Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm tuyến giáp Hashimoto: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm tuyến giáp Hashimoto (bệnh Hashimoto) là một bệnh tự miễn mãn tính ảnh hưởng đến tuyến giáp của bạn. Nó có thể khiến lượng hormone tuyến giáp trong cơ thể bạn thấp hơn bình thường. Điều này ảnh hưởng đến cơ thể bạn và gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân và táo bón. Viêm tuyến giáp Hashimoto có thể điều trị được bằng thuốc.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm tuyến giáp Hashimoto là gì?

Viêm tuyến giáp Hashimoto còn được gọi là viêm tuyến giáp lymphocytic mãn tính, là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giáp ở Hoa Kỳ. Đây là một rối loạn tự miễn liên quan đến tình trạng viêm mãn tính của tuyến giáp. Tình trạng này có xu hướng di truyền trong gia đình. Theo thời gian, khả năng sản xuất hormone của tuyến giáp thường bị suy giảm và dẫn đến suy giảm dần chức năng và cuối cùng là tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp). Viêm tuyến giáp Hashimoto xảy ra phổ biến nhất ở phụ nữ trung niên, nhưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi và cũng có thể ảnh hưởng đến nam giới và trẻ em.

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình con bướm nằm ở phía trước cổ, dưới da. Nó là một phần của hệ thống nội tiết và giải phóng hormone tuyến giáp. Công việc chính của tuyến giáp là kiểm soát tốc độ trao đổi chất trong cơ thể. Đây là quá trình cơ thể chuyển hóa thức ăn tiêu thụ thành năng lượng. Quá trình này ảnh hưởng đến mọi cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả tim và não.

Trong hầu hết các trường hợp mắc viêm tuyến giáp Hashimoto, tuyến giáp không thể sản xuất đủ hormone tuyến giáp cho cơ thể. Điều này làm chậm quá trình trao đổi chất và gây ra một loạt các triệu chứng.

Triệu chứng

Những triệu chứng của viêm tuyến giáp Hashimoto

Một số người mắc viêm tuyến giáp Hashimoto ban đầu có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi tình trạng tiến triển, tuyến giáp đôi khi sẽ to ra (bướu cổ). Bướu cổ là dấu hiệu đầu tiên thường gặp của viêm tuyến giáp Hashimoto. Nó không gây đau đớn nhưng có thể tạo ra cảm giác căng tức ở cổ.

Nếu viêm tuyến giáp Hashimoto dẫn đến suy giáp, nó có thể gây ra các triệu chứng sau theo thời gian:

  • Mệt mỏi, thờ ơ và ngủ quá nhiều;
  • Tăng cân nhẹ;
  • Táo bón;
  • Da khô;
  • Sợ lạnh;
  • Nhịp tim chậm;
  • Tóc khô, dễ gãy;
  • Mắt và mặt sưng húp;
  • Trầm cảm;
  • Khó tập trung, hay quên;
  • Kinh nguyệt không đều;
  • Giảm ham muốn tình dục;
  • Vô sinh.

Biến chứng có thể gặp khi mắc phải viêm tuyến giáp Hashimoto

Hormon tuyến giáp rất cần thiết cho hoạt động của nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể. Do đó, khi viêm tuyến giáp Hashimoto không được điều trị, nhiều biến chứng có thể xảy ra, bao gồm:

  • Bướu cổ: Khi sản xuất hormone tuyến giáp giảm do viêm tuyến giáp Hashimoto, tuyến giáp nhận tín hiệu từ tuyến yên để sản xuất nhiều hơn. Quá trình này có thể dẫn đến bướu cổ. Nó thường không gây khó chịu, nhưng bướu cổ lớn có thể ảnh hưởng đến vẻ ngoài của bạn và có thể cản trở việc nuốt hoặc thở.
  • Tim mạch: Suy giáp có thể dẫn đến tim to và nhịp tim không đều. Nó cũng có thể dẫn đến nồng độ cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) cao, loại cholesterol "xấu", là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch.
  • Các vấn đề về sức khỏe tâm thần: Trầm cảm hoặc các rối loạn sức khỏe tâm thần khác có thể xảy ra sớm trong viêm tuyến giáp Hashimoto và có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.
  • Rối loạn chức năng tình dục và sinh sản: Ở phụ nữ, suy giáp có thể dẫn đến giảm ham muốn tình dục, không có khả năng rụng trứng và kinh nguyệt không đều. Đàn ông bị suy giáp có thể bị giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương và số lượng tinh trùng giảm.
  • Kết quả thai kỳ kém: Suy giáp khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non. Trẻ sinh ra từ những phụ nữ bị suy giáp không được điều trị có nguy cơ bị giảm khả năng trí tuệ, tự kỷ, chậm nói và các rối loạn phát triển khác.
  • Bệnh phù niêm (Myxedema): Tình trạng hiếm gặp có thể gây ra do suy giáp nặng, lâu dài và không được điều trị. Các dấu hiệu và triệu chứng của nó bao gồm buồn ngủ, sau đó là thờ ơ và bất tỉnh. Tình trạng hôn mê do phù niêm cần được điều trị y tế khẩn cấp ngay lập tức.
Viêm tuyến giáp Hashimoto: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị 4
Viêm tuyến giáp Hashimoto có thể dẫn đến bệnh bướu cổ

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tuyến giáp Hashimoto rất khác nhau ở mỗi người bệnh. Điều quan trọng là phải gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán kịp thời và chính xác. Nếu mắc viêm tuyến giáp Hashimoto, bạn sẽ cần gặp bác sĩ thường xuyên để thực hiện xét nghiệm hormone tuyến giáp định kỳ nhằm đảm bảo mức độ hormon tuyến giáp của bạn nằm trong phạm vi cho phép và liều lượng thuốc bạn đang dùng phù hợp với bạn. Ngoài ra, hãy gặp bác sĩ nếu bạn xuất hiện các triệu chứng mới hoặc trầm trọng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm tuyến giáp Hashimoto

Viêm tuyến giáp Hashimoto là một bệnh tự miễn, có nghĩa là hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào và cơ quan cơ thể. Thông thường, hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể bạn chống lại những yếu tố có hại từ bên ngoài, như vi khuẩn và vi rút. Nguyên nhân khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào tuyến giáp vẫn chưa rõ ràng. Sự khởi đầu của bệnh có thể liên quan đến:

  • Yếu tố di truyền;
  • Các yếu tố kích hoạt môi trường, chẳng hạn như nhiễm trùng, căng thẳng hoặc tiếp xúc với bức xạ;
  • Tương tác giữa các yếu tố môi trường và di truyền.

Nguy cơ

Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc viêm tuyến giáp Hashimoto?

Viêm tuyến giáp Hashimoto xảy ra phổ biến nhất ở phụ nữ trung niên, nhưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi và cũng có thể ảnh hưởng đến nam giới và trẻ em. Ngoài ra, những người có tiền căn gia đình mắc viêm tuyến giáp Hashimoto và các bệnh tự miễn có nguy cơ cao mắc bệnh này.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm tuyến giáp Hashimoto

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm tuyến giáp Hashimoto bao gồm:

  • Tiền sử gia đình: Nghiên cứu cho thấy rằng di truyền chiếm khoảng 80% khả năng mắc viêm tuyến giáp Hashimoto. Nếu có thành viên gia đình mắc viêm tuyến giáp Hashimoto hoặc các bệnh tuyến giáp khác thì bạn có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn.
  • Giới tính: Phụ nữ khi có nguy cơ mắc viêm tuyến giáp Hashimoto cao gấp 10 lần nam giới. Điều này có thể một phần là do ảnh hưởng của hormone giới tính.
  • Tuổi tác: Nguy cơ phát triển tình trạng này (và các bệnh tuyến giáp khác) tăng lên khi bạn già đi.

Bạn cũng có nhiều khả năng mắc viêm tuyến giáp Hashimoto hơn nếu bạn mắc các bệnh tự miễn khác, như:

  • Bệnh Addison;
  • Bệnh Celiac;
  • Lupus;
  • Viêm khớp dạng thấp;
  • Hội chứng Sjögren;
  • Bệnh đái tháo đường tuýp 1.
Viêm tuyến giáp Hashimoto: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị 5
Bệnh Addison là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm tuyến giáp Hashimoto

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm tuyến giáp Hashimoto

Đầu tiên, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng:

  • Hỏi về các triệu chứng của bạn;
  • Hỏi về tiền căn bệnh lý của bản thân và gia đình;
  • Thực hiện khám lâm sàng, đặc biệt là khám tuyến giáp của bạn.

Sau đánh giá này, họ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu để xác định chẩn đoán, bao gồm:

  • Xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp (TSH): Mức TSH cao thường có nghĩa là tuyến giáp của bạn không sản xuất đủ hormone thyroxine (T4). Kết quả này thường có nghĩa là bạn bị suy giáp hoặc suy giáp cận lâm sàng.
  • Xét nghiệm thyroxine (FT4): Mức T4 thấp cho thấy bạn bị suy giáp.
  • Xét nghiệm kháng thể kháng giáp (TPO): Nếu bạn có tự kháng thể kháng tuyến giáp trong máu, điều đó thường cho thấy viêm tuyến giáp Hashimoto là nguyên nhân gây ra bệnh suy giáp.
  • Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị siêu âm tuyến giáp để kiểm tra kích thước tuyến giáp của bạn và để loại trừ các nguyên nhân khác gây phì đại tuyến giáp.

Phương pháp điều trị viêm tuyến giáp Hashimoto hiệu quả

Không phải ai mắc viêm tuyến giáp Hashimoto cũng bị suy giáp. Nếu bạn có lượng kháng thể cao nhưng không bị suy giáp lâm sàng, bác sĩ có thể sẽ theo dõi nồng độ hormon tuyến giáp của bạn thay vì bắt đầu điều trị.

Nếu viêm tuyến giáp Hashimoto dẫn đến suy giáp, phương pháp điều trị đầu tiên là sử dụng thuốc Levothyroxine. Đó là dạng tổng hợp của hormone T4. Thuốc này giúp khôi phục mức bình thường của hormone tuyến giáp mà cơ thể bạn cần. Bạn sẽ cần phải dùng nó mỗi ngày trong suốt quãng đời còn lại của mình. Theo thời gian, bạn có thể cần một liều thuốc khác. Bác sĩ sẽ biết cách điều chỉnh liều lượng thuốc của bạn để đảm bảo rằng bệnh suy giáp của bạn được kiểm soát tốt.

Viêm tuyến giáp Hashimoto: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị 6
Nếu viêm tuyến giáp Hashimoto dẫn đến suy giáp, phương pháp điều trị đầu tiên là sử dụng thuốc Levothyroxine

Tác dụng phụ của Levothyroxin: Nếu bạn gặp tác dụng phụ khi dùng levothyroxin, rất có thể là do liều của bạn quá cao. Điều này có thể gây ra bệnh nhiễm độc giáp (quá nhiều hormone tuyến giáp).

Các triệu chứng của nhiễm độc giáp bao gồm:

  • Nhịp tim nhanh: Thường là nhịp tim cao hơn 100 nhịp mỗi phút.
  • Nhịp tim không đều;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Cảm thấy run;
  • Cảm thấy bồn chồn, lo lắng và/hoặc cáu kỉnh;
  • Tăng độ nhạy cảm với nhiệt và đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm tuyến giáp Hashimoto

Chế độ sinh hoạt:

  • Lối sống lành mạnh: tập thể dục, ngủ ngon và kiểm soát căng thẳng, bỏ thuốc lá có thể giúp ích cho hệ thống miễn dịch của bạn. Nhưng dù thế nào đi nữa, bạn sẽ cần phải tiếp tục dùng thuốc nếu bị suy giáp.
  • Tránh tiếp xúc nhiều với tia bức xạ.
  • Hãy gặp bác sĩ nếu bạn xuất hiện các triệu chứng mới hoặc trầm trọng hơn hoặc nhận thấy sự thay đổi ở tuyến giáp của mình.

Chế độ dinh dưỡng:

Không có chế độ ăn kiêng đặc biệt cho viêm tuyến giáp Hashimoto. Nhưng một số thực phẩm, thuốc hoặc thuốc bổ có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ thuốc Levothyroxine bạn đang uống. Bao gồm:

  • Thuốc bổ sung sắt và canxi;
  • Sucralfate (thuốc trị loét dạ dày);
  • Cholestyramine và nhôm hydroxit (có trong một số thuốc kháng axit);
  • Sữa đậu nành hoặc các thực phẩm từ đậu nành.

Dùng thuốc này bốn giờ trước hoặc sau khi dùng Levothyroxin có thể giải quyết được vấn đề này.

Một số chế độ ăn và chất có khả năng làm bùng phát hoặc làm trầm trọng thêm bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto bao gồm:

  • Chế độ ăn giàu gluten và ngũ cốc;
  • Chế độ ăn giàu sữa;
  • Chế độ ăn nhiều glucose (thực phẩm có nhiều carbohydrate);
  • Thực ăn nhanh;
  • Rượu và thuốc lá.
Viêm tuyến giáp Hashimoto: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng và điều trị 7
Người bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto cần tránh xa thực phẩm chứa gluten

Phương pháp phòng ngừa viêm tuyến giáp Hashimoto hiệu quả

Vì viêm tuyến giáp Hashimoto là bệnh lý tự miễn nên không có phương pháp phòng bệnh thật sự hiệu quả. Điều quan trọng nhất là có chế động sinh hoạt và nghỉ ngơi, ăn uống lành mạnh. Tránh xa các yếu tố thúc đẩy dẫn đến sự rối loạn quá trình chuyển hóa trong cơ thể như:

  • Không hút thuốc lá.
  • Kiểm soát cân nặng.
  • Hạn chế tiếp xúc với tia bức xạ, tia X.
  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
Nguồn tham khảo
  1. Hashimoto’s Disease: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17665-hashimotos-disease
  2. Hashimoto’s Disease: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hashimotos-disease/symptoms-causes/syc-20351855
  3. The Role of Diet in Hashimoto’s Thyroiditis Treatment: https://glucare.health/blog/the-role-of-diet-in-hashimotos-thyroiditis-treatment/
  4. Hashimoto’s Thyroiditis (Lymphocytic Thyroiditis): https://www.thyroid.org/hashimotos-thyroiditis/
  5. Hashimoto’s Disease: https://www.niddk.nih.gov/health-information/endocrine-diseases/hashimotos-disease

Các bệnh liên quan

  1. Paget xương

  2. Bướu giáp keo

  3. Viêm họng do liên cầu

  4. Đau cổ vai gáy

  5. Viêm họng cấp

  6. Viêm amidan xơ teo

  7. Bệnh Madelung

  8. Bướu giáp lan tỏa

  9. Ung thư amidan

  10. Bướu cổ