Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm khớp ngón tay cái: Những thông tin bạn cần biết

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm xương khớp là dạng rối loạn cơ xương khớp phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới, trong đó có viêm khớp ngón tay cái. Tỷ lệ viêm khớp ngón tay cái tăng theo tuổi và chủ yếu gặp ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đặc điểm của khớp ngón tay cái

Ngón tay cái có đặc điểm giải phẫu và sinh lý khác với bốn ngón tay còn lại. Những khác biệt này cho phép ngón cái di chuyển linh hoạt và thực hiện nhiều động tác phức tạp hơn các ngón tay khác. Một số nghiên cứu năm 2017 đã chứng minh ngón cái đảm nhận khoảng 40% chức năng của bàn tay.

Ngón tay cái có hai đốt xương gồm đốt gần và đốt xa, thay vì ba đốt như các ngón khác. Khớp giữa đốt gần và đốt xa của ngón cái gọi là khớp liên đốt ngón tay (interphalangeal joint). Khớp này cho phép ngón tay gấp duỗi linh hoạt. Khớp giữa đốt gần của ngón cái và xương bàn ngón tay gọi là khớp nối xương bàn tay (metacarpophalangeal joint). Khớp này cho phép ngón cái dạng và uốn cong. Khớp nối giữa xương bàn tay và xương cổ tay gọi là khớp cổ tay - bàn tay (carpometacarpal joint). Khớp này có vai trò dạng và đối ngón cái.

Các cơ góp phần vào chuyển động của ngón tay cái gồm nhóm cơ ngoại lai và nhóm cơ nội tại. Nhóm cơ ngoại lai có nguyên ủy tại vùng cẳng tay và bám tận vào xương bàn tay, tạo ra các cử động thô của ngón tay. Nhóm cơ nội tại có nguyên ủy và bám tận đều ở bàn tay, tạo ra các cử động tinh vi và chính xác cao.

Viêm khớp ngón tay cái là gì?

Viêm khớp ngón tay cái (thumb arthritis) hay còn được gọi là viêm gốc ngón tay cái (basal thumb arthritis), là bệnh viêm khớp phổ biến thứ hai ở khu vực cổ tay - bàn tay. Bệnh lý này tổn thương tại vùng khớp cổ tay - bàn tay ở ngón cái (carpometacarpal joint), đây là khớp yên ngựa duy nhất vùng bàn tay.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm ngón tay cái

Ngón tay cái được sử dụng thường xuyên nên bất kỳ triệu chứng nào của viêm khớp ngón tay cái xảy ra sẽ mang tới cảm giác khó chịu. Các triệu chứng bao gồm:

  • Sưng, nóng, đỏ vùng khớp viêm.
  • Đau: Là triệu chứng nổi trội xuất hiện đầu tiên của viêm khớp ngón tay cái, đau âm ỉ liên tục có khi đau chói tại vị trí khớp cổ tay - bàn tay, đau trầm trọng hơn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày như nắm chặt một vật nào đó, vặn nắp chai, viết lách hoặc khi dạng ngón cái.
  • Yếu: Cảm giác hoạt động ngón cái yếu hoặc không có lực được xem là một cơ chế bảo vệ để ngăn chặn việc sử dụng khớp bị tổn thương quá mức.
  • Biến dạng ngón tay cái: Ở giai đoạn sau của bệnh, khi tình trạng mất ổn định của khớp diễn tiến liên tục khiến người bệnh không thể dạng ngón cái, khả năng cầm nắm suy yếu, giảm chức năng của bàn tay, ngón cái không dạng đủ xa so với ngón trỏ để cầm nắm các vật lớn. Ngón tay cái xảy ra tình trạng thoái hóa gây hẹp khe khớp, dính khớp, mọc các gai xương, tạo ra biến dạng cổ thiên nga.
Viêm khớp ngón tay cái: Những thông tin bạn cần biết 3
Sưng, nóng, đỏ vùng khớp ngón tay cái

Biến chứng có thể gặp khi bị viêm khớp ngón tay cái

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ viêm của khớp và chiến lược điều trị mà diễn tiến bệnh ở mỗi người sẽ khác nhau. Dù viêm khớp ngón tay cái xuất phát từ đâu, mức độ ra sao thì việc điều trị không kịp thời và phù hợp cũng có thể gây ra các biến chứng như:

  • Giảm khả năng vận động khớp;
  • Cứng khớp, dính khớp;
  • Biến dạng khớp;
  • Yếu/liệt vĩnh viễn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp ngón tay cái

Có nhiều căn nguyên dẫn đến viêm khớp ngón tay cái. Một số nguyên nhân thường gặp bao gồm:

  • Thoái hóa khớp: Tại Hoa Kỳ, có tới 8% nam giới và 25% nữ giới từ 50 tuổi trở lên mắc thoái hóa khớp cổ tay - bàn tay ở ngón tay cái. Thoái hóa khớp là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm khớp ngón tay cái.
  • Viêm khớp sau chấn thương: Chấn thương làm ảnh hưởng đến trật khớp, gãy xương, bong gân,... cũng là nguyên nhân gây viêm khớp ngón tay cái.
  • Viêm khớp dạng thấp: Vị trí phổ biến của bệnh viêm khớp dạng thấp là các khớp nhỏ ở bàn tay, trong đó có khớp cổ tay - bàn tay ở ngón tay cái.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm khớp ngón tay cái?

Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ bị viêm khớp ngón tay cái:

  • Một số dị tật bẩm sinh mang tính di truyền: Biến dạng xương khớp, dây chằng mô cơ lỏng lẻo.
  • Chấn thương khớp ngón tay cái, chẳng hạn như gãy xương và bong gân.
  • Người bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có thể ảnh hưởng đến khớp cổ tay - bàn tay ở ngón cái, nhưng thường ở mức độ nhẹ hơn so với các khớp khác của bàn tay.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm khớp ngón tay cái

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp ngón tay cái bao gồm:

  • Tuổi: Người trên 40 tuổi tăng nguy cơ mắc viêm khớp ngón tay cái do thoái hóa khớp.
  • Giới: Thống kê cho thấy, nữ giới có nguy cơ mắc viêm khớp ngón tay cao hơn nam gấp 6 lần.
  • Người làm việc hoặc hoạt động với tần suất liên tục và cường độ cao ở bàn tay. Ví dụ như bấm điện thoại, lái xe, người bán thức ăn, thợ may,...
  • Béo phì.
Viêm khớp ngón tay cái: Những thông tin bạn cần biết 4
Người lớn tuổi có nguy cơ viêm khớp ngón tay cái cao hơn

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp ngón tay cái

Khi tiến hành thăm khám, bác sĩ chuyên khoa cơ - xương - khớp sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn, tiền căn bệnh lý của bạn và gia đình, kết hợp với việc kiểm tra biên độ vận động khớp, mức độ sưng viêm của khớp, tiến hành nắn chỉnh nếu có tình trạng trật khớp. Ngoài thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đề nghị một số cận lâm sàng để tìm nguyên nhân cũng như xác định mức độ viêm khớp. Cụ thể như sau:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra tình trạng và mức độ viêm với công thức máu, tốc độ lắng máu (VS), C-reactive protein (CRP); định lượng yếu tố thấp (RF), kháng thể peptide citrullinated vòng (anti CCP) để tìm yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm khớp ngón tay cái.
  • Chụp X-quang bàn tay thẳng - nghiêng: Kiểm tra tình trạng tổn thương xương và các khớp, chú ý vị trí khớp cổ tay - bàn tay ở ngón cái. Các dấu hiệu thoái hóa khớp có thể bắt gặp trên X-quang gồm hẹp khe khớp, xơ xương dưới sụn, gai xương.
  • Siêu âm, CT scan, MRI hiếm được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán.
Viêm khớp ngón tay cái: Những thông tin bạn cần biết 5
Hình ảnh X-quang của viêm khớp ngón tay cái

Bên cạnh đó, cần phải chẩn đoán phân biệt vì một số bệnh lý khác cũng có thể gây một số triệu chứng tương tự như viêm khớp ngón tay cái, bao gồm:

  • Hội chứng De Quervain: Do viêm co thắt bao gân cơ duỗi ngắn và dạng dài của ngón cái.
  • Hội chứng ống cổ tay: Do chèn ép dây thần kinh giữa trong ống cổ tay có thể dẫn đến đau hoặc tê ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ½ ngón áp út.
  • Hội chứng ngón tay cò súng (ngón tay bật): Do viêm dây chằng vòng cố định gân gấp ngón tay gây đau.

Phương pháp điều trị viêm khớp ngón tay cái hiệu quả

Nguyên tắc điều trị của viêm khớp ngón tay cái bao gồm điều trị triệu chứng, điều trị bệnh căn nguyên, phục hồi vận động và phòng ngừa biến chứng. Có 2 phương pháp điều trị chính là điều trị bảo tồn (không phẫu thuật) và điều trị phẫu thuật. 

Phương pháp điều trị bảo tồn gồm:

  • Nhóm thuốc NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid): Gồm các thuốc không kê toa như acetaminophen, ibuprofen, naproxen, gel bôi diclofenac; và nhóm thuốc kê toa như celecoxib, meloxicam, diclofenac, tramadol,... Tuy nhiên, khi dùng nhóm thuốc này liều cao hoặc kéo dài có thể gây các tác dụng phụ như tổn thương gan, thận, xuất huyết dạ dày, các vấn đề tim mạch, ù tai,...
  • Tiêm corticosteroid vào khớp nền ngón tay cái có thể giúp giảm sưng và đau. Liệu pháp này có một số nguy cơ gây viêm khớp nhiễm khuẩn, teo cơ, xốp xương, tổn thương thêm sụn khớp...
  • Các thuốc điều trị bệnh căn nguyên gây ra viêm khớp ngón tay cái như viêm khớp dạng thấp.
  • Các phương pháp điều trị không dùng thuốc như vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, nẹp cố định ngón cái (vào ban đêm), chườm lạnh, châm cứu: Hỗ trợ giảm đau, phục hồi chức năng vận động, hạn chế hình thành teo cơ, cứng khớp, dính khớp.
  • Các thực phẩm bổ sung hỗ trợ bảo vệ và phục hồi sụn khớp như glucosamine, chondroitin sulphate,...
Viêm khớp ngón tay cái: Những thông tin bạn cần biết 7
Nẹp cố định ngón tay cái

Phương pháp phẫu thuật gồm: Phẫu thuật được chỉ định trên bệnh nhân đau dai dẳng không cải thiện với điều trị bảo tồn kèm theo mất chức năng của khớp. Các phương pháp phẫu thuật gồm:

  • Hợp nhất khớp;
  • Thay khớp mới;
  • Phẫu thuật cắt xương thang (Trapeziectomy);
  • Cắt khớp.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Để cải thiện chức năng của khớp, giảm triệu chứng sưng đau đối với người bệnh viêm khớp ngón tay cái và phòng ngừa viêm khớp trên người khỏe mạnh, cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung đa dạng các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, vitamin D3, omega 3, glucosamine như cá hồi, cá trích, trứng cá, hạt chia, các loại quả hạch (óc chó, mắc ca,hạnh nhân), rau xanh đậm (cải xoăn, rau muống, cần tây), thịt bò, thịt gà, trứng, sụn xương,...
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt và lao động: Sử dụng băng cố định ngón cái, thiết bị hỗ trợ vặn nắp chai lọ, thay tay nắm cửa vặn thành khóa kéo, tránh hoạt động lâu các động tác nắm như bấm điện thoại, lái xe đường xa, đánh máy vi tính,...
  • Về tập luyện: Tập luyện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, phù hợp với độ nặng của viêm khớp.
  • Điều trị nếu có bệnh căn nguyên: Viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp,...
  • Giảm cân nếu có tình trạng thừa cân, béo phì.
Viêm khớp ngón tay cái: Những thông tin bạn cần biết 8
Nguồn thực phẩm bổ sung Canxi
Nguồn tham khảo
  1. Oest MJW, Duraku LS, Andrinopoulou ER, Wouters RM, et al. The prevalence of radiographic thumb base osteoarthritis: a meta-analysis. Osteoarthritis Cartilage. 2021 Jun;29(6):785-792. doi: 10.1016/j.joca.2021.03.004.
  2. https://www.medicalnewstoday.com/articles/323104#about
  3. https://www.healthline.com/health/osteoarthritis/thumb#symptoms