Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn lo âu bệnh tật là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, các phương pháp điều trị và cách phòng ngừa rối loạn lo âu bệnh tật

Ngày 26/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn lo âu bệnh tật (trước đây được gọi là bệnh hypochondria) là một tình trạng sức khỏe tâm thần trong đó ngườibệnh cho rằng họ đang mắc hoặc sẽ mắc một căn bệnh nặng, mặc dù họ có ít hoặc không có triệu chứng. Cảm giác này vẫn tồn tại ngay cả khi các thăm khám và xét nghiệm cho thấy họ không mắc bệnh gì nghiêm trọng. Rối loạn lo âu bệnh tật là bệnh lý thường gặp và khoảng 10% dân số trưởng thành mắc phải.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn lo âu bệnh tật là gì?

Rối loạn lo âu bệnh tật (Illness anxiety disorder) trước đây còn được gọi là bệnh hypochondria, là một rối loạn tâm thần được xác định bởi sự lo lắng quá mức của người bệnh về việc họ đang mắc hoặc sẽ mắc phải một bệnh lý nghiêm trọng chưa được chẩn đoán.

Những người mắc chứng rối loạn lo âu bệnh tật sẽ cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi dai dẳng về việc họ đang mắc hoặc sẽ mắc một căn bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hàng ngày của họ. Nỗi sợ hãi này vẫn tiếp diễn mặc dù các kết quả thăm khám và xét nghiệm bình thường. 

Những người bệnh mắc rối loạn lo âu bệnh tật sẽ quá chú ý đến những cảm giác bình thường của cơ thể (chẳng hạn như chức năng tiêu hóa hoặc đổ mồ hôi) và hiểu sai những cảm giác này là dấu hiệu của một căn bệnh nặng. Rối loạn lo âu bệnh tật thường là một tình trạng bệnh lý mạn tính.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn lo âu bệnh tật

Người bệnh rối loạn lo âu bệnh tật có thể có các triệu chứng:

  • Lo lắng quá mức rằng họ đang mắc hoặc có thể mắc một căn bệnh.
  • Mức độ lo lắng và cảnh giác cao về sức khỏe của họ cũng như những thay đổi về cơ thể hoặc tình trạng sức khỏe.
  • Các hành vi lặp đi lặp lại quá mức như thường xuyên kiểm tra cơ thể để tìm dấu hiệu mắc bệnh, thường xuyên đo huyết áp hoặc đo nhiệt độ cơ thể quá mức.
  • Các hành vi né tránh như tránh đến gặp bác sĩ và bệnh viện, hoặc lạm dụng việc chăm sóc y tế.
  • Thiếu các triệu chứng thực thể để hỗ trợ cho nỗi sợ hãi về bệnh tật của họ, hoặc nếu có các triệu chứng, chúng chỉ gây khó chịu nhẹ.
  • Mối quan tâm và lo lắng không cân xứng về căn bệnh hiện có hoặc nguy cơ mắc bệnh.
  • Nói quá nhiều về sức khỏe của họ ở nhà, nơi làm việc hoặc các môi trường xã hội khác.
  • Thường xuyên nghiên cứu các triệu chứng của họ, đặc biệt là xem trên các phương tiện trực tuyến.
  • Cho rằng các xét nghiệm bình thường của họ là không chính xác và đã bỏ sót bệnh của họ, thay vì cảm thấy yên tâm trước các xét nghiệm âm tính.
  • Tránh đi đến những nơi hoặc gặp những người khác do nhận thấy nguy cơ mắc bệnh tăng cao.
  • Lo lắng và/hoặc ám ảnh về tình trạng sức khỏe của người thân.

Những người bệnh rối loạn lo âu bệnh tật có thể lo lắng rằng họ mắc bất kỳ căn bệnh nào, nhưng họ thường tập trung vào các bệnh như ung thư, HIV/AIDSmất trí nhớ.

Loại tình trạng hoặc bệnh lý mà người bệnh rối loạn lo âu bệnh tật quá tập trung vào có thể sẽ thay đổi theo thời gian.

Rối loạn lo âu bệnh tật là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, các phương pháp điều trị và cách phòng ngừa rối loạn lo âu bệnh tật 4.png
Người bệnh rối loạn lo âu bệnh tật có thể cảm thấy lo lắng quá mức rằng họ sẽ mắc một căn bệnh

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn có thể cân nhắc đến gặp bác sĩ nếu bạn hoặc người khác nhận thấy ở bạn có các dấu hiệu của bệnh rối loạn lo âu bệnh tật. Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu bạn bị trầm cảm, lo lắng hoặc những thay đổi tâm trạng khác.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn lo âu bệnh tật

Nguyên nhân chính xác của bệnh rối loạn lo âu bệnh tật hiện nay vẫn chưa được biết rõ.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn lo âu bệnh tật?

Rối loạn lo âu bệnh tật là bệnh lý thường gặp và ảnh hưởng đến khoảng 0.1% người dân ở Hoa Kỳ. Bệnh thường gặp ở tuổi trưởng thành sớm. Rối loạn lo âu bệnh tật có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và mọi giới tính.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn lo âu bệnh tật

Rối loạn lo âu bệnh tật thường bắt đầu ở tuổi trưởng thành sớm hoặc trung niên và có thể trở nên nặng hơn theo tuổi của họ. Thông thường đối với những người lớn tuổi, lo lắng liên quan đến sức khỏe có thể thường tập trung vào nỗi sợ mất trí nhớ.

Các yếu tố nguy cơ gây rối loạn lo âu bệnh tật có thể bao gồm:

  • Thời điểm có sự căng thẳng lớn trong cuộc sống;
  • Sự đe dọa có thể mắc một căn bệnh nghiêm trọng nhưng sau đó lại không nghiêm trọng;
  • Tiền căn bị lạm dụng khi còn nhỏ;
  • Người thân mắc một căn bệnh nặng;
  • Đặc điểm tính cách, chẳng hạn như có xu hướng trở thành người hay lo nghĩ.
Rối loạn lo âu bệnh tật là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, các phương pháp điều trị và cách phòng ngừa rối loạn lo âu bệnh tật 5.png
Có người thân mắc một căn bệnh nặng là yếu tố nguy cơ của bệnh rối loạn lo âu bệnh tật

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm rối loạn lo âu bệnh tật

Để chẩn đoán rối loạn lo âu bệnh tật, bác sĩ sẽ dựa trên tiêu chuẩn chẩn đoán DSM-5 (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th edition).

Nỗi sợ hãi kéo dài về việc sẽ mắc một căn bệnh nghiêm trọng hoặc đang mắc bệnh là triệu chứng hàng đầu của bệnh rối loạn lo âu bệnh tật. Bác sĩ của bạn có thể chẩn đoán bệnh rối loạn lo âu bệnh tật nếu bạn lo lắng về sức khỏe (hoặc các triệu chứng khác của rối loạn lo âu bệnh tật) kéo dài trong sáu tháng hoặc lâu hơn ngay cả khi các kết quả xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường.

Điều trị rối loạn lo âu bệnh tật

Bác sĩ của bạn có thể kết hợp với chuyên gia về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như nhà tâm lý học hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm thần, để giúp bạn kiểm soát các triệu chứng của bệnh rối loạn lo âu bệnh tật.

Mục tiêu điều trị tập trung vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách giảm thiểu các triệu chứng. Phương pháp điều trị bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm giúp bạn bớt lo lắng và/hoặc trầm cảm.
  • Liệu pháp hành vi nhận thức (Cognitive behavioral therapy) để vượt qua nỗi sợ hãi và lo lắng của bạn và học những phương pháp lành mạnh để đối phó với chúng.
Rối loạn lo âu bệnh tật là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, các phương pháp điều trị và cách phòng ngừa rối loạn lo âu bệnh tật 6.png
Liệu pháp hành vi nhận thức là một trong những phương pháp điều trị rối loạn lo âu bệnh tật

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn lo âu bệnh tật

Chế độ sinh hoạt:

Chế độ sinh hoạt cho người bệnh rối loạn lo âu bệnh tật có thể giúp quản lý căng thẳng và lo lắng liên quan đến sức khỏe một cách hiệu quả. Dưới đây là một số gợi ý về chế độ sinh hoạt:

  • Tìm hiểu về bệnh tật: Bạn nên tìm hiểu thông tin chính xác về bệnh tật của mình từ các nguồn đáng tin cậy như bác sĩ, các tài liệu y tế hoặc các tổ chức uy tín. Điều này giúp bạn có một cái nhìn rõ ràng về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị, từ đó giảm bớt sự lo lắng không cần thiết.
  • Hợp tác với bác sĩ: Bạn nên trao đổi với bác sĩ của mình, điều này giúp bạn nhận được sự hỗ trợ, thông tin và lời khuyên chính xác từ người có kiến thức về sức khỏe.
  • Thiền và tập luyện thể dục: Kỹ thuật thư giãn như thiền và thể dục đều có thể giúp giảm stress và lo lắng. Bạn có thể tìm hiểu và áp dụng các phương pháp này trong đời sống hàng ngày để hỗ trợ tinh thần và cơ thể của mình.
  • Xây dựng mạng lưới xã hội: Gắn kết với gia đình, bạn bè và cộng đồng có thể giúp bạn cảm thấy được hỗ trợ và không cô đơn trong quá trình điều trị.
  • Điều chỉnh lối sống: Đảm bảo ngủ đủ, ăn uống lành mạnh và duy trì lịch trình sinh hoạt hợp lý có thể hỗ trợ sức khỏe tinh thần và giảm căng thẳng. Tránh các chất kích thích như cafein và nicotin cũng có thể giúp giảm triệu chứng lo âu.
  • Học cách quản lý căng thẳng: Bạn nên học cách nhận biết và quản lý căng thẳng một cách hiệu quả. Các phương pháp như kỹ thuật như thở sâu, viết nhật ký, hoặc tìm hiểu các kỹ năng xử lý tâm lý có thể giúp bạn giảm bớt lo âu và tăng cường khả năng chịu đựng.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng không tác động trực tiếp đến bệnh rối loạn lo âu bệnh tật, nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh có thể hỗ trợ sức khỏe tinh thần và cơ thể chung. Dưới đây là một số gợi ý về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh:

  • Ăn đa dạng và cân đối: Bao gồm các nhóm thực phẩm cơ bản như rau, quả, ngũ cốc, đạm, chất béo và canxi. Ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
  • Giảm tiêu thụ chất kích thích: Các chất kích thích như cafein và nicotine có thể gây tăng cường triệu chứng lo âu.
  • Tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu chất bổ sung: Những thực phẩm giàu chất bổ sung như rau xanh, trái cây tươi, cá, hạt, và các loại dầu không bão hòa có lợi (như dầu ô liu) có thể cung cấp dưỡng chất quan trọng cho sức khỏe tinh thần và cơ thể.
  • Uống đủ nước: Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể để duy trì sự cân bằng và mức độ tinh thần tốt.

Lưu ý rằng chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng chỉ là một phần trong việc quản lý bệnh rối loạn lo âu bệnh tật. Hãy tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để có được sự hỗ trợ tốt nhất cho tình trạng sức khỏe của bạn.

Phòng ngừa rối loạn lo âu bệnh tật

Hiện nay chưa có cách phòng ngừa bệnh rối loạn lo âu nào được biết đến. Tuy nhiên, việc hỗ trợ và thấu hiểu người bệnh rối loạn lo âu có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và giúp người bệnh đối phó với chứng rối loạn của mình.

Rối loạn lo âu bệnh tật là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, các phương pháp điều trị và cách phòng ngừa rối loạn lo âu bệnh tật 7.png
Hỗ trợ và thấu hiểu người bệnh rối loạn lo âu có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng

Các câu hỏi thường gặp về rối loạn lo âu bệnh tật

Sự khác biệt giữa rối loạn lo âu bệnh tật và rối loạn triệu chứng cơ thể (Somatic symptom disorder) là gì?

Người mắc bệnh rối loạn triệu chứng cơ thể có thể bị ám ảnh và lo lắng về sức khỏe của mình giống như người mắc bệnh rối loạn lo âu bệnh tật. Một người mắc bệnh rối loạn triệu chứng cơ thể có các triệu chứng thực thể thực sự. Nhưng các xét nghiệm y tế không thể xác định được nguyên nhân gây ra bệnh này.

Bệnh rối loạn lo âu bệnh tật phổ biến như thế nào?

Rối loạn lo âu về bệnh tật ảnh hưởng đến khoảng 0.1% người Hoa Kỳ. Nó thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành sớm. Rối loạn lo âu bệnh tật có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và mọi giới tính.

Biến chứng của bệnh rối loạn lo âu bệnh tật là gì?

Rối loạn lo âu bệnh tật có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống cá nhân và các mối quan hệ của người bệnh. Nó ngăn cản người bệnh hoạt động bình thường trong cuộc sống hàng ngày và có thể gây ra tình trạng khuyết tật nghiêm trọng. Ngoài ra, do thường xuyên lo sợ bị bệnh, người bệnh có thể thường xuyên nghỉ làm, gây ra các vấn đề trong hoạt động nghề nghiệp của họ. 

Các biến chứng khác bao gồm khó khăn về tài chính do phải đi khám bệnh thường xuyên. Những người bệnh này cũng có nguy cơ cao mắc một bệnh tâm thần khác như rối loạn trầm cảm nặng, rối loạn lo âu khác hoặc rối loạn nhân cách.

Tiên lượng (triển vọng) cho những người mắc chứng rối loạn lo âu về bệnh tật (hypochondria) là gì?

Rối loạn lo âu về bệnh tật là một bệnh lý mạn tính. Bạn có thể trải qua những giai đoạn thuyên giảm và sau đó nó sẽ quay trở lại. Bạn nên tuân thủ điều trị theo bác sĩ để kiểm soát các triệu chứng rối loạn lo âu bệnh tật.

Tôi nên hỏi bác sĩ những câu hỏi gì?

Bạn có thể hỏi bác sĩ của mình:

  • Tại sao tôi mắc rối loạn lo âu bệnh tật?
  • Những cách tốt nhất để quản lý bệnh rối loạn lo âu là gì?
  • Tôi có nên chú ý đến các dấu hiệu của biến chứng?
Nguồn tham khảo
  1. Illness Anxiety Disorder: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554399/
  2. What Is Illness Anxiety Disorder?: https://www.verywellhealth.com/hypochondriac-5095939
  3. Illness Anxiety Disorder (Hypochondria, Hypochondriasis):https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9886-illness-anxiety-disorder-hypochondria-hypochondriasis
  4. Illness anxiety disorder: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/illness-anxiety-disorder/symptoms-causes/syc-20373782
  5. Illness anxiety disorder: https://medlineplus.gov/ency/article/001236.htm

Các bệnh liên quan

  1. Hội chứng ADHD

  2. Phô dâm

  3. Rối loạn nhân cách loại phân liệt

  4. Rối loạn nhân cách phụ thuộc

  5. Trầm cảm

  6. Nói lắp

  7. Hội chứng Synesthesia

  8. Thị dâm

  9. Rối loạn nhân cách phân liệt

  10. Down