Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư âm đạo là gì? Những vấn đề cần biết về ung thư âm đạo

Ngày 28/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư âm đạo là một trong những bệnh lý thuộc hệ thống sinh sản ở nữ. Bệnh thường được chẩn đoán ở những người lớn tuổi. HPV là nguyên nhân góp phần gây nên bệnh lý này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư âm đạo là gì?

Âm đạo hay ống âm đạo là phần nối tiếp cổ tử cung đến âm hộ. Âm đạo là đường dẫn chất lỏng ra khỏi cơ thể trong thời kỳ kinh nguyệt cũng là đường dẫn giúp em bé chào đời. Thành ống âm đạo có nhiều nếp gấp giúp giãn nở tốt khi sinh.

Ung thư âm đạo là khối u tăng sinh bất thường ở vùng âm đạo. Ung thư âm đạo là một loại ung thư hiếm gặp ở phụ nữ. Có một số loại ung thư âm đạo, trong đó hai phổ biến nhất là:

Ung thư tế bào vảy: Ung thư biểu mô vảy thường gặp nhất ở phụ nữ trên 60 tuổi và chiếm khoảng 70% tổng số ca ung thư âm đạo.

Ung thư biểu mô tuyến: Ung thư biểu mô tuyến thường gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi và chiếm khoảng 15% tổng số ca ung thư âm đạo.

Các giai đoạn bệnh được đánh số từ 0 đến 4. Giai đoạn 0 được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Giai đoạn càng sớm, mức độ xâm lấn lan tràn càng nhỏ. Ở các giai đoạn muộn như giai đoạn 4, tế bào ung thư đã xâm lấn lan tràn vượt qua khỏi âm đạo. Việc phân độ giúp đánh giá độ nặng, độ lan rộng của tế bào ung thư cũng như định hình lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Triệu chứng

Những triệu chứng của Ung thư âm đạo

Ung thư âm đạo không phải lúc nào cũng gây ra hay biểu hiện triệu chứng. Khi các triệu chứng gợi ý ung thư âm đạo gồm:

  • Chảy máu âm đạo (không liên quan đến kinh nguyệt) sau khi giao hợp.
  • Chảy máu âm đạo sau mãn kinh (khi bạn không còn kinh nguyệt nữa).
  • Dịch âm đạo có máu hoặc có mùi hôi.
  • Đau khi giao hợp.
  • Đi tiểu đau hoặc thường xuyên cảm thấy muốn đi tiểu.
  • Táo bón hoặc phân có màu đen.
  • Mót rặn.
  • Đau vùng xương chậu.
Ung thư âm đạo là gì? Những vấn đề cần biết về Ung thư âm đạo1.jpeg
Chảy máu âm đạo bất thường là triệu chứng gợi ý bệnh lý âm đạo

Tác động của Ung thư âm đạo với sức khỏe

Ung thư âm đạo ảnh hưởng sức khỏe thể chất và tinh thần của người mắc và gia đình. Khi mắc bệnh, người bệnh không thể làm việc và sinh hoạt bình thường,...

Biến chứng có thể gặp khi mắc Ung thư âm đạo

Ung thư âm đạo có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể như ung thư phổi, ung thư gan và ung thư xương. Khi ung thư lây lan nó được gọi là ung thư di căn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mắc bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi cảm thấy khó chịu vùng âm đạo, có triệu chứng hay dấu hiệu kể trên, bạn nên đến khám bác sĩ để được kiểm tra ngay.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây Ung thư âm đạo

Các nhà nghiên cứu không biết chắc chắn nguyên nhân gây ung thư âm đạo. Tuy nhiên, cũng như ung thư cổ tử cung, có khả năng có mối quan hệ giữa ung thư âm đạo và các chủng virus HPV có nguy cơ cao. 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư âm đạo cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với các kháng thể liên quan đến các loại virus ung thư cổ tử cung (HPV).

Ung thư âm đạo là gì? Những vấn đề cần biết về Ung thư âm đạo2.png
HPV được cho là nguyên nhân gây ung thư âm đạo

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Ung thư âm đạo?

Phụ nữ từ 70 tuổi trở lên chiếm hơn 50% các trường hợp mắc bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Ung thư âm đạo

Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư âm đạo ở phụ nữ:

  • Tiếp xúc với diethylstilbestrol (DES) khi còn là bào thai (mẹ đã dùng DES khi mang thai);
  • Tiền sử ung thư cổ tử cung;
  • Nhiễm trùng HPV;
  • Nhiễm HIV/AIDS;
  • Kích ứng âm đạo;
  • Hút thuốc;
  • Viêm âm đạo.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Ung thư âm đạo

Sau khi thăm khám âm đạo và vùng chậu, bác sĩ có thể chỉ định một số cận lâm sàng có thể sử dụng để chẩn đoán ung thư âm đạo bao gồm:

Soi cổ tử cung: Máy soi cổ tử cung với thấu kính phóng đại có thể kiểm tra cổ tử cung và âm đạo xem có bất thường không. Nếu tìm thấy mô bất thường, sinh thiết thường được thực hiện kèm theo (sinh thiết soi cổ tử cung) để quan sát tế bào âm đạo.

Xét nghiệm Pap (Pap test): Xét nghiệm này kiểm tra các tế bào được thu thập từ cổ tử cung bằng kính hiển vi được sử dụng để phát hiện những tế bào ung thư hoặc tiền ung thư, nhiễm trùng hoặc viêm.

Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT): Chụp CT cho thấy hình ảnh chi tiết của cơ thể bao gồm xương, cơ, mỡ và các cơ quan từ đó phát hiện khối u và các tổn thương khác liên quan.

Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI cho hình ảnh chi tiết về các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể đặc biệt là mô mềm, giúp chẩn đoán tốt hơn.

Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET): PET có thể được sử dụng để tìm các khối u nhỏ hoặc để kiểm tra việc điều trị một khối u có hiệu quả hay không.

Sinh thiết: Sinh thiết lấy mẫu mô từ âm đạo để kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định xem có ung thư hoặc các tế bào bất thường khác hay không. Chẩn đoán ung thư chỉ được xác nhận bằng sinh thiết.

Phương pháp điều trị Ung thư âm đạo

Phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh ung thư âm đạo sẽ được bác sĩ xác định dựa trên:

  • Sức khỏe tổng thể;
  • Mức độ của bệnh;
  • Khả năng chịu đựng đối với các loại thuốc;
  • Những kỳ vọng về diễn biến của bệnh;
  • Tuổi.

Điều trị tùy thuộc vào độ tuổi vì việc điều trị cũng có thể phụ thuộc vào việc người mắc bệnh có muốn có con hay không. Nói chung những phương pháp điều trị tại chỗ như phẫu thuật, laser,… được sử dụng để điều trị các tế bào tiền ung thư, ung thư mới chưa lan rộng. Ung thư âm đạo xâm lấn thường sẽ phải phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.

Nội khoa

Xạ trị

Xạ trị dùng bức xạ sao tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này sử dụng cho các khối u chưa lan rộng. Có 2 hình thức chiếu xạ là xạ trị từ bên ngoài và chiếu xạ từ bên trong. Xạ trị ngoài là chiếu các chùm bức xạ năng lượng cao vào khối u từ bên ngoài cơ thể. Xạ trị bên trong là chất phóng xạ được đặt bên trong âm đạo hoặc gần khối u.

Hóa trị

Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị đơn thuần không phải là phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh ung thư âm đạo nhưng nó có thể được sử dụng cùng với xạ trị để nâng cao hiệu quả. Đôi khi, hóa trị được sử dụng để điều trị các khối u tái phát sau xạ trị.

Ung thư âm đạo là gì? Những vấn đề cần biết về Ung thư âm đạo.png
Có thể kết hợp nhiều phương pháp để tối ưu hóa hiệu quả điều trị bệnh

Ngoại khoa

Cắt bỏ cục bộ: Các bác sĩ sẽ loại bỏ khối u cùng với một số mô khỏe mạnh xung quanh nó.

Cắt bỏ âm đạo: Các bác sĩ loại bỏ toàn bộ hoặc một phần âm đạo tùy thuộc vào kích thước và vị trí khối u. Tùy thuộc vào mức độ lan rộng của ung thư, bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ các hạch bạch huyết cũng như tử cung và cổ tử cung (nếu cần).

Phẫu thuật vùng chậu: Phẫu thuật này sẽ loại bỏ nhiều cơ quan khỏi xương chậu của bạn, bao gồm phần dưới cùng của đại tràng (trực tràng), bàng quang, tử cung, cổ tử cung, âm đạo, buồng trứng và các hạch bạch huyết gần đó. Hậu môn nhân tạo sẽ được thiết lập để duy trì khả năng đi tiêu. Loại phẫu thuật này có thể là một lựa chọn nếu ung thư tái phát.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến Ung thư âm đạo

Triệu chứng bệnh lý ung thư âm đạo thường ít, vì thế để phát hiện bệnh sớm cần khám sức khỏe định kỳ, đến khám bác sĩ ngay khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, tuân thủ liệu trình điều trị và tái khám đúng hẹn để theo dõi hiệu quả điều trị và những biến chứng của nó.

Phương pháp phòng ngừa Ung thư âm đạo hiệu quả

Tiêm vắc xin HPV có thể ngăn ngừa các chủng virus gây ra hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung, âm đạo và âm hộ. Tuy nhiên, vắc xin HPV chỉ có thể được sử dụng để ngăn ngừa một số loại virus nhất định. Chúng không thể được sử dụng để điều trị nhiễm trùng HPV hiện đang mắc phải. Vì thế để có hiệu quả tốt nhất, nên tiêm vắc xin trước khi tiếp xúc với HPV (quan hệ tình dục).

Ung thư âm đạo là gì? Những vấn đề cần biết về Ung thư âm đạo3.jpg
Tiêm phòng HPV trước khi tiếp xúc HPV mang lại hiệu quả tối ưu nhất

Các câu hỏi thường gặp về Ung thư âm đạo

Vắc xin HPV có ngăn ngừa ung thư âm đạo không?

Vắc xin HPV có thể ngăn ngừa một số chủng virus gây ra hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung, âm đạo và âm hộ. Vắc xin HPV không thể được sử dụng để điều trị nhiễm trùng HPV hiện có.

Sau khi cắt bỏ hoàn toàn tử cung do ung thư tử cung, người đó có thể mắc ung thư âm đạo không?

Ngay cả khi một phụ nữ đã cắt bỏ tử cung, cô ấy vẫn có nguy cơ mắc ung thư âm đạo. Các triệu chứng của ung thư âm đạo có thể giống như đã cung cấp ở trên.

Ung thư âm đạo có phổ biến không?

Khoảng 1/100.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư âm đạo, thường là ung thư biểu mô tế bào vảy. Ung thư âm đạo chỉ chiếm từ 1 đến 2% các bệnh ung thư phụ khoa.

HPV là gì?

HPV là một loại virus phổ biến lây truyền qua quan hệ tình dục. Đối với hầu hết mọi người, virus không bao giờ gây ra vấn đề gì về sức khỏe. Tuy nhiên, đối với một số người, virus có thể gây ra những thay đổi trong tế bào và có thể dẫn đến ung thư.

Ung thư lây lan trong cơ thể bằng cách nào?

Có ba cách mà ung thư lây lan trong cơ thể như lây lan qua mô, hệ bạch huyết và máu:

  • Mô: Ung thư lây lan từ vị trí ban đầu sang các khu vực lân cận bằng cách tăng sinh, phát triển sang các khu vực lân cận.
  • Hệ thống bạch huyết: Ung thư lây lan từ vị trí ban đầu bằng cách xâm nhập vào hệ thống bạch huyết. Ung thư di chuyển qua các mạch bạch huyết đến các bộ phận khác của cơ thể.
  • Máu: Ung thư lây lan từ vị trí ban đầu bằng cách xâm nhập vào máu. Ung thư di chuyển qua các mạch máu đến các bộ phận khác của cơ thể.
Nguồn tham khảo
  1. Vaginal Cancers: https://igcs.org/vaginal/
  2. Vaginal Cancers: https://www.nhs.uk/conditions/vaginal-cancer
  3. Vaginal Cancers: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/vaginal-cancer/symptoms-causes/syc-20352447
  4. Vaginal Cancer Treatment (PDQ®)–Patient Version: https://www.cancer.gov/types/vaginal/patient/vaginal-treatment-pdq
  5. Vaginal Cancers: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15579-vaginal-cancer

Các bệnh liên quan

  1. Nhiễm khuẩn Listeria

  2. Suy tim giai đoạn cuối

  3. Đa u tủy xương

  4. Viêm niêm mạc dạ dày

  5. cao huyết áp vô căn

  6. Sán dây bò

  7. Viêm amidan hốc mủ

  8. Hội chứng Mallory-Weiss

  9. Xơ cứng xương

  10. Bệnh mạch máu tinh bột