Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hạ magie máu là gì? Những vấn đề cần biết về hạ magie máu

Ngày 26/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hạ magie máu là tình trạng thường gặp ở những bệnh nhân nặng đang nằm viện, nhưng là một vấn đề sức khỏe thường bị bỏ qua. Magie là một chất điện giải quan trọng và là thành phần chính của các quá trình sinh lý khác nhau trong cơ thể con người, ảnh hưởng đến chức năng tế bào, dẫn truyền thần kinh và sức khỏe tổng thể. Hạ magie thường đi kèm tình trạng rối loạn điện giải khác và ảnh hưởng đến sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu tình trạng này qua bài viết sau. 

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hạ magie máu là gì?

Nồng độ magie huyết thanh bình thường là từ 1,46 - 2,68 mg/dL. Hạ magie máu là rối loạn điện giải do nồng độ magie huyết thanh thấp dưới 1,46 mg/dL trong máu.

Magie là cation nội bào dồi dào thứ hai sau kali và là đồng yếu tố trong nhiều phản ứng sinh hóa. Khoảng 99% magie có trong xương (60%) và mô mềm (40%). Magie cần thiết cho nhiều chức năng như tham gia phản ứng enzyme, kích hoạt tiểu cầu (đông máu và hình thành huyết khối), duy trì trương lực mạch máu, co giãn cơ, điều hòa insulin, dẫn truyền thần kinh, dẫn truyền tim, sự hình thành xương. 

Magie cũng ảnh hưởng đến hoạt động điện của cơ tim và trương lực mạch máu nên các bệnh nhân bị hạ magie máu có nguy cơ rối loạn nhịp tim. Ngoài ra, khi magie thấp còn có sự ức chế kênh kali ở thận dẫn đến tăng bài tiết qua nước tiểu và làm cạn kiệt nồng độ kali nội bào. Nồng độ kali nội bào giảm còn kéo dài thời gian tái phân cực màng tế bào, làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim.

Magie ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều chất điện giải khác như natri, canxi và kali (hạ kali máu và hạ canxi máu). Nồng độ magie thấp có thể xảy ra thứ phát do mất qua thận và đường tiêu hóa. Cân bằng nội môi magie chủ yếu ở thận (chủ yếu qua ống lượn gần, quai Henle dày và ống lượn xa), ruột non (chủ yếu qua hỗng tràng và hồi tràng) và xương. Nó được hấp thụ hiệu quả nhất ở hồi tràng và được lưu trữ trong xương, magie dư thừa được đào thải qua thận và phân. Thận tái hấp thu khoảng 95% lượng magie đã lọc vì thế hạ magie máu thường liên quan đến bệnh lý thận.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hạ magie máu

Hầu hết bệnh nhân đều không có triệu chứng khi có hạ magie máu. Các biểu hiện lâm sàng bao gồm chán ăn, buồn nôn, nôn, thờ ơ, thay đổi tính cách, co giật, run, co giật toàn thân (đặc biệt ở trẻ em). Một số triệu chứng được ghi nhận ở bệnh nhân có lượng magie thấp bao gồm:

Co giật cơ

Run rẩy và chuột rút là dấu hiệu của tình trạng thiếu magie thậm chí có thể gây co giật như dấu hiệu Trousseau hoặc Chvostek dương tính, co thắt cổ tay tự phát, tăng phản xạ,... Những triệu chứng này là do lượng canxi chảy vào tế bào thần kinh nhiều hơn khiến các dây thần kinh cơ bị kích thích quá mức.

Suy giảm sức khỏe tâm thần

Tình trạng sức khỏe tâm thần là một dấu hiệu có thể xảy ra khi thiếu magie như sự thờ ơ - đặc trưng bởi tinh thần tê liệt hoặc thiếu cảm xúc. Mức magie thấp cũng có thể làm tăng nguy cơ căng thẳng, trầm cảm và lo lắng của một người.

Loãng xương

Loãng xương là một rối loạn đặc trưng bởi xương yếu và tăng nguy cơ gãy xương.

Mệt mỏi

Mệt mỏi là một thuật ngữ rộng bao gồm các triệu chứng kiệt sức hoặc yếu đuối về thể chất và tinh thần. Thông thường chỉ cần nghỉ ngơi tình trạng này sẽ giảm. Tuy nhiên, khi tình trạng mệt mỏi nghiêm trọng hoặc kéo dài có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe cần được quan tâm. Mức magie thấp ảnh hưởng đến quá trình truyền tín hiệu thần kinh có thể gây ra mệt mỏi.

Huyết áp cao

Nghiên cứu trên động vật cho thấy thiếu magie có thể làm tăng huyết áp và thúc đẩy huyết áp cao. Mặc dù thiếu bằng chứng trực tiếp ở người, nhưng nghiên cứu cho thấy mức magie thấp hoặc chế độ ăn uống kém có thể làm tăng huyết áp. Ngoài ra, một số đánh giá cho thấy việc bổ sung magie có thể làm giảm huyết áp đặc biệt là ở người lớn bị huyết áp cao.

Hen suyễn

Thiếu magie là phổ biến ở những người bị hen suyễn nặng. Tuy nhiên, bằng chứng về hiệu quả của việc bổ sung magie trong chế độ ăn uống ở những người mắc bệnh hen suyễn là không nhất quán.

Nhịp tim không đều

Rối loạn nhịp tim là một tác động nghiêm trọng tiềm tàng của tình trạng thiếu magie. Chứng loạn nhịp tim có thể không gây khó chịu khiến người mắc bệnh không quan tâm nó đúng mức. Trong những trường hợp nghiêm trọng, rối loạn nhịp tim có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc suy tim.

Hạ magie máu là gì? Những vấn đề cần biết về Hạ magie máu 1.png
Dấu hiệu Trousseau hoặc Chvostek dương tính gợi ý tình trạng hạ magie máu

Tác động của hạ magie máu đối với sức khỏe

Có khoảng 2 - 15% người Mỹ bị thiếu magie và tỷ lệ đó cao hơn nhiều ở bệnh nhân nằm viện và ICU, cũng như những người mắc bệnh tiểu đường hoặc nghiện rượu.

Biến chứng có thể gặp phải khi bị hạ magie máu

Mức magie thấp có thể gây ra chứng rối loạn nhịp tim gây tử vong chẳng hạn như xoắn đỉnh. Hơn nữa, hạ magie máu ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có nguy cơ rối loạn nhịp thất cao hơn trong vòng 24 giờ đầu. Ngoài ra, hạ magie máu cũng có thể gây ra chứng canxi hóa sụn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ khó chịu nào kể trên, bạn nên đến khám ngay tại các cơ sở y tế.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hạ magie máu

Thiếu hụt magie thường liên quan đến tình trạng suy giảm chức năng thận hoặc sự kém hấp thu ở đường tiêu hóa:

Mất qua đường niệu

Sử dụng thuốc lợi tiểu (lợi tiểu quai và thiazide), tăng canxi máu, sau khi cắt bỏ u tuyến cận giáp, nhiễm toan ceton (DKA), tăng tiết aldosterone, hormone tuyến giáp, hoặc vasopressin, sử dụng rượu,...

Mất qua dạ dày ruột

Hội chứng kém hấp thu, tiêu chảy mạn tính, phân mỡ, cầu nối ruột non, sử dụng thuốc ức chế bơm proton mạn tính,...

Cung cấp không đủ

Chế độ magie không đủ do nuôi ăn tĩnh mạch kéo dài, mang thai,... cũng gây nên tình trạng hạ magie máu.

Thuốc

Cyclosporine, amphotericin B hoặc aminoglycosides là những thuốc có thể làm hạ magie máu.

Bệnh di truyền

Hội chứng Gitelman: Tình trạng này xảy ra do đột biến lặn ở gen mã hóa chất đồng vận chuyển natri clorua nhạy cảm với thiazide (SLC12A3) ở ống lượn xa (DCT). Sự tái hấp thu magie qua tế bào trong DCT bị suy giảm, dẫn đến tăng tái hấp thu canxi, sau đó hạ canxi niệu và mất nước có xu hướng làm giảm huyết áp. Ngoài ra, mất nước sẽ kích hoạt hệ thống renin-angiotensin-aldosterone và tăng aldosteron sẽ làm tăng tiết kali để đổi lấy natri và hậu quả là hạ kali máu.

Hạ magie máu tăng canxi niệu: Đột biến ảnh hưởng đến sự tái hấp thu các ion magie và canxi ở nhánh lên dày của Henle (TAL) dẫn đến hạ magie máu tăng canxi niệu mà cuối cùng dẫn đến bệnh canxi thận hoặc bệnh thận mãn tính.

Hội chứng EAST: Tình trạng này xảy ra do đột biến mất chức năng ở gen mã hóa kênh kali, KCNJ10 (Kir4.1) trên màng đáy của DCT. Nó dẫn đến hạ magie máu, lãng phí muối, nhiễm kiềm chuyển hóa và hạ kali máu. Tuy nhiên, cơ chế này chưa được hiểu rõ.

Hạ magie máu là gì? Những vấn đề cần biết về Hạ magie máu 2.jpg
Hạ magie máu là một tình trạng gợi ý bệnh lý tại thận

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hạ magie máu?

Phụ nữ mang thai, nghiện rượu là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh này.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hạ magie máu

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Nằm viện với bệnh cảnh nặng;
  • Ăn qua đường tĩnh mạch;
  • Ăn kém;
  • Bệnh suy thận.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hạ magie máu

Một số xét nghiệm giúp chẩn đoán và tìm nguyên nhân gây hạ magie máu là:

Định lượng magie huyết thanh: Hạ magie máu được chẩn đoán bằng cách định lượng nồng độ magie huyết thanh.

Định lượng magie nước tiểu: Định lượng nồng độ magie nước tiểu trong 24 giờ là điều cần thiết để đánh giá chính xác sự hấp thụ và bài tiết magie. Nồng độ magie tăng trong nước tiểu cũng gợi ý bệnh lý tại thận.

Điện tim: Điện tim có thể thấy sóng QT kéo dài do ST dài, nhưng không có sóng U, sóng T và QT bình thường.

CT: Chụp cắt lớp vi tính sọ não có thể thấy hình ảnh vôi hóa hạch đáy, xương đặc hơn bình thường.

Hạ magie máu là gì? Những vấn đề cần biết về Hạ magie máu 3.jpg
Định lượng nồng độ magie trong máu để chẩn đoán tình trạng hạ magie máu

Điều trị hạ magie máu

Điều trị hạ magie máu phụ thuộc mức độ nặng của tình trạng hạ magie máu và nguyên nhân gây ra bệnh. Hạ kali máu hoặc hạ canxi máu cũng cần được quan tâm bên cạnh hạ magie máu vì những rối loạn điện giải này rất khó điều chỉnh nếu magie không được bù đủ.

Nguyên tắc chung:

  • Theo dõi nồng độ các ion khác trong quá trình điều trị.
  • Điều trị nguyên nhân.

Hạ magie có triệu chứng (co giật, rối loạn nhịp tim)

Tiêm hay truyền dung dịch MgSO4 với liều khởi đầu 35 - 50 mg/kg, sau đó lặp lại 4 - 6 giờ nếu cần thiết. Tiếp tục magie oxide hoặc gluconate 10 - 20 mg/kg/liều uống 3 - 4 lần/ngày trong 5 - 7 ngày sau đó, ngay cả khi magie trở về bình thường vì nồng độ Mg trong huyết thanh không phản ánh tổng lượng Mg dự trữ trong cơ thể.

Hạ magie không có triệu chứng

Magie oxide hoặc gluconate 10 - 20 mg/kg/liều trong 5 - 7 ngày, ngay cả khi Mg trở về bình thường. Tuy nhiên, sự hấp thu Mg qua đường tiêu hóa kém nên việc bổ sung quá nhiều có thể dẫn đến tiêu chảy nên cần dùng nhiều lần trong ngày.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến hạ magie máu

Điều trị và/hoặc kiểm soát các tình trạng tiềm ẩn có thể gây hạ magie máu có thể giúp ngăn ngừa các đợt bệnh xảy ra. Ví dụ, nếu bạn mắc bệnh celiac, việc duy trì chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt không chứa gluten có thể ngăn ngừa tình trạng kém hấp thu hạn chế tình trạng hạ magie máu. Khám sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện các bệnh lý liên quan đến hạ magie kịp thời, từ đó hạn chế diễn tiến bệnh.

Phòng ngừa hạ magie máu

Chưa có biện pháp phòng ngừa hạ magie máu đặc hiệu. Tuy nhiên, việc duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn hợp lý và tập thể dục đều đặn giúp nâng cao sức khỏe tổng thể nói chung.

Hạ magie máu là gì? Những vấn đề cần biết về Hạ magie máu 4.jpg
Chế độ ăn đầy đủ các nhóm chất giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh

Các câu hỏi thường gặp về hạ magie máu

Dấu Trousseau là gì?

Dấu Trousseau là sự co cổ tay đột ngột bằng cách giảm lượng máu cung cấp cho tay. Trên thực tế ta thực hiện đo huyết áp và giữ ở mức cao hơn huyết áp động mạch (HA tâm thu) 20 mmHg trong 3 phút.

Dấu Chvostek là gì?

Dấu Chvostek là co giật không chủ ý các ở cơ mặt khi ta kích thích dây thần kinh mặt bằng cách gõ nhẹ lên dây thần kinh mặt ở phía trước của ống tai ngoài.

Nguồn tham khảo
  1. Hypomagnesemia: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK500003/
  2. Hypomagnesemia: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23264-hypomagnesemia
  3. Hypomagnesemia: https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/hypomagnesemia
  4. What Is Hypomagnesemia?: https://www.webmd.com/children/what-is-hypomagnesemia
  5. What Is Hypomagnesemia?: https://www.verywellhealth.com/hypomagnesemia-5115837
  6. Magnesium deficiency symptoms, causes, and treatments: https://www.medicalnewstoday.com/articles/321735
  7. Signs and Symptoms of Magnesium Deficiency: https://www.healthline.com/nutrition/magnesium-deficiency-symptoms

Các bệnh liên quan

  1. Suy tim sung huyết

  2. U nguyên bào thần kinh đệm

  3. Nóng trong người

  4. Suy tim giai đoạn cuối

  5. Suy tim phải

  6. Say nắng

  7. Sốt siêu vi

  8. Phì đại tuyến vú

  9. Viêm lưỡi bản đồ

  10. Lỵ trực khuẩn