Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tắc mạch máu não là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa tắc mạch máu não

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tắc mạch máu não sẽ khiến máu không thể đến các vùng trong não của bạn, là một trong những nguyên nhân gây ra đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Những vùng không có máu đến sẽ ngừng hoạt động và các tế bào bắt đầu chết. Nếu máu không được lưu thông trở lại đủ nhanh, đột quỵ do thiếu máu cục bộ sẽ gây tổn thương não vĩnh viễn hoặc thậm chí tử vong. Đây là một trường hợp cấp cứu cần được chăm sóc ngay lập tức.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tắc mạch máu não là gì?

Tắc mạch máu não sẽ gây ra đột quỵ do thiếu máu cục bộ là một tình trạng đe dọa tính mạng, xảy ra khi thiếu lưu lượng máu đến một phần não của bạn. Bệnh thường xảy ra do huyết khối (cục máu đông), nhưng cũng có thể xảy ra vì những lý do khác.

Tắc mạch máu não dẫn đến các tế bào trong cơ thể không có đủ lưu lượng máu, khiến chúng chết đi. Khi tắc mạch máu não xảy ra ở một vùng não, bạn sẽ mất đi chức năng mà vùng não đó chịu trách nhiệm kiểm soát, điều đó có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong.

Quan trọng, tắc mạch máu não là một tình trạng khẩn cấp đe dọa tính mạng mà mỗi giây sau khi xảy ra đều có giá trị. Nếu bạn hoặc ai đó đi cùng bạn có triệu chứng của đột quỵ, bạn cần ngay lập tức gọi cấp cứu. Càng mất nhiều thời gian để được điều trị, đột quỵ càng có nhiều khả năng gây tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong.

Để nhận biết các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ, hãy nhớ nghĩ đến FAST:

  • F (Face): Là dành cho khuôn mặt. Yêu cầu người bệnh mỉm cười hoặc nhe răng, quan sát tình trạng xệ xuống một hoặc cả hai bên trên khuôn mặt, đó là dấu hiệu của sự yếu cơ (liệt).
  • A (Arms): Là dành cho cánh tay. Người bị đột quỵ thường bị yếu ở một bên. Yêu cầu họ giơ tay lên, nếu họ có điểm yếu một bên (và trước đây không có), một cánh tay sẽ ở vị trí cao hơn trong khi cánh tay kia sẽ thấp hơn hoặc nằm yên không cử động.
  • S (Speech): Là dành cho lời nói. Đột quỵ có thể khiến người bệnh mất khả năng nói, dẫn đến nói ngọng hoặc gặp khó khăn trong việc lựa chọn từ ngữ phù hợp.
  • T (Time): Là thời gian. Thời gian rất quan trọng, vì vậy đừng chờ đợi để được giúp đỡ. Nếu có thể, hãy nhìn vào đồng hồ đeo tay của bạn và ghi nhớ thời điểm các triệu chứng bắt đầu. Việc cho bác sĩ biết khi các triệu chứng bắt đầu có thể giúp họ lựa chọn phương pháp điều trị nào là tốt nhất cho bạn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tắc mạch máu não

Các triệu chứng của đột quỵ do thiếu máu cục bộ có thể liên quan đến một hoặc nhiều triệu chứng sau đây:

  • Yếu hoặc tê liệt một bên;
  • Nói lắp hoặc nói khó;
  • Mất khả năng kiểm soát cơ ở một bên mặt hoặc khuôn mặt bị xệ xuống;
  • Mất đột ngột một phần hoặc toàn bộ giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác);
  • Mờ mắt hoặc nhìn đôi;
  • Mất khả năng phối hợp các động tác hoặc vụng về;
  • Chóng mặt;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Cứng cổ;
  • Cảm xúc bất ổn và thay đổi tính cách;
  • Lú lẫn hoặc kích động;
  • Mất trí nhớ;
  • Nhức đầu;
  • Hôn mê.
TMMN4.jpeg
Đột ngột yếu cơ một bên có thể là dấu hiệu của tắc mạch máu não

Các triệu chứng của tắc mạch máu não gây cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA):

Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) giống như đột quỵ do thiếu máu cục bộ, nhưng các ảnh hưởng chỉ là tạm thời và thường tự biến mất. Đây là những dấu hiệu cảnh báo rằng người đó có nguy cơ rất cao bị đột quỵ thực sự xảy ra sau đó. Do đó, người bệnh bị cơn thiếu máu não thoáng qua cần được đến cơ sở y tế khẩn cấp càng sớm càng tốt.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đột quỵ là một trường hợp cấp cứu y tế đe dọa tính mạng, có nghĩa là bạn không nên cố gắng tự chẩn đoán. Nếu bạn hoặc ai đó đi cùng bạn có các triệu chứng của đột quỵ, điều quan trọng là bạn phải gọi cấp cứu ngay. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc điều trị đột quỵ đều làm tăng nguy cơ tổn thương não vĩnh viễn hoặc thậm chí tử vong.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây tắc mạch máu não

Tắc mạch máu não thường liên quan đến một số tình trạng nhất định, đó là:

  • Hình thành cục máu đông trong não của bạn;
  • Một cục máu đông hình thành ở nơi khác trong cơ thể vỡ ra và di chuyển qua các mạch máu cho đến khi bị kẹt trong não;
  • Nhồi máu não lỗ khuyết (tắc nghẽn mạch máu nhỏ);
  • Không rõ lý do.

Các cục máu đông và các dạng thiếu máu cục bộ khác có thể xảy ra vì nhiều lý do, chẳng hạn như:

  • Xơ vữa động mạch;
  • Rối loạn đông máu;
  • Rung nhĩ;
  • Tim bẩm sinh (thông liên nhĩ hoặc thông liên thất);
  • Thuyên tắc mỡ, là cụm các hạt chất béo lưu thông trong máu bị mắc kẹt trong các mạch máu não;
  • Mô bị nhiễm trùng xâm nhập vào máu và di chuyển đến não, nơi nó bị mắc kẹt và làm tắc nghẽn mạch máu (đây là một biến chứng lớn của nhiễm trùng huyết, một phản ứng thái quá của hệ thống miễn dịch trước tình trạng nhiễm trùng lây lan trong cơ thể).
TMMN5.jpeg
 Xơ vữa động mạch là một trong những nguyên nhân của tắc mạch máu não

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tắc mạch máu não?

  • Người cao tuổi.
  • Người mắc bệnh nền tim mạch như: Cao huyết áp, rung nhĩ, rối loạn nhịp tim, hẹp hở van tim.
  • Người bị tiểu đường, mỡ máu, xơ vữa động mạch…
  • Người có gia đình có tiền sử bị tắc nghẽn mạch máu não.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tắc mạch máu não

Có những yếu tố khác có thể không trực tiếp gây ra tắc mạch máu não nhưng vẫn góp phần làm tăng nguy cơ bị đột quỵ hoặc mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ. Bao gồm:

  • Nghiện rượu;
  • Tăng huyết áp (có thể góp phần làm tổn thương mạch máu khiến đột quỵ do thiếu máu cục bộ dễ xảy ra hơn);
  • Tăng mỡ máu (rối loạn lipid máu);
  • Bệnh đái tháo đường típ 2;
  • Hút thuốc lá và các hình thức sử dụng thuốc lá khác (bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá không khói).

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tắc mạch máu não

Các xét nghiệm phổ biến được đề nghị khi bác sĩ nghi ngờ đột quỵ do thiếu máu cục bộ bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan);
  • Xét nghiệm máu;
  • Điện tâm đồ để đảm bảo rằng vấn đề về tim không phải là nguồn gốc của bệnh;
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI);
  • Điện não đồ (EEG), mặc dù ít phổ biến hơn nhưng có thể loại trừ các cơn động kinh hoặc các vấn đề liên quan.
TMMN6.jpeg
Chụp cắt lớp vi tính giúp hỗ trợ chẩn đoán đột quỵ do tắc mạch máu não

Phương pháp điều trị tắc mạch máu não hiệu quả

Ưu tiên cao nhất với đột quỵ do thiếu máu cục bộ là khôi phục lưu thông đến các vùng não bị ảnh hưởng. Đó là vì việc phục hồi tuần hoàn nhanh chóng có thể hạn chế tổn thương và bảo tồn mô não.

Các phương pháp điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ phụ thuộc rất nhiều vào thời gian kể từ khi các triệu chứng đột quỵ bắt đầu. Đó là một trong những lý do chính tại sao không trì hoãn việc đến trung tâm cấp cứu nếu bạn có các triệu chứng đột quỵ là rất quan trọng.

Thuốc tiêu sợi huyết:

Thuốc tiêu sợi huyết là một lựa chọn trong vòng ba giờ đầu đến bốn giờ rưỡi sau khi các triệu chứng đột quỵ bắt đầu. Thuốc này giúp làm tan cục máu đông hiện có. 

Tuy nhiên, chúng chỉ là một lựa chọn trong khung thời gian từ ba đến bốn tiếng rưỡi đó vì sau đó, chúng làm tăng nguy cơ biến chứng xuất huyết nguy hiểm.

Can thiệp nội mạch lấy huyết khối:

Đây là một phương pháp phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông. Phương pháp này cũng nhạy cảm với thời gian và thường chỉ thực hiện được trong 24 giờ đầu sau khi các triệu chứng bắt đầu.

Phương pháp điều trị hỗ trợ và các phương pháp khác:

Một số ví dụ bao gồm:

  • Ổn định đường huyết;
  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu;
  • Đảm bảo thông khí, thở oxy nếu cần;
  • Chống tăng áp lực nội sọ;
  • Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu;
  • Dinh dưỡng, chống nhiễm trùng, chống loét.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tắc mạch máu não

Chế độ sinh hoạt:

Nếu bạn bị tắc mạch máu não, bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn thông tin và nguồn lực có thể hỗ trợ khi bạn hồi phục. Họ có thể sẽ kê toa một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc chống kết tập tiểu cầu, để ngăn ngừa cơn đột quỵ khác.

Những điều tốt nhất bạn có thể làm để chăm sóc bản thân sau khi bị tắc mạch máu não, bao gồm:

  • Dùng thuốc theo đúng chỉ định: Điều này có thể giúp bạn ngăn chặn một cơn đột quỵ khác xảy ra sau đó.
  • Hãy đến tái khám theo lịch hẹn và đến các buổi trị liệu/phục hồi chức năng: Những lần tái khám này có thể rất hữu ích khi bạn hồi phục sau cơn đột quỵ. Cố gắng hết sức trong những buổi này cũng có thể tăng tốc độ phục hồi của bạn hoặc giúp bạn phục hồi nhiều chức năng hơn bình thường.
  • Đừng bỏ bê sức khỏe tinh thần: Những người bị đột quỵ thường phải đối mặt với chứng trầm cảm, lo lắng và các ảnh hưởng sức khỏe tâm thần khác. Điều quan trọng là phải gặp bác sĩ để được chăm sóc về những tác động này.
  • Thực hiện thay đổi lối sống được khuyến nghị nếu có thể: Việc sửa đổi cách bạn sống theo những cách nhỏ nhặt, có ý nghĩa có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc ngăn ngừa một cơn đột quỵ khác xảy ra sau đó.

Chế độ dinh dưỡng:

Nếu bạn có nguy cơ bị tắc mạch máu não, bác sĩ có thể khuyên bạn nên thay đổi chế độ ăn uống để duy trì hoặc giảm huyết áp, điều này cũng có thể giúp kiểm soát lượng đường và cholesterol trong máu. Thay đổi chế độ ăn uống của bạn bao gồm việc tránh hoặc hạn chế:

  • Đồ uống có chứa caffeine như cà phê, trà, nước ngọt,…;
  • Thực phẩm chứa nhiều muối hoặc natri có thể làm tăng huyết áp (bạn nên tiêu thụ không quá 5 gram muối mỗi ngày);
  • Thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện;
  • Thực phẩm chế biến sẵn như thịt nguội;
  • Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chẳng hạn như thực phẩm chiên rán,…;
  • Rượu hoặc thuốc kích thích tiêu khiển (cần sa, cocaine, amphetamine/methamphetamine,...).
TMMN7.jpeg
Người bệnh tắc mạch máu não nên hạn chế các thực phẩm chứa nhiều muối

Phương pháp phòng ngừa tắc mạch máu não hiệu quả

Có rất nhiều cách bạn có thể làm để giảm nguy cơ bị tắc mạch máu não. Mặc dù điều này không có nghĩa là bạn có thể ngăn ngừa hoàn toàn đột quỵ nhưng nó có thể làm giảm nguy cơ của bạn, những hành động bạn có thể thực hiện bao gồm:

  • Cải thiện lối sống: Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và thêm tập thể dục vào thói quen hàng ngày có thể cải thiện lối sống. Bạn cũng nên đảm bảo ngủ đủ giấc (thời gian khuyến nghị là bảy đến tám giờ mỗi đêm).
  • Tránh lựa chọn lối sống tiêu cực hoặc thay đổi hành vi của bạn: Hút thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử, sử dụng ma túy hoặc lạm dụng thuốc và lạm dụng rượu đều có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Điều quan trọng là phải dừng những điều này hoặc không bao giờ sử dụng chúng.
  • Quản lý tình trạng sức khỏe và các yếu tố nguy cơ của bạn: Có một số tình trạng, chẳng hạn như béo phì, rối loạn nhịp, ngưng thở khi ngủ, tăng huyết áp, đái tháo đường típ 2 hoặc mỡ máu cao, có thể làm tăng nguy cơ bị tắc mạch máu não. Nếu bạn mắc một hoặc nhiều tình trạng này, điều quan trọng là bạn phải làm những gì có thể để kiểm soát chúng, đặc biệt là bằng cách dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Thăm khám sức khoẻ: Khám sức khỏe hàng năm có thể phát hiện các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là những vấn đề có thể góp phần gây ra tắc mạch máu não.
Nguồn tham khảo
  1. CEREBRAL VASCULAR OCCLUSION—Angiographic ...: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1577650/
  2. Cerebrovascular occlusive disease: https://ufhealth.org/conditions-and-treatments/cerebrovascular-occlusive-disease
  3. Occlusive Cerebrovascular Disease - an overview: https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/occlusive-cerebrovascular-disease
  4. Treatment of Acute Cerebral Artery Occlusion With a Fully ...: https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/circulationaha.110.948166
  5. Chronic Middle Cerebral Artery Occlusion: https://www.ajnr.org/content/29/10/1841

Các bệnh liên quan

  1. Bướu giáp đa nhân 2 thùy

  2. Nhiễm khuẩn Listeria

  3. Tim bẩm sinh không tím

  4. Rối loạn ngôn ngữ

  5. Hở van tim

  6. Hội chứng Churg-Strauss

  7. Tiểu đường tuýp 1

  8. Bệnh xương Köhler

  9. Đa u tủy xương

  10. Liệt dây thần kinh số 7