Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm ấu trùng sán lợn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 26/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm ấu trùng sán lợn là bệnh nhiễm ký sinh trùng do ấu trùng của sán dây lợn (Taenia solium) gây ra. Những nang ấu trùng này có thể xâm nhập ở cơ, mô và hệ thần kinh của người nhiễm bệnh. Sự lây nhiễm của nang ấu trùng sán lợn vào não là nguyên nhân chính gây ra cơn động kinh khởi phát ở người trưởng thành tại hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm ấu trùng sán lợn là gì?

Ở người, các loại ký sinh trùng sán dây gây bệnh có thể kể đến là sán dây lợn (Taenia solium), sán dây bò (Taenia saginata), sán dây châu Á (Taenia asiatica) và sán dây cá (Diphyllobothrium). Trong đó, người bệnh có thể nhiễm các ký sinh trùng này thông qua việc tiêu thụ thịt bò hay thịt lợn nhiễm bệnh chưa được nấu chín kỹ. Tuy nhiên, bệnh sán dây do sán dây bò hoặc sán dây châu Á không gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ con người. Trong khi đó, sán dải lợn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Nhiễm sán lợn xảy ra khi ăn phải nang ấu trùng của sán dây lợn trong thịt lợn bị nhiễm bệnh và chưa nấu chín kỹ. Người mang mầm bệnh có thể bài tiết trứng sán qua phân và làm ô nhiễm môi trường nếu đi vệ sinh ở các khu vực trống trải. Từ đó con người có thể nhiễm trứng sán dây lợn do vệ sinh kém (qua đường phân - miệng) hoặc ăn phải nước hay thực phẩm bị ô nhiễm.

Trứng sán dây lợn ăn vào cơ thể sẽ phát triển thành nang ấu trùng sán lợn và phát triển trong các cơ quan khác nhau của cơ thể. Trong đó, chúng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng nếu xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương của con người.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm ấu trùng sán lợn

Các triệu chứng chung của nhiễm ký sinh trùng sán dây trưởng thành thường ít gây các lo ngại về sức khỏe, hầu hết các triệu chứng liên quan đến đường tiêu hoá như:

Trong khi đó, bệnh lý chính của sán dây lợn là ở giai đoạn nhiễm ấu trùng sán lợn. Ấu trùng sán lợn được giải phóng khỏi trứng sau đó xâm nhập vào dạ dày, thành ruột đến nhiều cơ quan và mô khác nhau. Bản chất của triệu chứng sẽ phụ thuộc vào vị trí của và số lượng nang sán. Người bệnh có thể phát triển các nốt dưới da có thể nhìn hoặc sờ thấy được. Nhìn chung, các vị trí phổ biến nhất thường gặp bao gồm:

  • Cơ;
  • Dưới da;
  • Mắt;
  • Hệ thần kinh trung ương.

Trong đó, sự phát triển của nang ấu trùng sán lợn ở hệ thần kinh trung ương có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất, vì các nang ấu trùng ở nơi khác có xu hướng bị phá huỷ dẫn đến không có triệu chứng. Các triệu chứng khi nhiễm ấu trùng sán lợn phát triển ở não cũng rất khác nhau tùy thuộc vào vị trí tổn thương não, bao gồm:

  • Co giật;
  • Khiếm khuyết thần kinh khu trú;
  • Tăng áp lực nội sọ;
  • Suy giảm nhận thức;
  • Đau đầu;
  • Cử động không chủ ý.

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm ấu trùng sán lợn

Nhiễm ấu trùng sán lợn dẫn đến các biến chứng chủ yếu là do nang ấu trùng phát triển ở hệ thần kinh trung ương. Các biến chứng có thể bao gồm:

Nhiễm ấu trùng sán lợn hệ thần kinh trung ương cũng có thể dẫn đến các tình trạng như nhức đầu dữ dội, mù loà hoặc thậm chí là tử vong.

Nhiễm ấu trùng sán lợn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Nhiễm ấu trùng sán lợn là nguyên nhân hàng đầu gây động kinh khởi phát ở người trưởng thành tại các quốc gia có thu nhập thấp

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các dấu hiệu của nhiễm sán dây hoặc nhiễm ấu trùng sán dây lợn sẽ rất khác nhau, hoặc có thể không có triệu chứng gì. Bạn có thể không nhận ra rằng triệu chứng nào là triệu chứng nhiễm ấu trùng sán dây lợn. Do đó, hãy đảm bảo tham khảo ý kiến của bác sĩ khi bạn có triệu chứng lạ nào. Hoặc khi bạn có lý do để nghi ngờ mình nhiễm ấu trùng sán lợn, như ăn thịt lợn chưa được chế biến kỹ, hãy báo với bác sĩ. Hay khi bạn thấy các đoạn sán dây trong phân, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm chẩn đoán.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm ấu trùng sán lợn

Nhiễm ấu trùng sán lợn chỉ xảy ra khi bạn ăn phải trực tiếp trứng sán lợn. Nhiễm ấu trùng sán lợn không xảy ra nếu bạn ăn phải ấu trùng sán lợn. Việc ăn phải ấu trùng sán lợn trong thịt lợn nhiễm bệnh chưa được nấu chín kỹ sẽ khiến bạn nhiễm sán lợn ở người trưởng thành.

Tuy nhiên khi nhiễm sán lợn trưởng thành, người mang mầm bệnh có thể thải phân chứa trứng sán ra ngoài môi trường, từ đó có thể nhiễm ấu trùng nếu ăn phải trứng sán lợn (qua đường phân - miệng, hoặc ăn phải thức ăn hay nước bị ô nhiễm phân có trứng sán lợn).

Nếu ăn phải trứng sán lợn, trứng sẽ nở ra và phát triển ấu trùng, những ấu trùng sẽ xâm nhập vào thành ruột, vào máu và bạch huyết để di chuyển đến nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán lợn?

Sán dây lợn phân bố trên toàn cầu, nhưng tỷ lệ lưu hành cao nhất được tìm thấy ở khu vực có điều kiện tiếp cận kém với nước sạch và vệ sinh môi trường kém, cũng như ở nơi có xu hướng ăn thịt sống hay chưa nấu chín. Bệnh nhiễm ấu trùng sán lợn không phổ biến ở các nơi không nuôi lợn hay lợn không tiếp xúc với phân người.

Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm ấu trùng sán lợn

Bạn có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán lợn nếu nuốt phải trứng được bài tiết qua phân của người nhiễm bệnh, nguy cơ chủ yếu là do vệ sinh kém, bao gồm:

  • Uống nước hay ăn phải thực phẩm nhiễm trứng sán dây lợn;
  • Đưa ngón tay bị nhiễm trứng sán dây lợn vào miệng.
Nhiễm ấu trùng sán lợn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Bạn có thể nhiễm ấu trùng sán lợn nếu uống nước hoặc ăn thực phẩm có nhiễm trứng sán dây lợn

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm nhiễm ấu trùng sán lợn

Việc chẩn đoán nhiễm ấu trùng sán lợn dựa vào việc hỏi về dịch tễ sống trong vùng bệnh, cũng như bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm máu nhằm kiểm tra có kháng nguyên, kháng thể chống lại ấu trùng sán lợn hay không. Các xét nghiệm hình ảnh học cũng hữu ích để xác định vị trí của các nang ấu trùng, bao gồm chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT-scan) để đánh giá các mô bên trong cơ thể.

Điều trị nhiễm ấu trùng sán lợn

Điều trị nhiễm ấu trùng sán lợn có thể bao gồm:

  • Theo dõi: Nếu các nang ấu trùng sán lợn không gây biến chứng và không ở bất kỳ vị trí nguy hiểm nào, bác sĩ có thể khuyên bạn nên để yên và theo dõi thường xuyên.
  • Quản lý triệu chứng thứ phát: Nếu nang ấu trùng gây ra các biến chứng, đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ thần kinh, việc quản lý các triệu chứng là cần thiết. Ví dụ như dùng thuốc chống động kinh trong trường hợp có động kinh.
  • Corticosteroid: Bác sĩ có thể sử dụng corticosteroid để giảm viêm.
  • Tẩy giun sán: Tẩy giun theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên, việc này cũng hết sức thận trọng do thuốc tẩy giun có thể dẫn đến viêm tạm thời và gia tăng các triệu chứng của nhiễm ấu trùng thần kinh trung ương. Bác sĩ có thể sử dụng kèm với thuốc kháng viêm.
  • Phẫu thuật: Các nang ấu trùng nếu ở các vị trí nguy hiểm, có thể cần phẫu thuật để loại bỏ.
Nhiễm ấu trùng sán lợn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Phẫu thuật loại bỏ các nang ấu trùng sán có thể thực hiện nếu chúng ở các vị trí nguy hiểm

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của nhiễm ấu trùng sán lợn

Trong trường hợp nhiễm ấu trùng sán lợn mà các u nang không gây ra bất cứ triệu chứng nào, việc cần làm có thể là theo dõi sát các triệu chứng theo hướng dẫn của bác sĩ, ấu trùng có thể sẽ sống hết tuổi thọ và chết sau một vài năm.

Trong trường hợp nhiễm ấu trùng sán lợn gây ra các biến chứng, việc tuân thủ điều trị là cần thiết để hạn chế diễn tiến bệnh. Tuân thủ điều trị sẽ giúp giảm các triệu chứng, bao gồm việc loại bỏ các nang ấu trùng, từ đó có thể giúp hạn chế các tổn thương không hồi phục liên quan.

Phòng ngừa nhiễm ấu trùng sán lợn

Để giảm nguy cơ nhiễm sán dây lợn cũng như ấu trùng sán lợn, các việc bạn cần làm bao gồm:

  • Thực hành vệ sinh an toàn: Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc động vật và trước khi ăn.
  • Thực hành nước an toàn: Hãy đun sôi nước trước khi uống hoặc sử dụng các bộ lọc, thiết bị lọc nước đảm bảo.
  • Chuẩn bị thịt an toàn: Để ngăn ngừa được sán dây, hãy đảm bảo ăn thịt cá được chế biến kỹ.
Nhiễm ấu trùng sán lợn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Thực hành rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn để ngăn ngừa nhiễm ấu trùng sán lợn

Các câu hỏi thường gặp về nhiễm ấu trùng sán lợn

Tôi ăn thịt lợn sống thì có bị nhiễm ấu trùng sán lợn không?

Thực tế việc ăn thịt lợn sống không trực tiếp khiến bạn nhiễm ấu trùng sán lợn. Nếu bạn ăn thịt lợn sống có nhiễm bệnh, bạn có thể bị nhiễm sán dây lợn, chứ không phải ấu trùng sán lợn. Tuy nhiên, việc trở thành người mang mầm bệnh, bạn có thể thải phân có chứa trứng sán trong đó. Nhiễm ấu trùng sán lợn sẽ xảy ra nếu bạn ăn phải trứng sán (qua đường phân-miệng, hoặc qua nguồn nước hay thực phẩm chứa trứng sán).

Nhiễm ấu trùng sán lợn có biến chứng gì không?

Các biến chứng của nhiễm ấu trùng sán lợn chủ yếu liên quan đến nhiễm ấu trùng ở hệ thần kinh trung ương, bao gồm động kinh, nhức đầu, thiếu hụt thần kinh, đột quỵ và não úng thuỷ.

Ăn thịt lợn đã muối thì có đảm bảo an toàn không?

Việc nấu chín hoặc đông lạnh thịt lợn đúng cách có thể ngăn ngừa nhiễm trùng sán dây lợn. Tuy nhiên, thịt lợn muối nếu không được nấu chín đúng cách thì không đảm bảo ngăn ngừa nhiễm trùng.

Nhiễm ấu trùng sán lợn thì có cần uống thuốc xổ giun sán không?

Hãy đảm bảo bạn tuân thủ việc uống thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Vì trong trường hợp nhiễm ấu trùng sán lợn, sử dụng thuốc chống ký sinh trùng có thể làm nặng hơn các triệu chứng. Bác sĩ có thể dùng thuốc chống ký sinh trùng kết hợp với thuốc kháng viêm steroid để điều trị cho bạn.

Làm sao để chẩn đoán nhiễm ấu trùng sán lợn?

Nếu có nghi ngờ, bác sĩ sẽ cho thực hiện xét nghiệm máu để chẩn đoán nhiễm ấu trùng sán lợn. Các xét nghiệm hình ảnh học cũng có thể được thực hiện để kiểm tra vị trí nang ấu trùng trong cơ quan của cơ thể bạn.

Nguồn tham khảo
  1. Taeniasis/cysticercosis: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/taeniasis-cysticercosis
  2. Tapeworm: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537154/
  3. Taenia solium and Cysticercus cellulosae: https://wcvm.usask.ca/learnaboutparasites/parasites/taenia-solium-and-cysticercus-cellulosae.php
  4. Taenia Solium (Pork Tapeworm) Infection and Cysticercosis: https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/cestodes-tapeworms/taenia-solium-pork-tapeworm-infection-and-cysticercosis
  5. Parasites - Cysticercosis: https://www.cdc.gov/parasites/cysticercosis/index.html
  6. Tapeworm Infection: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23950-tapeworm-infection 

Các bệnh liên quan