Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm ruột mạn tính là gì? Những vấn đề cần biết về viêm ruột mạn tính

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm ruột mạn tính là tên gọi chung dùng để mô tả hai bệnh mãn tính ở đường ruột gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Nhóm bệnh viêm ruột mạn tính được đặc trưng bởi tình trạng viêm mãn tính ở đường tiêu hóa (GI) do nhạy cảm về mặt di truyền sau phản ứng miễn dịch quá mức đối với một kích thích bình thường như thức ăn và hệ vi khuẩn đường ruột. Tình trạng viêm kéo dài này dẫn đến tổn thương đường tiêu hóa và gây nên các triệu chứng của bệnh như: Tiêu chảy, tiêu phân máu, đau bụng,.. theo từng đợt. Bệnh gây nhiều khó chịu và lo lắng cho người mắc. Bài viết này cung cấp một số thông tin cơ bản giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh lý này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm ruột mạn tính là gì?

Viêm ruột mạn tính (Inflammatory bowel disease - IBD) là nhóm các bệnh viêm ruột mạn tính vô căn gồm hai bệnh chính đó là bệnh Crohn (Crohn’s disease-CD) và Viêm loét đại tràng (Ulcerative Colitis - UC) được phân biệt bởi vị trí và độ sâu của chúng trong thành ruột. Bệnh viêm ruột mạn tính được đặc trưng bởi các đợt viêm đường tiêu hóa lặp đi lặp lại do phản ứng miễn dịch bất thường với hệ vi sinh đường ruột.

Bệnh Crohn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến hậu môn và thường ảnh hưởng nhất đến đoạn cuối hồi tràng và đại tràng. Các vùng bị tổn thương xuất hiện thành từng mảng nằm cạnh vùng mô khỏe mạnh. Tình trạng viêm có thể xuyên qua nhiều lớp thành của đường tiêu hóa.

Viêm loét đại tràng liên quan đến tình trạng viêm lan tỏa ở niêm mạc đại tràng. Viêm loét đại tràng thường ảnh hưởng đến trực tràng, đại tràng sigma hoặc toàn bộ đại tràng đến manh tràng. Các vùng bị tổn thương thường liên tục và thường bắt đầu từ trực tràng sau đó lan rộng hơn ở đại tràng. Tình trạng viêm chỉ xuất hiện ở lớp trong cùng của niêm mạc đại tràng.

Ngoài đường tiêu hóa, cả bệnh Crohn và viêm loét đại tràng đều có nhiều biểu hiện ngoài đường ruột. Mặc dù ở hầu hết bệnh nhân các rối loạn có thể được phân biệt, nhưng ở ít nhất 10% bệnh nhân các đặc điểm giống nhau đến mức ban đầu không thể phân biệt được hai rối loạn này. Cả hai bệnh đều được phân loại theo mức độ (nhẹ, trung bình hoặc nặng) và vị trí. Cả hai rối loạn đều có khuynh hướng di truyền, đều không thể chữa khỏi và cả hai đều làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Triệu chứng

Những triệu chứng của viêm ruột mạn tính

Viêm ruột mạn tính gây ra một loạt vấn đề ở đại tràng và trực tràng theo từng đột, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể. Các dấu hiệu đầu tiên của viêm ruột mạn tính có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc với chất gây kích ứng đường ruột như thuốc (ví dụ: Aspirin, ibuprofen và kháng sinh) hoặc nhiễm trùng đường tiêu hóa. Ngay cả khi sự kích ứng hoặc nhiễm trùng biến mất nhưng hệ thống miễn dịch vẫn tiếp tục phản ứng và gây nên các triệu chứng tiêu hóa kéo dài. Các triệu chứng phổ biến của viêm ruột mạn tính bao gồm:

  • Đau bụng quặn cơn.
  • Tiêu chảy kéo dài và đôi khi có lẫn máu.
  • Chảy máu trực tràng.
  • Sụt cân.
  • Sốt.
  • Thiếu máu.
  • Suy dinh dưỡng và chậm tăng trưởng ở trẻ em.
  • Lo lắng và trầm cảm.

Nếu tình trạng viêm không được kiểm soát tốt bệnh sẽ diễn tiến theo nặng theo thời gian và có thể làm hỏng ruột:

  • Áp xe: Các túi nhiễm trùng có thể dẫn đến rách thành ruột.
  • Chít hẹp: Khu vực thu hẹp trong ruột.
  • Đường rò: Lỗ rò xảy ra khi tình trạng viêm và áp lực bên trong ruột phá vỡ mô và có thể khiến dịch bên trong lòng ruột rò rỉ vào bàng quang, niệu đạo hoặc âm đạo.
  • Ung thư đại - trực tràng: Tình trạng viêm lâu dài ở trực tràng làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng.
Viêm ruột mạn tính là gì? Những vấn đề cần biết về viêm ruột mạn tính 1
Viêm ruột mạn tính có thể biểu hiện trên nhiều cơ quan

Ở một số người mắc bệnh viêm ruột mạn tính, tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến các vùng cơ thể bên ngoài ruột chứ không hẳn chỉ biểu hiện tại ruột:

  • Mắt: Mắt có thể đỏ và viêm do viêm thượng củng mạc hoặc viêm màng bồ đào. Các chuyên gia ước tính rằng có khoảng 10% đến 43% số người mắc viêm ruột mạn tính có các vấn đề về mắt.
  • Miệng: Viêm, lở và loét miệng.
  • Gan: Gan nhiễm mỡ.
  • Đường mật: Sỏi mật và viêm đường mật.
  • Thận: Sỏi thận, thận ứ nước, rò và nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Da: Ban đỏ nút, viêm da mủ hoại thư (một tình trạng hiếm gặp gây loét da nghiêm trọng ở chân).
  • Khớp và cột sống: Viêm khớp ở các chi và khớp cột sống.
  • Tuần hoàn máu: Viêm mạch máu.

Tác động của viêm ruột mạn tính đối với sức khỏe

Bệnh Crohn thường ảnh hưởng đến phần dưới của ruột non, nơi nó nối với ruột già, khu vực được gọi là hồi cuối. Viêm loét đại tràng liên quan đến đại tràng và trực tràng.

Biến chứng có thể gặp viêm ruột mạn tính

Các biến chứng có thể gặp tại ruột bao gồm: Rò, thủng ruột, áp xe, ung thư đại - trực tràng, tắc ruột, chảy máu ổ bụng,... Ngoài ra các biến chứng ngoài ruột có thể gặp bao gồm: Thiếu máu, loãng xương, viêm các khớp, huyết khối tĩnh mạch,...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ triệu chứng nào liệt kê bên trên bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn và chẩn đoán chính xác.

Viêm ruột mạn tính là gì? Những vấn đề cần biết về viêm ruột mạn tính 2
Hãy đến khám bác sĩ ngay khi bạn có bất kỳ vấn đề nào kể trên

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây viêm ruột mạn tính

Cho đến nay, nguyên nhân của viêm ruột mạn tính vẫn còn là một bí ẩn. Có nhiều nguyên nhân được cho là có liên quan nhưng không có một nguyên nhân nào phổ biến ở tất cả các bệnh nhân.

Miễn dịch

Nguyên nhân chính xác của viêm ruột mãn tính vẫn chưa được biết nhưng các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng viêm ruột mạn tính là kết quả của hệ thống miễn dịch suy yếu. Điều này có nghĩa là hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô khỏe mạnh của chính mình. Cụ thể là hệ thống miễn dịch phản ứng không chính xác với các tác nhân môi trường (chẳng hạn như virus hoặc vi khuẩn, thuốc, thức ăn,…) gây viêm đường tiêu hóa.

Di truyền

Theo các nghiên cứu có khoảng từ 5% đến 20% những người mắc bệnh viêm ruột mạn tính có người thân thế hệ thứ nhất (chẳng hạn như cha mẹ, con cái hoặc anh chị em ruột) mắc bệnh này.

Các yếu tố khác

Các nhà nghiên cứu hiện vẫn đang nỗ lực tìm hiểu thêm về cơ chế đằng sau tình trạng này và tác động của các yếu tố di truyền, môi trường, truyền nhiễm, miễn dịch và các yếu tố khác bao gồm cả sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột đến bệnh viêm ruột mạn tính.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm ruột mạn tính?

Chủng tộc: Viêm ruột mạn tính có thể ảnh hưởng đến mọi người thuộc bất kỳ nhóm dân tộc hoặc chủng tộc nào, nhưng theo thống kê những người gốc Do Thái có nguy cơ mắc bệnh viêm ruột cao hơn.

Tuổi: Đối với bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu và bệnh Crohn có 2 đỉnh tuổi lad dưới 35 và khoảng 60 tuổi. Đa phần các trường hợp mắc bệnh được phát hiện ở đỉnh tuổi thứ nhất. Các trường hợp phát hiện bệnh ở đỉnh tuổi thứ 2 thường nhẹ hơn đỉnh tuổi thứ nhất.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm ruột mạn tính

Hút thuốc lá yếu tố nguy cơ của bệnh nhưng cũng không thật sự rõ ràng. Bệnh Crohn có mối liên hệ chặt chẽ với thuốc lá, trong khi bệnh viêm loét đại tràng ít hiện diện ở những người hút thuốc lá.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm ruột mạn tính

Chẩn đoán bệnh viêm ruột mạn tính đòi hỏi sự kết hợp của lâm sàng, kết quả hình ảnh học và sinh thiết.

Lâm sàng

Hầu hết những người được chẩn đoán mắc viêm ruột mạn tính đều ở độ tuổi 35 hoặc trẻ hơn hoặc thời điểm thứ hai là vào những năm 60 tuổi. Viêm đường ruột mạn tính thường xuất hiện dưới dạng các triệu chứng bùng phát đột ngột. Hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh lý này vì các triệu chứng của viêm ruột mạn tính trùng lặp với các triệu chứng của một số tình trạng khác như nhiễm trùng đường tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích (IBS), lao ruột,….

Cận lâm sàng

Công thức máu: Các dấu hiệu về huyết học hiện diện ở bệnh nhân mắc nhóm bệnh này thường là thiếu máu hồng cầu nhỏ, tăng bạch cầu và tăng tiểu cầu.

Sinh hóa máu: Các dấu hiệu viêm như tốc độ máu lắng (ESR) và protein phản ứng C (hs-CRP) thường tăng cao.

Xquang bụng: Chụp X-quang bụng có thể đánh giá sự hiện diện của khí tự do trong trường hợp có thủng hay rò, quai ruột giãn trong tắc ruột,… X-quang có thuốc cản quang được thực hiện để tìm kiếm tổn thương trong đường ruột như hình khuyết gợi ý viêm ruột, hơn nữa, các nghiên cứu về barium có thể tiết lộ các tổn thương bỏ qua và sự hình thành hẹp ở hồi tràng, là dấu hiệu của bệnh Crohn.

Các hình ảnh học khác: Siêu âm (US), chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) đều đã được sử dụng trong chẩn đoán viêm ruột mạn tính hoặc để đánh giá các biến chứng. MRI có thể đánh giá lỗ rò trực tràng, CT được sử dụng để đánh giá tình trạng thủng hoặc tắc ruột. Chụp cắt lớp CT còn có thể hữu ích trong việc đánh giá chỗ hẹp hoặc lập kế hoạch phẫu thuật.

Nội soi có kết hợp sinh thiết: Đánh giá nội soi bằng nội soi thực quản, dạ dày tá tràng, nội soi đại tràng hoặc cả hai là điều cần thiết để lấy sinh thiết nhằm xác nhận chẩn đoán viêm ruột mạn tính.

Viêm ruột mạn tính là gì? Những vấn đề cần biết về viêm ruột mạn tính 3
Cần nhiều biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh viêm ruột mãn tính

Phương pháp điều trị viêm ruột mạn tính

Vì không có phương pháp nào có thể chữa khỏi viêm ruột mạn tính nên việc chấp nhận rằng đây là căn bệnh suốt đời có thể giúp bạn tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ trong thời gian dài sắp tới mà không phải lo lắng nhiều. Mặc dù không có phương pháp điều trị khỏi bệnh viêm ruột mạn tính nhưng có thể điều trị giảm viêm và giải quyết các triệu chứng bằng nhiều liệu pháp khác nhau.

Mục tiêu của việc điều trị bệnh này bao gồm ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai và chữa lành những tổn thương trong ruột (cả ở lớp niêm mạc và dưới niêm mạc). Vì bệnh viêm ruột mạn tính cũng thường gây ra các vấn đề ở các bộ phận khác của cơ thể nên phương pháp điều trị cần có sự tham gia của nhiều khoa khác như mắt, da, mạch máu,.. để cải thiện toàn diện các triệu chứng bệnh. Các phương pháp điều trị viêm ruột mạn tính có thể bao gồm thay đổi về chế độ ăn uống, lối sống, dùng thuốc, phẫu thuật,… giúp giảm viêm và hỗ trợ hệ thống miễn dịch.

Thuốc

Hầu hết những người mắc bệnh viêm ruột mạn tính sẽ cần phải dùng ít nhất một loại thuốc trong thời gian dài. Mục tiêu là làm giảm các triệu chứng hiện mắc, ngăn chặn tình trạng viêm và giảm các đợt bùng phát trong thời gian tới. Điều quan trọng là phải dùng thuốc viêm ruột mạn tính theo hướng dẫn của bác sĩ ngay cả khi bạn bắt đầu cảm thấy khỏe hơn. Bắt đầu dùng thuốc càng sớm thì kết quả lâu dài càng tốt (đặc biệt ở những người mắc bệnh Crohn).

Thuốc ức chế miễn dịch: Các đợt bùng phát thường được kiểm soát bằng liệu pháp corticosteroid. Đối với những người có nhiều đợt bùng phát hơn 1-2 lần/ năm nên sử dụng thuốc chống TNF hoặc thuốc ức chế miễn dịch khác. Những loại thuốc này được sử dụng để ngăn chặn sự tấn công của hệ thống miễn dịch vào ruột và có thể được khuyên dùng ở những bệnh nhân có mức độ bệnh từ trung bình đến nặng.

Thuốc chống viêm: Những loại thuốc này có thể giúp giảm tiêu chảy. Chúng thường được dung nạp rất tốt, ít tác dụng phụ và đặc biệt hữu ích cho các trường hợp mắc bệnh viêm ruột mạn tính ở mức độ nhẹ đến trung bình.

Thuốc giảm đau: Giảm đau đạt được bằng cách kiểm soát tình trạng viêm.

Thuốc kháng sinh: Một số loại kháng sinh hữu ích trong các trường hợp bệnh Crohn từ nhẹ đến trung bình và để điều trị áp xe và rò hậu môn cũng như viêm sau phẫu thuật vì bệnh Crohn.

Steroid: Steroid có thể phối hợp với các loại thuốc chống viêm khác để làm giảm các triệu chứng và các đợt bùng phát. Nhưng chúng chỉ nên được sử dụng trong thời gian ngắn do có thể gây ra các tác dụng phụ như tăng nguy cơ nhiễm trùng, loãng xương, tiểu đường, béo phì,... Nếu dự kiến ​​sử dụng steroid trong hơn ba tháng thì nên bổ sung canxi và bisphosphonates.

Viêm ruột mạn tính là gì? Những vấn đề cần biết về viêm ruột mạn tính 4
Điều trị IBD theo từng bậc mang lại nhiều hiệu quả đáng chú ý

Một cách khác để quản lý viêm ruột mạn tính là điều trị từng bước

Bước thứ nhất: Bước đầu tiên trong liệu pháp dược lý cho viêm ruột mạn tính là aminosalicylate.

Bước thứ 2 là corticosteroid: Nếu bệnh nhân không đáp ứng với liều aminosalicylate thích hợp thì bước thứ hai là bổ sung corticosteroid nhằm làm giảm tình trạng viêm khí có đáp ứng thì có thể giảm liều.

Bước thứ 3 là dùng các thuốc ức chế miễn dịch: Các chất điều chỉnh miễn dịch (ví dụ như chất chống TNF) là thuốc bước ba. Chúng được sử dụng khi bệnh nhân không đáp ứng với corticosteroid, cần dùng steroid trong thời gian dài hoặc không thể giảm liều steroid mà không tái phát triệu chứng.

Bước thứ 4 là dùng các thuốc khác: Bước bốn bao gồm các tác nhân thử nghiệm lâm sàng có hiệu quả với từng bệnh (tức là một số chỉ có tác dụng đối với bệnh viêm loét đại tràng và một số khác đối với bệnh Crohn). Ví dụ thalidomide và interleukin (IL)-11 đối với bệnh Crohn, trong khi thuốc xổ butyrate, miếng dán nicotine và heparin lại có hiệu quả với bệnh viêm loét đại tràng. Tuy nhiên các thuốc này thường có nhiều chống chỉ định và tác dụng phụ.

Gần đây, phương pháp quản lý từng bậc thang đang được ưa chuộng hơn đối với những bệnh nặng. Phương pháp tiếp cận giảm bậc giúp cải thiện kết quả của bệnh nhân và ngăn ngừa biến chứng.

Phẫu thuật

Nếu thuốc không làm giảm tình trạng bệnh, thời gian lâu dần ruột có thể bị tổn thương làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Khoảng một nửa số người mắc viêm ruột mạn tính có thể cần phẫu thuật vào một thời điểm nào đó trong đời nhằm loại bỏ các vùng ruột bị tổn thương do viêm kéo dài hay tái thông tắc nghẽn, dẫn lưu áp xe hoặc xử lý lỗ rò. Phẫu thuật nội soi có thể làm giảm các biến chứng và được ưa chuộng hơn vì ít xâm lấn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm ruột mạn tính

Những người mắc bệnh viêm ruột mạn tính có thể nhận thấy rằng việc ăn một số loại thực phẩm nhất định có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng. Vai trò của chế độ ăn uống trong quản lý bệnh viêm ruột mạn tính hiện đang là vấn đề được quan tâm. Mặc dù chế độ ăn kiêng không thể đảo ngược bệnh viêm ruột mạn tính nhưng khi bạn sửa đổi thói quen ăn uống lành mạnh hơn có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy,… Ghi nhật ký thực phẩm có thể giúp bạn theo dõi khi ăn loại thực phẩm nào các triệu chứng cải thiện hay trầm trọng hơn.

Viêm ruột mạn tính là gì? Những vấn đề cần biết về viêm ruột mạn tính 5
Hãy xây dựng một chế độ ăn lành mạnh để nâng cao sức khỏe của bạn mỗi ngày

Phương pháp phòng ngừa viêm ruột mạn tính hiệu quả

Chưa có biện pháp phòng ngừa viêm ruột mạn tính bởi vì nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi vẫn chưa được ghi nhận rõ ràng. Tuy nhiên, việc giữ gìn một cơ thể khỏe mạnh với tinh thần lạc quan, chế độ ăn lành mạnh giúp bạn có một cuộc sống chất lượng hơn là điều chắc chắn.

Nguồn tham khảo
  1. Inflammatory Bowel Disease (IBD): https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/inflammatory-bowel-disease
  2. Inflammatory Bowel Disease (IBD): https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470312/
  3. What is inflammatory bowel disease (IBD)?: https://www.cdc.gov/ibd/what-is-IBD.htm
  4. Inflammatory bowel disease (IBD): https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/inflammatory-bowel-disease/symptoms-causes/syc-20353315
  5. Inflammatory bowel disease (IBD): https://www.cdc.gov/ibd/what-is-IBD.htm

Các bệnh liên quan

  1. Phình động mạch chủ bụng

  2. Bệnh cầu thận tơ huyết miễn dịch

  3. Xơ gan do rượu

  4. Lỵ amip

  5. Viêm dạ dày mạn tính

  6. Hẹp môn vị phì đại

  7. Suy gan mạn

  8. Cổ trướng

  9. Hẹp động mạch thận

  10. Vỡ túi mật