Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm màng não do liên cầu nguy hiểm như thế nào?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm não cấp do liên cầu là căn bệnh để lại hậu quả khá nghiêm trọng nếu không được chăm sóc y tế kịp thời và có thể gây ảnh hưởng đến nhu mô não. Cần điều trị sớm viêm màng não do liên cầu nói riêng và viêm màng não do vi khuẩn nói chung để giúp đảm bảo phục hồi và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như phù não và co giật.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh viêm màng não do liên cầu là gì?

Viêm màng não do liên cầu khuẩn là tình trạng nhiễm khuẩn cấp và tiến triển nhanh chóng ở màng não và khoang dưới nhện. Vi khuẩn có thể sinh sôi tự do trong dịch não tủy và giải phóng chất độc, gây viêm, sưng tấy màng não và mô não. Điều này làm tăng áp lực lên não, sinh ra các triệu chứng như nhức đầu, sốt và tê cứng vùng gáy.

Vi khuẩn có thể lây lan đến khoang dưới nhện và màng não qua các con đường:

  • Máu.

  • Từ các cấu trúc bị nhiễm khuẩn lân cận (xoang, tai giữa…).

  • Từ vết thương ở đầu hoặc sau phẫu thuật vùng đầu.

  • Từ khuyết tật bẩm sinh hoặc mắc phải trong hộp sọ hoặc cột sống.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng não do liên cầu

Các triệu chứng và dấu hiệu điển hình của bệnh viêm màng não do liên cầu bao gồm:

  • Sốt.

  • Nhịp tim nhanh.

  • Đau đầu.

  • Chứng sợ ánh sáng.

  • Những thay đổi về trạng thái tinh thần (thờ ơ, lãnh đạm).

  • Cứng vùng gáy.

  • Đau lưng.

  • Co giật xảy ra sớm ở 40% trẻ em bị viêm màng não cấp tính do vi khuẩn và có thể xảy ra ở người lớn.

  • Nhiễm trùng toàn thân có thể dẫn đến đông đặc phổi, viêm nội tâm mạc.

Tuy nhiên, sốt, nhức đầu và cứng gáy có thể không có ở trẻ sơ sinh, bệnh nhân suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, người nghiện rượu

Tác động của Viêm màng não do liên cầu đối với sức khỏe 

Viêm màng não do vi khuẩn cần được điều trị kháng sinh kịp thời vì đây là tình trạng rất nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong chỉ trong vòng vài ngày. Nếu chậm trễ việc điều trị sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương não không thể phục hồi hoặc nghiêm trọng hơn là dẫn đến tử vong.

Biến chứng có thể gặp khi mắc Viêm màng não do liên cầu

Viêm màng não do liên cầu có thể gây nên các biến chứng như sau:

  • Viêm vỏ não, viêm não thất.

  • Não úng thủy.

  • Nhồi máu động mạch/tĩnh mạch do viêm và huyết khối động mạch/tĩnh mạch não.

  • Bại liệt nếu dây thần kinh sọ thứ 6 bị viêm nghiêm trọng.

  • Điếc do viêm dây thần kinh sọ thứ 8 hoặc các cấu trúc trong tai giữa.

  • Tích mủ dưới màng cứng.

  • Phù não dẫn đến tăng áp lực nội sọ (ICP).

  • Áp xe não nếu nhu mô não đã bị nhiễm trùng do liên cầu xâm nhập vào.

  • Thoát vị não (đây là nguyên nhân tử vong phổ biến nhất của viêm màng não do liên cầu trong giai đoạn cấp tính).

  • Các biến chứng toàn thân khác (đôi khi gây tử vong) như sốc nhiễm trùng, đông máu rải rác nội mạch (DIC), hạ natri máu do hội chứng tiết hormone chống bài niệu không thích hợp (SIADH).

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm màng não do liên cầu

Liên cầu khuẩn xâm nhập vào máu, sau đó di chuyển đến não và tủy sống gây ra bệnh viêm màng não cấp do vi khuẩn. Việc viêm nhiễm cũng có thể xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào màng não do nhiễm trùng tai hoặc xoang, vỡ hộp sọ hoặc sau một số cuộc phẫu thuật.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm màng não do vi khuẩn là liên cầu nhóm B, đặc biệt là Streptococcus agalactiae.

Ở người trung niên và người lớn tuổi, nguyên nhân chính của bệnh viêm màng não do vi khuẩn là Streptococcus pneumoniae. Đây cũng là tác nhân hàng đầu gây viêm màng não do vi khuẩn ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ viêm màng não do liên cầu?

Bệnh nhân đã phải phẫu thuật trong thời gian gần đây.

Bệnh nhân bị chấn thương.

Bệnh nhân đã sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

Bệnh nhân HIV, đái tháo đường, ung thư, lạm dụng rượu.

Người không tiêm chủng vaccin.

Người có tiếp xúc với người bệnh viêm màng não do liên cầu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm màng não do liên cầu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Viêm màng não do liên cầu:

  • Viêm màng não do vi khuẩn thường gặp ở đối tượng bệnh nhân có độ tuổi dưới 20.

  • Không tiêm vaccin ngừa viêm màng não.

  • Sống trong môi trường tập thể (sinh viên ở ký túc xá, cán bộ trong căn cứ quân sự, trẻ em ở nội trú…).

  • Do ăn phải thực phẩm nhiễm liên cầu.

  • Có vết thương hở trên da làm tăng nguy cơ nhiễm trùng xâm lấn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm màng não do liên cầu

Cấy máu kèm PCR.

Chụp CT, MRI não.

Chọc dò tủy sống và phân tích dịch não tủy: Ở người bị viêm màng não, mức protein trong dịch não tủy thường tăng lên và nồng độ glucose giảm đi. Bên cạnh đó, vi khuẩn cũng giải phóng nội độc tố, acid teichoic và các chất trung gian phản ứng viêm (bạch cầu, yếu tố hoại tử khối u TNF).

Xét nghiệm công thức máu toàn phần và bảng chuyển hóa toàn diện.

Phương pháp điều trị viêm màng não do liên cầu hiệu quả

Viêm màng não cấp do vi khuẩn phải được điều trị ngay bằng:

  • Kháng sinh đường tĩnh mạch (ceftriaxone, cefotaxime, cefepime, ceftazidime, ampicillin, vancomycin…).

  • Đôi khi cần dùng corticosteroid đường tĩnh mạch (dexamethasone) để giảm viêm não, dây thần kinh não và hạn chế phù nề.

Tùy tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ có thể tiến hành điều trị hỗ trợ:

  • Với bệnh nhân phù gai thị, tăng áp lực nội sọ: Tăng thông khí, bài niệu thẩm thấu (mannitol tĩnh mạch).

  • Dùng thuốc chống động kinh nếu cần.

  • Điều trị biến chứng (dẫn lưu bất kỳ xoang hoặc xương chũm nào bị nhiễm trùng, phẫu thuật dẫn lưu cho phù ngoài màng cứng…). Điều trị đồng thời các nhiễm trùng liên quan.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm màng não do liên cầu

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. 

  • Duy trì sự lạc quan, tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc khi bệnh trở nặng.

  • Tái khám theo lịch hẹn với bác sĩ để theo dõi tiến triển của bệnh.

  • Bệnh nhân cần ngủ đủ giấc, tránh thức khuya và cần nghỉ ngơi nhiều hơn.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý, giàu dinh dưỡng, ít dầu mỡ.

  • Bổ sung thêm chất chống oxy hóa từ các loại đậu, rau củ quả và trái cây giàu vitamin C.

  • Ăn nhiều các loại cá và thực phẩm giàu acid béo omega 3 (cá hồi, cá thu…) có lợi cho sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch.

Phương pháp phòng ngừa viêm màng não do liên cầu hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau:

  • Tiêm ngừa vaccin đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y Tế.

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân: Rửa tay thật sạch và thường xuyên, sử dụng riêng các vật dụng cá nhân và dụng cụ ăn uống…

  • Thường xuyên rèn luyện sức khỏe bằng việc tập thể dục mỗi ngày kết hợp nghỉ ngơi hợp lý.

  • Có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và hợp lý với nhiều rau củ quả, các loại hạt, ít chất béo.

  • Sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và nấu chín trước khi ăn.

  • Che miệng khi hắt hơi hoặc ho.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/meningitis/symptoms-causes/syc-20350508
  2. https://www.msdmanuals.com/professional/neurologic-disorders/meningitis/acute-bacterial-meningitis?query=viral%20meningitis
  3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554448/#:~:text=Streptococcal%20meningitis%20is%20an%20acute%20inflammation%20of%20the%20membranes%20surrounding,when%20treatment%20initiation%20is%20overdue.
  4. https://www.meningitis.org/meningitis/causes/groupa-streptococcal-meningitis

Các bệnh liên quan

  1. Lao hệ tiết niệu-sinh dục

  2. Cảm lạnh

  3. Thủy đậu

  4. Nhiễm giun lươn

  5. Ghẻ cóc (do nhiễm Treponema pertenue)

  6. Mụn cóc phẳng

  7. Bệnh tay, chân, miệng

  8. Bệnh rubeon

  9. Sán dây cá

  10. Nhiễm Echinococcus