Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thoát vị não là gì? Những vấn đề cần biết về thoát vị não

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thoát vị não là sự dịch chuyển của mô não từ không gian này sang không gian khác trong hộp sọ thông qua các nếp gấp và lỗ hở khác nhau. Đây là một tình trạng cần được chẩn đoán sớm và xử lý kịp thời để ngăn chặn các tổn thương nghiêm trọng không thể hồi phục có thể dẫn đến ngừng hô hấp và tử vong. Bài viết sau cung cấp một số thông tin cơ bản về tình trạng này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Thoát vị não là gì?

Hộp sọ là một khoảng không gian có thể tích không đổi chứa máu, dịch não tủy và nhu mô não. Khi thể tích một trong ba thành phần tăng lên sẽ có sự bù trừ bằng giảm các thành phần còn lại. Khi thể tích gia tăng vượt quá khả năng bù trừ các thành phần còn lại thì nhu mô não bị giảm tưới máu và di chuyển từ ngăn này sang ngăn khác.

Thoát vị não (Brain herniation) xảy ra khi mô não, dịch não tủy (CSF) và máu di chuyển khỏi vị trí thông thường bên trong hộp sọ và có sự gia tăng áp lực bên trong hộp sọ. Nó có thể xảy ra do chấn thương đầu, khối u não hoặc đột quỵ. Có 3 nhóm thoát vị não khác nhau, tùy thuộc vào phần não bị ảnh hưởng:

Thoát vị não dưới liềm

Đây là một trong những loại thoát vị não phổ biến nhất. Các mô não di chuyển bên dưới liềm não, các mô não sẽ bị đẩy sang một bên.

Thoát vị xuyên lều tiểu não

Tiểu não và thân não sẽ di chuyển lên trên thông qua lều tiểu não hoặc thùy thái dương trong sẽ dịch chuyển xuống vào hố sọ sau.

Thoát vị hạnh nhân tiểu não

Các hạnh nhân tiểu não di chuyển thông qua lỗ chẩm lớn xuống phía dưới hộp sọ (một lỗ ở đáy hộp sọ nơi tủy sống kết nối với não). Thân não hạ thấp vì thế các trung tâm hô hấp, tim mạch bị đè ép vào nền sọ có thể gây ngưng tim, ngưng thở.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của thoát vị não

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng thoát vị và phần não bị chèn ép mà người mắc sẽ có vấn đề về một hoặc nhiều phản xạ hoặc chức năng thần kinh liên quan đến vùng não bị tổn thương xuất hiện. Các dấu hiệu hay triệu chứng bất thường gợi ý tình trạng thoát vị não có thể bao gồm:

  • Huyết áp cao;
  • Mạch không đều hoặc chậm;
  • Đau đầu dữ dội;
  • Nôn vọt;
  • Ngừng tim;
  • Ngừng thở;
  • Mất ý thức, hôn mê;
  • Mất tất cả các phản xạ của thân não (chớp mắt, nôn ọe và đồng tử phản ứng với ánh sáng);
  • Đồng tử giãn và không cử động ở một hoặc cả hai mắt.
Thoát vị não là gì? Những vấn đề cần biết về Thoát vị não 1.jpg
Đau đầu dữ dội sau chấn thương là một biểu hiện của thoát vị não

Tác động của thoát vị não đối với sức khỏe

Thoát vị não thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sống sót, các chức năng thần kinh trong não bộ ở người mắc phải.

Biến chứng có thể gặp khi mắc thoát vị não

Thoát vị não là một tình trạng đe dọa tính mạng có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra còn có một số biến chứng sau:

  • Hôn mê;
  • Chết não;
  • Ngừng hô hấp - tuần hoàn;
  • Tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ bệnh lý sọ não nào, bạn nên điều trị ngay để giảm nguy cơ mắc tình trạng thoát vị não.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến thoát vị não

Thoát vị não xảy ra khi có thứ gì đó bên trong hộp sọ tạo ra áp lực làm đẩy các mô não di chuyển qua các lỗ hay các màng kém bền trong não. Các nhóm nguyên nhân chính gây tình trạng này là khối choán chỗ trong hộp sọ, phù não, tắc đường lưu thông của dịch não tủy hay sự gia tăng áp lực nội sọ sau phẫu thuật.

Khối choán chỗ trong hộp sọ có thể là khối u não di căn, khối u não nguyên phát, áp xe, tụ máu do xuất huyết, chấn thương,...

Thoát vị não là gì? Những vấn đề cần biết về Thoát vị não 2.png
U não là một bệnh lý làm tăng thể tích nội sọ do có thêm một khối choán chỗ trong hộp sọ

Các nguyên nhân gây phù não: Viêm não - màng não, bệnh lý chuyển hóa (như bệnh xơ gan, bệnh thận mạn), thiếu oxy não kéo dài, động kinh,...

Thoát vị não cũng có thể do các yếu tố khác dẫn đến tăng áp lực bên trong hộp sọ như:

  • Tích tụ mủ và các chất khác trong não thường là do nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm (áp xe não).
  • Sự tích tụ chất lỏng bên trong hộp sọ dẫn đến phù não (não úng thủy).
  • Khiếm khuyết trong cấu trúc não (chẳng hạn như dị tật Arnold-Chiari).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải thoát vị não?

Bất kỳ cá nhân nào bất kể giới tính, độ tuổi đều có nguy cơ thoát vị não.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải thoát vị não

Các tình trạng tăng thể tích trong hộp sọ như xuất huyết, u não, chấn thương,... đều có nguy cơ tăng áp lực nội sọ gây thoát vị não.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm thoát vị não

Để chẩn đoán tình trạng thoát vị não, các bác sĩ cần khai thác tiền căn, triệu chứng, các bệnh lý kèm theo,... Trong một số trường hợp cần thực hiện một số cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán bao gồm: CT scan sọ não, MRI sọ não.

Trên hình ảnh CT hay MRI sọ não có thể nhìn thấy cấu trúc não bị chèn ép, lệch khỏi vị trí bình thường thoát qua các lỗ hộp sọ (lỗ lớn). Một số trường hợp có thể thấy nguyên nhân gây thoát vị như u, mảng xuất huyết,...

Thoát vị não là gì? Những vấn đề cần biết về Thoát vị não 3.jpg
CT scan sọ não cho phép nhìn thấy rõ tình trạng thoát vị não

Điều trị thoát vị não

Thoát vị não là một cấp cứu trong y khoa. Mục tiêu của việc điều trị là cứu sống người bệnh. Để giúp đẩy lùi hoặc ngăn ngừa tình trạng thoát vị não, các bác sĩ sẽ điều trị tình trạng phù não và sự gia tăng áp lực trong não. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

Ổn định các chức năng sống (ABC - đường thở, hô hấp, tuần hoàn): Các chức năng sống cần được đánh giá, xử lý ngay và duy trì ổn định.

Nhập viện vào khoa hồi sức tích cực (ICU): Bệnh nhân được đưa vào ICU để có thể theo dõi sát tình trạng hô hấp, huyết áp và thần kinh.

Điều trị nguyên nhân (nếu có thể): Điều trị nguyên nhân gây thoát vị não (nếu có thể) giúp hạn chế diễn tiến bệnh. Loại bỏ khối u hoặc cục máu đông nếu chúng làm tăng áp lực bên trong hộp sọ và gây thoát vị.

Giảm phù não: Các thuốc làm giảm phù não như mannitol, nước muối hoặc thuốc lợi tiểu khác cũng được sử dụng.

Thuốc an thần: Các trường hợp hoạt động cơ quá mức (ví dụ do mê sảng, co giật, đau,…) có thể làm tăng áp lực nội sọ, vì thế có thể cần dùng thuốc an thần để kiểm soát các cơn kích động.

Thuốc hạ áp: Thuốc hạ huyết áp theo đường toàn thân chỉ cần thiết khi tăng huyết áp nặng (>180/95 mm Hg). Chú ý rằng mức huyết áp cần phải đủ để duy trì áp lực tưới máu não ngay cả khi áp lực nội sọ tăng.

Tăng thông khí: Đặt nội khí quản và tăng nhịp thở để giảm nồng độ carbon dioxide (CO2) trong máu gây co mạch máu nên làm giảm lưu lượng máu não.

Mở sọ giải áp: Phẫu thuật mở sọ có thể được thực hiện để tạo khoảng không cho não bị phù nề. Thủ thuật này có thể ngăn ngừa tử vong nhưng không cải thiện về mặt chức năng chung và có thể dẫn đến một số biến chứng như não úng thủy ở một số bệnh nhân.

Thoát vị não là gì? Những vấn đề cần biết về Thoát vị não 4.jpg
Mở sọ giải áp là một phương pháp hiệu quả giúp hạn chế sự gia tăng tổn thương nhu mô não

Rút dịch não tủy: Khi áp lực nội sọ tăng, dịch não tủy có thể được loại bỏ từ từ với tốc độ giảm từ 1 đến 2 mL/phút để giúp hạ thấp áp lực nội sọ.

Hạ thân nhiệt: Khi áp lực nội sọ tăng lên sau chấn thương đầu, ngừng tim,... việc giảm thân nhiệt xuống 32 -35°C giúp giảm áp lực nội sọ xuống < 20mmHg. Tuy nhiên một số bằng chứng cho thấy phương pháp điều trị này có thể không làm giảm áp lực nội sọ nên còn gây nhiều tranh cãi.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thoát vị não

Nên đến khám ngay các các cơ sở y tế uy tín gần nhất nơi bạn ở ngay khi bạn có bất kỳ biểu hiện bất thường nào về mặt sức khỏe, đặc biệt là khi có rối loạn ý thức, đau đầu dữ dội, sau tai nạn có va đập vùng đầu,... Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh lý khác có thể diễn tiến đến thoát vị não (như u não, u di căn não,...) từ đó chúng ta có biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm, điều trị sớm,... dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Phòng ngừa thoát vị não

Thoát vị não thường là kết quả của các bệnh lý không được điều trị hoặc chấn thương đầu nghiêm trọng. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời tình trạng tăng áp lực nội sọ và các rối loạn liên quan có thể làm giảm nguy cơ thoát vị não. Tuy nhiên, thật khó để ngăn chặn những tình huống này vì chúng thường xuất hiện vô tình.

Các câu hỏi thường gặp về thoát vị não

Tiên lượng của tình trạng thoát vị não như thế nào?

Một số yếu tố nhất định có thể ảnh hưởng đến tiên lượng của người mắc chứng thoát vị não như: Tuổi, mức độ rối loạn ý thức, loại thoát vị, nhiều chấn thương, những triệu chứng hiện tại, vị trí xuất huyết (nếu có), chỉ số huyết áp, mức độ áp lực trong hộp sọ,… 

Việc chẩn đoán ngay lập tức tình trạng thoát vị não và điều trị kịp thời mọi chấn thương nguyên phát và tình trạng thứ phát, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc nhiễm trùng,… là điều cần thiết để cải thiện tiên lượng bệnh cũng như tối đa hóa khả năng phục hồi của người mắc.

Chăm sóc người thoát vị não thế nào?

Đa số các trường hợp thoát vị não thường là một bệnh cảnh nặng và thường nằm ICU hoặc phòng chăm sóc đặc biệt. Do đó, quá trình chăm sóc được thực hiện hoàn toàn bởi điều dưỡng. Một số vấn đề cần lưu ý có thể kể đến là theo dõi tri giác, sinh hiệu, phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu, phòng ngừa loét tỳ đè,...

Thoát vị não ăn uống thế nào?

Ăn uống tùy theo khả năng nuốt của người mắc bệnh. Thường tình trạng thoát vị não xảy ra khi người bệnh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các bệnh lý khác. Vì thế, thông thường người mắc thoát vị não thường được cho ăn qua ống thông mũi dạ dày với thức ăn loãng. Bạn có thể yên tâm rằng các bác sĩ sẽ chọn chế độ ăn phù hợp, đầy đủ chất, đáp ứng đủ nhu cầu của người bệnh.

Thoát vị não có thể phòng ngừa được không?

Thoát vị não không phòng ngừa được, việc chẩn đoán và điều trị sớm có giá trị tiên lượng tốt, giúp hạn chế các biến chứng nghiêm trọng, lâu dài khác của thoát vị não.

Chi phí điều trị thoát vị não thế nào?

Chi phí điều trị tùy vào tình trạng bệnh cũng như phương pháp được lựa chọn để cải thiện tình trạng thoát vị não. Bạn nên hỏi rõ bác sĩ điều trị để có được thông tin cụ thể về bệnh, đồng thời có kế hoạch điều trị thích hợp.

Nguồn tham khảo
  1. Brain herniation: https://medlineplus.gov/ency/article/001421.htm
  2. Brain Herniation: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK542246/
  3. Understanding Brain Herniation: https://www.healthline.com/health/brain-herniation
  4. What is brain herniation, and how do doctors treat it?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/brain-herniation
  5. What Is a Cerebral Herniation?: https://www.webmd.com/brain/what-is-cerebral-herniation

Các bệnh liên quan

  1. Loạn cảm họng

  2. Mất trí nhớ tạm thời

  3. Vỡ xương hốc mắt

  4. Viêm lưỡi gà

  5. U nang màng nhện não

  6. Giác mạc hình chóp

  7. Bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc

  8. Dị dạng bán cầu não

  9. Bướu huyết thanh

  10. Não úng thủy