Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn xuất tinh: Bệnh phổ biến trong thời đại hiện nay

Ngày 28/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn xuất tinh là một vấn đề sức khỏe tình dục phổ biến ở nam giới, bao gồm nhiều tình trạng như xuất tinh sớm và xuất tinh muộn, không xuất tinh, xuất tinh ngược dòng. Rối loạn xuất tinh có nhiều nguyên nhân khác nhau, như do bệnh mãn tính hoặc áp lực công việc quá căng thẳng và các vấn đề tâm lý. Rối loạn xuất tinh có thể gây tác động to lớn đến chất lượng cuộc sống, đời sống tình dục của nam giới và hạnh phúc gia đình.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn xuất tinh là gì?

Rối loạn xuất tinh là tình trạng xảy ra khi một người đàn ông gặp vấn đề trong việc xuất tinh đúng cách. Bạn có thể xuất tinh quá sớm, xuất tinh quá muộn, xuất tinh ngược trở lại bàng quang hoặc hoàn toàn không xuất tinh. Điều này có thể dẫn đến giảm sự thỏa mãn tình dục ở người đàn ông và bạn tình, sinh sản không hiệu quả và tổn thương tinh thần.

Rối loạn xuất tinh là dạng rối loạn chức năng tình dục nam phổ biến nhất và là nguyên nhân phổ biến gây vô sinh nam.

Rối loạn xuất tinh được chia thành 4 loại:

  • Xuất tinh sớm: Là khi người đàn ông xuất tinh trong vòng một phút kể từ lúc giao hợp hoặc xuất tinh sớm hơn so với bạn và bạn tình mong đợi khi đạt cao trào tình dục. Tình trạng này xảy ra ở khoảng 30% nam giới và là loại rối loạn chức năng xuất tinh phổ biến nhất.
  • Xuất tinh muộn: Là tình trạng xuất tinh bị muộn một khoảng thời gian sau khi kích thích tình dục. Điều này thỉnh thoảng xảy ra với nhiều người đàn ông như một hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên tình trạng này có thể trở thành vấn đề nếu nó xảy ra trong một thời gian dài hoặc khiến bạn hoặc bạn tình cảm thấy thất vọng.
  • Xuất tinh ngược dòng: Còn gọi là xuất tinh khô, là khi một phần hoặc toàn bộ tinh dịch chảy ngược vào bàng quang khi người đàn ông đạt cao trào tình dục thay vì ra khỏi cơ thể qua dương vật. Xuất tinh ngược có thể gây vô sinh nhưng không gây ra bất kỳ vấn đề nào khác.
  • Không xuất tinh: Là tình trạng người đàn ông không xuất tinh khi đạt cao trào tình dục. Đây có thể là không xuất tinh hoàn toàn (luôn xảy ra trong quá trình quan hệ tình dục), hoặc tình trạng không xuất tinh (chỉ xảy ra trong một số điều kiện nhất định).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn xuất tinh

Dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn xuất tinh phụ thuộc vào dạng rối loạn xuất tinh mắc phải.

Xuất tinh sớm:

  • Xuất tinh quá nhanh, thời gian dưới 2 phút, mà không đạt được cảm giác khoái cảm tình dục.
  • Khả năng kiểm soát thời điểm xuất tinh kém.
  • Phải đối mặt với một áp lực tâm lý nặng nề.

Xuất tinh muộn:

  • Phải mất 30 phút hoặc hơn để đạt cực khoái.
  • Cảm thấy mệt mỏi về thể chất.
  • Cảm thấy thất vọng hoặc khó chịu về thời gian xuất tinh.

Xuất tinh ngược dòng:

  • Sản xuất ít hoặc không có tinh dịch khi đạt cực khoái.
  • Nước tiểu đục sau khi đạt cực khoái.
  • Gặp vấn đề về sinh sản.

Không xuất tinh:

  • Không xuất tinh (tinh dịch) khi đạt cực khoái.
Rối loạn xuất tinh: Bệnh phổ biến trong thời đại hiện nay 1.jpg
Rối loạn xuất tinh làm mối quan hệ giữa nam giới và bạn tình xấu đi

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến quá trình xuất tinh hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa Nam học để được chẩn đoán và điều trị.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn xuất tinh

Xuất tinh sớm

Nhiều yếu tố tâm lý và thể chất khác nhau có thể khiến nam giới đột nhiên bị xuất tinh sớm.

Các nguyên nhân vật lý phổ biến bao gồm:

  • Bất thường nồng độ hormone như prolactin, LH và TSH;
  • Suy sinh dục;
  • Nhiễm trùng và/hoặc viêm tuyến tiền liệt hay niệu đạo;
  • Rối loạn cương dương;
  • Tăng phản xạ xuất tinh;
  • Khuynh hướng di truyền;
  • Bệnh cường giáp;
  • Bệnh lý thần kinh (như bệnh đa xơ cứng);
  • Chứng nghiện rượu;
  • Bệnh đái tháo đường;
  • Sử dụng ma túy giải trí;
  • Thiếu ngủ (dẫn đến mức serotonin thấp);
  • Bất thường chất dẫn truyền thần kinh serotonin (nồng độ serotonin thấp sẽ giảm thời gian xuất tinh).

Nguyên nhân tâm lý bao gồm:

  • Trầm cảm;
  • Lo lắng;
  • Căng thẳng;
  • Cảm giác tội lỗi;
  • Tự kiêu;
  • Suy nghĩ lệch lạc;
  • Kỳ vọng không thực tế về hiệu suất tình dục;
  • Thiếu tự tin/hình ảnh cơ thể kém;
  • Lịch sử lạm dụng tình dục hoặc trải nghiệm tồi tệ trước đó;
  • Vấn đề về các mối quan hệ;
  • Cảm giác ghê tởm bản thân;
  • Nỗi sợ hãi phi thực tế về tác hại từ việc xâm nhập vào âm đạo;
  • Sự thù địch đối với phụ nữ;
  • Các vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn khác.

Xuất tinh muộn

Nguyên nhân vật lý:

  • Tuổi;
  • Bệnh đái tháo đường;
  • Dị tật bẩm sinh;
  • Nhiễm trùng;
  • Tổn thương dây thần kinh vùng chậu;
  • Vấn đề về nội tiết tố;
  • Rối loạn thần kinh;
  • Phẫu thuật tuyến tiền liệt, bàng quang.

Nguyên nhân tâm lý:

  • Trầm cảm;
  • Lo lắng về hiệu suất tình dục;
  • Lòng tự trọng thấp về hình ảnh cơ thể;
  • Vấn đề cá nhân trong mối quan hệ tình dục.

Nhiều loại thuốc được biết là gây xuất tinh chậm, bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm, đặc biệt là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI);
  • Thuốc điều trị huyết áp cao, chẳng hạn như thuốc chẹn beta;
  • Thuốc chống loạn thần, được sử dụng để điều trị các đợt rối loạn tâm thần.

Xuất tinh ngược dòng

Cơ ở cổ bàng quang thường ngăn không cho tinh dịch chảy ngược vào bàng quang qua ống dẫn tinh từ tuyến tiền liệt đến niệu đạo. Tổn thương các cơ hoặc dây thần kinh xung quanh có thể khiến cổ bàng quang không đóng lại, khiến tinh dịch di chuyển vào bàng quang thay vì đi lên niệu đạo.

Các nguyên nhân gây xuất tinh ngược dòng gồm:

  • Phẫu thuật tuyến tiền liệt, bàng quang;
  • Đái tháo đường;
  • Bệnh đa xơ cứng;
  • Thuốc chẹn alpha (thường sử dụng điều trị tăng huyết áp).

Không xuất tinh

Các nguyên nhân phổ biến là:

  • Căng thẳng và/hoặc các vấn đề tâm lý liên quan đến một đối tác hoặc tình huống cụ thể gây ra.
  • Phản ứng với một số loại thuốc có thể gây ra hiện tượng dị ứng.
  • Các thủ thuật phẫu thuật ảnh hưởng đến dây thần kinh liên quan đến xuất tinh.
Rối loạn xuất tinh: Bệnh phổ biến trong thời đại hiện nay 2.jpg
Căng thẳng, trầm cảm và các vấn đề tâm lý là nguyên nhân thường gặp của rối loạn xuất tinh

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn xuất tinh?

Xuất tinh sớm thường xảy ra ở nam giới trong độ tuổi hoạt động tình dục mạnh nhất, trong khi xuất tinh muộn có thể xảy ra ở mọi độ tuổi hoạt động tình dục.

  • Xuất tinh sớm thường gặp ở nam giới có rối loạn cương dương, mắc các bệnh mãn tính, hoặc thường xuyên đối mặt với căng thẳng tinh thần.
  • Xuất tinh muộn thường gặp ở nam giới có dị tật hệ thống sinh sản, bị nhiễm trùng đường tiết niệu, từng tiến hành phẫu thuật tuyến tiền liệt, thiểu năng sinh dục, gặp vấn đề tâm lý hoặc sử dụng một số loại thuốc có tác dụng trì hoãn xuất tinh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn xuất tinh

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn xuất tinh là:

  • Mắc bệnh đái tháo đường, chủ yếu là đái tháo đường tuýp 1, bệnh đa xơ cứng, đột quỵ hoặc chấn thương tủy sống.
  • Lớn tuổi.
  • Đã phẫu thuật bàng quang hoặc tuyến tiền liệt.
  • Dùng một số loại thuốc, bao gồm một số loại thuốc điều trị trầm cảm, rối loạn tâm thần, huyết áp cao và đau đớn.
  • Các vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc mối quan hệ.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm rối loạn xuất tinh

Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử cá nhân của bạn chẩn đoán và đánh giá các rối loạn chức năng xuất tinh. Điều này có thể tiết lộ bạn có thật sự bị rối loạn xuất tinh hay không, do dị tật bẩm sinh hay do một tình trạng bệnh lý mắc phải.

Các yếu tố đánh giá bao gồm:

  • Khám thực thể cơ quan sinh dục và tinh hoàn để tìm các vấn đề về cấu trúc;
  • Mẫu tinh dịch để đánh giá sự hiện diện và sức khỏe của tinh trùng;
  • Mẫu nước tiểu sau xuất tinh nếu không xuất tinh;
  • Xét nghiệm nội tiết tố như testosterone, FSH, LH, prolactin, melatonin;
  • Siêu âm qua trực tràng để tìm kiếm các vấn đề về cấu trúc;
  • Đánh giá tâm thần.

Điều trị rối loạn xuất tinh

Xuất tinh sớm

Mục tiêu của việc điều trị là làm giảm độ nhạy cảm của dương vật và tăng khả năng kiểm soát của bạn đối với các phản ứng hành vi của mình.

Thuốc

Thuốc chống trầm cảm như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) gồm Paroxetin, Sertralin, Fluoxetin cũng làm chậm quá trình xuất tinh.

Thuốc ức chế Phosphodiesterase-5, chẳng hạn như sildenafil là một nhóm thuốc dùng để điều trị rối loạn cương dương. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chúng cũng có thể giúp chống xuất tinh sớm.

Kem bôi lidocain-prilocain bôi lên dương vật trước khi giao hợp để giảm độ nhạy cảm và trì hoãn xuất tinh.

Liệu pháp hành vi

Mặc dù thuốc có thể giúp giảm đau tạm thời nhưng liệu pháp hành vi là cách hiệu quả thường được dùng để chữa xuất tinh sớm. Điều này có thể liên quan đến giáo dục giới tính để sửa đổi hành vi và tư vấn tâm lý để giải quyết các vấn đề như lo lắng có thể gây ra xuất tinh sớm. Giáo dục có thể bao gồm các kỹ thuật thư giãn và phương pháp kéo dài hưng phấn mà không cần cương cứng hoặc xuất tinh.

Thay đổi hành vi bao gồm các phương pháp như:

  • Ngừng kích thích khi gần đến cao trào;
  • Thay đổi kích thích trước khi lên đỉnh;
  • Phân tâm tinh thần khỏi sự kích thích;
  • Những cách để giảm kích thích và trì hoãn cao trào.

Xuất tinh muộn

Thay thế thuốc

Nếu bác sĩ cho rằng SSRI là nguyên nhân gây ra tình trạng xuất tinh chậm, bạn có thể sử dụng các loại thuốc sau:

  • Amantadine;
  • Bupropion;
  • Yohimbine.

Những chất này giúp ngăn chặn một số tác dụng hóa học của SSRI có thể góp phần làm chậm xuất tinh.

Liệu pháp tình dục

Liệu pháp tình dục là một hình thức tư vấn sử dụng sự kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và những thay đổi có cấu trúc trong đời sống tình dục của bạn. Điều này có thể giúp tăng cảm giác thích thú khi quan hệ tình dục và giúp xuất tinh dễ dàng hơn.

Xuất tinh ngược dòng

Thông thường không cần thiết phải điều trị xuất tinh ngược trừ khi nó gây vô sinh. Ngừng các loại thuốc có thể gây xuất tinh ngược.

Nếu bạn muốn có con có thể lấy tinh trùng từ nước tiểu hoặc tinh hoàn để thụ tinh trong tử cung hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Rối loạn xuất tinh: Bệnh phổ biến trong thời đại hiện nay 3.jpg
Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp điều trị vô sinh phổ biến hiện nay

Không xuất tinh

Liệu pháp tình dục có thể liên quan đến giáo dục giới tính để bạn hiểu rõ hơn về quá trình hưng phấn. Điều này cũng liên quan đến liệu pháp để khuyến khích phản ứng dễ chịu khi chạm vào và tiến tới cực khoái và xuất tinh.

Để khắc phục tình trạng vô sinh, bạn có thể lấy tinh trùng từ nước tiểu hoặc tinh hoàn để thụ tinh trong tử cung hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Đối với nam giới bị vô sinh do chấn thương tủy sống, một liệu pháp được gọi là kích thích rung dương vật có thể dẫn đến xuất tinh. Phương pháp điều trị này sử dụng một thiết bị rung được thiết kế để làm cho dương vật cương cứng và giúp đạt được xuất tinh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của rối loạn xuất tinh

Chế độ sinh hoạt:

  • Duy trì một mối quan hệ tình dục lành mạnh.
  • Tránh các chất kích thích và hạn chế tiêu thụ cồn.
  • Duy trì cân nặng lành mạnh và tập thể dục đều đặn có thể giúp cải thiện chức năng tình dục.
  • Giảm căng thẳng bằng các bài tập như yoga, thiền định, tập thể dục, hoặc tham gia các hoạt động giảm stress khác như đi dạo, nghe nhạc, đọc sách.
  • Tạo môi trường ngủ thoải mái, đảm bảo ngủ đủ giấc.
Rối loạn xuất tinh: Bệnh phổ biến trong thời đại hiện nay 4.jpg
Tránh xa các chất kích thích

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ ăn uống cân bằng và giàu chất dinh dưỡng. Bao gồm nhiều rau, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm, cá, đậu, hạt và các nguồn chất béo lành mạnh như dầu oliu, dầu hạt lanh và dầu cây lạc.
  • Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa bao gồm quả dứa, cam, kiwi, xoài, hạt hướng dương, lạc, dầu dừa và các loại hạt có vỏ.

Phòng ngừa rối loạn xuất tinh

Bạn thực sự không thể ngăn ngừa xuất tinh muộn do tổn thương thần kinh hoặc lão hóa. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn ngừa các vấn đề do uống rượu quá mức hoặc lạm dụng ma túy. Cải thiện mối quan hệ với bạn tình có thể giúp ngăn chặn tình trạng xuất ting muộn.

Nguồn tham khảo
  1. Ejaculatory Dysfunction: https://www.denverurology.com/mens-fertility-sexual-health/ejaculatory-dysfunction/
  2. Ejaculation problems: https://www.nhs.uk/conditions/ejaculation-problems/
  3. Ejaculation Disorders: https://maleinfertility.org/sexual-medicine/erectile-dysfunction-ed/ejaculation-disorders
  4. Disorders of ejaculation: https://www.health.harvard.edu/mens-health/disorders-of-ejaculation
  5. Delayed Ejaculation: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22125-delayed-ejaculation
  6. Premature Ejaculation: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15627-premature-ejaculation
  7. Retrograde Ejaculation: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21870-retrograde-ejaculation
  8. Anejaculation: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23371-anejaculation
  9. Overcoming Ejaculation Problems: https://www.webmd.com/men/features/overcoming-ejaculation-problems

Các bệnh liên quan

  1. Vô kinh

  2. Viêm vùng chậu

  3. Viêm tuyến tiền liệt mạn tính

  4. Rối loạn cương dương

  5. Giãn tĩnh mạch thừng tinh

  6. Đa niệu

  7. Lao hệ tiết niệu-sinh dục

  8. Vô sinh nguyên phát

  9. teo tinh hoàn

  10. Vô sinh thứ phát