Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chấn thương gân kheo là gì? Những điều bạn cần chú ý trong điều trị

Ngày 20/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chấn thương gân kheo là tình trạng chấn thương các cơ vùng đùi sau do cơ bị kéo căng quá mức khi bạn vận động và di chuyển. Đa số các trường hợp có thể hồi phục tự nhiên bằng phương pháp điều trị bảo tồn như chườm lạnh, hạn chế vận động giai đoạn cấp, dùng thuốc. Nếu chấn thương của bạn nghiêm trọng và ảnh hưởng đến các cấu trúc khác xung quanh bạn có thể cần phải phẫu thuật để tránh diễn tiến nặng đến biến chứng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Chấn thương gân kheo là gì?

Chấn thương gân kheo là tình trạng các cơ và gân ở vùng sau đùi bị rách hoặc kéo căng quá mức. Đây là bệnh lý thường thấy ở các vận động viên hoặc những người đã từng bị tổn thương dây chằng gối trước đó.

Các cơ gân kheo là một tập hợp các cơ nằm ở mặt sau đùi, giúp hỗ trợ và nâng đỡ cơ thể khi thực hiện các chức năng tĩnh và động của khớp gối:

  • Chức năng động: Cơ vùng đùi sau hỗ trợ vận động quay trong của xương chày, tránh tình trạng trật khớp về phía trước của xương đùi trên xương chày.
  • Chức năng tĩnh: Các cơ vùng đùi sau giúp hạn chế tình trạng xương chày đầu gối trật ra sau.

Khi tập thể dục sai cách sẽ gây ra tình trạng căng cứng và chấn thương các cơ này.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Chấn thương gân kheo

Biểu hiện triệu chứng của chấn thương gân kheo tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Các triệu chứng chung có thể gặp:

  • Đau cơ đột ngột, dữ dội;
  • Cảm giác yếu ở một vài vị trí hoặc toàn bộ chân như không thể duỗi thẳng gối hoàn toàn;
  • Cảm thấy lạo xạo khi cử động gối;
  • Sưng trong những giờ đầu;
  • Bầm tím tại chỗ bị tổn thương;
  • Không thể đứng thẳng.
CHẤN THƯƠNG GÂN KHEO 4.jpg
Đau vùng sau đùi

Các triệu chứng khác có thể gặp:

  • Sưng hoặc nút thắt ở vùng đùi sau;
  • Co thắt;
  • Cứng cơ, đặc biệt sau thời gian hạ nhiệt.

Mức độ chấn thương gân kheo

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, chấn thương gân kheo được chia thành ba cấp độ:

  • Độ 1: Gân kheo bị căng, lúc này gân kheo bị căng quá mức nhưng không bị rách. Thường biểu hiện triệu chứng đột ngột, đau lan ra phía sau đùi, không ảnh hưởng đến sức cơ chân nhưng bạn sẽ gặp khó khăn khi vận động.
  • Độ 2: Rách một phần cơ, nghĩa là cơ chưa bị rách hoàn toàn. Bạn sẽ cảm thấy đau hơn so với độ 1, bạn có thể bị sưng, bầm tím và yếu chân nhẹ, bạn sẽ đi khập khiễng.
  • Độ 3: Rách hoàn toàn cơ. Biểu hiện bằng tình trạng đau dữ dội, sưng tấy và bầm tím, bạn có thể cảm thấy đau như bị nổ tung, đau như dao đâm khi chấn thương xảy ra. Vì tình trạng rách cơ này khá nghiêm trọng nên bạn không thể đứng thẳng được.

Biến chứng có thể gặp khi mắc Chấn thương gân kheo

Tình trạng chấn thương gân kheo nếu không được điều trị hiệu quả, nếu bạn vận động quá sớm khi vết thương chưa hồi phục đủ để bạn sinh hoạt bình thường. Điều này có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như gây tổn thương các cấu trúc khác ở vùng gối, cứng khớpviêm khớp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào kê trên. Hoặc bạn có thể tự điều trị chấn thương gân kheo tại nhà tuy nhiên nếu có triệu chứng nào dưới đây hãy đến khám ngay lập tức:

  • Vết thương nặng hơn dù đã điều trị;
  • Các triệu chứng không giảm mà nặng nề hơn;
  • Vết thương không tự lành;
  • Bạn có cảm giác châm chích hoặc  đột ngột ở chân;
  • Vết sưng trở nên tệ hơn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Chấn thương gân kheo

Thông thường gân kheo bị chấn thương xảy ra khi bạn vận động. Các nguyên nhân phổ biến gồm:

  • Chấn thương thể thao: Hầu hết tổn thương gân kheo là do cơ bị kéo giãn quá mức khi bạn chơi thể thao. Các môn thể thao thường gặp là bóng đá, khúc côn cầu.
  • Chấn thương gân kheo cũ trước đây: Nếu trước đây bạn đã từng bị rách gân kheo thì bạn có nguy cơ bị rách lại rất cao, nhất là khi bạn hoạt động với cường độ cao trước khi gân kheo lành hẳn.
  • Tập luyện quá sức: Tập luyện quá sức gây áp lực lớn đến các cơ vùng sau đùi làm quá tải và gây rách gân kheo.
  • Tính linh hoạt kém: Nếu bạn là người ít vận động thường xuyên việc hoạt động đột ngột với cường độ mạnh có thể khiến cơ của bạn bị căng quá mức.
CHẤN THƯƠNG GÂN KHEO 5.jpg
Chấn thương trong thể thao là nguyên nhân thường gặp

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc Chấn thương gân kheo?

Vận động viên, đặc biệt những người thường xuyên nhảy, leo trèo và chạy. Bạn cũng có nguy cơ chấn thương gân kheo nếu đã từng bị chấn thương trước đó.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Chấn thương gân kheo

Ngoài các vận động viên, những người lớn tuổi cũng dễ bị tổn thương gân kheo hơn vì người lớn tuổi thường giảm tính linh hoạt trong vận động. Những trẻ vị thành niên trong giai đoạn phát triển cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Lúc này cơ và xương của chúng phát triển không đồng bộ nên làm tăng nguy cơ chấn thương hơn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Chấn thương gân kheo

Để chẩn đoán tình trạng chấn thương gân kheo của bạn bác sĩ sẽ tiến hành thăm hỏi về quá trình xuất hiện các triệu chứng của bạn. Ngoài ra, bác sĩ còn khám đùi của bạn xem có tình trạng sưng, đau và bầm tím hay không nhằm đánh giá mức độ chấn thương nhẹ hay nặng.

Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán:

  • MRI: Được ưu tiên trong chẩn đoán các bệnh lý phần mềm cho thấy vết rách trên mô cơ của bạn.
  • Siêu âm phần mềm: Giúp tạo ra hình ảnh chi tiết về cơ của bạn, cho thấy được vị trí và kích thước của vết rách gân kheo.
  • X-quang: Nếu nghi ngờ bạn gãy xương, bác sĩ sẽ chỉ định nhằm loại trừ tình trạng này.

Phương pháp điều trị Chấn thương gân kheo

Điều trị chấn thương gân kheo sẽ phụ thuộc vào mức độ chấn thương gân kheo. Các phương pháp điều trị gồm:

Phương pháp RICE

Đây là phương pháp được áp dụng đầu tiên cho hầu hết các chấn thương trong thể thao và là phương pháp điều trị chính của chấn thương gân kheo độ 2. RICE là viết tắt của:

  • Nghỉ ngơi (Rest): Bạn cần tạm ngừng vận động trong giai đoạn cấp, khi mới bị chấn thương. Bạn có thể sử dụng nạng hoặc nẹp gối để hạn chế di chuyển chân.
  • Chườm lạnh (Ice): Để giảm tình trạng sưng và đau. Bạn sẽ bọc một túi nước đá vào một chiếc khăn và đặt nó lên vùng đùi sau trong khoảng 20 phút. Lặp lại vài lần trong ngày.
  • Băng ép (Compression): Băng ép đàn hồi có thể giúp giảm sưng.
  • Nâng cao chân (Elevation): Nâng cao chân bị thương giúp giảm tình trạng sưng tấy. Kê chân lên một chiếc gối hoặc đệm hoặc chăn gấp sao cho chân cao hơn tim.

Thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau thường được sử dụng hiện nay gồm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen trong trường hợp chấn thương gân kheo của bạn gây đau nhiều ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nếu bạn không đáp ứng với NSAIDs bạn có thể cần tiêm corticosteroid.

Vật lý trị liệu

Khi giai đoạn cấp qua đi và tình trạng đau của bạn giảm bớt, bác sĩ sẽ đề nghị bạn tập vật lý trị liệu để cải thiện tính linh hoạt và phạm vi chuyển động của khớp. Tập vật lý trị liệu giúp bảo vệ tránh cho gối bạn bị vẹo trong hoặc vẹo ngoài.

Các bài tập sẽ tăng dần về cường độ và thời gian tập, các bài tập nhằm tăng cường sức mạnh cho các cơ vùng sau đùi. 

CHẤN THƯƠNG GÂN KHEO 6.jpg
Tập luyện bắt đầu sau khi hết đau để tránh cứng khớp

Phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị trên không giúp cải thiện tình trạng rách một phần hay toàn bộ cơ vùng đùi sau, bạn có thể phải cần đến phẫu thuật nhằm khâu cố định vết rách.

Thời gian hồi phục thường sẽ mất ít nhất 4 đến 8 tuần nếu chỉ rách một phần, và có thể cần đến 3 tháng để hồi phục nếu bạn bị rách cơ hoàn toàn. Trong thời gian này bạn cần tập vật lý trị liệu thường xuyên xen kẽ với thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Chấn thương gân kheo

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân theo kế hoạch điều trị của bác sĩ;
  • Nghỉ ngơi trên giường trong giai đoạn cấp và đau nhiều;
  • Không cố gắng vận động sớm và quá sức.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ các chất;
  • Ưu tiên các thức ăn dễ tiêu hóa.

Phương pháp phòng ngừa Chấn thương gân kheo hiệu quả

Nếu bạn là người thường xuyên tập thể dục hoặc chạy bộ hoặc leo núi, bạn đều có khả năng bị chấn thương gân kheo. Hãy chú ý những điều sau đây để phòng ngừa việc chấn thương gân kheo có thể xảy ra:

  • Khởi động và làm nóng cơ thể ít nhất 10 phút trước khi tập thể dục;
  • Chạy bộ đúng cách;
  • Khi tập thể dục cần xen kẽ các bài tập kéo giãn cơ trong quá trình tập thể dục;
  • Xây dựng một kế hoạch tập luyện phù hợp với bản thân;
  • Lựa chọn chế độ ăn uống cân bằng các chất dinh dưỡng.
CHẤN THƯƠNG GÂN KHEO 7.jpg
Kéo giãn cơ trước khi vận động

Các câu hỏi thường gặp về Chấn thương gân kheo

Chấn thương gân kheo có thể tự khỏi hay không?

Không. Để có thể hồi phục sau chấn thương gân kheo bạn cần phải tuân theo kế hoạch điều trị của bác sĩ đã đề ra. Việc tập luyện quá nặng trong thời gian chấn thương có thể làm bệnh nặng hơn và lâu lành nhưng bạn cũng không nên bất động tránh cho khớp gối bị cứng.

Khi nào tôi có thể hoạt động bình thường trở lại?

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ điều trị của bạn về chế độ tập luyện và những điều cần tránh trong sinh hoạt. Bạn nên bắt đầu tập những bài tập giãn cơ nhẹ nhàng sau đó là đi bộ hoặc đạp xe, cuối cùng là các bài tập tăng cường sức mạnh.

Chấn thương gân kheo có ảnh hưởng gì đến cuộc sống sau này của tôi không?

Trong thời gian đầu, bạn có thể phải cần đến nạng để hỗ trợ đi lại và bạn cũng sẽ bị hạn chế trong sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên nếu bạn tuân thủ điều trị, bệnh sẽ hồi phục mà không ảnh hưởng đến cuộc sống sau này. Nhưng bạn cần chú ý phòng ngừa tái phát.

Cách điều trị hiện nay cho chấn thương gân kheo là gì?

Lựa chọn phương pháp điều trị hiện nay cho chấn thương gân kheo sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương. Các phương pháp điều trị bao gồm nghỉ ngơi, chườm lạnh, vật lý trị liệu và thuốc giảm đau.

Tôi có thể tự điều trị ở nhà hay không?

Bạn vẫn có thể tự điều trị tại nhà với tổn thương mức độ nhẹ bằng cách chườm lạnh, nghỉ ngơi. Tuy nhiên cần chú ý tình trạng lành vết thương để có thể đi khám kịp thời tránh nặng thêm tình trạng chấn thương.

Nguồn tham khảo
  1. What You Need to Know About Hamstring Tear Injuries: https://www.healthline.com/health/hamstring-tear
  2. Hamstring Injury: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17039-hamstring-injury 
  3. Hamstring injury: https://www.nhs.uk/conditions/hamstring-injury/
  4. Hamstring injury - Symptoms and causes: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hamstring-injury/symptoms-causes/syc-20372985
  5. Hamstring Muscle Injuries - OrthoInfo - AAOS: https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/hamstring-muscle-injuries/

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư âm đạo

  2. Bệnh nang gan

  3. Phù thũng

  4. huyết áp tâm thu cao

  5. Ung thư gan nguyên phát

  6. Suy giãn tĩnh mạch sâu chi dưới

  7. Viêm đầu xương gót

  8. Nhiễm khuẩn Listeria

  9. Ung thư vú giai đoạn 4

  10. bệnh tim thiếu máu cục bộ