Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh thần kinh đái tháo đường là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách để ngăn ngừa diễn tiến bệnh

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh thần kinh đái tháo đường là một tổn thương thần kinh phát triển dần dần, gây ra bởi lượng đường trong máu cao trong thời gian dài. Việc kiểm soát lượng đường trong máu có thể làm chậm diễn tiến của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh thần kinh đái tháo đường là gì?

Bệnh thần kinh đái tháo đường là một biến chứng nghiêm trọng và phổ biến của bệnh đái tháo đường típ 1 và típ 2. Đây là một loại tổn thương thần kinh gây ra bởi lượng đường trong máu cao kéo dài. Tình trạng này thường phát triển chậm, đôi khi kéo dài vài thập kỷ.

Bệnh thần kinh đái tháo đường gồm nhiều loại khác nhau, tùy thuộc vào vị trí tổn thương, bao gồm bốn loại chính:

  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên;
  • Bệnh lý thần kinh tự chủ;
  • Bệnh lý thần kinh kinh gốc;
  • Bệnh lý thần kinh khu trú.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thần kinh đái tháo đường

Các triệu chứng của bệnh thần kinh thường xuất hiện dần dần. Trong nhiều trường hợp, dấu hiệu tổn thương thần kinh đầu tiên xảy ra liên quan đến dây thần kinh ở bàn chân. Điều này có thể dẫn đến triệu chứng như bị kim châm ở bàn chân.

Các triệu chứng của bệnh thần kinh đái tháo đường phụ thuộc vào loại bệnh thần kinh cũng như số lượng dây thần kinh bị ảnh hưởng. Trong đó, có 4 loại bệnh lý thần kinh chính như sau:

Bệnh thần kinh ngoại biên

Dạng bệnh lý thần kinh phổ biến nhất là bệnh lý thần kinh ngoại biên. Bệnh thần kinh ngoại biên thường ảnh hưởng đến chân hay bàn chân, nhưng nó cũng có thể đến cánh tay hoặc bàn tay. Các triệu chứng sẽ rất đa dạng và có thể từ nhẹ đến nặng. Chúng bao gồm:

  • Tê liệt;
  • Cảm giác ngứa hoặc nóng rát;
  • Nhạy cảm khi chạm vào;
  • Không nhạy cảm với cảm giác nóng và lạnh;
  • Đau nhói hoặc chuột rút;
  • Yếu cơ;
  • Mất thăng bằng hoặc phối hợp.

Một số người có thể gặp các triệu chứng thường xuyên hơn vào ban đêm. Bên cạnh đó, khi mắc bệnh thần kinh ngoại biên, bạn có thể khổng cảm nhận được bị thương hoặc đau ở bàn chân. Đồng thời, việc người mắc đái tháo đường có hệ tuần hoàn kém, khiến những vết thương khó lành hơn, sự phối hợp này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Trong trường hợp xấu nhất, nhiễm trùng có thể dẫn đến cắt cụt chi.

Bệnh thần kinh đái tháo đường là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách để ngăn ngừa diễn tiến bệnh 4
Khi mắc bệnh thần kinh ngoại biên đái tháo đường, bạn có thể bị mất cảm giác ở bàn chân

Bệnh thần kinh tự chủ

Đây là loại bệnh thần kinh phổ biến thứ hai ở người mắc đái tháo đường. Hệ thống thần kinh tự chủ điều hành nhiều hệ thống trong cơ thể, nhiều cơ quan được kiểm soát bởi hệ thần kinh tự chủ bao gồm cả:

  • Hệ tiêu hóa;
  • Tuyến mồ hôi;
  • Cơ quan sinh dục và bàng quan;
  • Hệ tim mạch.

Vấn đề tiêu hóa

Tổn thương thần kinh ở hệ tiêu hóa có thể gây ra các triệu chứng:

  • Táo bón;
  • Tiêu chảy;
  • Khó nuốt;
  • Liệt dạ dày, khiến quá trình làm trống dạ dày chậm hơn.

Liệu dạ dày là nguyên nhân tiêu hóa bị chậm đi, có thể trầm trọng hơn theo thời gian, dẫn đến buồn nôn và nôn thường xuyên. Bạn thường cảm thấy nhanh no và không thể ăn hết bữa ăn.

Quá trình tiêu hóa bị trì hoãn này thường khiến việc kiểm soát lượng đường huyết trở nên khó khăn hơn, với các chỉ số đường huyết cao và thấp thường xuyên xen kẽ.

Vấn đề về tình dục và bàng quang

Bệnh thần kinh tự chủ có thể gây ra các vấn đề về tình dục như rối loạn cương dương, khô âm đạo hoặc khó đạt cực khoái. Bệnh lý thần kinh ở bàng quang có thể gây ra tình trạng tiểu không tự chủ hoặc tiểu không hết.

Các vấn đề về tim mạch

Tổn thương dây thần kinh kiểm soát nhịp tim và huyết áp có thể khiến chúng phản ứng chậm hơn. Bạn có thể bị tụt huyết áp và cảm thấy choáng váng hay chóng mặt khi thay đổi tư thế hoặc khi gắng sức. Bệnh lý thần kinh tự chủ cũng có thể gây ra nhịp tim nhanh bất thường.

Bệnh thần kinh tự chủ có thể gây khó khăn cho việc xác định một số triệu chứng của cơn đau tim. Bạn có thể không cảm thấy đau ngực khi tim không nhận đủ oxy. Do đó, nếu bạn mắc bệnh thần kinh tự chủ, bạn nên biết các triệu chứng khác của cơn đau tim như:

  • Ra mồ hôi;
  • Đau ở cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc dạ dày;
  • Hụt hơi;
  • Buồn nôn.

Bệnh lý thần kinh gốc

Đây là một dạng bệnh lý thần kinh hiếm gặp, còn gọi là bệnh teo cơ do đái tháo đường. Dạng bệnh lý này phổ biến hơn ở nam giới, trên 50 tuổi mắc đái tháo đường típ 2.

Nó thường ảnh hưởng đến hông, mông hoặc đùi. Bạn có thể bị đau đột ngột và đôi khi dữ dội. Yếu cơ ở chân có thể khiến bạn khó đứng dậy khi không có trợ giúp. Bệnh teo cơ do đái tháo đường thường chỉ ảnh hưởng đến một bên cơ thể.

Sau khi xuất hiện, các triệu chứng trở nên nặng hơn và cuối cùng sẽ bắt đầu cải thiện từ từ. Hậu hết mọi người đều hồi phục trong vòng vài năm, thậm chí không cần điều trị.

Bệnh lý thần kinh khu trú (Focal neuropathy)

Bệnh lý thần kinh khu trú, hay bệnh đơn dây thần kinh, xảy ra khi có tổn thương ở một dây thần kinh hoặc một nhóm thần kinh cụ thể. Các tổn thương xảy ra thường xuyên nhất ở tay, đầu, thân hoặc chân của bạn, thường xuất hiện đột ngột và gây ra cảm giác đau đớn.

Giống bệnh lý thần kinh gốc, hầu hết các bệnh đơn dây thần kinh sẽ biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng và không để lại tổn thương lâu dài. Tổn thương thường gặp nhất là hội chứng ống cổ tay.

Bệnh thần kinh đái tháo đường là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách để ngăn ngừa diễn tiến bệnh 5
Hội chứng ống cổ tay do bệnh lý thần kinh tru khú

Các triệu chứng của bệnh lý thần kinh khu trú bao gồm:

  • Đau, tê, ngứa ran ở ngón tay;
  • Giảm khả năng tập trung;
  • Nhìn đôi;
  • Đau sau mắt;
  • Liệt mặt ngoại biên;
  • Đau ở những vùng riêng biệt như mặt trước đùi, lưng dưới, vùng xương chậu, ngực, dạ dày, bên trong bàn chân, bên ngoài cẳng chân hoặc yếu ngón chân cái.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thần kinh đái tháo đường

Trong trường hợp bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường nặng hoặc kéo dài, bạn có thể dễ bị chấn thương hoặc nhiễm trùng. Trong trường hợp nghiêm trọng, vết thương khó lành hoặc nhiễm trùng có thể dẫn đến phải cắt cụt chi.

Ngoài ra, ở những người bệnh đái tháo đường mắc bệnh lý thần kinh tự chủ, các triệu chứng của hạ đường huyết, chẳng hạn như đổ mồ hôi và tim đập nhanh, có thể sẽ không được phát hiện. Điều này có nghĩa là bạn sẽ không nhận thấy triệu chứng của hạ đường huyết khi lượng đường trong máu thấp, làm tăng nguy cơ cấp cứu hạ đường huyết.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn mắc đái tháo đường và nhận thấy các triệu chứng như tê, ngứa ran, đau hoặc yếu tay chân, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Vì đây có thể là những triệu chứng ban đầu của bệnh lý thần kinh ngoại biên.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh thần kinh đái tháo đường

Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ cung cấp máu cho các dây thần kinh trong cơ thể. Điều này ngăn chặn các chất dinh dưỡng thiết yếu đến nuôi dưỡng dây thần kinh. Kết quả là các sợi thần kinh bị tổn thương, điều này gây ra vấn đề ở nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể, tùy thuộc vào loại dây thần kinh bị ảnh hưởng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh thần kinh đái tháo đường?

Vì đây là một biến chứng của bệnh đái tháo đường. Do đó, tất cả các đối tượng mắc đái tháo đường bao gồm đái tháo đường típ 1 và típ 2 đều có nguy cơ mắc bệnh lý thần kinh đái tháo đường.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh đái tháo đường

Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh như:

  • Tổn thương mạch máu do mức cholesterol cao;
  • Chấn thương cơ học như hội chứng ống cổ tay;
  • Các yếu tố lối sống như hút thuốc là hoặc sử dụng rượu.

Lượng vitamin B12 thấp cũng có thể gây ra bệnh lý thần kinh. Metformin, một loại thuốc phổ biến dùng để kiểm soát đường huyết, có thể làm giảm lượng vitamin B12. Do đó, bạn có thể được xét nghiệm máu đơn giản để xác định sự thiếu hụt của loại vitamin này.

Bệnh thần kinh đái tháo đường là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách để ngăn ngừa diễn tiến bệnh 6
Metformin có thể làm giảm lượng vitamin B12, từ đó gây ra bệnh lý thần kinh

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh thần kinh đái tháo đường

Bác sĩ sẽ xác định xem bạn có mắc bệnh lý thần kinh đái tháo đường hay không, bắt đầu từ việc hỏi triệu chứng và tiền căn bệnh của bạn. Bạn cũng sẽ được thăm khám, có thể bao gồm việc khám vận động, cảm giác, nhịp tim, huyết áp…

Bác sĩ có thể làm các xét nghiệm để đánh giá tình trạng bệnh, chẳng hạn như:

  • Siêu âm để xác định hoạt động của đường tiết niệu;
  • Điện cơ để đánh giá hoạt động của dây thần kinh;
  • Sinh thiết thần kinh cơ để đánh giá mô bệnh học.

Việc đánh giá toàn diện bao gồm sàng lọc huyết áp, cholesterol và đường huyết kết hợp với các sàng lọc nâng cao hơn giúp các bác sĩ loại trừ các nguyên nhân khác và đưa ra chẩn đoán xác định.

Phương pháp điều trị bệnh thần kinh đái tháo đường

Việc điều trị bệnh lý thần kinh đái tháo đường bao gồm việc kiểm soát đường huyết tối ưu, kiểm soát triệu chứng đau và các biến chứng khác.

Kiểm soát đường huyết

Việc kiểm soát lượng đường huyết không thể đảo ngược các tổn thương thần kinh, nhưng có thể ngăn ngừa tổn thương thêm xảy ra. Bác sĩ sẽ đưa ra các mục tiêu kiểm soát đường huyết cụ thể. Quản lý đường huyết bao gồm một chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên và điều trị dược lý.

Kiểm soát cơn đau và các biến chứng

Bệnh thần kinh đái tháo đường có thể gây đau mạn tính và các biến chứng khác như vấn đề về tiêu hóa, chóng mặt, suy nhược, các vấn đề về tiết niệu hay tình dục. Có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp ích bao gồm:

  • Thuốc giảm đau;
  • Thuốc chống động kinh;
  • Thuốc chống trầm cảm;
  • Kem bôi tại chỗ;
  • Liệu pháp kích thích thần kinh điện tử qua da;
  • Luyện tập thư giãn hay thôi miên;
  • Châm cứu.

Việc điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh thần kinh đái tháo đường

Chế độ sinh hoạt

Các việc làm có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh thần kinh đái tháo đường bao gồm:

  • Tuân thủ điều trị để kiểm soát tốt lượng đường huyết.
  • Tái khám định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng của bệnh đái tháo đường bao gồm biến chứng thần kinh.
  • Điều trị để ổn định các yếu tố nguy cơ khác (nếu có) như tăng cholesterol, tăng huyết áp, ngưng hút thuốc lá.
  • Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên như các bài tập aerobic, giảm cân nếu béo phì hoặc duy trì cân nặng khỏe mạnh cũng rất quan trọng.
  • Tự kiểm tra bàn chân hằng ngày để phát hiện các vấn đề như móng chân mọc ngược, mụn nước hay vết loét. Do tình trạng bệnh lý thần kinh có thể khiến bạn không cảm thấy đau ở những tổn thương này.
  • Giữ bàn chân sạch sẽ và được bảo vệ, hạn chế tổn thương để ngăn ngừa các biến chứng nhiễm trùng hay cắt cụt chi.

Chế độ dinh dưỡng

Bạn nên tuân thủ chế độ ăn lành mạnh cho người đái tháo đường, bao gồm việc tập trung vào chất đạm và chất béo và chất xơ, hạn chế lượng tinh bột. Khi ăn tinh bột, nên chọn các thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao, đồng thời nên tránh các chất béo không lành mạnh và đường hấp thu nhanh.

Bệnh thần kinh đái tháo đường là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách để ngăn ngừa diễn tiến bệnh 7
Bệnh nhân đái tháo đường cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Phương pháp phòng ngừa bệnh thần kinh đái tháo đường hiệu quả

Có thể phòng ngừa bệnh lý thần kinh do đái tháo đường hiệu quả nếu bạn quản lý đường huyết một cách thận trọng. Để làm được điều này, hãy thực hiện các việc sau:

  • Theo dõi lượng đường trong máu của bạn;
  • Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ;
  • Quản lý chế độ ăn uống của bạn;
  • Hoạt động thể chất.

Nếu đã phát triển bệnh lý thần kinh đái tháo đường, hãy hợp tác với bác sĩ để điều trị, giúp giảm tổn thương và ngăn ngừa các biến chứng.

Nguồn tham khảo
  1. Diabetic Neuropathy: https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/preventing-problems/nerve-damage-diabetic-neuropathies
  2. Diabetic Neuropathy (Nerve Damage): https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/complications/nerves_neuropathy
  3. Diabetic Neuropathy: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/diabetes/diabetic-neuropathy-nerve-problems
  4. Everything You Should Know About Diabetic Neuropathy: https://www.healthline.com/health/type-2-diabetes/diabetic-neuropathy
  5. What Is Diabetic Neuropathy?: https://www.webmd.com/diabetes/diabetes-neuropathy

Các bệnh liên quan

  1. Mất trí nhớ tạm thời

  2. U xơ thần kinh

  3. Não úng thủy

  4. Jet lag

  5. viêm não tự miễn

  6. U dây thần kinh Morton

  7. Viêm màng não

  8. Bệnh não Wernicke

  9. Bại não trẻ em

  10. Đau đầu vận mạch