Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh là gì? Biểu hiện của sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh và cách điều trị hiệu quả

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm qua vết đốt của muỗi đã bị nhiễm bệnh. Bệnh sốt xuất huyết có thể điều trị được nếu phát hiện sớm, vì vậy người chăm sóc bé cần phải biết những triệu chứng sốt xuất huyết nào cần chú ý và khi nào cần liên hệ bác sĩ điều trị. Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh có thể phòng ngừa được.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh là gì?

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do muỗi Aedes nhiễm virus sốt xuất huyết đốt. Sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người này sang người khác mà lây gián tiếp qua muỗi nhiễm virus gây bệnh. 

Ở người mắc bệnh sốt xuất huyết, virus sẽ tồn tại trong máu của người bệnh trong tuần đầu tiên bị nhiễm bệnh. Nếu bị muỗi đốt trong thời gian này, muỗi sẽ bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết. Con muỗi bị nhiễm bệnh này sau đó có thể truyền virus sang người khác qua vết đốt. Phụ nữ mang thai mắc bệnh sốt xuất huyết cũng có thể truyền bệnh sang con trong khi mang thai hoặc trong khoảng thời gian sinh nở.

Hầu hết những người bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết đều không có triệu chứng. Ở trẻ sơ sinh, việc nhận biết trẻ sơ sinh có bị sốt xuất huyết hay không là khá khó vì hầu hết trẻ bị nhiễm sốt xuất huyết đều không có bất kỳ triệu chứng nào. Nếu trẻ có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết thì triệu chứng có thể giống như các bệnh nhiễm trùng thông thường khác ở trẻ em.

Những người mắc bệnh sốt xuất huyết chủ yếu có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, thường khỏi bệnh sau 1 đến 2 tuần. Triệu chứng thường xuất hiện từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi đốt và kéo dài trong 2 đến 7 ngày.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh chưa có đủ nhận thức và kiến thức để tự nhận ra bệnh, do đó người chăm sóc bé (ông bà, bố mẹ, người giữ trẻ) cần lưu ý quan sát các triệu chứng của sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh để phát hiện sớm và kịp thời điều trị.

Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Triệu chứng quan trọng là sốt nóng hoặc rét run đột ngột (nhiệt độ cơ thể dưới 36°C hoặc trên 38°C, có thể lên đến 40°C) kèm theo 2 hoặc nhiều triệu chứng sau đây:

  • Buồn ngủ, quấy khóc hoặc khó chịu;
  • Phát ban;
  • Xuất huyết ở nướu, mũi, da;
  • Nôn (ít nhất 3 lần trong 24 giờ);
  • Rối loạn chức năng gan, gan to;
  • Lách to;
  • Nổi hạch;
  • Đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ khớp dữ đội;
  • Rối loạn đông máu.

Trẻ sơ sinh bị sốt xuất huyết cũng có thể trở nên khó chịu hơn bình thường và trở nên chán ăn, mất ngủ.

Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh là gì? Biểu hiện của sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh và cách điều trị hiệu quả 4
Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh gây sốt cao

Khi nhiễm sốt xuất huyết nhẹ trở nên nặng hơn, triệu chứng sẽ tiến triển nhanh chóng và dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Các triệu chứng sốt xuất huyết nặng thường xuất hiện sau khi hết sốt và bao gồm:

  • Đau bụng nhiều;
  • Nôn nhiều lần hơn;
  • Thở nhanh;
  • Chảy máu nướu răng hoặc mũi nhiều hơn;
  • Mệt mỏi;
  • Bồn chồn;
  • Có máu trong dịch nôn hoặc phân;
  • Khát nhiều;
  • Da tái nhạt và lạnh;

Điều quan trọng nữa là phải chú ý đến các dấu hiệu mất nước ở trẻ em. Mất nước xảy ra khi cơ thể mất quá nhiều dịch do sốt, nôn mửa, tiêu chảy hoặc không uống đủ nước. Mất nước ảnh hưởng đến lượng dịch trong cơ thể, gây rối loạn chuyển hóa, rối loạn điện giải, hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim. Do đó, người chăm sóc bé cần phải lưu ý đến dấu hiệu mất nước để thông báo kịp thời đến bác sĩ hoặc cơ sở y tế nếu mất nước ở mức độ trung bình đến nặng.

Dấu hiệu mất nước nhẹ đến trung bình:

  • Đi tiểu ít thường xuyên hơn (ít hơn 6 tã ướt mỗi ngày);
  • Khô miệng, lưỡi, môi;
  • Ít hoặc không có nước mắt khi khóc;
  • Điểm mềm trũng trên đầu.

Dấu hiệu mất nước nghiêm trọng:

  • Buồn ngủ, thiếu năng lượng, rất quấy khóc;
  • Mắt trũng;
  • Bàn tay hoặc bàn chân mát mẻ, đổi màu;
  • Đi tiểu 1 - 2 lần mỗi ngày.

Có tới 5% số người mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ phát triển bệnh nặng, đe dọa tính mạng.

Trẻ nhỏ và đặc biệt là trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng và biến chứng cao hơn người lớn khỏe mạnh. Điều này là do hệ thống miễn dịch của trẻ yếu hơn. Vì vậy, điều đặc biệt quan trọng là giữ an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khỏi bị muỗi đốt.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để bé được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bé mau chóng hồi phục sức khỏe.

Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh là gì? Biểu hiện của sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh và cách điều trị hiệu quả 5
Cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu của sốt xuất huyết

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do muỗi Aedes nhiễm virus sốt xuất huyết đốt. Muỗi Aedes thường đốt vào ban ngày, vì vậy mọi người, kể cả trẻ sơ sinh có nguy cơ bị cắn và nhiễm bệnh sốt xuất huyết cao nhất trong những khoảng thời gian này. Muỗi Aedes sinh sản trong nước và có thể đẻ trứng trong một lượng nước rất nhỏ, ví dụ như xô, lốp ô tô cũ, vũng nước, nắp chai.

Khi muỗi đốt người bị nhiễm virus sốt xuất huyết, virus sẽ xâm nhập vào muỗi. Sau đó, khi muỗi nhiễm bệnh đốt người khác, virus sẽ xâm nhập vào máu người đó và gây nhiễm bệnh.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải sốt xuất huyết?

Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc bệnh sốt xuất huyết. Ở Đông Nam Á, tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ chiếm tỷ lệ cao đối với trẻ từ 3 - 8 tháng tuổi và ít hơn khi trẻ được 9 tháng tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh, bao gồm:

  • Sống ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, các khu vực Đông Nam Á, các đảo phía tây Thái Bình Dương, Châu Mỹ Latinh và Châu Phi.
  • Sống ở môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nơi muỗi dễ sinh sôi nảy nở.
  • Nơi ở có nhiều ao tù, vũng nước đọng.
  • Sống gần người đã từng bị nhiễm sốt xuất huyết vì nguy cơ muỗi mang bệnh truyền nhiễm qua trẻ.
  • Trẻ có hệ miễn dịch yếu.
  • Từng bị sốt xuất huyết trước đây.
Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh là gì? Biểu hiện của sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh và cách điều trị hiệu quả 6
Những nơi có nước đọng tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh trưởng và phát triển

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Cách duy nhất để biết chắc chắn trẻ sơ sinh có mắc bệnh sốt xuất huyết hay không là thông qua xét nghiệm máu đặc hiệu cho sốt xuất huyết.

Phương pháp điều trị sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh hiệu quả

Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết mà chỉ là phương pháp điều trị để kiểm soát các triệu chứng, ví dụ như dùng thuốc hạ sốt và giảm đau nhưng cần có chỉ định của bác sĩ.

Nếu trẻ sơ sinh được chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết nhẹ thì người chăm sóc bé cần cho bé:

  • Nghỉ ngơi;
  • Uống nhiều nước, để giữ nước nếu mất nước;
  • Bổ sung dinh dưỡng bằng sữa;
  • Lau mát cơ thể bằng nước ở nhiệt độ bình thường để hạ sốt.

Tránh dùng thuốc kháng viêm không steroid, như ibuprofen và aspirin, vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết có thể trở nên nghiêm trọng trong vòng vài giờ. Nếu trẻ sơ sinh có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh sốt xuất huyết nặng, hãy liên hệ cơ sở y tế ngay lập tức. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Chế độ sinh hoạt:

  • Theo dõi nhiệt độ của trẻ sơ sinh thường xuyên, dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ (nếu chăm sóc tại nhà) hoặc báo liền cho nhân viên y tế (nếu nhập viện), có thể kết hợp làm mát cơ thể bằng cách lau người bằng nước ở nhiệt độ bình thường.
  • Theo dõi tình trạng mất nước của trẻ sơ sinh. Mất nước xảy ra khi mất quá nhiều dịch trong cơ thể do sốt, nôn mửa hoặc không uống đủ nước. Cho trẻ uống nước đun sôi để nguội hoặc nước điện giải nếu trẻ sơ sinh ở tình trạng thiếu nước, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ uống nước.

Chế độ dinh dưỡng: 

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và nước điện giải theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
  • Cho trẻ bú mẹ tích cực.
Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh là gì? Biểu hiện của sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh và cách điều trị hiệu quả 7
Nên cho trẻ bú mẹ để bổ sung dinh dưỡng

Phương pháp phòng ngừa sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh hiệu quả

Phòng ngừa muỗi đốt là cách tốt nhất để tránh mắc bệnh sốt xuất huyết. Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Luôn cập nhật tình hình sốt xuất huyết tại khu vực địa phương và tuân theo các hướng dẫn dự phòng do cơ quan y tế địa phương cung cấp.
  • Mặc quần áo rộng, che kín tay và chân cho trẻ sơ sinh. Không mặt đồ quá dày hoặc quá chật chội.
  • Mang tất và giày đầy đủ để giảm thiểu da tiếp xúc với môi trường nhiều muỗi.
  • Sử dụng thuốc chống muỗi trên vùng da hở dành cho trẻ sơ sinh.
  • Xịt thuốc chống muỗi.
  • Sử dụng màn chống muỗi khi ngủ, đặc biệt là vào ban ngày. Đặt màn chống muỗi vừa vặn phù hợp trên cũi, xe đẩy hoặc khu vui chơi của em bé để bảo vệ.
  • Sử dụng điều hòa không khí nếu có. Nếu không có sẵn, hãy đóng cửa sổ và cửa ra vào hoặc sử dụng màn chống muỗi.
  • Nếu trong nhà có người mắc bệnh sốt xuất huyết, hãy lưu ý vì muỗi có thể nhiễm virus từ người bệnh và lây sang trẻ sơ sinh.
  • Hạn chế hoạt động ngoài trời vào lúc bình minh và hoàng hôn khi muỗi hoạt động mạnh nhất.
  • Giữ nhà sạch sẽ, không nên lưu trữ các lu nước vì muỗi có thể sinh sản tại đây. Nếu có trữ nước trong các lu, xô thì nên có nắp đậy.
  • Loại bỏ, dọn dẹp các thùng chứa nước hoặc rác thải xung quanh nhà. Ví dụ như chai lọ, hộp nhựa, lốp xe, gáo dừa hoặc bất kỳ đồ vật nào khác có thể chứa nước.
  • Làm sạch cống và máng xối bị tắc để ngăn nước tích tụ.
  • Thường xuyên đổ, đậy nắp hoặc xử lý bất kỳ vật chứa nào chứa và giữ nước, chẳng hạn như chậu hoa và xô.
  • Đậy nắp thùng chứa nước: Luôn đậy nắp kín các thùng chứa nước (xô, thùng). Sử dụng nắp đậy, màn che hoặc lưới thép có lỗ nhỏ hơn muỗi trưởng thành để ngăn muỗi đẻ trứng vào đó.
  • Khuyến khích hàng xóm thực hiện các bước để loại bỏ những nơi muỗi sinh sản và ngăn chặn việc muỗi đốt.
Nguồn tham khảo
  • Your Infant has Dengue: https://www.cdc.gov/dengue/symptoms/infant.html
  • Dengue in infants: an overview: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7110389/
  • Dengue: How to keep children safe: https://www.unicef.org/rosa/stories/dengue-how-keep-children-safe
  • Dengue and severe dengue: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/dengue-and-severe-dengue
  • Dengue Fever: https://www.webmd.com/a-to-z-guides/dengue-fever-reference

Các bệnh liên quan

  1. Bại liệt

  2. Dị tật Dandy-Walker

  3. Uốn ván

  4. Nhiễm Toxoplasmosis bẩm sinh

  5. Viêm dạ dày ruột

  6. U nang giáp móng

  7. Bệnh Kawasaki ở trẻ em

  8. Xoắn xương đùi

  9. Bại não trẻ em

  10. Ấu dâm