Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thế nào là phù gai thị? Cần làm gì khi mắc bệnh?

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Phù gai thị là bệnh lý xảy ra do áp lực trong não tăng lên làm phù dây thần kinh thị giác gây phù đĩa thị giác. Phù gai thị có thể nhẹ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên vẫn có thể là dấu hiệu báo động một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng như khối u hoặc xuất huyết não và cần được điều trị càng sớm càng tốt. Chẩn đoán chính xác nguyên nhân là điều quan trọng nhất giúp lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp tránh đe dọa tính mạng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Phù gai thị là gì?

Phù gai thị là tình trạng phù dây thần kinh thị giác do tăng áp lực nội sọ. Trong hộp sọ có các cấu trúc gồm nhu mô não, dịch não tủy và thể tích máu trong mạch. Thể tích của các cấu trúc này vừa khít bên trong hộp sọ. Khi một trong ba cấu trúc này thay đổi thể tích sẽ làm áp lực nội sọ tăng theo, khiến dây thần kinh thị giác bị phù gây ra phù gai thị.

Dịch não tủy là một chất dịch trong suốt do não tiết ra mỗi ngày, giúp bảo vệ não và tủy sống cũng như cung cấp chất dinh dưỡng cho não. Dịch não tủy còn bao quanh dây thần kinh thị giác. Khi tăng áp lực nội sọ, não và dịch não tủy sẽ đè lên dây thần kinh thị giác làm cho dây thần kinh phù khi vào nhãn cầu ở đĩa thị.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của phù gai thị

Các triệu chứng đầu tiên của phù gai thị là thay đổi về thị lực như mờ mắt, nhìn đôi, nhìn thấy vệt sáng hoặc mất thị lực thoáng qua. Nếu áp lực của não vẫn tiếp tục tăng, những triệu chứng này sẽ càng ngày càng rõ và thời gian xuất hiện sẽ dài hơn. Lâu dần, chúng có thể tồn tại vĩnh viễn. Tình trạng này có thể xảy ra ở cả hai bên hoặc một bên mắt.

Phù não gây phù gai thị còn biểu hiện các triệu chứng khác giúp phân biệt với bệnh tại mắt như:

  • Chóng mặt;
  • Nôn vọt;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Đau đầu bất thường: Thường nặng hơn vào buổi sáng hoặc khi nằm;
  • Ù tai.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh phù gai thị

Các dây thần kinh thị giác rất nhạy cảm với áp lực cao và việc tăng áp lực kéo dài có thể làm tổn thương dây thần kinh. Bệnh có thể gây mù lòa nếu không được điều trị, ngay cả khi không tìm ra nguyên nhân. Các biến chứng khác của phù gai thị nếu không được điều trị:

  • Tổn thương não;
  • Đột quỵ;
  • Động kinh;
  • Đau đầu dai dẳng;
  • Tử vong.

Nguy cơ nhiễm trùng hoặc sẹo do phẫu thuật điều trị bệnh có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Phẫu thuật đặt shunt có thể gặp biến chứng như tắc nghẽn hoặc hoạt động kém làm tái phát bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ các cơ sở y tế khi gặp các triệu chứng dưới đây để được khám và chẩn đoán sớm nhất:

  • Nhìn mờ, nhìn đôi: Do tăng áp lực nội sọ làm liệt dây thần kinh sọ gây yếu cơ mắt.
  • Mất thị lực thoáng qua hoặc hoàn toàn: Kéo dài khoảng 5 đến 15 giây, tầm nhìn của bạn mờ đi, chuyển sang màu xám hoặc tối đen như nhật thực mặt trăng che khuất mặt trời. Xảy ra khi bạn thay đổi tư thế, có thể một hoặc hai mắt.
  • Đau đầu;
  • Buồn nôn và nôn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến phù gai thị

Những nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ là nguyên nhân gây phù gai thị:

  • Chấn thương đầu;
  • Thiếu máu (thiếu hồng cầu hoặc hemoglobin);
  • Não úng thủy (tích tụ dịch não tủy ở não thất);
  • Xuất huyết não;
  • Viêm não;
  • Viêm màng não;
  • Cơn tăng huyết áp;
  • Áp xe não;
  • U não;
  • Huyết khối xoang tĩnh mạch hoặc huyết khối mạch máu não (nhồi máu não).

Một số trường hợp, áp lực bên trong não tăng lên nhưng không tìm được nguyên nhân được gọi là tăng áp lực nội sọ vô căn. Đây là tình trạng hiếm gặp do cơ thể sản xuất quá nhiều dịch não tủy hoặc dịch não tủy không được thoát đúng cách. Dịch não tủy dư, tích tụ trong não làm tăng áp lực nội sọ. Các triệu chứng của tăng áp lực nội sọ vô căn gồm đau đầu, rối loạn thị giác và ù tai.

Ngoài ra bạn có thể bị phù gai thị do tác dụng phụ của một số loại thuốc như corticosteroid, Isotretinoin, Lithium, Tetracycline.

PHÙ GAI THỊ 5.jpg
Não úng thủy là một nguyên nhân gây phù gai thị

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phù gai thị?

Tăng huyết áp nội sọ vô căn phổ biến nhất ở phụ nữ béo phì trong độ tuổi sinh nở, ít gặp ở nam giới, trẻ em hay người lớn tuổi. 

Mối liên hệ giữa thừa cân/béo phì với tăng áp lực nội sọ vẫn chưa được hiểu rõ, nhiều người nghĩ rằng do mỡ bụng làm tăng áp lực lồng ngực từ đó làm tăng áp lực nội sọ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phù gai thị

Những yếu tố nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc phù gai thị như nguyên nhân ở nhãn cầu, hốc mắt, nội sọ, toàn thân. 

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán phù gai thị

Kiểm tra sức khỏe

Khi nghi ngờ một người bị phù gai thị, bác sĩ sẽ khám sức khỏe toàn diện, kiểm tra tổng quát để tìm các triệu chứng và dấu hiệu khác giúp chẩn đoán bệnh. Khám thị lực và thị trường để đánh giá mức độ tổn thương mắt.

Tiền sử các loại thuốc như steroid, retinoid, tetracyclin, thuốc tránh thai có thể làm tăng áp lực nội sọ.

Soi đáy mắt

Là công cụ chính xác giúp bác sĩ nhìn được dây thần kinh thị giác của bạn. Bạn sẽ được nhỏ thuốc trước khi soi để đồng tử giãn ra giúp nhìn dễ hơn. Bác sĩ sẽ đánh giá vị trí của đĩa thị giác có lệch hay không hoặc hình ảnh mờ hơn bình thường, đây là những dấu hiệu chỉ ra dây thần kinh thị đang bị phù.

Nếu bác sĩ nghĩ nguyên nhân gây phù gai thị, một số xét nghiệm sẽ được chỉ định thêm như:

  • MRI/CT-scan vùng đầu: Kiểm tra khối u hoặc các bất thường khác trong não.
  • Sinh thiết khối u để kiểm tra ác tính hay lành tính.
  • Xét nghiệm máu và dịch não tủy để kiểm tra dấu hiệu bất thường.
  • Chọc dò tủy sống để đo áp lực của dịch não tủy và lấy dịch não tủy để xét nghiệm.

Mức độ nặng của phù gai thị được xác định dựa trên thang điểm Frisén hoặc phân giai đoạn phù gai thị, gồm 6 độ từ 0 đến 5 với độ 0 là không có phù gai thị, đến độ 5 là phù gai thị mức độ nặng.

Quan trọng nhất là cần xác định nguyên nhân gây tăng áp lực nội sọ để có thể điều trị hiệu quả.

PHÙ GAI THỊ 1.jpg
Hình ảnh soi đáy mắt của người bình thường (bên phải) và người bị phù gai thị (bên trái)

Phương pháp điều trị phù gai thị

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây phù thị mà lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Nếu bạn chỉ bị phù gai thị nhẹ và không có triệu chứng, bạn có thể không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi tình trạng phù gai thị và triệu chứng thị lực của mình để phát hiện bất thường (nếu có) càng sớm càng tốt.

Tăng áp lực nội sọ vô căn

Trong trường hợp bác sĩ không tìm ra được nguyên nhân gây phù gai thị, bạn sẽ được chẩn đoán là tăng áp lực nội sọ vô căn. Phương pháp điều trị của tình trạng này gồm:

  • Giảm cân: Tăng áp lực nội sọ vô căn thường được thấy xuất hiện ở những người tăng cân nhanh hoặc béo phì.
  • Chế độ ăn ít muối: Giảm nguy cơ tăng huyết áp khiến tăng áp lực nội sọ.
  • Thuốc như acetazolamide, furosemide giữ áp lực nội sọ trong mức bình thường. Topiramate để điều trị chứng đau nửa đầu và động kinh; thuốc này cũng giúp một số người giảm cân và giảm áp lực bên trong nội sọ.
  • Phẫu thuật: Đặt shunt hoặc cắt bỏ bao dây thần kinh thị giác là lựa chọn khi thay đổi lối sống và thuốc không đạt hiệu quả.
PHÙ GAI THỊ 6.jpg
Giảm cân được khuyến cáo ở những người bị tăng áp lực nội sọ vô căn

Khối u, chấn thương hoặc nhiễm trùng

Những bệnh lý này cần được điều trị bởi những phương pháp riêng biệt cho từng nguyên nhân. Ví dụ:

  • Khối u não: Bác sĩ sẽ khuyến cáo phẫu thuật để cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần khối u, nhất là ung thư. Xạ trị hoặc hóa trị cũng giúp thu nhỏ khối u và giảm phù.
  • Xuất huyết não hoặc huyết khối (nhồi máu não) có thể cần được phẫu thuật.
  • Nhiễm trùng cần được điều trị với kháng sinh hoặc kháng virus.
  • Nếu do chấn thương đầu nặng, dẫn lưu dịch não tủy được ưu tiên giúp giảm áp lực nội sọ.

Huyết áp cao

Trong một số ít trường hợp, phù gai thị là do huyết áp tăng quá cao còn gọi là cơn tăng huyết áp. Hạ huyết áp là điều cần thiết để tránh biến chứng nghiêm trọng hơn.

  • Thuốc lợi tiểu như chlorothiazide;
  • Thuốc chẹn beta như atenolol;
  • Thuốc ức chế ACE như captopril.

Khác

Thuốc giảm phù gai thị như corticosteroids (prednisone, dexamethasone, hydrocortisone) được dùng để giảm phù não, các thuốc được dùng dưới dạng tiêm hoặc uống. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của phù gai thị

Chế độ sinh hoạt:

Những điều cần chú ý trong sinh hoạt giúp ổn định bệnh tránh tiến triển đến biến chứng:

  • Không tự ý ngừng điều trị khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ;
  • Kiểm soát huyết áp trong giới hạn, điều trị bệnh tăng huyết áp liên tục;
  • Theo dõi sức khỏe và tái khám đúng hẹn;
  • Bảo vệ mắt tránh các tác nhân bên ngoài;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Giữ cân nặng ở mức cho phép.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn ít thực phẩm giàu chất béo có hại hay thức ăn chế biến sẵn;
  • Ăn nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc, các loại đậu,...
  • Hạn chế ăn mặn, không sử dụng mắm hoặc tương, chao thường xuyên.

Phương pháp phòng ngừa phù gai thị hiệu quả

Có nhiều nguyên nhân gây ra phù gai thị mà bạn không thể phòng ngừa được. Dưới đây là một số cách giúp ngăn ngừa một số nguyên nhân gây bệnh:

  • Bảo vệ vùng đầu bằng các vật dụng như mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn khi đi xe hơi.
  • Khám mắt thường xuyên; duy trì thói quen khám sức khỏe tổng quát mỗi 6 tháng.
  • Theo dõi huyết áp mỗi ngày, giữ huyết áp trong mức cho phép.
  • Tuân thủ sử dụng thuốc hạ áp mỗi ngày nếu bạn được chẩn đoán tăng huyết áp.
  • Tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Ăn ít chất béo, dầu mỡ hay thực phẩm chế biến sẵn, hạn chế ăn mặn.
PHÙ GAI THỊ 7.jpg
Kiểm soát huyết áp giúp phòng ngừa tăng áp lực nội sọ
Nguồn tham khảo
  1. Papilledema: https://www.healthline.com/health/papilledema
  2. Everything you need to know about papilledema: https://www.medicalnewstoday.com/articles/320868
  3. What Is Papilledema?: https://www.webmd.com/eye-health/papilledema-optic-disc-swelling
  4. Papilledema: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538295/
  5. Papilledema: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24445-papilledema 

Các bệnh liên quan

  1. Tắc mạch máu não

  2. Bệnh xương hóa đá

  3. Động kinh cục bộ

  4. Tim bẩm sinh tím

  5. Viêm đa xoang

  6. Viêm mống mắt

  7. Động kinh toàn thể

  8. Cường Aldosteron tiên phát

  9. Bệnh mạch máu tinh bột

  10. cao huyết áp vô căn