Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Tắc ruột cao

Tắc ruột cao là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 15/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tắc ruột cao xảy ra khi phần cao của ruột bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn. Các triệu chứng bao gồm đau bụng, sốt, táo bón và nôn mửa. Đây có thể là một tình trạng nguy hiểm cần điều trị cấp cứu vì nếu không được điều trị kịp thời có khả năng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng hoặc thủng ruột. 

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tắc ruột cao là gì?

Tắc ruột cao là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ ruột của bạn. Sự tắc nghẽn làm tắc nghẽn đường ruột, làm chậm quá trình vận chuyển thức ăn hoặc khiến quá trình tiêu hóa bị đình trệ.

Chất thải, khí và dịch tiêu hóa có thể bị kẹt lại phía sau chỗ tắc nghẽn. Sự tắc nghẽn có thể khiến ruột của bạn không thể hoạt động bình thường, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Tắc ruột cao có thể chia thành các loại sau:

  • Tắc hoàn toàn: Sự tắc nghẽn hoàn toàn ở phần ruột bị ảnh hưởng làm khí, dịch tiêu hóa, thức ăn không đi qua được chỗ tắc.
  • Tắc một phần: Tắc nghẽn một phần hoặc thu hẹp phần bị ảnh hưởng. Thức ăn, dịch tiêu hóa, khí vẫn có thể đi qua được chỗ hẹp một phần.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tắc ruột cao

Các triệu chứng thường gặp nhất khi tắc ruột cao:

  • Đau bụng;
  • Chán ăn;
  • Táo bón;
  • Nôn mửa;
  • Không có khả năng đi tiêu hoặc đánh rắm;
  • Chướng bụng.

Biến chứng có thể gặp phải khi bị tắc ruột cao

Nếu không được điều trị kịp thời, tắc ruột cao có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như:

  • Thủng ruột;
  • Hoại tử ruột;
  • Sốc nhiễm trùng;
  • Tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu không được điều trị sớm, tắc ruột sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Do đó, nếu bạn bị đau bụng dữ dội hoặc các triệu chứng khác của tắc ruột, hãy lập tức liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tắc ruột cao

Nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc ruột cao ở người lớn là:

  • Dính ruột: Là các dải mô sợi trong khoang bụng có thể hình thành sau phẫu thuật vùng bụng hoặc vùng chậu.
  • Thoát vị ruột.
  • Ung thư ruột.

Ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc ruột là lồng ruột.

Các nguyên nhân khác có thể gây tắc ruột cao bao gồm:

  • Bệnh viêm ruột, chẳng hạn như bệnh Crohn.
  • Viêm túi thừa đại tràng: Là tình trạng các túi nhỏ trong đường tiêu hóa bị viêm hoặc nhiễm trùng.
  • Xoắn ruột.
  • Liệt ruột.
Tắc ruột cao là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Ung thư ruột là nguyên nhân thường gặp gây tắc ruột cao

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tắc ruột cao?

Bất cứ ai cũng có thể bị tắc ruột cao, nhưng thường gặp nhất ở người có người thân trong gia đình mắc ung thư đường ruột.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tắc ruột cao

Các bệnh và tình trạng có thể làm tăng nguy cơ tắc ruột cao bao gồm:

  • Phẫu thuật vùng bụng hoặc vùng chậu, thường gây dính và tắc nghẽn đường ruột.
  • Bệnh Crohn, có thể khiến thành ruột dày lên, thu hẹp đường đi của ruột.
  • Ung thư ruột.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm tắc ruột cao

Việc chẩn đoán ban đầu cho tắc ruột cao bao gồm hỏi bệnh sử và khám thực thể đầy đủ, nhanh chóng, đánh giá các triệu chứng và đề nghị cận lâm sàng. Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm này để xác nhận chẩn đoán tắc ruột cao:

  • Xét nghiệm máu: Bạn có thể cần phân tích công thức máu và điện giải đồ. Xét nghiệm máu kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng. Rối loạn điện giải có thể hiển thị nếu bạn bị mất nước nghiêm trọng.
  • Chụp X-quang bụng: Chụp X-quang bụng có thể cho thấy vị trí tắc nghẽn.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Chụp CT cung cấp hình ảnh chi tiết hơn chụp X-quang. Chụp CT cung cấp thông tin chính xác hơn về vị trí tắc ruột và nguyên nhân gây ra nó.
  • Siêu âm bụng: Khi tắc ruột xảy ra ở trẻ em, siêu âm thường là loại hình ảnh được ưa chuộng hơn. Ở trẻ nhỏ bị lồng ruột, siêu âm thường sẽ cho thấy hình ảnh "mắt bò", tượng trưng cho ruột cuộn trong ruột.
Tắc ruột cao là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3
Chụp CT có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh tắc ruột cao

Điều trị tắc ruột cao

Nội khoa

Điều trị tiêu chuẩn cho bệnh tắc ruột cao phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Mục đích ban đầu là giải quyết tắc nghẽn và ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng. Việc điều trị nội khoa có thể bao gồm các thuốc sau:

  • Để ruột nghỉ ngơi: Bạn có thể cần phải kiêng ăn hoặc uống để ruột có thời gian làm sạch tắc nghẽn hoặc co lại về kích thước bình thường. Thay vào đó, bác sĩ sẽ chỉ định truyền dinh dưỡng đường tĩnh mạch để đảm bảo sức khỏe cho bạn.
  • Bổ sung nước và điện giải: Bác sĩ sẽ lập đường truyền tĩnh mạch và sẽ bổ sung nước và điện giải tùy vào tình trạng hiện tại và kết quả cận lâm sàng của bạn.
  • Thuốc làm mềm phân: Trong một số trường hợp, thuốc làm mềm phân có thể được xem xét để giúp giảm tắc nghẽn. Cách tiếp cận này có thể được xem xét nếu bạn bị tắc ruột một phần.
  • Thuốc kháng sinh: Trong những trường hợp nghiêm trọng hoặc để phòng ngừa biến chứng nhiễm trùng bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh đường tĩnh mạch. Bác sĩ có thể chỉ định một số kháng sinh như Vancomycin, Rifamycin.

Ngoại khoa

Bạn có thể sẽ cần phẫu thuật nếu ruột của bạn bị tắc hoàn toàn.

Có một số loại phẫu thuật điều trị tắc ruột, bao gồm cắt bỏ khối u trong ruột, cắt bỏ mô sẹo và sửa chữa các mạch máu. Đôi khi, có thể cần phải cắt bỏ một vùng mô ruột bị viêm hoặc hoại tử.

Tắc ruột cao là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Phẫu thuật nếu ruột của bạn bị tắc hoàn toàn

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của tắc ruột cao

Chế độ sinh hoạt

Để hạn chế diễn tiến của tắc ruột cao, bạn có thể tham khảo các việc làm sau:

  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ.
  • Tập thể dục thường xuyên. Ít nhất 30 phút mỗi ngày và hầu hết các ngày trong tuần.

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng giúp hạn chế diễn tiến của tắc ruột cao:

  • Không ăn thức ăn quá cứng, to. Nên ăn thức ăn dạng lỏng bằng cách xay nhuyễn thức ăn trước khi ăn.
  • Tránh thức uống có gas, cồn.
  • Bạn nên ăn chế độ ăn ít chất xơ. Chất xơ không hòa tan là phần cứng và thô của thực vật mà chúng ta ăn, chẳng hạn như vỏ trái cây và rau quả, ngũ cốc và một số loại hạt. Loại chất xơ này có thể bị kẹt ở những phần hẹp của ruột.

Bạn có thể tránh chất xơ không hòa tan bằng cách:

  • Gọt vỏ, nấu hoặc cắt nhỏ trái cây và rau quả và loại bỏ hạt của chúng.
  • Ăn bánh mì trắng, mì ống và gạo thay vì ngũ cốc nguyên hạt.

Kiểu ăn kiêng này có thể làm tăng nguy cơ táo bón. Để ngăn chặn điều này, hãy đảm bảo uống nhiều nước và tập thể dục. Ngoài ra, điều quan trọng là phải nấu chín thức ăn, tránh thức ăn dai và nhai kỹ trước khi nuốt.

Thảo luận với chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống và dinh dưỡng phù hợp.

Tắc ruột cao là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Các loại hạt có thể làm tình trạng tắc ruột nặng nề hơn

Phòng ngừa tắc ruột cao

Các phương pháp giúp phòng ngừa tắc ruột bao gồm:

  • Hạn chế thịt đỏ và thịt chế biến sẵn.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút hầu hết các ngày trong tuần.
  • Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
  • Hạn chế rượu bia, thuốc lá.
  • Xét nghiệm tầm soát ung thư đại tràng định kỳ.

Các câu hỏi thường gặp về tắc ruột cao

Tại sao bị tắc ruột cao nên ăn ít chất xơ?

Chất xơ (còn gọi là thức ăn thô) là phần thức ăn bạn không tiêu hóa được và đi xuống phần dưới của ruột, nơi vi khuẩn lên men và tạo ra khí.

Ăn ít chất xơ sẽ làm giảm lượng chất thải bạn tạo ra và do đó làm giảm các triệu chứng như đầy hơi và đau dạ dày. Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ ruột của bạn bị tắc nghẽn.

Khi nào tôi nên đến gặp bác sĩ?

Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng:

  • Sốt;
  • Nôn mửa dai dẳng;
  • Đau bụng dữ dội;
  • Dấu hiệu mất nước.

Các biến chứng của tắc ruột là gì?

Các biến chứng có thể bao gồm:

  • Thủng đại tràng;
  • Viêm đại tràng nhiễm độc;
  • Sốc nhiễm trùng;
  • Tử vong.

Thuốc nhuận tràng có thể làm sạch tắc ruột?

Nếu bạn có triệu chứng tắc ruột cao, không dùng thuốc nhuận tràng mà không có sự đồng ý của bác sĩ. Việc sử dụng không đúng cách một số loại thuốc nhuận tràng, chẳng hạn như những loại có chứa chất xơ psyllium, thậm chí có thể gây tắc ruột.

Làm thế nào chẩn đoán tắc ruột cao?

Để chẩn đoán tắc ruột cao, bác sĩ có thể sẽ:

  • Hỏi bạn những câu hỏi về thói quen sinh hoạt và các triệu chứng của bạn.
  • Khám bụng.
  • Xét nghiệm máu.
  • Chụp X-quang hoặc chụp CT bụng.
Nguồn tham khảo
  1. Small Bowel Obstruction: https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2681748
  2. Small Bowel Obstruction: https://www.saintlukeskc.org/health-library/small-bowel-obstruction
  3. Small Bowel Obstruction: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK6873/
  4. Small Bowel Obstruction: https://radiopaedia.org/articles/small-bowel-obstruction
  5. Bowel Obstruction: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/bowel-obstruction

Dược sĩ Đại học Phạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin

Các bệnh liên quan