm tải trọng lên khớp gối và giảm đau. Hãy thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để lập kế hoạch giảm cân hiệu quả và an toàn.
  • Tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu canxi: Canxi là một thành phần quan trọng của xương và sẽ giúp tăng cường sức mạnh và độ cứng của khớp gối. Các nguồn canxi tốt bao gồm sữa và sản phẩm từ sữa, cá hồi, rau xanh, các loại hạt và đậu.
  • Bổ sung vitamin D: Vitamin D là cần thiết để hấp thụ canxi và duy trì sức khỏe xương. Bạn có thể tăng cường vitamin D qua các nguồn thực phẩm như cá hồi, cá thu, trứng và nấm.
  • Tăng cường tiêu thụ chất chống oxy hóa: Chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E và beta-caroten có thể giúp giảm viêm và bảo vệ khớp khỏi tổn thương. Hãy tăng cường tiêu thụ trái cây, rau quả tươi, hạt, và các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa.
  • Giảm tiêu thụ thực phẩm gây viêm: Các thực phẩm có khả năng gây viêm như thực phẩm chứa chất béo no, đường và thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng viêm và khó chịu cho khớp gối. Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm này và tăng cường ăn các loại thực phẩm tươi ngon.
  • Bảo đảm cung cấp đủ chất xơ: Chất xơ có thể giúp duy trì hoạt động của ruột và giảm tác động lên khớp gối. Bạn có thể tăng cường tiêu thụ rau xanh, quả, hạt, ngũ cốc nguyên hạt và các nguồn chất xơ khác.

Bạn nên thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể và cá nhân hóa chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

Gai khớp gối là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị gai khớp gối 8
Kiểm soát cân nặng lý tưởng để hạn chế tải trọng lên khớp gối

Phương pháp phòng ngừa gai khớp gối hiệu quả

Không có cách nào nhất định để ngăn ngừa gai khớp gối. Nhưng bạn có thể giảm sự tiến triển của chúng bằng cách tuân theo lối sống lành mạnh:

  • Hãy khỏe mạnh về thể chất.
  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh để giảm tải trọng xương và khớp.
  • Duy trì tư thế sinh hoạt tốt.
  • Ngăn ngừa chấn thương khớp.
  • Mang giày vừa vặn với chân.

Xem thêm: Sử dụng cây thuốc nam trị gai khớp gối có mang đến hiệu quả không?

Nguồn tham khảo
  1. Bone Spurs: What You Should Know About Osteophytosis: https://www.healthline.com/health/bone-spurs-osteophytosis
  2. What are knee osteophytes?: https://www.chrisbaileyorthopaedics.com/blog/what-are-knee-osteophytes/
  3. Bone Spurs (Osteophytes): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10395-bone-spurs-osteophytes
  4. WHAT ARE BONE SPURS IN THE KNEE AND HOW CAN THEY BE TREATED?: https://mrjonathanwebb.co.uk/what-are-bone-spurs-in-the-knee-and-how-can-they-be-treated/
  5. Bone Spurs: https://www.webmd.com/pain-management/what-are-bone-spurs

Các bệnh liên quan

  1. Thoái hóa khớp

  2. Đau cổ tay

  3. Phong

  4. Viêm cột sống dính khớp

  5. Hẹp động mạch chi dưới

  6. Thoái hóa khớp ngón tay

  7. Viêm khớp ngón chân

  8. Viêm khớp tay

  9. Viêm khớp cổ chân

  10. Viêm khớp háng