Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng đường hầm xương trụ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng đường hầm xương trụ là tình trạng chèn ép cục bộ dây thần kinh trụ ở khuỷu tay. Tỷ lệ mắc hội chứng này chiếm từ 1,8 - 5,9% dân số. Đây là bệnh lý chèn ép dây thần kinh phổ biến ở chi trên chỉ xếp sau hội chứng ống cổ tay. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến yếu cơ và teo cơ.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng đường hầm xương trụ là gì?

Vùng khuỷu tay có ba dây thần kinh lớn đi qua gồm dây thần kinh giữa, dây thần kinh qua và dây thần kinh trụ. Dây thần kinh trụ đi qua khuỷu tay ở phía trong khuỷu. Nó nằm rất gần dây chằng bên trụ ở trong. Thần kinh trụ chi phối vận động cho các cơ gấp cổ tay trụ, cơ gấp các ngón sâu, cơ ngón út, cơ gian cốt mu tay và gan tay, cơ giun 3 - 4 và cơ khép ngón cái; chi phối cảm giác cho mặt lưng cổ tay và bàn tay, cạnh trong bàn tay, ngón út và ½ ngón áp út.

Khi đi qua khớp khuỷu, dây thần kinh trụ đi vào một đường hầm nhỏ được gọi là rãnh thần kinh trụ, là đường rãnh giữa mỏm trên lồi cầu trong và mỏm khuỷu. Bởi vì không gian này chật hẹp nên đây là nơi thường xuyên xảy ra tình trạng dây thần kinh có thể bị chèn ép, dẫn đến các vấn đề liên quan đến thần kinh trụ như đau, yếu, tê và thậm chí là teo cơ.

Mặc dù chèn ép dây thần kinh trụ là một trong những nguyên nhân gây ra các triệu chứng của hội chứng đường hầm xương trụ, những sự mất ổn định của dây thần kinh (có nghĩa là đường hầm quá nông và dây thần kinh di lệch nhiều hơn mức cần thiết) cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng đường hầm xương trụ

Những triệu chứng phổ biến của hội chứng đường hầm xương trụ có thể bao gồm:

  • Tê và ngứa ran ở bàn tay và/hoặc ngón áp út và ngón út, đặc biệt khi gấp khuỷu tay.
  • Tê hoặc đau như điện giật từ khuỷu tay xuống ngón áp út và ngón út.
  • Đau mặt trong khuỷu tay.
  • Giảm khả năng cầm nắm đồ vật do yếu cơ ở cánh tay và bàn tay.

Các triệu chứng của bạn có thể tăng lên khi làm một số động tác sau:

  • Lái xe ô tô.
  • Chống khuỷu tay lên bàn.
  • Ngủ quên trên bàn làm việc.
Hội chứng đường hầm xương trụ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Đau khuỷu tay là một trong những triệu chứng của hội chứng đường hầm xương trụ

Biến chứng có thể gặp khi mắc hội chứng đường hầm xương trụ

Người bệnh mắc hội chứng đường hầm xương trụ mạn tính có thể xuất hiện một số biến chứng sau:

  • Bàn tay vuốt trụ: Là sự duỗi các khớp bàn ngón tay và gập khớp gian đốt ngón tay út và ngón áp út do mất cân bằng giữa các cơ bên trong và bên ngoài của bàn tay.
  • Yếu và liệt các cơ được chi phối vận động bởi dây thần kinh trụ.
  • Teo cơ.
  • Đau mạn tính các vùng cảm giác của dây thần kinh trụ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đến khám và nhận sự tư vấn từ bác sĩ nếu bạn bị đau ở khuỷu tay và không cải thiện sau một thời gian nghỉ ngơi ngắn. Ngoài ra, nếu bạn bắt đầu nhận thấy vùng mặt trong cẳng tay bị giảm cảm giác, tê, ngứa ran, yếu cổ tay/bàn tay hoặc teo cơ, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng đường hầm xương trụ

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng của hội chứng đường hầm xương trụ. Những nguyên nhân thường gặp bao gồm:

  • Cấu trúc giải phẫu: Rãnh thần kinh trụ quá nông, dây thần kinh trụ gần da, không gian trong đường hầm trụ hẹp hoặc dây chằng bên trụ dày lên đều có thể dẫn đến sự chèn ép hoặc kẹt dây thần kinh trụ trong đường hầm này.
  • Viêm và sưng dây thần kinh, đặc biệt là phần đi qua đường hầm trụ.
  • Áp lực: Gập duỗi khuỷu tay lặp đi lặp lại, tựa khuỷu tay lên mặt bàn,... tạo áp lực lớn làm kéo căng dây thần kinh trụ.
  • Chấn thương ở mặt trong của khuỷu tay.
  • Trật khớp khuỷu tay hoặc mất ổn định khớp khuỷu tay.
  • Gãy xương gần dây thần kinh trụ.
  • Viêm khớp khuỷu tay.
  • Chấn thương hoặc chèn ép rễ thần kinh ở cổ hoặc đám rối thần kinh cánh tay.
  • U nang gần khớp khuỷu gây chèn ép.
Hội chứng đường hầm xương trụ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Khuỷu tay gập kéo dài có thể gây hội chứng đường hầm xương trụ

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng đường hầm xương trụ?

Một số đối tượng có nguy cơ mắc phải hội chứng đường hầm xương trụ gồm:

  • Người có tiền căn chấn thương vùng khuỷu tay.
  • Người có tiền căn gãy xương cánh tay hoặc cánh tay vùng gần khuỷu.
  • Người có tiền căn viêm khớp khuỷu tay hoặc thoái hóa cột sống cổ.
  • Vận động viên hoặc nghề nghiệp đòi hỏi sự hoạt động liên tục của khuỷu tay.
  • Người mắc một số bệnh làm tăng nguy cơ viêm dây thần kinh, chẳng hạn như đái tháo đường, amyloidosis, suy giáp,...
  • Nghiện rượu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng đường hầm xương trụ

Những yếu tố nguy cơ của hội chứng đường hầm xương trụ bao gồm:

  • Thừa cân, béo phì.
  • Sau phẫu thuật xương hoặc khớp vùng khuỷu hoặc gần khuỷu.
  • Hoạt động vùng khuỷu tay với cường độ cao.
  • Chưa kiểm soát tốt các bệnh lý nền: Đái tháo đường, suy giáp, hội chứng ure huyết cao, thiếu hụt vitamin B12,...

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng đường hầm xương trụ

Chẩn đoán hội chứng đường hầm xương trụ thường được thực hiện trên thăm khám lâm sàng. Tuy nhiên, nếu chẩn đoán lâm sàng không rõ ràng và khi cần cân nhắc việc phẫu thuật, các cận lâm sàng khảo sát sự dẫn truyền thần kinh sẽ được thực hiện.

Một số bệnh lý cần chẩn đoán phân biệt với hội chứng đường hầm xương trụ với:

  • Hội chứng chèn ép dây thần kinh trụ ở cổ tay (trong kênh Guyon);
  • Chèn ép dây thần kinh trong hội chứng lối thoát ngực (Thoracic Outlet Syndrome);
  • Bệnh chèn ép rễ thần kinh cổ C8 - T1;
  • Bán trật ra trước của dây thần kinh trụ khi gập khuỷu tay.

Một số xét nghiệm để chẩn đoán bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Phát hiện bệnh đái tháo đường hoặc bệnh tuyến giáp.
  • Điện cơ đồ (EMG): Khảo sát sự dẫn truyền thần kinh về vận động và cảm giác, xác định vị trí tổn thương và mức độ tổn thương thần kinh.
  • Chụp X-quang: Kiểm tra các gai xương, viêm khớp và những vị trí mà xương có thể chèn ép dây thần kinh trụ.

Phương pháp điều trị hội chứng đường hầm xương trụ hiệu quả

Điều trị hội chứng đường hầm xương trụ bao gồm phương pháp điều trị phẫu thuật và không phẫu thuật.

Phương pháp không phẫu thuật

Các bác sĩ thường ưu tiên các phương pháp điều trị không xâm lấn trước tiên và thường bắt đầu bằng các lựa chọn không phẫu thuật, bao gồm:

  • Nẹp cố định: Đeo nẹp có đệm khi ngủ có thể giúp giữ thẳng khuỷu tay.
  • Vật lý trị liệu: Các bài tập lướt dây thần kinh có thể giúp dây thần kinh trụ của bạn trượt dễ dàng hơn qua đường hầm khuỷu tay và cổ tay. Những bài tập này cũng có thể ngăn ngừa tình trạng cứng khớp ở khuỷu và cổ tay của bạn.
  • Trị liệu bằng tay: Chuyên gia trị liệu bằng tay có thể giúp bạn thực hiện những động tác hàng ngày sao cho tránh gây áp lực lên dây thần kinh trụ.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Các loại thuốc như ibuprofen, naproxen có thể giảm đau và giảm sưng viêm mô mềm quanh dây thần kinh trụ.
  • Tiêm corticosteroid: Giúp chống viêm, giảm áp lực lên dây thần kinh. Tuy nhiên, phương pháp này có thể làm hư hỏng dây thần kinh nên ít được sử dụng.
  • Thuốc kích thích hồi phục tổn thương thần kinh như tiêm nucleo fort CMP, nivalin,...
Hội chứng đường hầm xương trụ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 7
Bài tập lướt dây thần kinh trụ

Phương pháp phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị không phẫu thuật không cải thiện hội chứng đường hầm xương trụ, dây thần kinh của bạn bị chèn ép quá nhiều gây ra yếu cơ, các bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Có một số loại phẫu thuật giúp điều trị hội chứng này, bao gồm:

  • Giải phóng thần kinh trụ: Phần mái của rãnh thần kinh trụ là dây chằng bên trụ. Phẫu thuật này cắt và phân chia dây chằng, làm cho đường hầm lớn hơn và giảm áp lực lên dây thần kinh trụ.
  • Chuyển vị dây thần kinh trụ trước: Trong phẫu thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ di chuyển dây thần kinh trụ của bạn từ phía sau mỏm lồi cầu trong ra phía trước (gần da của bạn nhất). Phương pháp này ngăn việc dây thần kinh trụ của bạn bị mắc vào mỏm trên lồi cầu trong.
  • Phẫu thuật cắt bỏ lồi cầu trong: Phẫu thuật này loại bỏ một phần của mỏm trên lồi cầu trong để giải phóng dây thần kinh của bạn.

Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ phải đeo nẹp cánh tay - cẳng tay trong khoảng 2 - 3 tuần. Vật lý trị liệu cần thiết để hồi phục khả năng vận động và sức cơ của bạn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng đường hầm xương trụ

Chế độ sinh hoạt:

  • Tránh áp lực không đáng có lên vùng khuỷu tay: Lái xe ô tô với khuỷu tay chống lên cửa sổ, ngủ với cánh tay gập và đè dưới đầu, chống khuỷu tay lên mặt bàn,...
  • Tự xoa bóp vùng cánh tay, khuỷu, cẳng tay và bàn tay, giúp tăng cường tuần hoàn và thư giãn cơ xương khớp.
  • Mang nẹp khuỷu tay giúp khuỷu được duỗi thẳng, có thể mang khi ngủ.
  • Tập luyện các bài tập lướt dây thần kinh.
  • Xây dựng thời gian làm việc và nghỉ ngơi phù hợp.

Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung các loại thực phẩm giúp hỗ trợ dinh dưỡng và quá trình phục hồi dây thần kinh bao gồm:

  • Vitamin nhóm B (vitamin B1, B6, B12,...) có trong thịt, gia cầm, trứng, gan, lúa mì, khoai tây, súp lơ, bắp cải, cá hồi,....
  • Thơm: Chứa bromelain, là một enzyme có tính kháng viêm, tăng tốc độ sửa chữa các mô tổn thương.
  • Các loại trà: Trà xanh, trà đen, trà ô long hỗ trợ chống viêm, chống oxy hóa hiệu quả.
  • Các loại quả mọng: Chứa các hoạt chất chống oxy hóa, chống viêm như phytochemical và anthocyanin.
Hội chứng đường hầm xương trụ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 8
Thực phẩm chứa vitamin B tốt cho hội chứng đường hầm xương trụ

Phương pháp phòng ngừa hội chứng đường hầm xương trụ hiệu quả

Một số phương pháp giúp bạn giảm nguy cơ mắc hội chứng đường hầm xương trụ, bao gồm:

  • Tránh tựa khuỷu tay của bạn vào những nền hoặc mặt phẳng cứng.
  • Tránh các chấn thương lên mặt trong của cánh tay, đặc biệt là khuỷu tay.
  • Ngủ với khuỷu tay thẳng.
  • Tránh các tư thế hoặc việc làm khiến bạn phải gấp cẳng tay trong thời gian dài.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý đái tháo đường, bệnh tuyến giáp,...

Các câu hỏi thường gặp về hội chứng đường hầm xương trụ

Sẽ nguy hiểm ra sao nếu không điều trị hội chứng đường hầm xương trụ?

Bạn có thể gặp nhiều biến chứng nếu không điều trị hội chứng đường hầm xương trụ gồm đau mạn tính, rối loạn cảm giác, yếu hoặc liệt cơ, teo cơ.

Hội chứng đường hầm xương trụ mất bao lâu để hồi phục sau điều trị?

Việc phục hồi hoàn toàn bệnh lý này có thể mất nhiều tháng. Dây thần kinh khi tổn thương sẽ không lành nhanh như các bộ phận khác trên cơ thể bạn.

Hội chứng đường hầm xương trụ có tái phát sau phẫu thuật không?

Phẫu thuật không đảm bảo rằng hội chứng đường hầm xương trụ sẽ biến mất vĩnh viễn. Tuy nhiên, kết quả nhìn chung của phương pháp này là tích cực.

Tại sao hội chứng đường hầm xương trụ của tôi tái phát thường xuyên?

Nếu thần kinh trụ của bạn tại đường hầm bị chèn ép và kéo căng liên tục, bạn không thể khỏi hoàn toàn bệnh lý này. Hãy thay đổi thói quen sinh hoạt và thường xuyên luyện tập các bài tập lướt dây thần kinh giúp giải phóng sự chèn ép dây thần kinh của bạn.

Phương pháp điều trị hội chứng đường hầm xương trụ nào mang lại hiệu quả cao?

Bác sĩ sẽ ưu tiên các phương pháp không phẫu thuật trước tiên giúp giảm đau, giảm viêm và các triệu chứng khó chịu khác. Nếu người bệnh không đáp ứng với phương pháp trên, bác sĩ sẽ cân nhắc việc phẫu thuật giải phóng dây thần kinh trụ.

Nguồn tham khảo
  1. Cutts S. Cubital tunnel syndrome. Postgrad Med J. 2007 Jan;83(975):28-31. doi: 10.1136/pgmj.2006.047456.
  2. Burahee AS, Sanders AD, Shirley C, Power DM. Cubital tunnel syndrome. EFORT Open Rev. 2021 Sep 14;6(9):743-750. doi: 10.1302/2058-5241.6.200129.
  3. Chauhan M, Anand P, M Das J. Cubital Tunnel Syndrome. 2023 Aug 14. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan–. PMID: 30855847.
  4. Andrews K, Rowland A, Pranjal A, Ebraheim N. Cubital tunnel syndrome: Anatomy, clinical presentation, and management. J Orthop. 2018 Aug 16;15(3):832-836. doi: 10.1016/j.jor.2018.08.010.
  5. Cubital Tunnel Syndrome: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/cubital-tunnel-syndrome

Các bệnh liên quan