Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Liệt dây hồi quy: Nguyên nhân và những điều cần chú ý

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Giao tiếp, hít thở, ăn uống là những nhu cầu cơ bản của mỗi người. Liệt dây hồi quy (hay liệt dây thần kinh thanh quản quặt ngược) gây ảnh hưởng đến việc nói, thở và nuốt của bạn. Nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh và việc xác định nguyên nhân cần sự đánh giá toàn diện. Tổn thương đến dây thần kinh hồi quy có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Phương pháp điều trị hiện nay nhằm mục đích giúp bảo tồn giọng nói và không khiến người bệnh tiến triển đến biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng. Vậy tại sao bạn mắc bệnh và cần chú ý điều gì trong sinh hoạt?

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Liệt dây hồi quy là gì?

Dây thần kinh hồi quy hay còn gọi dây thần kinh thanh quản quặt ngược là dây thần kinh có chức năng chi phối vận động và cảm giác các cơ của thanh quản. Các cơ thanh quản do dây thần kinh thanh quản quặt ngược chi phối giúp điều hòa hoạt động của dây thanh âm - có chức năng hỗ trợ phát âm, hít thở, và phối hợp phản xạ nuốt. Do đó khi dây thần kinh này bị tổn thương bạn sẽ gặp khó khăn trong việc nói chuyện, việc thở và khả năng ăn uống.

Đường đi của dây thần kinh thanh quản quặt ngược kéo dài từ đáy sọ đến ngực do đó bất kỳ tác động nào lên một vị trí trên đường đi của dây thần kinh cũng có thể là nguyên nhân gây tổn thương dây vì vậy việc xác định nguyên nhân cần sự đánh giá chặt chẽ và toàn diện.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của liệt dây hồi quy

Dây thần kinh thanh quản quặt ngược có thể liệt một hoặc hai bên và tổn thương bên trái thường gặp hơn bên phải. Nếu bạn liệt dây thần kinh thanh quản quặt ngược một bên, biểu hiện thường được ghi nhận là triệu chứng khàn tiếng, thay đổi độ lớn của giọng nói, tiếng thở ồn. Nếu bạn liệt dây thần kinh thanh quản quặt ngược hai bên ít gặp hơn, tuy nhiên các biểu hiện của bệnh thường sẽ nghiêm trọng hơn như tắc nghẽn đường thở gây khó thở, thở rít, khó nuốt.

Ngoài ra, cơ nhẫn phễu sau là cơ có trách nhiệm mở dây thanh âm, nếu tổn thương cơ này bạn có thể sẽ gặp các vấn đề về hô hấp hoặc tổn thương cơ nhẫn phễu hai bên có thể khiến bạn mất khả năng nói.

Tác động của liệt dây hồi quy đối với sức khỏe

Triệu chứng khó nuốt hoặc thay đổi giọng nói hoặc khàn tiếng do liệt dây thần kinh thanh quản quặt ngược sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh như khó khăn khi giao tiếp xã hội hoặc trong sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt đối với những nghề nghiệp cần sử dụng giọng nói như diễn viên, ca sĩ,…

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh liệt dây hồi quy

Suy hô hấp

Thường xảy ra khi liệt dây thần kinh hồi quy hai bên, tuy nhiên suy hô hấp là hiếm gặp do liệt dây thần kinh thường xảy ra một bên. Dù vậy, đây là biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Do đó khi bạn cảm thấy khó thở hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Viêm phổi hít

Khi liệt dây thần kinh hồi quy, bạn sẽ khó khăn trong việc nuốt và hít thở, do đó khi ăn uống dễ dẫn đến tình trạng hít sặc thức ăn hay nước uống gây viêm phổi hít. Cần chú ý biến chứng này trên những người bệnh nhạy cảm như trẻ em hay người già, người nằm bất động lâu ngày.

Liệt dây hồi quy: Nguyên nhân và những điều cần chú ý 1
Liệt dây hồi quy có thể dẫn đến viêm phổi hít

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ khi:

  • Bạn bị khàn tiếng không rõ nguyên nhân;
  • Bạn cảm thấy nuốt khó;
  • Bạn nghe thấy tiếng nói của mình thay đổi;
  • Bạn cảm thấy thở rít hoặc khó thở;
  • Bạn sụt cân không rõ nguyên nhân.

Nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào ở trên, hãy đến khám bác sĩ để được tầm soát và chẩn đoán nguyên nhân sớm. Bệnh ít khi biểu hiện các dấu hiệu nặng tuy nhiên không vì thế mà bạn bỏ qua các dấu hiệu trên, bệnh vẫn có thể tiến triển nặng gây nguy hiểm tính mạng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến liệt dây hồi quy

Dây thần kinh thanh quản quặt ngược có thể bị tổn thương một hoặc hai bên tùy vào nguyên nhân gây ra. Đường đi của thần kinh thanh quản quặt ngược khá phức tạp do đó bất kỳ một bệnh lý hay tổn thương xảy ra dọc đường đi của nó đều có thể là nguyên nhân gây ra liệt dây thần kinh thanh quản quặt ngược. Các nguyên nhân phổ biến gồm:

  • Tổn thương sau can thiệp phẫu thuật: Bất kỳ một cuộc phẫu thuật nào ở vùng ngực, cổ hoặc sọ não đều có thể là nguyên nhân của bệnh. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp và cắt bỏ tuyến cận giáp là hai nguyên nhân thường gặp nhất. Ngoài ra còn có thể gặp ở phẫu thuật tim, phẫu thuật lồng ngực.
  • Khối u: Khối u ác tính ngoài thanh quản là nguyên nhân thường gặp gây liệt thần kinh thanh quản quặt ngược một bên, chủ yếu là khối u ở phổi hoặc trung thất. Do đó cần loại trừ bệnh lý ác tính trước khi chẩn đoán liệt thần kinh thanh quản quặt ngược vô căn.
  • Đặt nội khí quản: Đặt nội khí quản cũng là nguyên nhân gây ra một lượng lớn các tổn thương thần kinh thanh quản quặt ngược.
  • Tổn thương mạch máu.
  • Bệnh thoái hóa myelin, bệnh thần kinh cơ.
  • Ngoài ra, các nguyên nhân như virus gây nhiễm trùng thần kinh, bệnh thần kinh đái tháo đường và chấn thương (ở cổ, ngực hoặc tại thanh quản) cũng được báo cáo tuy nhiên số lượng ghi nhận còn ít.
  • Ngộ độc thần kinh như chì, asen, thủy ngân.
  • Vô căn.
Liệt dây hồi quy: Nguyên nhân và những điều cần chú ý 2
Ngộ độc thủy ngân là một trong những nguyên nhân dẫn đến liệt dây hồi quy

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải liệt dây hồi quy

Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ bị liệt dây hồi quy:

  • Tiền sử trải qua phẫu thuật tuyến giáp hoặc tuyến cận giáp;
  • Người thường tiếp xúc các chất độc như chì, thủy ngân.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải liệt dây hồi quy

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng liệt dây hồi quy:

  • Mắc đái tháo đường;
  • Nam giới: Một nghiên cứu cho thấy nam giới có nguy cơ mắc bệnh liệt dây hồi quy cao gấp 2 đến 3 lần so với nữ giới.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán liệt dây hồi quy

Khi bạn có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh liệt dây thần kinh hồi quy, bác sĩ sẽ khai thác về bệnh sử và khám kỹ lâm sàng giúp định hướng nguyên nhân gây bệnh. Các cuộc phẫu thuật gần đây ở vùng đầu hoặc cổ, hay tiền sử đặt nội khí quản gần đây có thể gợi ý khả năng bạn bị liệt dây thần kinh thanh quản quặt ngược. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ác tính tiềm ẩn cũng cần được kiểm tra như ho ra máu, ho dữ dội, sụt cân không rõ nguyên nhân, sử dụng thuốc lá hoặc rượu bia, chứng nuốt khó. Các nguyên nhân khác ít phổ biến như virus hay chấn thương cũng cần được loại trừ.

Khám vùng đầu cổ có thể phát hiện hạch to bất thường do bệnh lý ác tính. Khám tuyến giáp và thực hiện thêm các xét nghiệm tầm soát bệnh ác tính tuyến giáp cũng có thể được chỉ định.

Các xét nghiệm bạn có thể được chỉ định gồm:

  • X-quang ngực thẳng: X-quang ngực thẳng được chỉ định nhằm sàng lọc nguyên nhân nếu bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân từ phổi.
  • CT-scan: Đây là phương tiện hình ảnh học tiện lợi nhất và được chỉ định hầu như ở tất cả người bệnh. CT-scan cho ta thấy toàn bộ chiều dài và đường đi của dây thần kinh thanh quản quặt ngược. CT-scan cũng có thể cho thấy được dây thanh âm của bạn có liệt hay không.
  • Nội soi thanh quản: Khi bạn có biểu hiện liệt dây thanh, bác sĩ có thể chỉ định nội soi thanh quản trước khi chỉ định CT-scan. Nội soi thanh quản giúp đánh giá chuyển động của dây thanh âm. Nội soi còn là công cụ hỗ trợ đánh giá độ rung của dây thanh âm.
  • Siêu âm thanh quản: Siêu âm thanh quản là kỹ thuật mới được xem xét giúp đánh tổn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược. Một số nghiên cứu cho thấy siêu âm thanh quản có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong việc phát hiện liệt dây thanh.
Liệt dây hồi quy: Nguyên nhân và những điều cần chú ý 3
Nội soi thanh quản giúp đánh giá chuyển động của dây thanh âm

Ngoài ra, một số xét nghiệm khác nhằm hỗ trợ xác định nguyên nhân gây bệnh cũng sẽ được bác sĩ chỉ định cho bạn như siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm độc chất.

Phương pháp điều trị liệt dây hồi quy hiệu quả

Các phương pháp điều trị cho liệt dây thần kinh thanh quản quặt ngược tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Điều trị chủ yếu mục đích nhằm cải thiện giọng nói và chức năng của dây thanh âm. Quá trình hồi phục tùy thuộc vào mức độ nặng của tổn thương và nguyên nhân tổn thương. Nếu tổn thương nhẹ có thể hồi phục sau 6 - 8 tuần.

Trường hợp bạn liệt dây thần kinh quặt ngược thanh quản một bên khiến dây thanh âm liệt một bên, điều trị chủ yếu hiện nay gồm liệu pháp giọng nói hoặc phẫu thuật. Phẫu thuật đưa hai dây thanh lại gần nhau có thể được xem xét nếu điều trị bảo tồn không hiệu quả. Tái phân bố thần kinh là kỹ thuật có thể xem xét phụ thuộc vào mức độ tổn thương dây thần kinh của bạn.

Trường hợp liệt dây thần kinh thanh quản quặt ngược hai bên, việc đảm bảo đường thơ là cần thiết. Mở khí quản tạm thời hoặc vĩnh viễn tùy theo mức độ nặng của bệnh.

Một số phương pháp phẫu thuật được gợi ý gồm phẫu thuật tuyến giáp loại 1, phẫu thuật khép sụn phễu, tạo hình thanh quản,...

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của liệt dây hồi quy

Chế độ sinh hoạt:

Một số lưu ý trong sinh hoạt bạn cần chú ý để không làm tiến triển nặng tình trạng liệt dây thần kinh:

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ;
  • Tránh các môn thể thao hoặc các sinh hoạt dễ gây chấn thương vùng đầu cổ;

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung đầy đủ các chất cần thiết cho cơ thể. Nếu bạn có triệu chứng nuốt khó, chế độ ăn nên ưu tiên các thực phẩm dễ tiêu hóa, các thức ăn lỏng phòng ngừa bị sặc gây viêm phổi hít.

Liệt dây hồi quy: Nguyên nhân và những điều cần chú ý 4
Chế độ ăn nên ưu tiên các thực phẩm dễ tiêu hóa, các thức ăn lỏng phòng ngừa bị sặc gây viêm phổi hít

Phương pháp phòng ngừa Liệt dây hồi quy hiệu quả

Khi bạn được chẩn đoán liệt dây thần kinh thanh quản quặt ngược, tùy vào mỗi nguyên nhân gây ra bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp phòng ngừa phù hợp với bạn.

  • Nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ nguyên nhân bệnh lý ác tính thì việc theo dõi triệu chứng là điều quan trọng.
  • Tránh các hoạt động có thể chấn thương trực tiếp đến vùng cổ, ngực.
Nguồn tham khảo
  1. Recurrent Laryngeal Nerve Injury: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560832/
  2. Partial Recurrent Laryngeal Nerve Paralysis or Paresis? In Search for the Accurate Diagnosis: https://www.hindawi.com/journals/criot/2015/351704/
  3. All about the recurrent laryngeal nerve: https://www.medicalnewstoday.com/articles/all-about-the-recurrent-laryngeal-nerve
  4. Recurrent Laryngeal Nerve (RLN) Reinnervation: https://www.chop.edu/treatments/recurrent-laryngeal-nerve-rln-reinnervation
  5. Recurrent Laryngeal Nerve Injury: https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/recurrent-laryngeal-nerve-injury

Các bệnh liên quan

  1. Thoái hóa đốt sống cổ

  2. Viêm amidan xơ teo

  3. Bướu giáp lan tỏa

  4. Basedow

  5. Ung thư amidan

  6. Bướu cổ

  7. Ung thư thanh quản

  8. Papilloma thanh quản

  9. Đau cổ

  10. Đau họng