Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm Nocardia là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm Nocardia là bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn Nocardia, có thể gây viêm phổi, dẫn đến nhiễm trùng máu và lan rộng đến các cơ quan khác nếu hít phải. Nocardia cũng có thể gây nhiễm trên da thông qua vết thương hở dẫn đến nhiễm trùng da. Nhiễm Nocardia hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng tránh bệnh, hãy cùng Long Châu theo dõi bài viết sau để hiểu rõ và nắm chắc kiến thức liên quan về nhiễm Nocardia để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm Nocardia là gì? 

Nhiễm Nocardia là bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn Nocardia. Bệnh gây ra tình trạng rối loạn ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống), phổi, da và có thể gây chết người.

Có 4 loại Nocardia gây bệnh: Nocardia Asteroid, Nocardia Brasiliensis, Nocardia Farcinica, Nocardia Caviae. Nocardia là vi khuẩn Gram dương kháng acid, có khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: Đất, nhất là đất đồi núi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm Nocardia

Nhiễm trùng phổi:

Chiếm đa số các trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn này gây nên. Người bệnh thường có các triệu chứng không đặc hiệu: Sốt, ra mồ hôi trộm về đêm, ho đờm, ho máu, chán ăn, gầy sút cân, cảm giác khó thở, đau ngực kèm theo mệt mỏi,…

Tại phổi, vi khuẩn theo đường máu hoặc đường bạch huyết gây bệnh sang các cơ quan khác: Da, hệ thần kinh trung ương,...

Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương:

Nocardia có thể gây áp xe nhu mô não, biểu hiện lâm sàng đa dạng và không đặc hiệu: Đau đầu, buồn nôn và nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, co giật,…

Ngoài ra, Nocardia có thể gây viêm màng não với biểu hiện: Sốt thất thường, đau nhức đầu, nôn, táo bón,…

Nhiễm trùng da và mô dưới da:

Viêm da, loét, viêm da mủ, áp xe dưới da, viêm mô tế bào (sưng, nóng, đỏ, đau tại vị trí tổn thương và không có mụn nước kèm theo),...

Nhiễm khuẩn huyết:

Sốt, hạ thân nhiệt, ớn lạnh, thở nhanh, đau nhức, tim đập nhanh, hạ huyết áp,…

Nhiễm trùng cơ quan khác:

Xương, van tim, khớp, mắt, lách, gan, tuyến thượng thận và thận, tuyến giáp, tuyến tiền liệt,… 

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm Nocardia

Biến chứng của bệnh thường liên quan đến sự lây lan của Nocardia sang nhiều cơ quan trong cơ thể, khó chẩn đoán và điều trị muộn: Người bệnh suy kiệt, nhiễm trùng nhiều cơ quan: Phổi, xương, khớp, áp xe não, viêm màng não, nhiễm trùng huyết,…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm Nocardia

Nguyên nhân gây bệnh Nocardia là do vi khuẩn Nocardia xâm nhập vào cơ thể người gây nên.

Nocardia là vi khuẩn Gram dương thuộc họ Actinomycetaceae, hiếu khí, có hình dạng sợi mảnh, gây bệnh cả ở người và động vật.

Con đường lây nhiễm quan trọng nhất là do hít phải vi khuẩn trong môi trường, do đó phổi là cơ quan nhiễm khuẩn thường gặp. Ngoài ra, một số đường lây truyền khác: Qua đường tiêu hóa khi ăn, qua vết thương da, niêm mạc, lây truyền qua đường máu. Tại cơ quan nhiễm khuẩn ban đầu, vi khuẩn theo đường máu hoặc đường bạch huyết gây bệnh sang các cơ quan khác.

Ngoài ra, nếu bị bệnh phổi mạn tính hoặc hệ miễn dịch yếu: Ung thư, nhiễm HIV/AIDS, cấy ghép phẫu thuật, dùng thuốc steroid trong thời gian dài cũng có khả năng nhiễm Nocardia.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nhiễm Nocardia

Nhiễm Nocardia là bệnh hiếm gặp, nhưng có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào. Người có nghề nghiệp liên quan đến môi trường đất, công trường, nông trại,... có nguy cơ cao nhiễm bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhiễm Nocardia

Có rất nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ nhiễm Nocardia, như:

  • Cơ thể suy giảm miễn dịch: Người bệnh HIV/AIDS,…

  • Sử dụng thuốc corticoid dài ngày;

  • Mắc và điều trị các bệnh lý ác tính: Ung thư máu, xơ gan,…

  • Người bệnh ghép tạng sử dụng thuốc chống thải ghép;

  • Người bệnh nghiện rượu, xơ gan, tiểu đường, lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh thấp khớp,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm Nocardia

Tiêu chuẩn chẩn đoán xác định căn nguyên nhiễm Nocardia là nuôi cấy và phân lập được vi khuẩn Nocardia trong bệnh phẩm. Một số kỹ thuật và xét nghiệm được dùng:

  • Nhuộm Gram: Vi khuẩn Nocardia có dạng hình que mảnh, hoặc dạng sợi, phân nhánh, Gram dương;

  • Nuôi cấy vi khuẩn: Môi trường nuôi cấy hiếu khí, Nocardia có hình thái khuẩn lạc thay đổi, từ trắng đến cam, vàng hoặc nâu;

  • Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR): Cho kết quả nhanh và chính xác;

  • Mô bệnh học: Sự hoại tử và hình ảnh ổ áp xe, thâm nhiễm tế bào bạch cầu đa nhân trung tính, bạch cầu lympho, tế bào plasma và đại thực bào, đôi khi thấy vi khuẩn trên bệnh phẩm mô bệnh học.

Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh: Nhiễm trùng do vi nấm (Hisptoplasma, Cryptococcus,…), lao, nhiễm trùng do các vi khuẩn khác, bệnh lý ác tính (ung thư phổi), nhiễm ký sinh trùng tại thần kinh trung ương (Toxoplasma), tổn thương da do các nguyên nhân khác: Bệnh Leshmaniasis ở da,…

Phương pháp điều trị nhiễm Nocardia

Dùng thuốc kháng sinh là cách điều trị nhiễm Nocardia tốt nhất hiện nay. Tùy thuộc nhiễm Nocardia ảnh hưởng đến bộ phận nào mà phác đồ điều trị sẽ khác nhau theo chỉ định của bác sĩ.

Do các chủng Nocardia nhạy cảm với các loại kháng sinh khác nhau, nên việc lựa chọn liệu pháp kháng sinh cần cá thể hóa người bệnh dựa trên yếu tố lâm sàng cũng như kết quả nuôi cấy và kháng sinh đồ.

Chú ý: Tác dụng không mong muốn của thuốc kháng sinh khi sử dụng lâu dài, cần tư vấn người bệnh tuân thủ điều trị, tái khám để đánh giá đáp ứng điều trị và phòng tránh tái phát.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của nhiễm Nocardia

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ;

  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhiễm trùng có thể tái phát nếu điều trị không đủ thời gian;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe;

  • Vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ và thường xuyên;

  • Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe;

  • Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn được nấu chín, nước uống đun sôi để nguội.

Phương pháp phòng ngừa nhiễm Nocardia

  • Vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ và thường xuyên;

  • Cần mang bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường tiếp xúc đất, nước;

  • Không đi chân không, không tiếp xúc với phân của vật nuôi khi có vết trầy xước trên da;

  • Đeo khẩu trang, đồ bảo hộ khi tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, khói bụi;

  • Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng;

  • Khám sức khỏe định kỳ.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.cdc.gov/nocardiosis/index.html

  2. https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/gram-positive-bacilli/nocardiosis

  3. https://www.healthline.com/health/nocardia-infection#complications

Các bệnh liên quan

  1. Lao hệ tiết niệu-sinh dục

  2. Bệnh than

  3. Bệnh do vi-rút Zika

  4. Giun xoắn

  5. Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae

  6. Nhiễm ấu trùng sán lợn

  7. Ebola

  8. Nhiễm giun kim

  9. Nhiễm trùng huyết

  10. Sốt xuất huyết Dengue