Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh Kienbock là gì? Những điều cần biết về bệnh Kienbock

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh Kienbock là một bệnh lý hiếm gặp, có thể dẫn đến đau mạn tính và rối loạn chức năng. Bệnh xảy ra khi một trong tám xương nhỏ ở cổ tay bị tổn thương do không có nguồn cung cấp máu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh Kienbock là gì?

Cổ tay của bạn có tổng cộng tám xương nhỏ, bao gồm: Xương thuyền, xương nguyệt, xương tháp, xương đậu, xương thang, xương thê, xương cả, xương móc.

Bệnh Kienbock đề cập đến tình trạng hoại tử vô mạch của xương nguyệt (lunate). Đây là một rối loạn tương đối hiếm gặp, khiến xương nguyệt không thể nhận được lượng máu nuôi cần thiết, do đó dẫn đến tình trạng chết của xương hay còn gọi là hoại tử vô mạch.

Bệnh Kienbock được công nhận và mô tả lần đầu tiên bởi bác sĩ X-quang người Áo Robert Kienböck vào năm 1910. Đây là loại bệnh hoại tử vô mạch phổ biến thứ hai ở cổ tay, sau hoại tử vô mạch xương thuyền. Bệnh có thể hạn chế cử động cổ tay, gây đau và sưng ở cổ tay.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Kienbock

Các triệu chứng của bệnh Kienbock bao gồm:

  • Đau cổ tay;
  • Nhạy cảm đau tại xương nguyệt (ở trung tâm cổ tay);
  • Hạn chế vận động;
  • Cứng khớp cổ tay;
  • Sưng khớp;
  • Yếu động tác cầm nắm.

Các triệu chứng bệnh diễn tiến qua bốn giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Trong giai đoạn đầu của bệnh Kienbock, xương nguyệt sẽ mất nguồn cung cấp máu nuôi, điều này làm xương trở nên yếu đi. Bạn có thể gặp các triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như đau, tựa như bong gân cổ tay. Giai đoạn đầu có thể không phát hiện được bằng X-quang, chụp MRI có thể giúp chẩn đoán tốt hơn ở giai đoạn sớm.
  • Giai đoạn 2: Do thiếu lượng máu, xương nguyệt trở nên cứng, X-quang sẽ thấy xương nguyệt sáng hay trắng hơn. Điều này cho thấy xương đang chết dần, bạn có thể thấy đau nhức và sưng cổ tay.
  • Giai đoạn 3: Xương bắt đầu trượt, xẹp và vỡ thành nhiều mảnh nhỏ, điều này gây ảnh hưởng đến các xương khác ở cổ tay của bạn, khiến chúng đổi vị trí. Bạn có thể thấy đau ngày càng tăng dần, lực cầm nắm yếu và cử động cổ tay hạn chế.
  • Giai đoạn 4: Ở giai đoạn này, tình trạng xương xẹp xuống làm tổn thương các xương khác và mô ở vùng cổ tay.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Kienbock

Bệnh Kienbock luôn tiến triển và sự phá hủy khớp xảy ra trong vòng 3 đến 5 năm kể từ khi khởi phát. Bệnh có thể gây hạn chế cử động cổ tay, khó khăn cho việc cầm nắm và sinh hoạt. Đồng thời, có thể gây thoái hóa khớp khớp cổ tay thứ phát và làm lệch trục xương tháp ở cổ tay.

Bệnh Kienbock là gì? Những điều cần biết về bệnh Kienbock 4
Bệnh Kienbock có thể dẫn đến hạn chế vận động và khó cầm nắm

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn bị đau cổ tay dai dẳng, điều quan trọng là nên đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân. Chẩn đoán và điều trị sớm bệnh Kienbock có thể mang lại kết quả tốt hơn.

Trong giai đoạn đầu của bệnh, bạn có thể giảm đau bằng cách điều trị bảo tồn. Nếu bệnh Kienbock không được điều trị, xương nguyệt sẽ tiếp tục bị tổn thương nặng dần. Điều này có thể gây đau dữ dội và mất khả năng cử động ở cổ tay.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Kienbock

Nhiều yếu tố khác nhau có thể dẫn đến việc giảm lượng máu cung cấp cho xương nguyệt. Nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh Kienbock vẫn chưa được biết rõ. Nó có thể liên quan đến các chấn thương ở cổ tay, chẳng hạn như trượt hoặc ngã, có thể gây ảnh hưởng đến sự cung cấp máu cho xương nguyệt. Các chấn thương vi mô lặp đi lặp lại ở cổ tay cũng có thể liên quan, chẳng hạn như công việc sử dụng búa khoan.

Bệnh Kienbock là gì? Những điều cần biết về bệnh Kienbock 5
Chấn thương cổ tay có thể liên quan đến phát triển bệnh Kienbock

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh Kienbock?

Bệnh Kienbock hiếm khi thấy tổn thương ở cả hai cổ tay, và đối tượng thường thấy bị ảnh hưởng là nam giới ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh Kienbock

Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh Kienbock bao gồm:

  • Xương vùng cẳng tay không đều: Bạn có hai xương ở cẳng tay là xương trụ và xương quay. Nếu xương trụ của bạn ngắn hơn xương quay, nó có thể gây áp lực lên cổ tay và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Kienbock.
  • Xương nguyệt không đều: Nếu hình dạng xương nguyệt của bạn bất thường, bạn có thể mắc bệnh Kienbock.
  • Bất thương mạch máu: Chỉ có một mạch máu cung cấp máu cho xương của bạn, thay vì hai mạch máu như thường lệ, điều này gây ảnh hưởng đến việc cấp máu cho xương.
  • Các bệnh lý nền: Bệnh Kienbock cũng tìm thấy ở những người mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến việc cung cấp máu. Các bệnh lý như lupus, thiếu máu hồng cầu hình liềm và bại não có thể gây ra bệnh Kienbock.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh Kienbock

Bệnh Kienbock có thể khó chẩn đoán, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của bệnh. Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, lối sống và tình trạng đau cổ tay của bạn. Các xét nghiệm hình ảnh học có thể được thực hiện để chẩn đoán bao gồm:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Giúp chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm, đánh giá mức độ hoại tử xương và đánh giá tính toàn vẹn của sụn khớp.
  • Chụp X-quang: Ở giai đoạn sớm, hình ảnh X-quang không ghi nhận bất thường. Ở các giai đoạn sau, X-quang phát hiện các bất thường xương bao gồm xơ cứng, xẹp, viêm khớp cổ tay thứ phát hay gãy xương ở cổ tay.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Rất hữu ích trong việc lập kế hoạch phẫu thuật. CT scan cũng nhạy hơn X-quang trong việc phát hiện các vết nứt ở sụn khó thấy, vết nứt vành nguyệt, sự phân mảnh, mất ổn định cổ tay và mức độ đứt gãy của xương.
  • Xạ hình hạt nhân: Trước đây được sử dụng như một công cụ hỗ trợ để chẩn đoán bệnh ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên hiện nay đã không còn ưa chuộng kể từ khi sử dụng MRI.
Bệnh Kienbock là gì? Những điều cần biết về bệnh Kienbock 6
X-quang giúp chẩn đoán bệnh Kienbock ở các giai đoạn tiến triển

Phương pháp điều trị bệnh Kienbock

Mục tiêu điều trị bệnh Kienbock là giảm đau, bảo tồn vận động cổ tay và duy trì sức cầm nắm. Điều trị bệnh Kienbock sẽ phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh và các yếu tố gây bệnh.

  • Giai đoạn 1: Luôn được điều trị bằng nẹp hoặc bó bất động.
  • Giai đoạn 2 (với hoại tử không hoàn toàn): Có thể được điều trị bằng bất động.
  • Giai đoạn 2 (hoại tử hoàn toàn), giai đoạn 3 và 4: Yêu cầu phẫu thuật, có thể kết hợp với ghép xương mạch máu hoặc chuyển các nhánh từ động mạch lân cận.

Phẫu thuật được đề cập đến có thể gồm san bằng khớp khi chiều dài hai xương cẳng tay (xương trụ và xương quay) khác nhau. Tái thông mạch máu có thể được thực hiện, liên quan đến việc khôi phục hoặc tăng lượng máu cung cấp cho xương nguyệt.

Các giai đoạn sau với tình trạng sụp xương nguyệt và thoái hóa cổ tay thứ phát cũng có thể cần cắt bỏ cổ tay ở đầu gần hoặc phẫu thuật cắt khớp cổ tay. Phẫu thuật rút ngắn xương (Radial shortening osteotomy) liên quan đến việc loại bỏ xương nguyệt cũng có thể được thực hiện.

Bệnh Kienbock là gì? Những điều cần biết về bệnh Kienbock 7
Ở các giai đoạn sau, phẫu thuật được thực hiện để điều trị bệnh Kienbock

Đôi khi, việc hợp nhất xương cổ tay có thể được thực hiện để giảm đau nếu người bệnh bị viêm nặng. Thủ thuật này liên quan đến việc kết hợp các xương cổ tay lại với nhau, tạo thành một khối hợp nhất. Chuyển động của cổ tay sẽ bị mất hoàn toàn, nhưng người bệnh vẫn có thể thực hiện các động tác như xoay cẳng tay.

Việc điều trị có thể giúp cải thiện các triệu chứng và chức năng mà không làm cải thiện kết quả hình ảnh học ở giai đoạn tiến triển.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh Kienbock

Chế độ sinh hoạt:

Vì bệnh Kienbock là một bệnh luôn tiến triển và tiến đến sự phá hủy khớp trong vòng 3 đến 5 năm. Do đó, điều quan trọng là bạn phải theo dõi mọi thay đổi trong các triệu chứng của bạn trong giai đoạn đầu của bệnh.

Nếu cơn đau không thuyên giảm hoặc tái phát sau khi được điều trị bằng các phương pháp đơn giản như thuốc chống viêm, cố định cổ tay. Bạn hãy đến gặp bác sĩ để có thể thay đổi kế hoạch điều trị phù hợp, ví dụ như phẫu thuật, để hạn chế diễn tiến của bệnh gây tổn thương xương nguyệt vĩnh viễn.

Chế độ dinh dưỡng:

Không có chế độ dinh dưỡng cụ thể nào có thể giúp hạn chế diễn tiến của bệnh Kienbock. Tuy nhiên, việc lập một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng có thể góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để có một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt khi bạn phải trải qua phẫu thuật để điều trị bệnh Kienbock.

Phương pháp phòng ngừa bệnh Kienbock hiệu quả

Các yếu tố liên quan đến bệnh Kienbock bao gồm các bất thường về giải phẫu như vị trí của xương cẳng tay hay xương nguyệt. Những điều này hầu hết không thể kiểm soát được. Hiện không có phương pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh Kienbock. Tuy nhiên, điều quan trọng là phát hiện vấn đề càng sớm càng tốt để ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh, từ đó hạn chế tối đa các biến chứng như cứng khớp, giảm vận động cổ tay, viêm khớp cổ tay.

Bạn cũng có thể hạn chế tối thiểu các chấn thương cổ tay nếu có thể, tuy nhiên các giả thuyết về nguyên nhân gây ra bệnh Kienbock vẫn chưa rõ ràng, nên không hẳn việc hạn chế chấn thương sẽ ngăn ngừa được bệnh Kienbock.

Nguồn tham khảo
  1. Kienböck's Disease: https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/kienbocks-disease/
  2. Kienbock's Disease: https://www.assh.org/handcare/condition/kienbocks-disease
  3. What Is Kienbock’s Disease?: https://www.webmd.com/arthritis/what-is-kienbocks-disease
  4. Kienbock Disease: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK536991/
  5. Kienböck's Disease: What you need to know: https://www.medicalnewstoday.com/articles/264720

Các bệnh liên quan

  1. Đau nhức toàn thân

  2. Viêm khớp cùng chậu

  3. Thấp khớp

  4. Viêm đa dây thần kinh

  5. Bệnh Buerger

  6. Liệt tứ chi

  7. Trật khớp cùng đòn

  8. Huyết khối tĩnh mạch sâu

  9. Co rút Dupuytren

  10. Rách sụn chêm khớp gối