Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Xẹp đốt sống là gì? Những vấn đề cần biết về xẹp đốt sống

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Xẹp đốt sống cột sống có thể xảy ra với bất kỳ ai và cần được điều trị ngay để giảm đau và tránh các biến chứng nghiêm trọng. Xẹp đốt sống do nhiều nguyên nhân gây ra như loãng xương, thoái hóa, u, chấn thương,... Xẹp đốt sống thường xảy ra ở người lớn tuổi và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người mắc. Cùng tìm hiểu một số thông tin cơ bản về triệu chứng xẹp đốt sống qua bài viết này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Xẹp đốt sống là gì?

Xẹp đốt sống là một tình trạng nghiêm trọng có liên quan chặt chẽ đến tuổi tác. Xẹp đốt sống có tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống nói chung và tuổi thọ của bệnh nhân. Xẹp đốt sống ở người lớn tuổi xảy ra khá thường xuyên và thường liên quan đến chứng loãng xương. Hậu quả là người bệnh có thể bị đau lưng trầm trọng và giảm chất lượng cuộc sống, hạn chế các hoạt động sinh hoạt hằng ngày,...

Nguyên nhân gây xẹp đốt sống rất đa dạng bao gồm cả tình trạng lành tính và ác tính. Hầu hết các trường hợp xẹp đốt sống có thể kèm gãy xương và hầu hết đều có nguồn gốc lành tính (do chấn thương nhẹ ở bệnh nhân loãng xương hoặc nhuyễn xương).

Tổ chức Loãng xương Quốc tế ước tính rằng ở độ tuổi 65 thì có khoảng 1% phụ nữ và 0,5% nam giới sẽ bị hội chứng chèn ép rễ cấp tính và gãy xẹp xương cột sống do loãng xương. Chẩn đoán sớm và điều trị thích hợp sẽ làm giảm tỷ lệ xảy ra gãy xương tái phát và các di chứng khác. Ít gặp hơn là xẹp xương cột sống do bệnh lý ung thư căn xương. Cột sống ngực và cột sống thắt lưng là vị trí di căn xương thường gặp nhất. Điều cần thiết là phải phân biệt xẹp đốt sống lành tính với xẹp đốt sống ác tính vì phương pháp điều trị và tiên lượng rất khác nhau tùy thuộc nguyên nhân gây nên triệu chứng xẹp đốt sống.

Triệu chứng

Những triệu chứng của xẹp đốt sống

Một bệnh nhân bị xẹp đốt sống có thể không có triệu chứng nào đến lúc tình trạng xẹp cột sống đã rất nặng nề. Xẹp đốt sống có thể biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Gù lưng;
  • Giảm chiều cao;
  • Đau lưng lan chân;
  • Đau tại vùng cột sống lưng;
  • Rối loạn cảm giác từ lưng lan xuống tay, chân;
  • Giảm khả năng vận động vùng cột sống thắt lưng.

Hầu hết các đốt sống bị xẹp xảy ra ở điểm nối giữa phần ngực dưới và phần thắt lưng trên được gọi là điểm nối giữa ngực và thắt lưng gây ra đau lưng tại vùng này. Nếu một người bệnh bị xẹp đốt sống có chèn ép rễ, dây thần kinh có thể có triệu chứng đau, tê lan xuống chân thậm chí yếu và cũng có thể gặp khó khăn khi đi tiểu hoặc đại tiện.

Xẹp đốt sống là gì? Những vấn đề cần biết về xẹp đốt sống 1
Gù lưng và giảm chiều cao ở người già là dấu hiệu của xẹp đốt sống

Tác động của xẹp đốt sống đối với sức khỏe

Xẹp đốt sống có thể có triệu chứng hoặc không có triệu chứng nào. Trong một số trường hợp xẹp đốt sống gây chèn ép rễ và/hoặc tổn thương các cấu trúc xung quanh gây khó chịu, mất ngủ, hạn chế trong sinh hoạt,...

Biến chứng có thể gặp xẹp đốt sống

Đôi khi xẹp đốt sống chẩn đoán muộn có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng do không được điều trị kịp thời như gãy xương, mất khả năng vận động hoàn toàn,... Gãy xương cột sống do loãng xương thường xảy ra khi làm một việc gì đó gây ra chấn thương vùng cột sống mặc dù chấn thương đó tương đối nhỏ cho cột sống, chẳng hạn như mở cửa sổ, ngã nhẹ hoặc vặn người,... Các trường hợp loãng xương nặng thậm chí có thể dẫn đến gãy xương đốt sống khi thực hiện các hoạt động thường ngày mà bình thường không gây ra bất kỳ chấn thương nào chẳng hạn như hắt hơi, ho hoặc lật người trên giường.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào kể trên hay bất kỳ triệu chứng mới xuất hiện ở vùng lưng, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây xẹp đốt sống

Một số nguyên nhân gây xẹp đốt sống là:

Loãng xương

Thông thường loãng xương là một tình trạng lành tính cho thấy sự giảm mật độ xương nói chung, và có xu hướng gây xẹp đốt sống ở phần thấp của cột sống ngực. Xẹp đốt sống do loãng xương là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi (trên 60 tuổi) đặc biệt là phụ nữ. Nguyên nhân chính là do xương đốt sống mỏng, xốp, giòn do loãng xương khiến chúng dễ xẹp lún bởi trọng lượng của cơ thể tác động lên vùng cột sống. Nguyên nhân gây loãng xương có nhiều yếu tố bao gồm tuổi tác, giới tính, dinh dưỡng, sinh hoạt hàng ngày, bệnh mãn tính, thiếu canxi và vitamin D.

Xẹp đốt sống là gì? Những vấn đề cần biết về xẹp đốt sống 2
Loãng xương là nguyên nhân phổ biến của triệu chứng xẹp đốt sống

Thoái hóa

Một thủ phạm khá phổ biến gây xẹp đốt sống ở cột sống là thoái hóa cột sống. Tình trạng thoái hóa khớp rất phổ biến ở người cao tuổi và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của họ. Cụ thể, thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa cột sống nói riêng làm xương yếu đi do sự tổn thương xương trong quá trình viêm. Điều này có nghĩa là xương cột sống yếu hơn và dễ bị gãy hơn khiến các xương đốt sống của cột sống dễ bị xẹp hay gãy khi té ngã hoặc chấn thương trong các hoạt động hàng ngày. Xẹp đốt sống cột cũng có thể do những nguyên nhân khác như chấn thương, u,…

Chấn thương

Xẹp đốt sống muộn sau chấn thương còn được gọi là bệnh Kummell. Bệnh này được phát hiện khi cột sống đã gù nhiều do xẹp đốt sống, đau tại chỗ và đau lan theo rễ thần kinh khi có tổn thương thần kinh kèm theo. Bệnh Kummell (KD) được xác định do sự hoại tử vô mạch của thân đốt sống xảy ra chậm sau chấn thương nhẹ vùng cột sống. Những bệnh nhân này cần được điều trị tích cực khi phát hiện bệnh vì khi chứng gù cột sống đã ở mức độ nặng thì bệnh mới được phát hiện.

U

Một số loại ung thư cũng có thể ảnh hưởng đến các đốt sống ở cột sống đến mức có thể làm xẹp hay gãy xương. Không có gì lạ khi ung thư di căn bắt đầu ở một bộ phận khác của cơ thể và lan đến xương ở cột sống. Ung thư hoặc đa u tủy là những nguyên nhân cần được nghĩ đến ở những bệnh nhân có kèm tăng canxi máu, thiếu máu, sụt cân không chủ ý hoặc protein niệu kéo dài mà không rõ nguyên nhân

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải xẹp đốt sống?

Loãng xương cho đến nay là nguyên nhân phổ biến nhất gây gãy xẹp xương đốt sống.Bệnh thường hiện diện ở phụ nữ hay nam giới trên 50 tuổi.

Thoái hóa cột sống thường xuất hiện ở những người lao động nặng, hay khuân vác đồ đạc,...

Chấn thương thường xảy ra ở những đối tượng thường xuyên chơi các môn thể thao đối kháng, mạnh bạo, hay các nghề nghiệp buộc phải làm việc trên cao như thợ sơn, thợ điện,...

U thường xảy ra ở những người có người thân trong gia đình mắc bệnh này.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải xẹp đốt sống

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc xẹp đốt sống bao gồm:

  • Phụ nữ mãn kinh: Phụ nữ thời kỳ mãn kinh sẽ có tình trạng loãng xương tiến triển nhanh hơn nên dễ bị xẹp đốt sống hơn.
  • Người có lối sống tĩnh tại: Người ít chơi thể thao, ít vận động,… thường có xương kém chắc khỏe.
  • Người sử dụng các chất kích thích: Rượu bia, cà phê, thuốc lá,…
  • Người bị các bệnh lý: Các bệnh lý rối loạn nội tiết, bệnh lý xương khớp mạn tính như viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp,… cũng có nguy cơ bị loãng xương dẫn đến xẹp đốt sống.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán xẹp đốt sống

Để chẩn đoán xẹp đốt sống và tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này, các bác sĩ sẽ khai thác thông tin về bệnh như sau:

Bệnh sử và các triệu chứng lâm sàng

  • Đau dọc cột sống.
  • Gù vẹo cột sống.
  • Đau, tê lưng lan chân.
  • Triệu chứng mệt mỏi, chán ăn,...
  • Hạn chế vận động vùng cột sống.

Hình ảnh học

  • Xquang: Hầu hết các đốt sống bị xẹp được chẩn đoán nhờ chụp X-quang cột sống mặc dù một số hình ảnh X-quang có thể không hiển thị rõ ràng. Trong những tình huống đó, chụp CT scan hoặc MRI cột sống có thể hữu ích.
  • Đo mật độ xương: Một tình trạng khác cũng cần được chẩn đoán là loãng xương. Loãng xương có thể được chẩn đoán bằng cách kiểm tra mật độ khoáng của xương. Đây được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh loãng xương. Loãng xương được chẩn đoán khi chỉ số T- Score ≤ -2,5.
  • CT scan: Sử dụng CT giúp phát hiện sự hiện diện bất thường của các tổ chức khác ngoài xương (ví dụ khối mô mềm bất thường ngoài màng cứng hoặc cạnh cột sống giúp gợi ý nguyên nhân xẹp đốt sống là do ung thư ác tính).
  • MRI: Có thể thấy rõ tổn thương vùng tủy sống, rễ thần kinh và các mô mềm vùng xung quanh,…
Xẹp đốt sống là gì? Những vấn đề cần biết về xẹp đốt sống 3
Các cận lâm sàng hình ảnh học giúp xác định nguyên nhân của xẹp đốt sống

Phương pháp điều trị xẹp đốt sống hiệu quả

Điều trị xẹp đốt sống trước tiên cần có chẩn đoán chính xác. Vì một số triệu chứng của tình trạng xẹp đốt sống trùng lặp với các tình trạng khác chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống,… điều quan trọng là chẩn đoán các triệu chứng xuất hiện được gây ra bởi tình trạng xẹp đốt sống. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương và tình hình cụ thể của người mắc bệnh mà bác sĩ có những phương pháp điều trị khác nhau.

Đối với những bệnh nhân không bị ảnh hưởng nặng và không có tổn thương đến thần kinh, bác sĩ sẽ bắt đầu dùng thuốc giảm đau, vật lý trị liệu và nẹp lưng. Hầu hết bệnh nhân sẽ thấy tình trạng của họ được cải thiện và có thể trở lại sinh hoạt bình thường trong vòng khoảng 3 tháng.

Nếu đốt sống bị xẹp nghiêm trọng và ảnh hưởng đến các cấu trúc xung quanh cột sống, người mắc bệnh có thể cần phải thực hiện thủ thuật phẫu thuật cột sống (phẫu thuật tạo hình đốt sống hoặc tạo hình kyphoplasty).

Xẹp đốt sống là gì? Những vấn đề cần biết về xẹp đốt sống 4
Bơm xi măng sinh học giúp tái tạo hình dạng ban đầu cho đốt sống bị xẹp

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của xẹp đốt sống

Chế độ sinh hoạt

  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn hằng ngày khi còn trẻ giúp xương chắc khỏe tránh loãng xương.
  • Tránh té ngã giúp hạn chế gãy xẹp đốt sống.
  • Tầm soát các bệnh lý vùng cột sống khi có triệu chứng.
  • Điều trị sớm khi mắc các bệnh lý vùng cột sống tránh tổn thương nặng thêm.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết của cơ thể.
  • Chế độ ăn đa dạng, tăng cường các thực phẩm giàu canxi từ thịt cá, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa,...

Phương pháp phòng ngừa xẹp đốt sống

Tăng cường các hoạt động thể dục thể thao kết hợp chế độ ăn da dạng chất dinh dưỡng giúp xương chắc khỏe hạn chế xuất hiện xẹp đốt sống.

Nguồn tham khảo
  1. Osteoporosis: The Primary Cause of Collapsed Vertebrae: https://www.spine-health.com/conditions/osteoporosis/osteoporosis-primary-cause-collapsed-vertebrae
  2. Vertebral Body Collapse: https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-1-4471-0911-2_28
  3. Collapsed Spinal Vertebrae – Causes & Treatment Options: https://www.inspiredspine.com/news-blog/2016/march/collapsed-spinal-vertebrae-causes-treatment-opti
  4. Collapsed Vertebrae from Osteoporosis: https://www.bangkokinternationalhospital.com/health-articles/disease-treatment/collapsed-spine-from-osteoporosis
  5. Vertebral Collapse Caused by Bone Metastasis: https://www.jto.org/action/showPdf?pii=S1556-0864%2815%2933403-1

Các bệnh liên quan