Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sốt xuất huyết do virus Hanta: Bệnh lây truyền cho cộng đồng cao

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Virus Hanta thường gây bệnh cho người ở khắp thế giới. Xảy ra thành dịch tùy theo từng vùng địa lý và có tỷ lệ tử vong cao. Người bị nhiễm thường do hít phải chất thải hay vết cắn của các loài động vật gặm nhấm có mang nguồn bệnh. Xét nghiệm chẩn đoán dựa vào PCR và xét nghiệm huyết thanh học. Điều trị hỗ trợ là chủ yếu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sốt xuất huyết do virus Hanta là gì? 

Virus Hanta thuộc họ Bunyaviridea, thường gây bệnh trên người nhưng lại không gây bệnh cho loài gặm nhấm. Người bệnh thường bị nhiễm virus này do hít phải các vật thể trong không khí có nguồn gốc từ chất thải hoặc vết cắn của động vật gặm nhấm đã bị nhiễm virus.

Virus này gây ra hai hội chứng lâm sàng chính, có khi chồng chéo nhau:

  • Sốt xuất huyết hội chứng thận (HFRS): Xuất hiện như bệnh cúm và có thể tiến triển thành sốc, xuất huyết và suy thận.

  • Sốt xuất huyết hội chứng phổi (HPS): Khởi đầu như bệnh cúm không đặc hiệu và trong vài ngày tiếp theo, có thể phù phổi cấp không rõ nguyên nhân.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sốt xuất huyết do virus Hanta

Sốt xuất huyết hội chứng thận (HFRS)

Thời gian ủ bệnh thường khoảng 2 tuần. Bệnh ở dạng nhẹ thường không có triệu chứng. Nhưng khi triệu chứng của sốt xuất huyết hội chứng thận xuất hiện thì thường khởi phát một cách đột ngột, kèm các biểu hiện đau đầu, sốt cao, ớn lạnh, biếng ăn, khát nước, buồn nôn, viêm họng, phù mặt, đau lưng, đau bụng. Ngoài ra còn có các triệu chứng rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp sốc, phát ban, tiểu nhiều, tiểu ra máu hay tiểu mủ, thường đến ngày thứ 4 sẽ xuất hiện suy thận. Khoảng 20% số bệnh nhân mắc phải có dấu hiệu rối loạn ý thức và khoảng 1% số bệnh nhân bị co giật hay các triệu chứng thần kinh khu trú nghiêm trọng.

Sốt xuất huyết hội chứng thận thường chia làm 5 giai đoạn:

  • Giai đoạn sốt: Từ 3 – 6 ngày, bắt đầu với sốt đột ngột, ớn lạnh, mệt mỏi, hoa mắt, đau đầu, đau lưng, đau cơ, biếng ăn và buồn nôn. Thường tiêu chảy trong vài ngày đầu tiên. Có thể có quáng gà, đau mắt và sợ ánh sáng. Phát ban trên mặt, cổ hay trước ngực.

  • Giai đoạn hạ huyết áp: Thường xảy ra vào ngày thứ 5. Một vài trường hợp huyết áp hạ xuống nhỏ hơn 90 mmHg hay gặp sốc. Hầu hết các dấu hiệu đều đi kèm sốt, ngoài ra còn có đau đầu, các triệu chứng trên mắt, xuất hiện các vết tụ máu chảy máu cam và xuất huyết nội tạng.

  • Giai đoạn bí tiểu: Khi bệnh nhân tăng huyết áp trở lại vào ngày thứ 6 – 8, thường có bí tiểu, tăng ure. Tiếp tục có các triệu chứng khát nước, mệt mỏi, đau bụng, đau lưng, buồn nôn, nấc (hiccups), xuất huyết đốm và nhiều vết bầm máu. Sau đó là phù phổi, thời kỳ này rất nguy hiểm, huyết áp có thể cao hơn bình thường.

  • Giai đoạn lợi tiểu: Xuất hiện vào ngày 9 – 14. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân không trải qua giai đoạn bí tiểu, vẫn có thể bị giai đoạn lợi tiểu, đi kèm với hạ huyết áp.

  • Giai đoạn phục hồi: Thường mất 3 – 6 tuần, tăng cân trở lại, cơ bắp vẫn yếu và vẫn đi tiểu nhiều.

Sốt xuất huyết hội chứng phổi (HPS)

Các triệu chứng xảy ra như bệnh cúm cùng với sốt, nhức đầu, đau cơ, rối loạn đường ruột, suy hô hấp và hạ huyết áp. Ngày thứ 2 đến ngày 15 (trung bình là ngày 4), bệnh nhân thường xuất hiện phù phổi không rõ nguyên nhân kèm hạ huyết áp. Bệnh tiến triển nhanh đến suy hô hấp nặng và gặp choáng do tim.

Một số trường hợp bệnh nhân mắc đồng thời sốt xuất huyết hội chứng thận và sốt xuất huyết hội chứng phổi.

Biến chứng có thể gặp khi mắc sốt xuất huyết do virus Hanta

Sốt xuất huyết hội chứng thận (HFRS)

Tử vong có thể xảy ra ở giai đoạn lợi tiểu do suy giảm thể tích, nhiễm trùng thứ phát hay rối loạn điện giải. Tỷ lệ tử vong khoảng 6 – 15% trên tổng số bệnh nhân và hầu như luôn xảy ra ở bệnh nhân tiên lượng nặng.

Sốt xuất huyết hội chứng phổi (HPS)

Người mắc sốt xuất huyết hội chứng phổi nặng thường có tỷ lệ tử vong lên đến 50%.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến sốt xuất huyết do virus Hanta

Sốt xuất huyết hội chứng thận (HFRS):

Thường do 2 hay nhiều virus Hanta gây ra như Hantaan, Dobrava (Belgrade), Seoul, Saaremaa, Puumala và Amur.

Sốt xuất huyết hội chứng phổi (HPS):

Các virus khác nhau tùy vào từng khu vực.

  • Argentina: Araraquara, Andes, Bermejo, Lechiguanas, Juquitiba, Leguna Negra, Oran virus và Maciel.

  • Brazil: Juquitiba và Araraquara.

  • Chile và đông Bolivia: Virus Andes.

  • Bắc Mỹ: Black Creek, Sin Nombre, Monongahela và Bayou.

  • Panama: Choclo.

  • Paraguay và Bolivia: Leguna Negra.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải sốt xuất huyết do virus Hanta?

  • Bệnh thường thấy ở người lớn, độ tuổi từ 20 – 50, hiếm khi gặp ở trẻ dưới 10 tuổi và người già.

  • Nam giới thường mắc nhiều hơn nữ giới.

  • Nông dân thường làm ngoài đồng.

  • Nhân viên trong phòng thí nghiệm.

  • Người nuôi động vật thí nghiệm.

  • Nhà sinh vật học; người lính; thợ săn.

  • Người hay đi cắm trại.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sốt xuất huyết do virus Hanta

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết do virus Hanta, bao gồm:

  • Độ tuổi;

  • Giới tính;

  • Tính chất công việc thường tiếp xúc với nguồn bệnh;

  • Vị trí địa lý.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sốt xuất huyết do virus Hanta

Sốt xuất huyết hội chứng thận (HFRS)

PCR hay xét nghiệm huyết thanh học

Sốt xuất huyết hội chứng thận nên được nghi ngờ ở những bệnh nhân có thể bị nhiễm nếu họ bị sốt, xuất huyết và suy thận.

Sau đó sẽ thực hiện các xét nghiệm công thức máu, các chất điện giải, xét nghiệm chức năng thận, xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm đông máu. Khi bệnh nhân hạ huyết áp, HCT và bạch cầu thường tăng trong khi tiểu cầu giảm. Thường sau khi phơi nhiễm ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 có thể xét nghiệm ra albumin niệu, tiểu ra máu, RBC và WBC. Ở giai đoạn lợi tiểu hay có rối loạn điện giải.

Chẩn đoán sốt xuất huyết hội chứng thận cần dựa vào PCR hay xét nghiệm huyết thanh học.

Sốt xuất huyết hội chứng phổi (HPS)

PCR hay xét nghiệm huyết thanh

Sốt xuất huyết hội chứng phổi nên được nghi ngờ ở những bệnh nhân có tiếp xúc với nguồn gây bệnh và có phù phổi không rõ nguyên nhân trên lâm sàng. Chụp X-Quang ngực cho thấy mạch máu tăng lên, đường Kerley B, tràn dịch màng phổi hay thâm nhiễm hai bên.

Nếu nghi ngờ sốt xuất huyết hội chứng phổi, cần siêu âm tim để loại trừ nguyên nhân phù phổi do tim gây ra.

Thực hiện các xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm chức năng gan. Sốt xuất huyết hội chứng phổi thường gây tăng nhẹ bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu và máu cô đặc. Điển hình là sự tăng aspartate aminotransferase, lactic dehydrogenase, alanin aminotransferase và giảm albumin huyết thanh. 

Chẩn đoán sốt xuất huyết hội chứng phổi dựa vào xét nghiệm huyết thanh học hay PCR.

Phương pháp điều trị sốt xuất huyết do virus Hanta hiệu quả

Sốt xuất huyết hội chứng thận (HFRS)

Ribavirin

Thẩm tách thận

Điều trị sốt xuất huyết hội chứng thận bằng tiêm tĩnh mạch ribavirin với liều nạp 33 mg/kg (liều tối đa 2,64 g), tiếp theo dùng liều 16 mg/kg mỗi 6 giờ (liều tối đa 1,28 mg cách mỗi 6 giờ) trong 4 ngày. Sau đó dùng liều 8 mg/kg mỗi 8 giờ (liều tối đa 0,64 g cách mỗi 8 giờ) trong 3 ngày.

Chăm sóc hỗ trợ bệnh nhân, cân nhắc thẩm tách thận ở một số bệnh nhân, đặc biệt trong giai đoạn lợi tiểu.

Sốt xuất huyết hội chứng phổi (HPS)

Chăm sóc hỗ trợ

Điều trị sốt xuất huyết hội chứng phổi chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Nếu cần thiết, cân nhắc cho bệnh nhân thở máy, kiểm soát thể tích chính xác và dùng thuốc vận mạch. Trường hợp suy tim phổi nặng, cần thực hiện trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO).

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sốt xuất huyết do virus Hanta

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

  • Theo dõi nhiệt độ thường xuyên.

  • Nghỉ ngơi tuyệt đối.

  • Môi trường cần thoáng mát và sạch sẽ.

  • Mặc quần áo thoáng và rộng.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, nhiều protein, lipid và carbohydrate.

  • Uống đủ nước.

  • Ăn cá loại thức ăn mềm lỏng và nhiều nước.

Phương pháp phòng ngừa sốt xuất huyết do virus Hanta

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Vệ sinh nhà ở thông thoáng, sạch sẽ. 

  • Diệt chuột, tránh chuột làm ổ và sinh sản.

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ.

  • Khử khuẩn nhà ở bằng hóa chất.

  • Đeo khẩu trang.

Nguồn tham khảo
  1. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: https://vncdc.gov.vn/
  2. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/

Các bệnh liên quan

  1. Sốt hồi quy

  2. Lao cột sống

  3. Phong

  4. Bạch hầu

  5. Quai bị

  6. Giang mai

  7. Rubella

  8. Bệnh bò điên

  9. Nhiễm lậu cầu

  10. Nấm móng