Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm gân tứ đầu đùi là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa viêm gân tứ đầu đùi

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm gân tứ đầu đùi là tình trạng gân cơ tứ đầu đùi bị viêm. Đây có thể là kết quả của một quá trình vận động, căng thẳng lặp đi lặp lại hoặc chấn thương ở vùng gối gây nên. Việc điều trị viêm gân tứ đầu đùi có thể bao gồm thuốc giúp giảm đau và các bài tập, vật lý trị liệu. Đôi khi phẫu thuật là cần thiết ở những trường hợp không đáp ứng điều trị nội khoa.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm gân tứ đầu đùi là gì?

Gân cơ tứ đầu đùi là gân gắn cơ tứ đầu đùi vào xương bánh chè ở gối. Nó có tác dụng làm thẳng đầu gối, giúp cho các hoạt động như đi lại, nhảy và leo cầu thang. Viêm gân tứ đầu đùi (Quadriceps tendinitis) hay còn gọi là bệnh lý gân cơ tứ đầu đùi (Quadriceps tendinopathy) là tình trạng gân cơ tứ đầu đùi bị viêm.

Đây thường là kết quả của các chuyển động lặp đi lặp lại như nhảy hoặc quỳ. Việc sử dụng quá mức này dẫn đến những vết rách nhỏ, gây đau và sưng tấy.

Các chấn thương thường ảnh hưởng đến các vận động viên, như vận động viên bóng chày và bóng rổ. Tuy nhiên, bất kỳ ai cũng có thể bị viêm gân tứ đầu đùi. Nguy cơ sẽ tăng lên nếu bạn đột ngột tăng cường hoạt động thể chất.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm gân tứ đầu đùi

Viêm gân tứ đầu đùi gây đau chân ở phần trước đầu gối, ngày phía trên xương bánh chè. Thông thường, cơn đau sẽ âm ỉ và tăng dần theo thời gian. Cơn đau cũng có thể trở nên xấu đi sau khi ngồi quá lâu hoặc nhảy, ngồi xổm và chạy.

Ở một số người, cơn đau có thể biến mất khi hoạt động và sẽ xuất hiện lại khi bạn ngừng cử động. Các triệu chứng khác bên cạnh đau có thể bao gồm:

  • Cứng khớp gối, đặc biệt là và buổi sáng;
  • Sưng khớp;
  • Nhạy cảm đau;
  • Yếu;
  • Giảm phạm vi cử động.

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm gân tứ đầu đùi

Người bệnh bị viêm gân tứ đầu đùi sẽ có nguy cơ bị đứt gân nếu không điều trị. Các biến chứng khác bao gồm:

  • Đau có thể từ nhẹ đến trung bình nặng;
  • Hạn chế hoạt động;
  • Teo cơ tứ đầu đùi từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu trên 20 vận động viên mắc viêm gân cơ tứ đầu đùi, được theo dõi trong vòng 15 năm cho thấy: Các vận động viên này có thang điểm cường độ đau dạng nhìn (VAS) cao hơn đối với đau đầu gối khi ngồi xổm, tăng các hạn chế chức năng và phải nghỉ hưu sớm trong sự nghiệp thể thao vì các vấn đề của đầu gối cao gấp 9 lần.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu gặp chấn thương khi tham gia các hoạt động thể thao hoặc bị đau mặt trước gối với các tính chất như đã nêu ở trên, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp. Nếu đang được điều trị viêm gân tứ đầu đùi, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu triệu chứng đau không thuyên giảm, để bác sĩ có thể đưa ra các chiến lược điều trị mới phù hợp với bạn. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm gân tứ đầu đùi

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm gân tứ đầu đùi là do hoạt động quá mức. Điều này xảy ra khi gân cơ phải liên tục di chuyển, dẫn đến những vết rách nhỏ. Thông thường, cơ thể bạn sẽ cố gắng để chữa lành những vết rách này. Nhưng nếu các động tác cứ tiếp tục lặp lại, vết rách sẽ ngày càng nặng hơn. Các hoạt động lặp đi lặp lại có thể dẫn đến viêm gân tứ đầu đùi bao gồm:

  • Các môn thể thao;
  • Chấn thương, như nhảy trên bề mặt cứng;
  • Tăng hoạt động thể chất đột ngột;
  • Tư thế xấu;
  • Thói quen đi bộ không đúng cách.
Viêm gân tứ đầu đùi là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa viêm gân tứ đầu đùi 4
Các môn thể thao như bóng chuyền, bóng rổ làm tăng nguy cơ mắc viêm gân tứ đầu đùi

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc viêm gân tứ đầu đùi?

Bất kỳ ai có hoạt động thể chất đều có nguy cơ viêm gân tứ đầu đùi. Mặc dù chấn thương thông thường sẽ ảnh hưởng đến các vận động viên. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc sẽ khác nhau ở các môn thể thao. Trong đó, tỷ lệ mắc cao nhất là ở các môn thể thao liên quan đến tác động cao lên cơ duỗi gối: Bóng chuyền (44,6%), bóng rổ (31,9%), và không có trường hợp viêm gân tứ đầu đùi nào ở môn đạp xe. Một nghiên cứu cắt ngang của tác giả Zwerver cho thấy rằng tỷ lệ mắc cao hơn ở vận động viên là nam giới, trẻ tuổi, chiều cao và cân nặng cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm gân tứ đầu đùi

Các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc viêm gân tứ đầu đùi bao gồm:

  • Chạy trên bề mặt cứng.
  • Chơi các môn thể thao nhảy như bóng chuyền và bóng rổ.
  • Tập thể dục mà không khởi động.
  • Tập thể dục mà không có đủ thời gian nghỉ ngơi hồi phục.
  • Liên tục ngồi xổm hoặc quỳ.
  • Sự gia tăng tuổi tác khiến gân trở nên kém linh hoạt và dễ bị viêm hơn.
  • Thừa cân, béo phì làm gia tăng trọng lượng sẽ gây thêm căng thẳng cho gân.
  • Các cơ bị căng làm gia tăng áp lực cho gân.
  • Các bệnh lý mạn tính như lupusđái tháo đường làm giảm lượng máu cung cấp cho đầu gối. Điều này làm suy yếu gân và làm tăng nguy cơ viêm gân.
  • Mất sự cân chỉnh, nếu khớp và xương của bạn không giữ được sự cân bằng, có thể sẽ khiến một chân chịu nhiều căng thẳng hơn và dễ dẫn đến viêm gân.
Viêm gân tứ đầu đùi là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa viêm gân tứ đầu đùi 5
Thừa cân béo phì gây gia tăng căng thẳng cho vùng đầu gối

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm gân tứ đầu đùi

Bệnh viêm gân tứ đầu đùi là một nguyên nhân quan trọng gây đau đầu gối. Đây là một chẩn đoán lâm sàng đặc trưng bởi đau mặt trước gối liên quan đến hoạt động và thường thấy nhất ở hoạt động quá mức của vận động viên.

Bác sĩ sẽ sử dụng các biện pháp khác nhau để chẩn đoán viêm gân tứ đầu đùi, bao gồm:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ thực hiện khám đầu gối và các khu vực xung quanh, kiểm tra tình trạng sưng và đau của bạn.
  • Hỏi bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi tính chất đau, hỏi tiền sử chấn thương, hoạt động của bạn để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
  • Xét nghiệm hình ảnh học: Bạn có thể cần phải chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc siêu âm đầu gối để cho các hình ảnh chi tiết về gân cơ của bạn.

Phương pháp điều trị viêm gân tứ đầu đùi

Sau khi bác sĩ xác định mức độ nghiêm trọng của chấn thương, bạn sẽ được lập một kế hoạch điều trị phù hợp với mình. Thông thường, việc điều trị thường bao gồm sự kết hợp của nhiều phương pháp.

Điều trị không phẫu thuật:

Các phương pháp điều trị không phẫu thuật bao gồm:

RICE

Phương pháp điều trị đầu tay của viêm gân tứ đầu đùi có tên gọi là RICE, điều trị này bao gồm 4 bước:

  • Nghỉ ngơi (Rest): Để bảo vệ vùng bị thương, bạn cần hạn chế các cử động khiến đầu gối phải làm việc quá sức. Bạn có thể cần nẹp để ổn định đầu gối.
  • Chườm đá (Ice): Chườm đá hoặc chườm lạnh giúp giảm sưng và đau.
  • Băng ép (Compression): Băng ép cố định có thể giúp giảm sưng.
  • Nâng cao (Elevation): Để giảm thiểu sưng, hãy đặt đầu gối tổn thương lên một bề mặt cao hơn.
Viêm gân tứ đầu đùi là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa viêm gân tứ đầu đùi 6
Liệu pháp RICE là phương pháp điều trị đầu tay cho tình trạng viêm gân tứ đầu đùi

Vật lý trị liệu

Khi tình trạng sưng tấy thuyên giảm, bác sĩ có thể cung cấp cho bạn các phương pháp điều trị như:

  • Liệu pháp xoa bóp;
  • Phương pháp điều trị nhiệt hoặc lạnh;
  • Liệu pháp siêu âm;
  • Chương trình tập thể dục cá nhân.

Bài tập viêm gân cơ tứ đầu đùi

Chuyên gia vật lý trị liệu có thể chỉ cho bạn cách thực hiện các bài tập cho viêm gân cơ tứ đầu đùi một cách an toàn. Những bài tập này bao gồm các động tác tăng cường sức mạnh cho gân cơ và hỗ trợ đầu gối của bạn, giúp tăng cường tính linh hoạt của gân cơ tứ đầu đùi và các cơ xung quanh.

Băng nẹp cho viêm gân tứ đầu đùi

Để giảm bớt căng thẳng cho gân cơ tứ đầu đùi, bạn có thể được băng hoặc nẹp để giảm đau gối, ổn định xương bánh chè.

Viêm gân tứ đầu đùi là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa viêm gân tứ đầu đùi 7
Bạn có thể được băng hoặc nẹp để giảm đau gối

Dụng cụ chỉnh hình

Các dụng cụ chỉnh hình như miếng lót giày hỗ trợ bạn chân giúp điều trị viêm gân cơ bằng cách giảm áp lực lên đầu gối của bạn. Tùy thuộc vào các triệu chứng mà bác sĩ có thể đề nghị cho bạn một miếng đệm giày phù hợp.

Thuốc chống viêm

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp bạn giảm các triệu chứng đau và viêm gân. Việc dùng thuốc nên dưới sự chỉ định của bác sĩ, bạn không nên tự ý mua hãy sử dụng mà không có chỉ dẫn.

Điều trị phẫu thuật:

Hầu hết những người bị viêm gân cơ tứ đầu đùi không cần phẫu thuật. Nhưng nếu các phương pháp điều trị trên không hiệu quả, hoặc chấn thương của bạn là nghiêm trọng, bạn có thể cần phẫu thuật để điều trị. Các lựa chọn phẫu thuật có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật mở;
  • Phẫu thuật nội soi khớp;
  • Siêu âm qua da cắt bỏ gân (Percutaneous ultrasonic tendon debridement - PUTD).

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm gân tứ đầu đùi

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến của viêm gân tứ đầu đùi, bạn có thể thực hiện các việc sau:

  • Tuân thủ điều trị và chế độ nghỉ ngơi để có thể hồi phục.
  • Giảm gân (nếu thừa cân) và duy trì cân nặng khỏe mạnh để giảm căng thẳng cho vùng gối.
  • Nếu bạn điều trị bằng phương pháp không phẫu thuật, tình trạng viêm gân nhẹ sẽ cải thiện sau vài tuần, tiếp đó bạn có thể từ từ hoạt động thể chất trở lại.
  • Nếu cần phẫu thuật, quá trình phục hồi có thể mất từ 6 đến 9 tháng. Bạn cần tránh các hoạt động chịu sức nặng trong 6 tuần đầu tiên. Khi khả năng vận động cải thiện, bạn có thể bắt đầu từ từ các bài tập tăng cường sức mạnh. Bạn có thể dần dần trở lại hoạt động thể thao sau 7 tháng.

Chế độ dinh dưỡng:

Tham khảo một chế độ ăn chống viêm có thể giúp ích trong việc giảm viêm và giảm đau của bạn. Bao gồm việc hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên nướng, các chất béo không lành mạnh. Chế độ ăn đầy đủ rau củ quả, các loại protein từ thực vật, các loại cá béo sẽ tốt cho sức khỏe của bạn.

Phương pháp phòng ngừa viêm gân tứ đầu đùi hiệu quả

Để phòng ngừa viêm gân tứ đầu đùi hiệu quả, bạn nên hạn chế các chấn thương thể thao. Tránh các tư thế xấu và hoạt động lặp đi lặp lại gây căng thẳng cho đầu gối như ngồi xổm, chạy, nhảy. Hơn hết, tránh việc đột ngột hoạt động thể lực mạnh hoặc tham gia các môn thể thao như bóng rổ, bóng chuyền vì làm gia tăng đáng kể nguy cơ viêm gân tứ đầu đùi. Nếu bạn là vận động viên, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia để có thể có các biện pháp bảo vệ phù hợp khi thi đấu thể thao.

Nguồn tham khảo
  1. Causes and Treatments for Quadriceps Tendinitis: https://www.healthline.com/health/quadriceps-tendonitis
  2. Patellar Tendinitis/Quadriceps Tendinitis: https://sportsmedicine.mayoclinic.org/condition/kneecap-instability-patellar-tendinitis/
  3. Knee Pain and Problems: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/knee-pain-and-problems
  4. Quadriceps tendinopathy: A review - part 1: Epidemiology and diagnosis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6409230/
  5. Quadriceps tendinopathy: A review, part 2 - classification, prognosis, and treatment: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6409233/

Các bệnh liên quan

  1. Bướu hoạt dịch cổ tay

  2. Viêm khớp ngón chân cái

  3. Bại liệt

  4. Viêm khớp mắt cá chân

  5. Thoái hoá khớp cổ tay

  6. Thoái hóa khớp

  7. Gai khớp gối

  8. Gout cấp tính

  9. Hội chứng đường hầm xương quay

  10. Thoái hóa khớp gối