Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau chân: Triệu chứng phổ biến thường gặp của nhiều bệnh và cách điều trị hiệu quả

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chân là là bộ phận thường xuyên chịu nhiều áp lực trong tất cả các hoạt động của con người như đi đứng, vận động. Bên trong chân của bạn là một hệ thống phức tạp gồm các xương, dây chằng, gân và cơ. Vì vậy chân rất dễ gặp các chấn thương nếu chúng ta không chăm sóc đúng cách. Khi bị đau chân, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi đi lại cũng như thực hiện các hoạt động bình thường hằng ngày.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đau chân là gì? 

Bàn chân của bạn là một mạng lưới phức tạp của xương, dây chằng, gân và cơ. Đây cũng là nơi  chịu trọng lượng cơ thể, dễ bị chấn thương và đau. Đau chân có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của bàn chân, từ ngón chân đến gân Achilles ở phía sau gót chân.

Đau bàn chân là một triệu chứng khá phổ biến với các dạng như đau ngón chân, đau gan bàn chân, đau gót chân, đau lòng bàn chân, mắt cá và đau mu bàn chân. Các bệnh này sẽ khiến người bệnh di chuyển khó nhọc, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. 

Mặc dù đau chân nhẹ thường đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị tại nhà nhưng có thể mất thời gian để giải quyết. Bác sĩ của bạn nên đánh giá tình trạng đau chân nghiêm trọng, đặc biệt nếu nó xảy ra sau một chấn thương.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau chân

Cơn đau nhức ở bàn chân thường được nhận biết thông qua các biểu hiện và triệu chứng đi kèm sau:

  • Đau bàn chân khi đứng lâu hoặc rát trong lòng bàn chân.

  • Đau từ ngón chân đến vùng gần gót chân.

  • Sưng, đau và tê cứng có thể xảy ra nếu bị bong gân khớp mắt cá chân hoặc tổn thương khớp ngón chân.

  • Bàn chân bị tổn thương có thể xuất hiện tình trạng bầm tím và đỏ.

  • Đau hoặc tê ngứa các ngón chân.

  • Cứng khớp vào buổi sáng, khó khăn khi đi lại.

  • Mức độ đau nhức hai bàn chân tăng dần khi vận động (đi, đứng, chạy bộ).

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh đau chân 

Đau bàn chân nếu không được chữa trị kịp thời dễ xảy ra biến chứng một số bệnh nguy hiểm sau đây:  

  • Bệnh của mạch máu: Viêm tắc động mạch, hội chứng Renaul (co mạch), u cuộn mạch… có thể phát hiện bằng siêu âm mạch máu hoặc chụp hình động mạch.

  • Bệnh của dây thần kinh: Viêm thần kinh ngoại biên, chèn ép các thần kinh (hội chứng đường hầm: Jogger’s foot, Tarsal tunnel syndrome), đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm… thường kèm với tê, di cảm, teo cơ… có thể phát hiện được trên đo điện cơ (EMG).

  • Bệnh thuộc xương – khớp: Viêm khớp (viêm khớp dạng thấp, viêm khớp gout, viêm khớp do quá tải…), thoái hóa khớp (mòn khớp: khớp bàn- ngón chân, khớp bàn – cổ chân), nứt xương do mỏi… cần xét nghiệm máu, chụp CT scan hoặc MRI để phát hiện.

  • Bệnh gân cơ, dây chằng: Đau do quá tải trên gân cơ, viêm cân gan chân…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn nếu các triệu chứng sau đây dai dẳng không hết như: 

  • Sưng tấy dai dẳng không cải thiện sau hai đến năm ngày điều trị tại nhà.

  • Đau dai dẳng không cải thiện sau vài tuần.

  • Đau rát, tê hoặc ngứa ran, đặc biệt là ở hầu hết hoặc toàn bộ phần dưới bàn chân của bạn.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của chứng đau chân và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đau chân

Hiện nay có một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau chân bao gồm: 

  • Bàn chân bẹt: Cấu trúc bàn chân bình thường sẽ có vòm cong để giữ cân bằng toàn bộ cơ thể. Với những người bị bàn chân bẹt, bạn sẽ không thấy vòm cong. Vì vậy, để giữ cơ thể cân bằng khi hoạt động thì các bộ phận như cổ chân, đầu gối, khớp háng cùng hệ cột sống sẽ xoay lệch dễ dẫn đến đau chân.

  • Chấn thương: Những tổn thương cơ, gân hoặc dây chằng  như bong gân, căng cơ đều có thể gây đau chân. Tình trạng này có thể trở nên tồi tệ hơn khi gây áp lực lên chân, chẳng hạn như khi đi bộ. Chấn thương cũng có thể gây ra các biểu hiện sưng đỏ hoặc bầm tím.

  • Chuột rút: Chuột rút xảy ra đột ngột, gây ra những cơn đau cơ, thường ở bắp chân, gân kheo hoặc cơ tứ đầu đùi (vùng cơ mặt trước đùi). Cơn đau do chuột rút ở chân có thể từ nhẹ đến nặng. Nó có thể kéo dài trong vài giây hoặc vài phút, nhưng nó thường tự biến mất mà không cần can thiệp.

  • Viêm cơ mạc bàn chân: Cơ mạc bàn chân là sợi dây chằng, kéo dài từ gót chân tới các ngón chân với chức năng hỗ trợ bàn chân dễ dàng chuyển động. Viêm cơ mạc bàn chân xảy ra khi sợi dây chằng bị tổn thương, thường gặp ở phần nối của nó với gót chân.

  • Gout: Gout là một loại viêm khớp do tích tụ axit uric trong cơ. Cơn đau có thể kéo dài một vài ngày trong cùng một khoảng thời gian và thường ảnh hưởng đến các cơ ngón chân cái. Người bị gút có thể bị đau chân dữ dội, ở các cơ chân bị ảnh hưởng có thể sưng đỏ kể cả khi bạn đang nghỉ ngơi.

  • Đau chân do nguyên nhân thần kinh thường do một hoặc một vài dây thần kinh bị chèn ép ở cột sống gây ra một loạt các triệu chứng trên cơ thể. Nó có thể là hậu quả của bệnh lý viêm nhiễm, chấn thương cột sống hay bệnh lý đĩa đệm. Nó có thể gây đau nhói vùng thắt lưng và đau lan xuống chân.

  • Đau bàn chân do bệnh đái tháo đường: Bàn chân đái tháo đường là biến chứng xảy ra ở người bị đái tháo đường (tiểu đường). Lúc này, mỗi khi đứng thì người bệnh sẽ không thể điều chỉnh tư thế bàn chân, các vị trí chịu áp lực nhiều sẽ có những biến đổi của cơ và da kéo theo những thay đổi của các khớp.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải đau chân?

Ai cũng có khả năng mắc phải đau chân nhưng một số đối tượng sau đây dễ có nguy cơ mắc phải đau chân bao gồm:

  • Phụ nữ thường xuyên mang giày cao gót tạo nhiều áp lực lên vào các ngón chân.

  • Vận động viên thể thao, vũ công hoặc người thường xuyên luyện tập cường độ mạnh với đôi chân như đá bóng, chạy  bộ, thể dục nhịp điệu mạnh, múa ba lê…

  • Người cao tuổi dễ gặp các vấn đề bệnh lý liên quan đến xương cơ khớp.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau chân

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đau chân, bao gồm:

  • Yếu tố sinh hoạt môi trường: Vấn đề về chân là do mang giày không  đúng kích cỡ hoặc mang giày cao gót ở phụ nữ. Họ thường mang những đôi giày cao gót phải dồn rất nhiều áp lực vào các ngón chân và có thể gây đau chân. Chấn thương trong khi tập các môn thể dục, thể thao có cường độ mạnh như chạy bộ hoặc thể dục nhịp điệu mạnh cũng có thể gây ra đau chân.

  • Yếu tố cấu trúc bẩm sinh: Cấu trúc bàn chân bẹt không có vòm cong khiến bàn chân phải chịu nhiều áp lực trọng lực cơ thể khi di chuyển trong thời gian dài.

  • Yếu tố bệnh lý: Đau chân có thể là triệu chứng của một số bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, gouts, bệnh đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, Viêm gân Achilles, u thần kinh bàn chân, viêm cơ mạc bàn chân…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau chân

Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán tình trạng đau bàn chân bằng một số phương pháp sau đây:

  • Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi bạn về nhiều đặc điểm của cơn đau cũng như đi tìm sự xuất hiện của những triệu chứng khác. Ngoài ra, bác sĩ kiểm tra hồ sơ và hỏi về tiền sử bệnh tật cá nhân và gia đình để tìm hiểu xem liệu có tiền sử gia đình về bệnh mạch máu ngoại biên hay không. 

  • Thực hiện các bài kiểm tra cơ bản như: Giữ hoặc di chuyển bàn chân và mắt cá chân để chống lại lực cản hay bạn cũng có thể được yêu cầu đứng, đi bộ, chạy.

  • Chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI để kiểm tra chân, nhằm xác định xem có bị gãy xương chân hay bất cứ vấn đề nào khác.

  • Xét nghiệm máu có thể được chỉ định để loại trừ các bệnh toàn thân như viêm khớp dạng thấp, bệnh gút hoặc tiểu đường.

Phương pháp điều trị đau chân hiệu quả

Thuốc giảm đau kháng viêm

Một số loại thuốc không kê đơn có thể giúp giảm viêm, giảm đau như như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), prednisone, colchicine hoặc allopurinol. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, có thể cần những loại thuốc mạnh hơn. Các lựa chọn bao gồm tiêm steroid, các loại thuốc chống suy khớp điều chỉnh bệnh (DMARD), bao gồm sinh học và corticosteroid.

Vật lý trị liệu

Nguyên nhân chính dẫn đến đau bàn chân là do cấu trúc bàn chân bị sai lệch. Để khắc phục tình trạng này, các bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện phương pháp Trị liệu thần kinh cột sống, hỗ trợ nắn chỉnh cấu trúc sai lệch trở về vị trí tự nhiên ban đầu, giảm sự chèn ép đến các dây thần kinh, từ đó giúp chữa đau hiệu quả.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau chân

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Để đôi chân nghỉ ngơi, nâng cao chân giúp máu lưu thông. Thực hiện các động tác massage  toàn bộ chân.

  • Mang giày dép thoải mái. Cố gắng chèn giày để giảm áp lực lên quả bóng ở bàn chân của bạn. Đừng đi giày cao gót hoặc những đôi có phần mũi giày hẹp.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ ăn với các thực phẩm giàu các chất omega-3, omega-6 để phòng chữa bệnh. 

  • Tác dụng chống oxy hóa của các vitamin C, D, E và beta-carotene (tiền vitamin A) có thể giúp phòng tránh được một số dạng viêm khớp.

  • Hạn chế dùng sử dụng chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá.

Phương pháp phòng ngừa đau chân hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Hãy để bàn chân được nghỉ ngơi, tránh vận động quá mạnh cho đến khi cơn đau giảm hẳn. Sau đó, bạn áp dụng dần dần các bài tập nhẹ nhàng tại chỗ cho chân như đi bộ, đi bước nhỏ…

  • Massage bàn chân: Đây là một trong những cách giúp giảm đau bàn chân mà bạn nên thực hiện mỗi ngày. Việc massage sẽ giúp máu được lưu thông đến các khớp tốt hơn, giúp đôi chân được hoạt động linh hoạt, giảm đau khớp ở bàn chân.

  • Thử liệu pháp nóng và lạnh: Hơi nóng giúp lưu thông máu để giảm căng cứng.  Ngâm chân trong nước ấm bốn lần một ngày. Chườm đá làm lạnh để giảm chứng viêm gây đau nhức ở bàn chân. Theo đó, bạn đổ đầy đá vào túi nhựa rồi áp lên khu vực bị đau trong khoảng 20 phút, thực hiện đều đặn 2 – 3 lần mỗi ngày.

  • Sử dụng miếng lót tùy chỉnh (được gọi là miếng chỉnh hình) đeo trong giày. Mang giày vừa chân và có đế giảm sốc. Bảo vệ gót chân bằng các miếng đệm. 

Nguồn tham khảo
  1. Webmd.com: https://www.webmd.com/pain-management/guide/foot-pain-causes-and-treatments

  2. Mayoclinic.org: https://www.mayoclinic.org/symptoms/foot-pain/basics/causes/sym-20050792

Các bệnh liên quan