Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thoái hoá khớp cổ tay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị bệnh

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thoái hoá khớp là một bệnh có thể gây đau, cứng khớp và hạn chế phạm vi hoạt động. Thoái hoá khớp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trên cơ thể, bao gồm cả cổ tay. Các triệu chứng của thoái hoá khớp cổ tay bao gồm đau, sưng và giảm phạm vi chuyển động ở cổ tay và bàn tay. Thoái hoá khớp cổ tay có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc xương, sụn ở tay và hạn chế khả năng thực hiện các công việc hàng ngày của người bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Thoái hoá khớp cổ tay là gì?

Thoái hoá khớp xảy ra khi sụn mòn đi. Sụn là một cấu trúc mô mịn, mềm, dẻo làm đệm và bảo vệ các đầu xương, cho phép chúng trượt nhẹ nhàng lên nhau.

Khi sụn ở đầu xương cổ tay mòn đi, các xương có thể cọ xát trực tiếp với nhau, tạo ra ma sát và sưng. Người bệnh cũng có thể bị đau vì xương lộ ra các đầu dây thần kinh cảm giác. Cuối cùng, khớp cổ tay có thể bị biến dạng, gây đau nhiều hơn và giảm phạm vi chuyển động ở cổ tay và bàn tay.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của thoái hoá khớp cổ tay

Các triệu chứng của thoái hoá khớp cổ tay có thể bao gồm:

  • Đau cổ tay;
  • Cứng khớp;
  • Sưng;
  • Hạn chế biên độ vận động khớp cổ tay;
  • Thay đổi màu sắc da hoặc nóng tại cổ tay;
  • Lực cầm nắm yếu;
  • Cổ tay xuất hiện tiếng “lạo xạo” khi hoạt động;
  • Cảm giác bị kẹt ở khớp cổ tay;
  • Khó khăn khi sử dụng bàn tay.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thoái hoá khớp cổ tay

Thoái hoá khớp cổ tay có thể gây ra các biến chứng khác nhau, bao gồm:

Hội chứng ống cổ tay: Thoái hoá khớp cổ tay đôi khi có thể dẫn đến hội chứng ống cổ tay. Điều này xảy ra khi sưng khớp cổ tay hoặc gân chèn ép dây thần kinh đi qua nó. Xuất hiện các triệu chứng như tê, yếu, cảm giác kim châm, cơn đau có thể trầm trọng hơn vào ban đêm. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ nếu có những triệu chứng này thường xuyên.

Thay đổi cấu trúc: Thoái hoá khớp cổ tay ở khớp giữa các xương cẳng tay có thể làm tổn thương gân duỗi các ngón. Điều này có thể làm giảm phạm vi chuyển động của bàn tay và gây biến dạng ở các ngón tay.

Khó khăn trong các hoạt động hàng ngày: Những người bị thoái hoá khớp cổ tay có thể không thực hiện được một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như mở nắp chai hoặc rót nước từ ấm đun nước nặng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ các triệu chứng nào nêu trên, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và tư vấn. Điều trị thoái hoá khớp cổ tay sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến thoái hoá khớp cổ tay

Thoái hoá khớp là một bệnh liên quan đến sự hao mòn dần dần của sụn. Bản chất của bệnh là vậy nhưng nguyên nhân thoái hóa khớp cổ tay cụ thể là gì?

Chấn thương ở cổ tay, cho dù là bong gân hay gãy xương, có thể dẫn đến thay đổi cấu trúc giải phẫu của cổ tay. Chấn thương có thể làm hỏng sụn khớp. Khi bị tổn thương nghiêm trọng, sụn thậm chí có thể bị tách ra khỏi xương.

Với bất kỳ chấn thương nào gây ra cử động khớp bất thường, áp lực lên sụn khớp sẽ tăng lên. Theo thời gian, những thay đổi trong cơ học khớp gây ra tổn thương có thể dẫn đến thoái hóa khớp cổ tay.

Thoái hoá khớp cổ tay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị bệnh 4
Chấn thương là nguyên nhân thường gặp dẫn đến thoái hoá khớp cổ tay

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải thoái hoá khớp cổ tay

Những đối tượng sau có nguy cơ cao bị thoái hoá khớp cổ tay:

  • Thừa cân;
  • Tiền sử gia đình bị thoái hóa khớp;
  • Chấn thương cổ tay trước đây;
  • Khiếm khuyết di truyền ở cổ tay;
  • Tiền sử bệnh Kienböck.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải thoái hoá khớp cổ tay

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thoái hoá khớp cổ tay, bao gồm:

  • Tuổi ngày càng tăng, đặc biệt là trên 65 tuổi.
  • Giới tính, phụ nữ có nhiều khả năng bị thoái hóa khớp hơn.
  • Các hoạt động lâu dài, nhiều, lặp đi lặp lại trên cổ tay của bạn, cho dù là hoạt động nghề nghiệp hay giải trí.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thoái hoá khớp cổ tay

Để chẩn đoán thoái hoá khớp cổ tay, trước tiên bác sĩ sẽ khám sức khỏe và hỏi thông tin bệnh sử, tiền căn của người bệnh.

Bác sĩ có thể đề nghị chụp X-quang để giúp xác định những thay đổi về cấu trúc ở cổ tay và bàn tay cũng như loại trừ các nguyên nhân khác.

Mặc dù thoái hoá khớp không làm cho xuất hiện những dấu chứng bất thường trên xét nghiệm máu, nhưng bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để giúp loại trừ các nguyên nhân khác, chẳng hạn như bệnh viêm khớp dạng thấp.

Nếu bác sĩ nghi ngờ có nhiễm trùng ở cổ tay, họ có thể yêu cầu chọc dịch khớp, còn được gọi là xét nghiệm sinh hoá dịch khớp. Quy trình này liên quan đến việc lấy một mẫu nhỏ chất lỏng từ khớp cổ tay của bạn để phân tích.

Thoái hoá khớp cổ tay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị bệnh 5
Bác sĩ thực hiện thăm khám cổ tay cho người bệnh

Phương pháp điều trị thoái hóa khớp cổ tay hiệu quả

Thông thường, các phương pháp điều trị bảo tồn được sử dụng trước tiên và phẫu thuật được coi là biện pháp cuối cùng đối với những người không đáp ứng với điều trị nội khoa. Mục tiêu điều trị thoái hóa khớp cổ tay là giảm đau và cải thiện chức năng vận động. Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs);
  • Tiêm cortisone;
  • Nhiệt trị liệu;
  • Nghỉ ngơi;
  • Thuốc bôi ngoài da;
  • Vật lý trị liệu/tập thể dục;
  • Phục hồi chức năng;
  • Nẹp hoặc hỗ trợ cổ tay.

Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm phẫu thuật cố định cổ tay (wrist fusion) và thay thế khớp cổ tay (wrist replacement). Cả hai đều đều là biện pháp giúp giảm đau tốt, nhưng nó lại gây ra hạn chế cử động ở cổ tay. Phẫu thuật cố định cổ tay liên quan đến 12 hoặc 13 xương được hợp nhất lại với nhau. Bác sĩ của bạn sẽ tư vấn giúp bạn đưa ra quyết định xem bạn có thể được thực hiện phương pháp điều trị nào là tốt nhất.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thoái hoá khớp cổ tay

Chế độ sinh hoạt:

  • Vận động và tập thể dục: Thực hiện các bài tập và động tác vận động nhẹ nhàng như uốn cổ tay và nặn cổ tay để giữ cho các khớp linh hoạt và giảm cứng khớp. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia về phục hồi chức năng để được hướng dẫn đúng cách.
  • Giảm tải và bảo vệ khớp: Tránh hoạt động quá tải hoặc áp lực lên cổ tay. Sử dụng các công cụ hỗ trợ như băng cổ tay hoặc nẹp cổ tay để giảm tải và bảo vệ khớp khi thực hiện các hoạt động hàng ngày hoặc công việc.
  • Nghỉ ngơi đúng cách: Đảm bảo có đủ thời gian nghỉ ngơi và giấc ngủ để cho cổ tay có thời gian hồi phục và nghỉ ngơi. Nếu cần, sử dụng gối hoặc đệm cổ tay để giữ cổ tay trong tư thế thoải mái khi ngủ.
  • Tư thế làm việc và sử dụng công cụ: Đảm bảo sử dụng tư thế đúng và công cụ hỗ trợ phù hợp khi làm việc hoặc thực hiện các hoạt động hàng ngày để giảm tải và căng thẳng cho cổ tay.
Thoái hoá khớp cổ tay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị bệnh 6
Sử dụng dụng cụ hỗ trợ cổ tay khi làm việc nhiều với máy vi tính

Chế độ dinh dưỡng:

  • Thực phẩm giàu canxi: Bổ sung canxi từ nguồn thực phẩm như sữa và các sản phẩm từ sữa, cá hồi, hạt chia, hạt bí, rau xanh, đậu hạt và các loại hạt khác. Canxi giúp duy trì sức khỏe xương và khớp.
  • Thực phẩm giàu vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn. Các nguồn tự nhiên của vitamin D bao gồm cá hồi, cá mòi và trứng. Ngoài ra, cũng có thể bổ sung vitamin D thông qua thực phẩm chức năng hoặc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thực phẩm giàu omega-3: Các axit béo omega-3 có tác dụng chống viêm và giảm triệu chứng đau. Các nguồn omega-3 bao gồm cá hồi, cá mòi, hạt lanh và hạt chia.
  • Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như trái cây tươi, rau xanh, hạt, đậu và các loại gia vị như nghệ và gừng. Chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm và bảo vệ khớp khỏi tổn thương.
  • Giảm tiêu thụ thực phẩm tạo axit: Tránh ăn quá nhiều thực phẩm tạo axit như thịt đỏ, thức ăn chế biến sẵn, đồ ngọt và các loại thức uống có ga. Thực phẩm tạo axit có thể làm gia tăng viêm và triệu chứng đau.
  • Giữ cân nặng lành mạnh: Duy trì cân nặng lành mạnh và tránh tăng cân quá nhanh. Quá trình tăng cân quá nhanh có thể gây thêm áp lực và căng thẳng cho khớp cổ tay.
  • Uống đủ nước: Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể để duy trì độ ẩm và bôi trơn cho khớp.

Lưu ý rằng việc tuân thủ chế độ dinh dưỡng chỉ là một phần quan trọng trong việc quản lý bệnh thoái hoá khớp cổ tay. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được sự tư vấn phù hợp cho trường hợp cụ thể của bạn.

Phương pháp phòng ngừa thoái hóa khớp cổ tay hiệu quả

Để phòng ngừa thoái hóa khớp cổ tay, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau đây:

Duy trì trọng lượng cơ thể cân đối: Cân nặng quá nặng có thể tạo áp lực và căng thẳng thêm cho khớp cổ tay. Giữ cân nặng cân đối thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Tập thể dục và vận động: Bài tập thể dục đều đặn và nhẹ nhàng giúp duy trì sự linh hoạt và khỏe mạnh cho khớp cổ tay. Tuy nhiên, tránh những hoạt động quá tải hoặc gây căng thẳng lên khớp.

Bảo vệ khớp: Khi tham gia vào các hoạt động có nguy cơ gây chấn thương cho cổ tay, như thể thao hay công việc đòi hỏi sự sử dụng lực cổ tay, hãy sử dụng dụng cụ bảo hộ như băng cổ tay hoặc nẹp cổ tay để giảm thiểu nguy cơ tổn thương.

Tránh các động tác và tư thế gây căng thẳng cho cổ tay: Đối với những người có nguy cơ thoái hoá khớp cổ tay, hạn chế sử dụng cổ tay trong các động tác và tư thế gây căng thẳng, như sử dụng máy tính hoặc điện thoại di động trong thời gian dài.

Dinh dưỡng lành mạnh: Bổ sung chế độ ăn giàu canxi, vitamin D và các chất dinh dưỡng khác có thể hỗ trợ sức khỏe xương và khớp.

Điều trị các vấn đề liên quan: Điều trị kịp thời các vấn đề về khớp khác như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp cổ tay nhiễm khuẩn để giảm nguy cơ thoái hoá khớp cổ tay.

Điều chỉnh tư thế làm việc: Đảm bảo tư thế làm việc và sử dụng công cụ hỗ trợ đúng để tránh căng thẳng và áp lực lên cổ tay.

Thoái hoá khớp cổ tay là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị bệnh 7
Sử dụng dụng cụ bảo vệ cổ tay khi tham gia các hoạt động có nguy cơ cao

Luôn lưu ý rằng thoái hoá khớp cổ tay có thể phát triển dần dần và là một vấn đề cá nhân. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc lo ngại nào, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để được tư vấn và điều trị phù hợp.

Nguồn tham khảo
  1. Everything you need to know about osteoarthritis in the wrist: https://www.medicalnewstoday.com/articles/osteoarthritis-wrist
  2. Wrist Osteoarthritis Causes and Symptoms: https://www.verywellhealth.com/wrist-osteoarthritis-what-you-need-to-know-2552322
  3. Wrist osteoarthritis: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1877056814003193
  4. Arthritis of the Wrist: https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/arthritis-of-the-wrist/
  5. Wrist Arthritis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK531497/ 

Các bệnh liên quan

  1. Loãng xương ở nam

  2. Liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài

  3. Hẹp khe khớp háng

  4. Đau cổ tay

  5. Hẹp khe khớp gối

  6. Run vô căn

  7. Loạn dưỡng cơ Duchenne

  8. Huyết khối tĩnh mạch sâu

  9. Hội chứng ống cổ tay

  10. Giãn tĩnh mạch