Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hẹp động mạch chi dưới là gì? Những điều cần biết về hẹp động mạch chi dưới

Ngày 20/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hẹp động mạch chi dưới hay còn gọi bệnh động mạch ngoại biên (Peripheral artery disease) chi dưới là tình trạng các mạch máu dẫn máu từ tim đến chân bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tích tụ các mảng bám trong lòng động mạch, được gọi là xơ vữa động mạch. Hẹp động mạch có thể xảy ra ở bất kỳ mạch máu nào, nhưng nó thường gặp ở chân hơn tay.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hẹp động mạch chi dưới là gì?

Hẹp động mạch chi dưới (còn gọi là bệnh động mạch ngoại biên chi dưới) là một tình trạng phổ biến trong đó các động mạch bị thu hẹp làm giảm lưu lượng máu đến chân.

Trong bệnh hẹp động mạch chi dưới, chân không nhận đủ lượng máu từ tim để theo kịp nhu cầu của cơ thể. Điều này có thể gây đau chân khi đi lại và các triệu chứng khác.

Hẹp động mạch chi dưới thường là dấu hiệu của sự tích tụ mảng bám (mỡ) trong lòng động mạch (xơ vữa động mạch). Xơ vữa động mạch gây ra tình trạng thu hẹp các động mạch có thể làm giảm lưu lượng máu đến chân.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hẹp động mạch chi dưới

Nhiều người mắc bệnh hẹp động mạch chi dưới có triệu chứng nhẹ hoặc không có. Một số người bị đau chân khi đi lại (đau cách hồi).

Các triệu chứng đau cách hồi bao gồm đau cơ hoặc chuột rút ở chân (thường là bắp chân) khởi phát khi đi bộ và hết khi nghỉ ngơi. Mức độ cơn đau có thể từ nhẹ đến nặng. Đau chân nghiêm trọng có thể khiến bạn khó đi lại hoặc thực hiện các hoạt động thể chất khác.

Các triệu chứng hẹp động mạch chi dưới khác có thể bao gồm:

  • Lạnh ở cẳng chân hoặc bàn chân, đặc biệt khi so sánh chân bên này với bên kia;
  • Tê hoặc yếu chân;
  • Bắt không có mạch hoặc mạch yếu ở chân hoặc bàn chân;
  • Đau kiểu chuột rút ở một hoặc cả hai cơ hông, đùi hoặc bắp chân sau một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như đi bộ hoặc leo cầu thang;
  • Màu da thay đổi ở chân;
  • Móng chân phát triển chậm hơn;
  • Các vết loét ở ngón chân, bàn chân hoặc cẳng chân khó lành;
  • Rối loạn cương dương;
  • Rụng lông hoặc mọc lông chậm hơn ở chân.

Nếu bệnh hẹp động mạch chi dưới trở nên nặng hơn, cơn đau có thể xảy ra kể cả khi nghỉ ngơi hoặc khi nằm. Cơn đau có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Thả chân khỏi mép giường hoặc đi bộ có thể giảm đau tạm thời.

Hẹp động mạch chi dưới là gì? Những điều cần biết vể hẹp động mạch chi dưới 4.png
Người bệnh hẹp động mạch chi dưới có thể xuất hiện triệu chứng đau cách hồi ở chân

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh hẹp động mạch chi dưới

Các biến chứng của bệnh hẹp động mạch chi dưới nếu không được điều trị, bao gồm:

  • Thiếu máu cục bộ/hoại tử;
  • Cắt cụt chi;
  • Nhiễm trùng;
  • Loét;
  • Nhồi máu cơ tim;
  • Đột quỵ não;
  • Huyết khối (cục máu đông);
  • Rối loạn cương dương.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn xuất hiện các triệu chứng đau chân, tê hoặc các triệu chứng khác của bệnh hẹpđộng mạch chi dưới được nêu trên.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hẹp động mạch chi dưới

Hẹp động mạch chi dưới thường do sự tích tụ các mảng bám chứa cholesterol trên thành động mạch. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch. Nó làm giảm lưu lượng máu đi qua động mạch.

Xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến các động mạch khắp cơ thể. Khi nó xảy ra ở các động mạch cung cấp máu cho cácchi sẽ gây ra bệnh động mạch ngoại biên.

Các nguyên nhân ít gặp hơn của hẹp động mạch chi dưới, bao gồm:

  • Viêm mạch máu;
  • Chấn thương;
  • Tiếp xúc với tia xạ.
Hẹp động mạch chi dưới là gì? Những điều cần biết vể hẹp động mạch chi dưới 5.png
Xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính gây hẹp động mạch chi dưới

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hẹp động mạch chi dưới?

Bệnh động mạch ngoại biên ảnh hưởng đến hơn 200 triệu người trưởng thành trên toàn thế giới và tỷ lệ mắc tăng lên tới 20% ở những người trên 70 tuổi. Mặc dù bệnh động mạch ngoại biên theo truyền thống được coi là một căn bệnh ảnh hưởng đến nam giới, tỷ lệ mắc bệnh dường như bình đẳng giữa nam và nữ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hẹp động mạch chi dưới

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với hẹp động mạch chi dưới và các biến chứng của nó. Trên thực tế, 80% người mắc bệnh động mạch ngoại biên là những người hiện đang hút thuốc lá hoặc đã từng hút thuốc lá. Sử dụng thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên lên đến 400%.

So với những người không hút thuốc lá cùng độ tuổi, những người hút thuốc lá và mắc bệnh hẹp động mạch chi dưới có nhiều khả năng:

  • Chết vì nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não.
  • Có hiệu quả kém hơn với các phương pháp phẫu thuật bắc cầu trên chân của họ.
  • Bị cắt cụt chi.

Bất kể giới tính của bạn là gì, bạn đều có nguy cơ mắc hẹp động mạch chi dưới khi có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ sau:

  • Sử dụng các sản phẩm thuốc lá (yếu tố nguy cơ mạnh nhất);
  • Bệnh đái tháo đường;
  • Từ 50 tuổi trở lên;
  • Là người Mỹ gốc Phi;
  • Có tiền căn bản thân hoặc gia đình mắc bệnh tim mạch;
  • Bệnh tăng huyết áp;
  • Rối loạn lipid máu;
  • Bị béo bụng;
  • Rối loạn đông máu;
  • Bệnh thận (vừa là yếu tố nguy cơ vừa là hậu quả của bệnh động mạch ngoại biên).

Mặc dù hẹp động mạch chi dưới là một tình trạng khác với bệnh mạch vành nhưng cả hai đều có mối liên quan với nhau. Những người mắc bệnh này có thể mắc cả bệnh kia. Người bị hẹp động mạch chi dưới có nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ não hoặc cơn thoáng thiếu máu não (TIA) so với người không mắc bệnh.

Không có gì ngạc nhiên khi hai căn bệnh này cũng có chung một số yếu tố nguy cơ. Điều này là do các yếu tố nguy cơ này gây ra những thay đổi tương tự ở các động mạch ngoại biên giống như các động mạch ở tim.

Hẹp động mạch chi dưới là gì? Những điều cần biết vể hẹp động mạch chi dưới 6.png
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh hẹp động mạch chi dưới

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm hẹp động mạch chi dưới

Nếu bạn có các triệu chứng của hẹp động mạch chi dưới, bác sĩ có thể thực hiện đo chỉ số cổ chân cánh tay (Ankle Brachial Index), đây là một phương pháp không xâm lấn để đo huyết áp ở cổ chân và so sánh với huyết áp ở cánh tay khi nghỉ ngơi và sau khi vận động. Bác sĩ cũng có thể đề nghị các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp cộng hưởng từ mạch máu và chụp cắt lớp vi tính mạch máu.

Điều trị hẹp động mạch chi dưới

Bác sĩ có thể kê toa aspirin hoặc các loại thuốc chống kết tập tiểu cầu tương tự khác để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng do hẹp động mạch chi dưới và bệnh xơ vữa động mạch liên quan. Bạn cũng có thể cần dùng thuốc để giảm mỡ máu.

Nếu bạn đang hút thuốc lá, hãy bỏ nó. Nói chuyện với bác sĩ về những cách giúp bạn cai thuốc lá.

Bạn có thể cần phẫu thuật để bắc cầu các động mạch bị tắc.

Một chương trình tập thể dục có giám sát được khuyến cáo cho những người bị đau do lưu lượng máu đến cơ quá ít để cải thiện tình trạng chức năng, chất lượng cuộc sống và giảm các triệu chứng ở chân.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của hẹp động mạch chi dưới

Điều trị hẹp động mạch chi dưới bắt đầu bằng việc thay đổi lối sống để giảm các yếu tố nguy cơ. Những thay đổi bạn có thể thực hiện để quản lý tình trạng của mình bao gồm:

Chế độ sinh hoạt:

  • Ngừng hút thuốc lá;
  • Kiểm soát bệnh đái tháo đường;
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Bắt đầu chương trình tập luyện thể dục;
  • Kiểm soát huyết áp và mỡ máu;
  • Tránh căng thẳng quá mức. Tập thể dục, yoga và thiền có thể giúp ích cho việc này;
  • Chăm sóc bàn chân tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm nguy cơ biến chứng.

Chế độ dinh dưỡng:

Ăn một chế độ ăn uống cân bằng có nhiều chất xơ và ít cholesterol, chất béo và natri. Hạn chế chất béo ở mức 30% tổng lượng calo hàng ngày của bạn. Chất béo bão hòa không nên chiếm quá 7% tổng lượng calo của bạn. Tránh chất béo chuyển hóa.

Phòng ngừa hẹp động mạch chi dưới

Cách tốt nhất để ngăn ngừa đau chân do bệnh động mạch ngoại biên là duy trì lối sống lành mạnh. Điều đó có nghĩa là:

  • Ngừng hút thuốc lá;
  • Kiểm soát đường huyết;
  • Ăn thực phẩm ít chất béo bão hòa;
  • Tập thể dục thường xuyên, nhưng hãy thảo luận với bác sĩ của bạn về loại hình và cường độ tập luyện tốt nhất cho bạn;
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Quản lý huyết áp và mỡ máu.
Hẹp động mạch chi dưới là gì? Những điều cần biết vể hẹp động mạch chi dưới 7.png
Tập thể dục thường xuyên để phòng ngừa hẹp động mạch chi dưới

Các câu hỏi thường gặp về hẹp động mạch chi dưới

Hẹp động mạch chi dưới ảnh hưởng đến cơ thể tôi như thế nào?

Triệu chứng điển hình của hẹp động mạch chi dưới là cơn đau cách hồi, một thuật ngữ y học chỉ cơn đau ở chân bắt đầu khi đi bộ hoặc tập thể dục và biến mất khi nghỉ ngơi. Cơn đau xảy ra do cơ chân của bạn không được nhận đủ oxy.

Sự nguy hiểm của bệnh hẹp động mạch chi dưới còn vượt xa cả những khó khăn khi đi lại. Bệnh làm tăng nguy cơ bị vết loét không lành ở chân hoặc bàn chân của bạn. Trong trường hợp hẹp động mạch chi dưới nghiêm trọng, những vết loét này có thể biến thành vùng mô chết (hoại tử) khiến bạn cần phải cắt bỏ bàn chân hoặc cẳng chân.

Các giai đoạn của hẹp động mạch chi dưới là gì?

Phân độ giai đoạn bệnh hẹp động mạch chi dưới trên lâm sàng có thể theo Fontaine hoặc Rutherford. Các giai đoạn theo Fontaine là:

  • Giai đoạn I: Không có triệu chứng.
  • Giai đoạn IIa: Đau cách hồi khi đi được trên 150m.
  • Giai đoạn IIb: Đau cách hồi khi đi được dưới 150m.
  • Giai đoạn III: Đau ở chân khi nghỉ ngơi.
  • Giai đoạn IV: Loét hoặc hoại tử.

Mất bao lâu để hồi phục sau khi điều trị hẹp động mạch chi dưới?

Tùy thuộc vào phương pháp mà bạn được điều trị, bạn có thể phải ở lại bệnh viện điều trị một hoặc nhiều ngày. Bạn có thể chỉ cần vài ngày để hồi phục sau phẫu thuật cắt bỏ mảng xơ vữa. Nhưng bạn sẽ cần một tuần sau khi nong mạch. Có thể mất sáu đến tám tuần để hồi phục hoàn toàn sau phẫu thuật bắc cầu động mạch ngoại biên.

Làm thế nào để tôi tự chăm sóc bản thân mình?

Điều quan trọng là phải chăm sóc tốt cho đôi chân của bạn để ngăn ngừa những vết loét không lành. Chăm sóc bàn chân cho người có hẹp động. mạch chi dưới bao gồm:

  • Mang giày vừa vặn, thoải mái.
  • Kiểm tra chân và bàn chân của bạn hàng ngày xem có vết phồng rộp, vết cắt, vết nứt, vết trầy xước hoặc vết loét không. Ngoài ra, hãy kiểm tra vết đỏ, độ ấm tăng lên, móng chân mọc ngược, vết chai.
  • Cần phải điều trị kể cả vấn đề nhỏ ở bàn chân.
  • Giữ cho bàn chân của bạn sạch sẽ và được dưỡng ẩm tốt (không làm ẩm vùng có vết loét hở).
  • Cắt móng chân sau khi tắm, khi chúng còn mềm. Cắt chúng thẳng và làm phẳng chúng bằng dũa móng tay.

Tôi nên hỏi bác sĩ những câu hỏi gì?

Bạn có thể hỏi bác sĩ của mình:

  • Tôi có cần dùng thuốc để giảm nguy cơ mắc bệnh hẹp động mạch chi dưới không?
  • Tôi nên đi bộ bao xa khi bắt đầu chương trình tập luyện?
  • Bệnh hẹp động mạch chi dưới của tôi có cần phẫu thuật không?
Nguồn tham khảo
  1. Peripheral Arterial Disease: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430745/
  2. Peripheral artery disease (PAD): https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/peripheral-artery-disease/symptoms-causes/syc-20350557
  3. Peripheral Arterial Disease (PAD): https://www.cdc.gov/heartdisease/PAD.htm
  4. Peripheral arterial disease (PAD): https://www.nhs.uk/conditions/peripheral-arterial-disease-pad/
  5. Peripheral Artery Disease: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17357-peripheral-artery-disease-pad

Các bệnh liên quan